Mục: Introduction: Development of Political Institutions to the French Revolution (Giới thiệu: Sự phát triển của các thiết chế chính trị cho đến cuộc cách mạng Pháp)
Sách: Political Order and Political Decay
Tác giả: Francis Fukuyama
Chuyển ngữ: Lâm Tiến Phát
Hiệu đính: Minh Anh (Nhóm Tinh Thần Khai Minh)
Hướng dẫn trích nguồn: Francis Fukuyama. 2014. Introduction: Development of Political Institutions to the French Revolution (Giới thiệu: Sự phát triển của các thiết chế chính trị cho đến cuộc cách mạng Pháp; bản dịch của Lâm Tiến Phát). Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy. Farrar, Straus and Giroux. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.
Tải về tại đây:
GIỚI THIỆU
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC THIẾT CHẾ CHÍNH TRỊ CHO ĐẾN CUỘC CÁCH MẠNG PHÁP
Tác giả: Francis Fukuyama
Chuyển ngữ: Lâm Tiến Phát
Hiệu đính: Minh Anh
Đầu tiên, hãy xem xét một số kịch bản rất khác nhau đã diễn ra trong những năm đầu của thập niên thứ hai ở thế kỉ XXI.
Năm 2013, tại Libya, một nhóm dân quân được vũ trang bằng vũ khí hạng nặng đã bắt cóc trong một thời gian ngắn thủ tướng của nước này – Ali Zeidan và yêu cầu chính phủ của ông ta cung cấp tiền chuộc cho chúng. Một nhóm vũ trang khác lại làm tê liệt nền khai thác dầu khí vốn gần như là nguồn thu duy nhất từ xuất khẩu. Trước đó thì một số nhóm phiến quân cũng đã chịu trách nhiệm về việc giết hại đại sứ Hoa Kỳ – Christopher Stevens tại Bengazi cũng như xả súng vào hàng chục người biểu tình phản đối sự chiếm đóng liên tục của các lực lượng này tại thủ đô Tripoli.
Những lực lượng này được hình thành từ nhiều nơi của đất nước nhằm chống lại nhà độc tài lâu năm của Libya, Muammar Qaddafi-người mà họ đã lật đổ vào năm 2011 – năm đầu tiên của phong trào Mùa xuân Ả rập với sự trợ giúp đắc lực từ NATO. Các cuộc biểu tình chống chính phủ độc tài nổ ra năm đó không chỉ ở Libya mà còn ở Tunisia, Ai Cập, Yemen, Syria và các quốc gia Ả Rập khác với đặc điểm thường thấy là được thúc đẩy bởi nhu cầu về một nền dân chủ rộng rãi hơn. Nhưng chỉ hai năm sau đó, giấc mơ về một nền dân chủ như ở Châu Âu hay Bắc Mỹ dường như vẫn rất xa vời. Libya chỉ mới bắt đầu những bước đi thận trọng trong việc thành lập quốc hội nhằm viết một hiến pháp mới cho đất nước. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất của quốc gia này ở thời điểm hiện tại là thiếu đi một nhà nước, một chính quyền trung ương nắm độc quyền trong việc thực thi vũ lực một cách hợp pháp trên toàn lãnh thổ nhằm duy trì hòa bình cũng như đảm bảo pháp luật.
Ở các phần khác của châu Phi, sự tuyên bố độc quyền sử dụng vũ lực của nhà nước chỉ tồn tại trên giấy tờ. Và dù có vẻ ít hỗn loạn hơn so với Libya, tuy nhiên những nhà nước đó rất yếu. Các nhóm Hồi giáo cực đoan bị đẩy khỏi Nam Á và Trung Đông đã và đang thiết lập sự hiện diện của chúng tại các quốc gia với chính phủ yếu kém như Mali, Niger, Nigeria và Somalia. Lý do mà những khu vực này quá nghèo nàn về thu nhập, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…so với các khu vực đang bùng nổ phát triển như Đông Á có thể truy nguyên trực tiếp đến việc nó không có các thiết chế nhà nước mạnh.
Trong cùng khoảng thời gian đó, một kịch bản rất khác biệt đã diễn ra tại Hoa Kỳ liên quan đến lĩnh vực tài chính. Xét trên nhiều khía cạnh thì Hoa Kỳ là một bức tranh trái ngược với bối cảnh chính trị của Libya thời hậu Quaddafi: quốc gia này sở hữu một chính quyền lớn mạnh và được thể chế hóa rất tốt, trải qua được hơn hai trăm năm tồn tại, sở hữu tính chính danh dân chủ sâu rộng. Nhưng chính phủ này lại đang hoạt động không tốt và những vấn đề của nó có thể liên quan đến việc nó đã được thể chế quá mức.
Trước cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008, đã có gần mười hai cơ quan liên bang có thẩm quyền điều chỉnh với các tổ chức tài chính, cũng như các cơ quan quản lý ngân hàng, bảo hiểm ở mỗi trong tổng số 50 bang. Tuy nhiên với tất cả những sự quản lý này, chính phủ Hoa Kỳ không hề mảy may nhận thức được cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn đang lờ mờ hiện ra, đã cho phép các ngân hàng gánh vác đòn bẩy tài chính quá mức đồng thời kích hoạt sự xuất hiện của bóng ma hệ thống ngân hàng khổng lồ được xây dựng xung quanh thị trường phái sinh và cuối cùng trở nên quá phức tạp so với giá trị thực của nó. Một số nhà bình luận cố gắng cáo buộc toàn bộ cuộc khủng hoảng đến từ các thế chấp được chính phủ bảo lãnh ở các cơ quan như Fannie Mae và Freddie Mac, trên thực tế điều này cũng có góp phần vào sự sụp đổ chung này.1 Tuy nhiên khối tư nhân lại là một thành phần tham gia hết sức tích cực trong guồng quay thế chấp điên cuồng đó bất chấp những rủi ro quá mức vì các ngân hàng lớn biết rằng họ sẽ được giải cứu bởi chính phủ khi rắc rối xảy đến. Đây chính xác là kịch bản đã xảy ra khi ngân hàng Lehman Brothers phá sản vào tháng 9 năm 2008, làm cho hệ thống thanh toán toàn cầu nằm trên bờ vực sụp đổ và đưa đến sự suy thoái lớn nhất của nền kinh tế Hoa Kỳ kể từ cuộc Đại suy thoái.
