Hội thảo John Locke – Khảo luận thứ hai về chính quyền

Đây là hội thảo thứ 1 trong chuỗi Seminar được tổ chức đều đặn hàng tháng do nhóm Tinh Thần Khai Minh và NXB Tri Thức tổ chức, nhằm mục đích khuyến khích tinh thần học hỏi thông qua sách vở, đồng thời tạo dựng một môi trường trao đổi kiến thức và ý tưởng cho giới trẻ.

Trong buổi Seminar lần này, chúng tôi giới thiệu cuốn sách “Khảo luận thứ hai về chính quyền” của John Locke.

Hội thảo John Locke – Khảo luận thứ hai về chính quyền trả lời cho những câu hỏi chính:

1. Làm sao để biết cái gì thuộc sở hữu của mình ?
2. Tại sao chúng ta sống phải cần đến chính quyền ?
3. Đâu là nguồn gốc chân chính hình thành chính quyền ?

 

Thông tin hội thảoKhung chương trìnhGiới thiệu nội dungĐăng ký & Liên hệ

Đơn vị tổ chức:

Nhóm Tinh thần Khai Minh,

Nhà xuất bản Tri Thức,

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Thời gian: 14h00 đến 16h30 ngày 25 tháng 7 năm 2014

Địa điểm: Hội trường tầng 3, Liên hiệp các hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam, 53 Nguyễn Du, Hà Nội

Chủ trì: Giáo sư Chu Hảo

Điều phối & diễn giả: Nhóm Tinh thần Khai Minh

Khách mời: GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Chủ nhiệm bộ môn Luật Hiến Pháp – Hành chính, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội)

14h00: GS. Chu Hảo Phát biểu giới thiệu

14h05 – 14h25 : Trình bày về các vấn đề tổng quan, về trạng thái tự nhiên, trạng thái chiến tranh và tình trạng nô lệ – Mr. Chí (Nhóm Tinh thần Khai Minh)

14h25 – 14h55: GS.TS Nguyễn Đăng Dung trao đổi về cuốn sách

14h55 – 15h15: Trình bày các vấn đề về sở hữu – Mr. Thiên (Nhóm Tinh thần Khai Minh)

15h15 – 15h30: Trình bày về sự cần thiết cho việc hình thành chính quyền, cấu thành của chính quyền – Mr. Minh

15h30 – 16h30: Thảo luận

Thời gian gần đây, chúng ta đã và đang phải chứng kiến tình cảnh hỗn loạn và bạo lực diễn ra thường xuyên cho dù loài người đã có những lần giật mình thức tỉnh để từ đó thoát ra khỏi tình trạng bán khai man rợ.

Cuối năm 2010, “Mùa xuân Ả rập” tràn về các quốc gia của thế giới Ả rập với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tính phản đối chính quyền diễn ra rộng khắp. Và gần đây hơn là những sự kiện tương tự diễn ra ở Ukraina, Thái Lan, và Venezuela. Mỗi một lần như thế là hỗn loạn và đổ máu, là tước đi hạnh phúc của hàng triệu con người, là bệnh tật và nghèo đói.

Điều này khiến chúng ta không khỏi phải suy nghĩ rằng : Vì đâu loài người chúng ta phải sống trong tình cảnh bạo lực như vậy? Và chính quyền là gì đây? Liệu con người có quá tự do đến nỗi họ phải lập lên chính quyền để tự kìm kẹp lẫn nhau hay không? Liệu có người nào hay một giai tầng nào khi sinh ra đã tự hoàn thiện hơn tất cả để thống trị những người còn lại hay không? Và rằng trước một sự phân cực như vậy – giữa người dân và chính quyền thì bên nào mới nắm trong tay động cơ chân chính?

Những câu hỏi cơ bản này có thể còn xa lạ với một phần lớn nhân dân nhưng đã được triết gia John Locke trình bày và lí giải cặn kẽ trong luận văn “Khảo luận thứ hai về chính quyền” – một tác phẩm được xem là vĩ đại nhất của nền triết học chính trị và chính trị học nhân loại.
John Locke (1632 – 1704) sinh tại Wrinton, Vương quốc Anh, là một trong những triết gia vĩ đại nhất của châu Âu thế kỷ XVII. Locke có nhiều ảnh hưởng đến triết học, chính trị và đặc biệt là cống hiến của ông cho chủ nghĩa tự do. Tư tưởng tự do và khế ước xã hội của ông ảnh hưởng trực tiếp tới Voltaire, Montesquieu, và sau này tới cả những cha đẻ của Hợp chủng quốc Hoa kỳ như Alexander Hamilton, Jame Madison và Thomas Jefferson đồng thời là nền tảng tư tưởng cho hai cuộc cách mạng là cách mạng Hoa kỳ và cách mạng Pháp.

Khảo luận thứ hai về chính quyền với tựa phụ là Luận về Nguồn gốc, phạm vi và mục đích chân chính của chính quyền dân sự. Ở đó, Locke tập trung luận giải các luận điểm là nền tảng cơ bản để kiến lập một nhả nước dân sự toàn hảo với một văn phong sáng sủa, đơn giản nhưng rất chặt chẽ.