Tuy nhiên, những thứ gây sốc hơn lại đến từ câu chuyện xảy ra sau cuộc khủng hoảng. Mặc dù đã có nhận thức rộng rãi về nguy cơ rất lớn gây ra bởi các ngân hàng “quá lớn để sụp đổ”, ngành ngân hàng Hoa Kỳ hiện tại còn có qui mô lớn hơn so với thời điểm năm 2008. Trong vòng vài năm sau cuộc khủng hoảng, quốc hội đã thông qua đạo luật Dodd-Frank với kì vọng giải quyết được vấn đề này. Nhưng các nhà làm luật lại phớt lờ các biện pháp đơn giản, như tăng mạnh yêu cầu về vốn của ngân hàng hay đưa những dòng vốn cứng vào các định chế tài chính, thay vào đó họ đưa ra các qui định mới phức tạp hơn. Ba năm trôi qua, nhiều dự luật vẫn chưa được soạn thảo và có lẽ cũng không giải quyết được vấn đề “quá lớn để sụp đổ” ngay cả khi được hoàn thành.
Sự thất bại này được giải thích bởi hai nguyên nhân cơ bản. Đầu tiên đó là sự bảo thủ. Các ngân hàng đã lập luận rằng những quy định mới nhắm vào hoạt động của họ sẽ làm suy giảm hoạt động cho vay và do đó ngăn cản sự phát triển kinh tế và dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Những lí lẽ những vậy khá phù hợp nếu áp dụng vào các định chế phi tài chính như các ngành công nghiệp sản xuất. Các cử tri bảo thủ-những người không tin tưởng vào một “chính quyền lớn” thường bị thuyết phục bởi lập luận đó. Thế nhưng theo các học giả như Anat Admati và Martin Hellwig đã chỉ ra, các ngân hàng lớn rất khác biệt so với các tổ chức phi tài chính do khả năng làm tổn hại đến phần còn lại của nền kinh tế theo những cách mà không công ty sản xuất nào có thể.2 Lý do thứ hai của sự thất bại là các ngân hàng thường rất giàu có và quyền lực nhờ vậy có khả năng sử dụng hàng loạt những nhà vận động hành lang với chi phí cao để làm lợi cho ý đồ của họ. Bất chấp sự tức giận dữ dội của người dân đối với ngành ngân hàng và các gói cứu trợ tài chính từ tiền thuế của dân, những nhà vận động hành lang này đã thành công trong việc ngăn chặn một quy định đánh trực diện vào trung tâm của vấn đề “quá lớn để sụp đổ” này. Một số nhà lập pháp có thể đã nhận thấy những lập luận chống đối này hoàn toàn dựa trên niềm tin duy ý chí của chính các ngân hàng, một số khác thì coi những lập luận này là chiếc khiên hữu dụng để bảo vệ nguồn tài trợ từ phía các ngân hàng cho các chiến dịch vận động tranh cử của họ.3
Một kịch bản thứ ba diễn ra đó là các cuộc phản đối diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil năm 2013. Cả hai quốc gia đều là các nước dẫn đầu trong các nền kinh tế mới nổi, chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong thập niên trước đó và không giống như các chế độ độc tài Ả Rập, cả hai đều sở hữu nền dân chủ với những cuộc bầu cử đầy tính cạnh tranh. Thổ Nhĩ Kỳ nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Công lý và Phát Triển Hồi giáo (AKP: theo chữ cái đầu trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ) mà lãnh đạo là thủ tướng Recep Tayyip Erdogan – cựu thị trưởng thành phố Istanbul. Còn tổng thống dân cử Brazil là bà Dilma Rousseff, người xuất thân từ đảng Xã hội và đã bị cầm tù khi còn trẻ bởi các nhà độc tài quân sự cai trị đất nước trong thời gian 1964 đến 1985.
Mặc dù có những thành tựu kinh tế và chính trị ấn tượng, hai quốc gia đều bị rung chuyển trong thời gian ngắn với các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề xoay quanh một công viên ở Istanbul mà chính phủ muốn biến thành trung tâm thương mại. Nhiều người phản đối trẻ tuổi cảm thấy rằng ông Erdogan với trách nhiệm thực thi dân chủ, đã có khuynh hướng độc tài và hoàn toàn không lắng nghe thế hệ trẻ người Thổ. Còn tại Brazil, vấn đề đó là tình trạng tham nhũng và thất bại của chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản thiết yếu, trong khi lại chi ra đến hàng tỉ đôla để tổ chức World Cup và Olympic mùa hè.
Có một điểm chung giữa các cuộc biểu tình này và phong trào mùa xuân Ả Rập diễn ra hai năm trước đó là được dẫn dắt chủ yếu bởi tầng lớp trung lưu. Như là kết quả tất yếu của sự phát triển kinh tế diễn ra ở thế hệ trước, một tầng lớp trung lưu mới xuất hiện ở cả hai đất nước, những người này có những kì vọng cao hơn so với thời cha mẹ của họ. Tunisia và Ai Cập có mức độ phát triển thấp hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ hay Brazil nhưng cả hai đều có một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp với những hi vọng về công việc và sự nghiệp tuy nhiên lại bị ngăn trở bởi vấn nạn “con ông cháu cha” trong chính phủ chuyên quyền. Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đã tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ nhưng không đủ để làm hài lòng những người phản đối. Chính phủ thực sự phải mang đến những kết quả tốt hơn nếu muốn được coi là chính danh và cần phải linh hoạt hơn, đáp ứng tốt hơn với những thay đổi từ nhu cầu của cộng đồng. Trung Quốc – một câu chuyện thành công về kinh tế, cũng phải bắt đầu đối mặt với những thách thức tương tự từ tầng lớp trung lưu khi số lượng hiện đã lên hàng trăm triệu. Do được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của đất nước so với thế hệ trước, tầng lớp này, tương tự như ở những nơi khác, có những kì vọng cao hơn về chính phủ. Sự tồn tại của hệ thống chính trị ở các quốc gia này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ mà họ có thể thích ứng với những bối cảnh xã hội mới được tạo ra do tăng trưởng kinh tế.
VẤN ĐỀ VỚI CHÍNH PHỦ
Ba ví dụ kể trên dường như là những trường hợp rất khác biệt, nơi mà vấn đề được chi phối bởi bối cảnh lịch sử, các chính sách cụ thể cũng như các cá nhân. Nhưng thực tế chúng được liên kết bởi một chủ đề phổ quát được xem như là điều kiện nền tảng trong đời sống chính trị: các thiết chế chính trị. Các thiết chế là các mô hình hành vi ổn định, có giá trị, kéo dài vượt ra khỏi nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo.4 Về bản chất, chúng là những quy tắc để định hình, giới hạn và tạo nên hành vi người dân. Vấn đề thời hậu Gaddafi ở Libya là thiếu đi các thiết chế chính trị cơ bản, đáng chú ý đó là một nhà nước. Cho đến khi có một chính phủ trung ương duy nhất độc quyền thực thi vũ lực một cách hợp pháp tại nước này, thì sẽ không có bất cứ một sự an toàn cho công dân nào cũng như không hề có điều kiện cho sự phát triển cá nhân.
Ngược lại, Hoa Kỳ sở hữu những thiết chế chính trị lâu đời và quyền lực nhưng họ lại phải chịu sự suy thoái chính trị. Các thiết chế chính phủ có nghĩa vụ phục vụ các mục đích cộng đồng đã bị kiểm soát bởi các nhóm lợi ích tư nhân quyền lực, đến nỗi mà đa số đảng Dân chủ (ở Quốc hội) có một thời gian khó khăn để khẳng định quyền kiểm soát của họ. Và vấn đề không chỉ là tiền và quyền lực, họ còn phải đối mặt với sự cứng nhắc trong chính những qui tắc và những ý tưởng ủng hộ các thiết chế này.
Cuối cùng, đối với các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, vấn đề là các thay đổi của xã hội đã vượt khỏi tầm với các thiết chế đang tồn tại. Về định nghĩa, các thiết chế chính trị là những hình mẫu ổn định của hành vi được tạo ra dựa trên sự đáp ứng với yêu cầu ở một thời điểm lịch sử nhất định. Nhưng các xã hội, đặc biệt ở những xã hội đã trải qua sự phát triển nhanh chóng, không hề đứng yên. Chúng tạo ra những tầng lớp mới, giáo dục các công dân của họ và tiếp thu những công nghệ mới mà có thể làm thay đổi bản chất cộng đồng. Các thiết chế đang tồn tại thường thất bại trong việc dung hòa với những tác nhân mới này và như một kết cục tất yếu, chúng phải chịu một áp lực thay đổi.
Các nghiên cứu về sự phát triển – tức là, sự thay đổi của xã hội con người theo thời gian – không chỉ là một danh mục bất tận các sự kiện, cá nhân, xung đột hay chính sách mà quan trọng hơn phải tập trung vào các quá trình qua đó các thiết chế chính trị xuất hiện, phát triển và tan rã. Nếu chúng ta muốn hiểu rõ sự thay đổi nhanh chóng trong phát triển kinh tế, chính trị của thế giới hiện tại, cần thiết phải đặt chúng vào bối cảnh câu chuyện dài hạn về các cấu trúc thể chế cơ bản của các xã hội.
Quyển sách này là phần bổ sung cho quyển “Các nguồn gốc của trật tự chính trị: từ thời kì tiền sử cho đến cách mạng Pháp”. Dự án này là một nỗ lực viết lại và cập nhật tác phẩm kinh điển của Samuel P.Huntington “Trật tự chính trị trong các xã hội đang thay đổi”, xuất bản lần đầu năm 1968. Tên sách hiện tại được lấy từ chương đầu tiên của tác phẩm đó, vốn dựa trên một bài báo đăng lần đầu trên World Politics. Những cố gắng của tác giả Huntington đã đóng góp rất quan trọng trong việc giúp mọi người hiểu được sự phát triển chính trị là một quá trình độc lập với phát triển kinh tế, xã hội và do đó trước khi một thể chế trở nên dân chủ, nó phải cung cấp được một trật tự cơ bản. Dù có những khác biệt về hình thức và nội dung giữa quyển sách của Huntington và tác phẩm của tôi, nhưng cuối cùng đều đi đến chung một kết luận căn bản. Tập một đã cung cấp một sự giải thích về nguồn gốc bộ ba phận cốt lõi của các thiết chế chính trị: nhà nước, pháp quyền và các phương thức thúc đẩy sự giải trình dân chủ. Nó giải thích cách thức các thiết chế này xuất hiện một cách riêng rẽ hay đồng thời hoặc không xuất hiện, ở Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và Châu Âu. Với những bạn đọc chưa có dịp tiếp cận với Tập một, những phần sau đây sẽ tóm tắt lại các vấn đề đó.
NHỮNG ĐỘNG VẬT XÃ HỘI
Tập đầu tiên mở đầu với loài linh trưởng – tổ tiên xa xưa của loài người – mà không phải với các xã hội nguyên thủy, bởi vì trật tự chính trị có gốc rễ từ bản chất sinh học của con người. Trái ngược với những lý thuyết của các triết gia như Jean-Jacques Rousseau hay các nhà kinh tế học tân cổ điển ngày nay, khoa học đã chứng minh rằng loài người không hề khởi đầu là các cá thể đơn độc rồi sau đó dần hình thành nên các cộng đồng trong quá trình lịch sử. Loài người hiện đại xuất hiện tại châu Phi khoảng năm mươi ngàn năm trước đã được tổ chức theo kiểu xã hội ngay từ đầu, giống như tổ tiên linh trường của họ.
Tập tính xã hội của loài người vốn được xây dựng xung quanh hai hiện tượng: lựa chọn theo huyết thống và chủ nghĩa vị tha tương hỗ. Hiện tượng đầu tiên là một khuôn mẫu bắt gặp ở động vật sinh sản hữu tính, đó là xu hướng cư xử tử tế với nhau dựa trên số lượng các gien mà chúng chia sẻ chung, thể hiện ở lối gia đình trị và sự ưa thích những cá thể cùng huyết thống. Kế đó, chủ nghĩa vị tha tương hỗ liên quan đến việc trao đổi các vật phẩm hay tài nguyên có lợi giữa các nhân không liên quan huyết thống trong cùng một loài hoặc đôi khi giữa các cá thể khác loài. Cả hai hành vi này đều không phải do học được mà đã được ghi ở trong gien và xuất hiện một cách tự nhiên khi các cá nhân tương tác với nhau.