Sau khi đưa ra định nghĩa của mình về quyền lực chính trị trong chương I, Trong chương II cùa tác phẩm Locke đưa ra một trạng thái xã hội giả định là trạng thái tự nhiên, một trạng thái giống với xã hội sơ khai nguyên thủy không có nhà nước, chính quyền và cả quan tòa. Từ đó, Locke cho rằng trong một xã hội như vậy, mỗi cá nhân sinh ra đã tự bình đẳng như nhau, đều có quyền thụ hưởng những gì của tự nhiên cũng như quyền tự bảo toàn tính mạng, tự do và những gì là sở hữu của mình. Ở chương III và IV, Locke xác định trạng thái chiến tranh và trạng thái nô lệ. Trạng thái chiến tranh hình thành khi có người có ý định xâm phạm đến quyền sống của người khác. Khi đó, người này đã tự đặt mình vào trạng thái chiến tranh với người mà cuộc sống bị nhắm lấy đi. Tình trạng nô lệ là trạng thái người ta sống dưới quyền lực độc đoán của người khác, là sự tiếp tục của trạng thái chiến tranh giữa người đi chinh phạt và người thất trận, hoặc có thể là sự cưỡng ép bằng sức mạnh đưa người khác vào vòng lô nệ của mình.

Chương V -Sở hữu là một trong những chương nổi tiếng nhất và quan trọng nhất. Tại đây, Locke đã đưa ra nguồn gốc để xác lập quyền sở hữu và tư hữu, đó là từ lao động, khi mỗi cá nhân hòa trộn sức lao động của mình vào sản phẩm thô của tự nhiên tức là anh ta đã đánh dấu quyền sở hữu của mình lên nó, như việc ta đi khai hoang một mảnh đất vậy, sẽ không có ai xứng đáng hơn ta để trồng trọt trên đó. Từ chương VII đến chương XV, Locke tập trung vào lí giải về sự khởi đầu cho một xã hội chính trị và xã hội dân sự cùng với mục đích chân chính nhất của nó. Theo đó, mỗi người tự rời bỏ quyền lực tự nhiên của mình để trao vào tay cộng đồng, cộng đồng này có được sự ổn định và bảo đảm dựa trên những luật lệ được cơ quan lập pháp tối cao làm ra, và đây chính là cơ quan quyền lực cao nhất của xã hội dân sự. Mục đích chính nhất của chính quyền dân sự là bảo toàn quyền sống, quyền tự do, sức khỏe và sở hữu của nhân dân. Truy tố và trừng phạt bất kì ai xâm phạm vào luật lệ của cộng đồng.

Trong những phần cuối của khảo luận Locke đưa ra những kiến giải về quyền lực bạo chính và sự biến thể của một chính quyền dân sự chân chính thành quyền chuyên chế tàn bạo. Điều đó dẫn đến giải pháp rằng trong tình cảnh như thế nổi loạn là một hành động công chính. Người dân có quyền hành động với tư cách quyền lực tối cao và tự mình tiếp tục công việc lập pháp hoặc dựng lên một hình thức chính quyền mới.

Khảo luận thứ hai về chính quyền cùng với tư tưởng của John Locke cũng như các tác phẩm và tư tưởng của các triết gia khác thời khai sáng là sự chuẩn bị tư tưởng cho quá trình chuyển đồi lớn tại Châu Âu và Mỹ, mở ra một thời kỳ mới của sự công bằng xã hội. Và cho đến nay, loài người dù đã ở thế kỷ XXI nhưng vẫn chưa đạt đến kích thước mà Locke đã chỉ ra – Rằng Nhà nước, Chính quyền được lập lên chỉ với một mục đích chính nhất là bảo đảm được tính mạng, tự do, sở hữu của nhân dân, rằng hạnh phúc của nhân dân là luật tối cao. Ngẫm thấy tình trạng hỗn loạn hiện nay tại một số quốc gia là sự sai lầm từ cả hai phía chính quyền lẫn nhân dân. Chính quyền thì biến thể, dân chúng thì u tối. Như thế mới thấy rằng ta chỉ có thể nhận thức được những gì thực sự tốt đẹp cho mình khi có đủ trí tuệ để nhận biết nó. Một cộng đồng chỉ có thể xây dựng một chính quyền tốt nếu đó là một cộng đồng có văn hóa cao. Bởi thế cái gốc để chấm dứt bạo lực và chia rẽ là khai dân trí. Những điều bình dị nhất nhưng quan trọng nhất nằm ở những tác phẩm kinh điển của nhân loại.

Để BTC chuẩn bị được tốt nhất vui lòng đăng ký vào form sau thông tin và những thắc mắc của bạn trước hội thảo.

https://docs.google.com/forms/d/17dqngduT77vvnZ_B-ZPIw47taKPobQ4lw5GgVbIt5MM/viewform?usp=send_form

Ban Truyền thông Nhà xuất bản Tri thức
Email: seminar.trithuc@gmail.com

Ban Truyền thông nhóm Khai Minh
Email: tinhthankhaiminh@gmail.com

 

john-locke-76
john-locke-71
john-locke-65
john-locke-48
john-locke-46
john-locke-27
john-locke-25