Loài người, nói cách khác, là những động vật có tính xã hội về bản chất. Nhưng đặc tính xã hội của họ là một dạng cụ thể của lòng vị tha đối với gia đình (có quan hệ huyết thống) và bạn bè (những cá nhân cùng trao đổi lợi ích). Hình thức cơ bản của đặc tính xã hội này là hiện tượng phổ quát chung ở tất cả các nền văn hóa và giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên đặc tính xã hội có thể bị vượt qua với sự phát triển của những thiết chế chính trị mới sẵn sàng ưu đãi cho những dạng hành vi mới (ví dụ, ủng hộ một người xa lạ nhưng có trình độ cao thay vì một người có quan hệ thân thiết), nhưng đây là một dạng quan hệ xã hội mà nếu các thiết chế này tan rã thì con người sẽ luôn trở về với đặc tính xã hội của họ.
Con người là những sinh vật sáng tạo ra qui tắc và tuân thủ nó. Họ tạo ra các luật lệ cho chính họ để điều chỉnh các tương tác xã hội cũng như cho phép các hành động tập thể của các nhóm hay tổ chức. Mặc dù những luật lệ này có thể được thiết kế hay đối thoại theo cách hợp lý, hành vi tuân theo qui tắc thường không dựa trên cơ sở duy lý mà là trên cảm xúc như tự hào, cảm giác tội lỗi, tức giận, xấu hổ. Các qui tắc này thường được trao cho một giá trị nội tại hoặc thậm chí được tôn sùng như các giới luật của tôn giáo trong nhiều cộng đồng. Vì một thiết chế không là gì ngoài một quy tắc tồn tại theo thời gian do đó con người có xu hướng thiết chế hóa các hành vi của họ. Bởi vì các giá trị nội tại mà chúng được gán cho, các thiết chế có xu hướng rất bảo thủ, nghĩa là, chống lại sự thay đổi.
Trong khoảng 40.000 năm đầu tiên của loài người, con người được tổ chức thành các xã hội thị tộc, phần lớn các thành viên trong đó có mối quan hệ huyết thống, cùng nhau săn bắt và hái lượm. Sự chuyển dịch tổ chức lớn đầu tiên diễn ra có lẽ vào khoảng 10.000 năm trước với việc thay đổi từ các xã hội thị tộc sang các xã hội bộ lạc, được tổ chức trên niềm tin về sức mạnh của tổ tiên đã khuất cũng như con cháu chưa sinh ra. Chúng ta thường gọi đây là xã hội bộ lạc, còn những nhà nhân chủng học thì thường sử dụng khái niệm “segmentary lineages” để chỉ những con người có chung tổ tiên xa xưa nhưng qua nhiều thế hệ bị thất lạc. Những xã hội bộ lạc này đã từng tồn tại ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hi Lạp, Rome, Trung Đông, Châu Mỹ thời tiền Columbus và ở những tổ tiên German của châu Âu hiện đại.
Xã hội bộ lạc không có thiết chế với quyền lực tập trung. Tương tự như xã hội thị tộc, họ có xu hướng bình đẳng rất cao và không có sự củng cố luật của bên thứ ba. Họ phổ biến hơn so với xã hội thị tộc phần lớn là vì họ có thể mở rộng đến quy mô lớn hơn bằng việc vượt qua giới hạn về một tổ tiên chung. Cả hai hình thức xã hội này đều bắt nguồn từ quan hệ huyết thống và sinh học. Nhưng sự dịch chuyển sang tổ chức bộ lạc yêu cầu sự xuất hiện của các ý tưởng tôn giáo, niềm tin vào khả năng của tổ tiên có thể ảnh hưởng đền sức khỏe và hạnh phúc của con người hiện tại. Đây là ví dụ đầu tiên về việc ý tưởng có thể đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển.
SỰ XUẤT HIỆN CỦA NHÀ NƯỚC
Sự chuyển dịch chính trị quan trọng kế tiếp là từ xã hội bộ lạc sang xã hội cấp nhà nước. Một nhà nước, trái ngược với thị tộc hay bộ lạc, sở hữu độc quyền cưỡng chế hợp pháp và thực thi quyền lực trên một lãnh thổ xác định. Bởi vì được tập trung và phân cấp, các nhà nước có xu hướng tạo ra sự bất bình đẳng xã hội cao hơn so với các dạng tổ chức vốn dựa trên quan hệ huyết thống trước đó.
Có hai kiểu nhà nước nhà nước lớn. Đầu tiên là “nhà nước thân hữu” theo mô tả của nhà xã hội học Max Weber, chính quyền được coi như một dạng tài sản của nhà cầm quyền và quản lý nhà nước về cơ bản là một dạng mở rộng của gia đình kẻ cai trị. Các đặc tính xã hội – dựa trên tín nhiệm đối với gia đình và bạn bè luôn hiện diện ở các nhà nước thân hữu này. Ngược lại, nhà nước hiện đại không thuộc về bất cứ cá nhân nào, mối quan hệ của công dân với nhà cầm quyền không phụ thuộc vào quan hệ huyết thống mà chỉ đơn thuần dựa trên địa vị của họ với tư cách là công dân. Quản lí nhà nước không phụ thuộc vào gia đình hay bạn bè mà dựa trên các tiêu chí đạo đức, giáo dục, kiến thức kĩ thuật khi tuyển dụng.
Có nhiều giả thuyết về sự thành lập nhà nước “nguyên thủy”, nhà nước đầu tiên sau xã hội bộ lạc. Luôn có những yếu tố tương tác tồn tại trong đó, như lượng nông sản dư thừa, kĩ thuật hỗ trợ và mật độ dân số ở mức độ nhất định. Tiếp theo là giới hạn vật lí được gọi là “nhà tù tự nhiên” là những giới hạn lãnh thổ không thể đi qua như núi non, sa mạc, đường thủy cho phép kẻ cai trị thực thi quyền lực cưỡng chế trên toàn bộ thần dân và ngăn chặn nô lệ chạy trốn. Nhà nước thân hữu bắt đầu hình thành ở nhiều nơi trên thế giới vào khoảng 8000 năm trước, chủ yếu ở các thung lũng phù sa màu mỡ ở Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Quốc và thung lũng Mexico.
Sự phát triển của nhà nước hiện đại thực tế đòi hỏi những chiến lược cụ thể để chuyển đổi tổ chức chính trị từ các tổ chức dựa trên gia đình và bạn bè sang các tổ chức không dựa trên cá nhân. Trung Quốc là nền văn minh đầu tiên trên thế giới thành lập nhà nước hiện đại – “phi thân hữu”, trước khi các tổ chức chính trị tương tự xuất hiện ở châu Âu 18 thế kỉ. Nhà nước tại Trung Quốc phải đối mặt với tình huống tương tự như các nhà nước cận đại ở châu Âu đó là:các cuộc chiến kéo dài và lan rộng. Chiến tranh là động lực để thu thuế từ dân thường, tạo ra sự phân cấp quản lí để trang bị cho quân đội và thành lập tiêu chuẩn tuyển chọn, thăng chức dựa trên chiến công, tài năng thay vì mối quan hệ cá nhân. Theo lời của nhà xã hội học Charels Tilly: ”Chiến tranh tạo nên nhà nước và nhà nước tạo ra chiến tranh.”
Những nhà nước hiện đại tránh xa bạn bè và gia đình trong quá trình tuyển dụng. Trung Quốc đã thực hiện điều này bằng việc đề xướng kì thi tuyển quan chức vào khoảng thế kỉ thứ ba trước công nguyên, mặc dù nó không được sử dụng thường xuyên cho đến những triều đại sau này. Người Ả Rập và Ottoman lựa chọn một phương pháp khác: thể chế nô lệ quân sự-trai tráng bị bắt giữ ở các vùng đất ngoại bang, cách ly khỏi gia đình, rèn luyện thành các chiến binh và quản lí trung thành với lãnh đạo, không hề có mối liên hệ nào với cộng đồng xung quanh. Tại châu Âu, vấn đề này được giải quyết ở cấp cộng đồng chứ không phải ở cấp độ chính trị: vào thời kì đầu trong thời Trung cổ, Giáo hội Công giáo đã thay đổi các quy tắc về kế thừa, điều này khiến các nhóm thân hữu khó truyền lại các nguồn lực cho các gia đình rộng lớn của họ. Như một kết quả tất yếu, kiểu tổ chức theo quan hệ huyết thống trong các bộ tộc man rợ ở Đức đã tan rã trong vòng một thế hệ và một số trong đó cải sang Kito Giáo. Quan hệ huyết thống cuối cùng được thay thế bằng một mối quan hệ xã hội hiện đại hơn dựa trên hợp đồng pháp lý, hay dưới một tên khác đó là chế độ phong kiến.
PHÁP QUYỀN
Pháp quyền, được hiểu là những qui tắc ràng buộc kể cả với các tác nhân quyền lực nhất trong một xã hội, có nguồn gốc từ tôn giáo. Chỉ thẩm quyền tôn giáo mới có khả năng tạo ra các qui tắc mà các chiến binh phải tôn trọng. Các thiết chế tôn giáo trong nhiều nền văn hóa về cơ bản là những tổ chức pháp lý chịu trách nhiệm giảng thích những văn bản thần thánh, đem lại cho họ quyền phán xét đạo đức với phần còn lại của xã hội. Do đó ở Ấn Độ, tầng lớp tu sĩ Bà La Môn được coi là có thẩm quyền cao hơn so với Kshatriyas, các chiến binh nắm quyền lực chính trị thực tế, một vị vua hay vương công phải có sự công nhận của tu sĩ trước khi bắt đầu cai trị. Tương tự với Hồi giáo, luật Sharia được điều hành bởi hệ thống riêng biệt gồm các học giả được phân cấp gọi là Ulama, một mạng lưới thẩm phán hoặc qadis làm công việc thi hành luật tôn giáo mỗi ngày. Mặc dù những Khalip đầu tiên thuống nhất quyền lực chính trị và tôn giáo vào cùng một người, nhưng trong những giai đoạn khác của Hồi giáo, Khalip và Sultan là những người khác nhau và Khalip có thể kiểm soát hành động của các Sultan.
Pháp quyền được thể chế hóa sâu rộng nhất ở Tây Âu, do vai trò của Giáo hội Công Giáo Rô-ma. Chỉ trong nền văn hóa phương Tây, nhà thờ mới nổi lên như một thực thể chính trị tập trung, phân cấp và giàu nguồn lực mà hoạt động có thể ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh chính trị của các vua và hoàng đế. Sự kiện chính yếu đánh dấu sự tự chủ của nhà thờ là xung đột trong lễ phong chức bắt đầu từ thế kỷ 11. Cuộc đụng độ này đã thử thách sức mạnh của nhà thờ đối với các Hoàng đề La Mã Thần thánh, thông qua việc sự can thiệp của Hoàng đế đối với vấn đề tôn giáo. Cuối cùng, nhà thờ đã giành được quyền phong chức cho các linh mục và giám mục của mình, và đóng vai trò là người bảo vệ luật lệ La mã dựa trên Bộ luật Justinianus từ thế kỉ thứ thứ 6 hay còn gọi là Corpus Juris Civilis. Người Anh cũng phát triển một hệ thống luật với sức mạnh tương tự: Thông luật xuất hiện sau cuộc xâm lược của người Norman nằm ngoài luật của nhà vua. Luật này ít được ủng hộ bởi nhà thờ hơn là bởi các nhà vua – những người thường sử dụng quyền lực của mình để thực thi công lý qua đó củng cố tính hợp pháp của họ.
Do đó ở Tây Âu, luật pháp là thiết chế đầu tiên xuất hiện trong ba thiết chế chính. Trung Quốc chưa bao giờ phát triển một tôn giáo siêu nhiên, có lẽ vì lý do này, mà nó chưa bao giờ phát triển một nền pháp quyền thực sự. Ở đó, nhà nước xuất hiện đầu tiên và cho đến nay luật pháp không bao giờ tồn tại nhằm hạn chế quyền lực chính trị. Ở châu Âu, trình tự bị đảo ngược lại: luật pháp có trước sự ra đời của các nhà nước hiện đại. Khi các quốc vương châu Âu khao khát quyền lực như các hoàng đế Trung Quốc, bằng việc tạo ra các nhà nước tập quyền tuyệt đối vào cuối thế kỉ XVI, họ phải chống lại bối cảnh của một trật tự pháp luật đang tồn tại vốn giới hạn quyền lực của họ. Kết quả là có rất ít vương quốc châu Âu có được sự tập trung quyền lực như Trung Quốc, mặc dù họ rất mong muốn như vậy. Chỉ có ở Nga, nơi mà nhà thờ Chính thống luôn phụ thuộc vào nhà nước mới xuất hiện thể chế như vậy.
GIẢI TRÌNH DÂN CHỦ
Yếu tố cuối cùng trong bộ ba các thiết chế đó là giải trình dân chủ. Cơ chế trung tâm của giải trình, quốc hội, tiến hóa từ thiết chế đẳng cấp phong kiến, được biết đến với nhiều cái tên như Cortes, Diet, tòa án tối cao, zemskiy sobor hoặc như ở Anh là nghị viện. Những thiết chế này đại diện cho giới tinh hoa trong xã hội – quý tộc thượng lưu, trung lưu và trong một một vài trường hợp là giai cấp tư sản ở những thành phố độc lập. Dưới những luật lệ phong kiến, vua chúa được yêu cầu phải viện tới các tổ chức này nếu muốn tăng thuế, bởi vì họ đại diện cho giới tinh hoa nắm giữ tài sản trong các xã hội ruộng đất thời đó.
Bắt đầu từ cuối thế kỉ XVI, những vị vua tham vọng triển khai những thuyết mới về chủ quyền tuyệt đối, đã tiến hành nhiều chiến dịch làm suy yếu quyền lực của các tổ chức này nhằm giành lại quyền đánh thuế trực tiếp. Trong từng quốc gia châu Âu, cuộc đấu tranh diễn ra trong hai thế kỷ tiếp theo. Ở Pháp và Tây Ban Nha, chế độ quân chủ thành công trong việc làm giảm bớt quyền lực của các đẳng cấp, mặc dù họ vẫn chịu sự ràng buộc vào hệ thống luật lệ hiện hành vốn tiếp tục hạn chế khả năng của họ trong việc bòn rút tài sản của tầng lớp tinh hoa. Ở Ba Lan và Hungary, thành phần này đã chiến thắng nhà vua, tạo ra những nhà nước trung ương yếu bị chi phối bởi giới tinh hoa tham lam và sau đó bị chinh phục bởi các quốc gia láng giềng. Ở Nga, các đẳng cấp và giới tinh hoa ủng hộ họ được tổ chức kém hơn so với các nước Tây Âu, luật pháp cũng có sức ảnh hưởng yếu hơn; do đó một hình thức nhà nước tập quyền chuyên chế đã hình thành ở đây.
Duy nhất ở Anh mới xuất hiện sự đấu đá thực sự giữa vua và các đẳng cấp. Khi các vị vua Stuart đầu tiên tìm cách xây dựng quyền lực chuyên chế, họ nhận thấy mình bị ngăn chặn bởi Nghị viện được tổ chức tốt và sở hữu quân đội. Nhiều thành viên của tổ chức này là những người Kháng cách tin vào một nhà nước của giai cấp bình dân, trái ngược với nhà thờ Anh giáo của đức vua. Những lực lượng ủng hộ Nghị viện đã gây ra nội chiến, sau đó chặt đầu vua Charles I và hình thành chế độ độc tài Nghị viện dưới sự lãnh đạo của Oliver Comwell trong một thời gian ngắn. Cuộc xung đột này tiếp tục qua thời kì Khôi phục và lên đến đỉnh điểm ở cuộc cách mạng Vinh Quang (1688-1689), khi triều đại Stuart bị lật đổ và một vị vua mới, William xứ Orange, đã đồng ý sự dàn xếp theo hiến pháp nhấn mạnh nguyên tắc “không đánh thuế nếu không có đại diện”.
Đi cùng với William và vợ ông Mary từ Hà Lan đến Luân Đôn là triết gia John Locke, người viết Khảo luận Thứ Hai về Chính quyền đã đề ra nguyên tắc cho rằng việc tuân theo sự cai trị phải dựa trên sự đồng thuận của người dân. Locke cho rằng quyền là tự nhiên và có sẵn trên con người. Chính phủ tồn tại chỉ để bảo vệ những quyền này và có thể bị thay thế nếu họ xâm phạm nó. Những nguyên tắc này – không đánh thuế nếu không có đại diện và sự đồng thuận của người dân – sẽ trở thành lời kêu gọi của thuộc địa Hoa Kỳ khi họ chống lại chính quyền thực dân Anh gần một thế kỉ sau đó vào năm 1776. Thomas Jefferson đã kết hợp những ý tưởng của Locke về quyền con người vào Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ và ý tưởng về chủ quyền nhân dân trở thành nền tảng của Hiến pháp được phê duyệt năm 1789.
Trong khi những trật tự chính trị này thiết lập nguyên tắc giải trình, cả Anh vào năm 1689 và Hoa Kỳ vào năm 1789 đều không được xem là sở hữu một nền dân chủ hiện đại. Quyền bầu cử chỉ giới hạn cho những địa chủ da trắng đại diện cho một phần rất nhỏ của toàn bộ dân chúng. Cả cuộc cách mạng Vinh quang cũng như cách mạng Hoa Kỳ đều không tạo nên được cuộc cách mạng xã hội thực sự. Cách mạng Hoa Kỳ được dẫn dắt bởi tầng lớp thương gia, quý tộc, chủ đồn điền- những người kiên quyết bảo vệ các quyền mà vua Anh đã vi phạm. Giới tinh hoa này vẫn nắm quyền lãnh đạo sau khi giành được độc lập, là những người soạn thảo và phê chuẩn hiến pháp mới của quốc gia.
Tuy nhiên nếu tập trung vào những giới hạn này, là không đánh giá đúng những chuyển động chính trị mà trật tự mới tại nước Mĩ vừa thiết lập cũng như sức mạnh to lớn của ý tưởng. Tuyên ngôn Độc lập đã tuyên bố rằng: ”Mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa ban cho họ những quyền bất khả xâm phạm nhất định.” Hiến pháp trao quyền tối cao không phải cho một vị vua hay một nhà nước vô hình mà là cho “Chúng ta, nhân dân”. Những văn bản này không tìm cách tái tạo một xã hội phân chia đẳng cấp của nước Anh ở Bắc Mỹ. Thực tế dù còn nhiều rào cản về chính trị và xã hội cho sự bình đẳng ở Hoa Kỳ trong suốt hai thế kỉ tiếp, gánh nặng sẽ đặt lên vai những ai đòi hỏi đặc quyền cho tầng lớp cụ thể là biện minh làm sao cho nó có thể phù hợp với các tín điều đã hình thành nên quốc gia. Đây cũng là lý do giải thích vì sao quyền bầu cử được mở rộng cho tất cả đàn ông da trắng chỉ sau một thế hệ sau khi Hiến pháp được phê chuẩn, sớm hơn rất nhiều so với bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu.
Tuy nhiên vẫn có những mâu thuẫn giữa các nguyên tắc lập quốc và thực tế xã hội, đạt đến đỉnh điểm vào khoảng một thập niên trước Nội chiến, khi những người miền Nam bảo vệ cho chế độ nô lệ của họ, bắt đầu đưa ra những lập luận cho lí do tại sao việc loại trừ và phục tùng của người da đen là hợp lí về mặt đạo đức và chính trị. Số khác sử dụng các lí lẽ tôn giáo, hay sự ưu việt “tự nhiên” giữa các chủng tộc hay dựa trên chính các cơ sở của nền dân chủ. Stephen Douglas trong những tranh luận với Abraham Lincohn đã nói rằng ông không quan tâm mọi người biểu quyết thế nào về chế độ nô lệ, nhưng ý chí dân chủ phải chiến thắng.
Lincoln, cuối cùng, đã ra luận điểm mang tính quyết định rằng cần thiết phải tuân theo những nguyên tắc lập quốc. Ông cho rằng một quốc gia dựa trên nguyên tắc về sự bình đẳng chính trị và quyền con người không thể tồn tại nếu dung túng cho một mâu thuẫn hiển nhiên như chế độ nô lệ. Như chúng ta đã biết, phải mất hàng thế kỷ sau Nội chiến và tuyên bố bãi bỏ chế độ nô lệ, những người Mỹ gốc Phi mới giành được quyền chính trị và pháp lý như họ đã được hứa hẹn thông qua Tu chính án thứ 15. Cuối cùng đất nước cũng đi đến hiểu rằng sự bình đẳng được tuyên bố trong bản Tuyên ngôn không thể tương thích với những luật lệ biến một số người thành các công dân hạng hai.5
Nhiều phong trào xã hội khác nổi lên sau đó, đã mở rộng cho nhiều người được hưởng các quyền tự nhiên và sau đó là các quyền chính trị – công nhân, phụ nữ, thổ dân và những nhóm chịu thiệt thòi khác. Nhưng trật tự chính trị được thành lập sau cuộc cách mạng Vinh quang và cách mạng Mỹ – sự chịu trách nhiệm của hành pháp với cơ quan lập pháp mang tính đại diện và với toàn thể xã hội nói chung – chứng tỏ có sự bền vững đáng kinh ngạc. Không ai sau đó cho rằng chính phủ không chịu trách nhiệm trước “người dân”, những tranh luận và xung đột sau đó hầu như chỉ xoay quanh các vấn đề ai mới được xem là công dân, mà phẩm giá của họ được đi cùng với sự tham gia vào hệ thống chính trị dân chủ.
CÁCH MẠNG PHÁP
Một cuộc cách mạng lớn khác vào cuối thế kỉ 18, diễn ra ở Pháp. Hàng gallon mực đã đổ ra để mô tả và diễn giải cho sự kiện chấn động này, và những con cháu sau đó của những người ở các phe đối lập vẫn không thể giải quyết những tranh cãi cay đắng mà nó đã dấy lên.
Có thể là bất ngờ với nhiều người, khi khá nhiều nhà quan sát từ Edmund Burke tới Alexis de Tocqueville cho đến nhà sử học François Furet đã đặt câu hỏi liệu cuộc cáng mạng có đem lại hậu quả như mọi người vẫn nghĩ.6 Cuộc cách mạng được bắt đầu bằng Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, tương tự như Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, đã đặt ra quan điểm phổ quát về các quyền con người dựa trên luật tự nhiên. Nhưng nền Đệ Nhất Cộng hòa chỉ tồn tại ngắn ngủi. Giống như cuộc cách mạng Bolshevik hay Trung Quốc sau đó, nó đã thiết lập động lực cách mạng cấp tiến của riêng nó trong đó những người cánh tả của ngày hôm nay trở thành những người phản cách mạng của ngày mai, một vòng xoáy mà đưa đến thành lập Ủy ban An toàn Công cộng và thời kì Khủng bố trong đó cách mạng nuốt chửng đứa con của chính nó. Quá trình hỗn loạn này kết thúc bằng một cuộc chiến tranh bên ngoài, hay còn gọi là phản ứng Thermidor, và cuối cùng là cuộc đảo chính Tháng hai đưa Napoleon Bonaparte lên nắm quyền vào năm 1799.7
Bạo lực của cuộc cách mạng và phản cách mạng đã tạo nên sự phân cực sâu sắc trong xã hội Pháp khiến cho việc cải cách chính trị theo kiểu từng phần của Anh cũng khó đạt được hơn rất nhiều. Người Pháp tiếp tục trải qua cuộc cách mạng tháng Bảy năm 1830, cách mạng năm 1848, và sau đó trong những năm 1870 bị chiếm đóng bởi Phổ, rồi Công xã Pa ri, trước khi một nền dần chủ lâu dài hơn nhưng với quyền bầu cử hạn chế được thiết lập. Đến thời điểm này, đã có nhiều cuộc bầu cử dân chủ ở nhiều nước châu Âu, bao gồm cả nước Phổ vốn cực kì bào thủ. Nước Pháp, từ vị trí dẫn dắt con đường đến dân chủ cho đến năm 1789 thì đã bị bỏ lại sau lưng. Tệ hơn nữa, một trong những hậu quả của cuộc cách mạng mà người Pháp để lại đó là sự tôn vinh bạo lực và gắn nó với những nguyên nhân của sự độc tài trong các chế độ từ Stalin cho tới Mao trong thế kỷ XX.
Vì vậy câu hỏi đã được đặt ra là hợp lý, Cách mạng Pháp đã đạt được những gì? Nếu câu trả lời không phải là sự thành lập nền dân chủ ở Pháp, thì đó là ảnh hưởng tuyệt vời, ngay lập tức và kéo dài của nó trong những lĩnh vực thiết chế khác. Đầu tiên, nó đưa đến sự phát triển và ban hành bộ luật hiện đại đầu tiên của châu Âu năm 1804, bộ luật dân sự hay bộ luật Napoleon. Thứ hai, đó là thành lập nhà nước hiện đại qua đó bộ luật được thi hành và củng cố. Ngay cả khi thiếu vắng dân chủ, những tiến bộ quan trọng này đã tạo nên một chính phủ trong sạch hơn, ít chuyên quyền hơn và bình đẳng hơn trong đối xử với người dân. Napoleon, sau thất bại tại Waterloo, đã thừa nhận việc ban hành bộ luật dân sự là thắng lợi lớn hơn bất kì chiến thắng nào của ông trên chiến trường và ông đã đúng về nhiều mặt.8
Luật pháp tại Pháp đến thời điểm đấy là sự góp nhặt nhiều luật lệ, một số thừa kế từ bộ luật La Mã, một số dựa trên tập quán, cũng như vô số những mảnh ghép được thêm vào qua hàng thế kỷ từ giáo hội, vua chúa, thương mại hay các nguồn thế tục. Mớ lộn xộn những luật lệ này thường hay mâu thuẫn lẫn nhau hoặc mơ hồ. Bộ luật Napoleon đã thay thế tất cả bằng một bộ luật đơn giản hiện đại mà rất rõ ràng, được viết một cách đẹp đẽ và nhỏ gọn về kích thước.
Bộ luật Napoleon đã kết dính những tiến bộ từ cuộc cách mạng thông qua loại bỏ những đặc quyền và ưu đãi của hệ thống tước hiệu từ thời phong kiến. Từ đó tất cả công dân được tuyên bố là có quyền và nghĩa vụ như nhau. Bộ luật dân sự mới cũng ghi nhận những khái niệm hiện đại về quyền sở hữu tài sản: “quyền được hưởng và định đoạt tài sản của một người nào đó theo bất kì cách nào miễn là không vi phạm những điều bị cấm bởi pháp luật”. Đất đai được giải phóng khỏi phong kiến và các giới hạn tập quán, mở ra con đường cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tòa án lãnh chúa-những tòa án được kiểm soát bởi lãnh chúa địa phương, nơi tạo ra những bất bình sôi sục của nông dân trong cuộc cách mạng đã bị bãi bỏ hoàn toàn và thay bởi một hệ thống tòa án dân sự thống nhất. Khai sinh và kết hôn bây giờ được ghi nhận với chính quyền dân sự chứ không phải là giáo hội.9
Bộ luật này ngay lập tức được đưa sang các nước là thuộc địa Pháp sau đó như: Bỉ, Luxembourg, các vùng lãnh thổ Đức phía Tây sông Rhine, Palatinate, Rhenish Prussia, Geneva, Savoy và Parma; được giới thiệu một cách bắt buộc ở Ý, Hà Lan, các vùng lãnh thổ Hanseatic. Bộ luật dân sự được tự nguyện chấp nhận bởi các nhà nước nhỏ hơn thuộc Đức. Như chúng ta sẽ thấy ở chương 4, nội dung của bộ luật này đã trở thành niềm cảm hứng cho sự cải cách luật pháp của nước Phổ sau thất bại trước người Pháp tại Jena. Nó cũng được sử dụng như là khuôn mẫu cho vô số những luật dân sự khác bên ngoài châu Âu, từ Senegal, Argentina đến Ai Cập, Nhật Bản. Trong khi việc bắt buộc áp dụng ở các nước không mang lại những thành công rõ ràng, thì ở những nước chống đối như Ý hay Hà Lan lại tạo nên những bộ luật rất giống về nội dung so với luật Napoleon.10
Thành tựu lớn thứ hai của cách mạng đó là tạo ra nhà nước hiện đại với bộ máy công chức, một điều mà Trung Quốc đã có hàng ngàn năm trước. Chế độ cũ tại Pháp là một sự pha trộn khá thú vị. Bắt đầu từ giữa thế kỉ XVII, những nền quân chủ chuyên chế như Louis XII và Louis XIV đã tạo nên một hệ thống quản lý hiện đại dựa trên các quan chức được gọi là intendent. Được đưa từ Pari đến các tỉnh, họ không có quan hệ họ hàng với cư dân địa phương do đó có thể quản lí một cách công minh hơn. Như Alexis de Tocqueville đã lưu ý, đây là sự khởi đầu của nhà nước tập trung hiện đại tại Pháp.11
Tuy nhiện những intendent này phải hoạt động song song với một hệ thống quan chức khác – hệ thống mua bán chức vụ. Các hoàng đế Pháp luôn luôn thiếu tiền để chi trả cho chiến tranh cũng như cuộc sống xa hoa. Bắt đầu từ vụ phá sản lớn Grand Parti năm 1557, chính phủ phải sử dụng đến hàng loạt các biện pháp trong vô vọng nhằm thu được tiền, bao gồm bán các chức quan cho những người giàu có. Dưới một hệ thống gọi là Paulette, được giới thiệu lần đầu năm 1604 bởi bộ trưởng Sully của vua Henry IV, những chức vụ này không những có thể được mua mà còn được truyền lại cho con cháu thừa kế. Những chức quan mua bán này dĩ nhiên không hề hứng thú trong việc điều hành công việc cộng đồng hay quản lí chính phủ, cái mà họ quan tâm chỉ là cố gắng làm đầy túi riêng cho xứng đáng với những gì họ đã bỏ ra.
Mặc dù chính phủ Pháp cuối thế kỷ XVIII đã có hai nỗ lực lớn để loại bỏ hệ thống mua bán quan chức này, nhưng cả hai đều thất bại bởi thế lực của nhóm này quá lớn và phải đánh đổi quá nhiều để cải cách. Chính sự mục nát và bảo thủ của hệ thống này là một trong những nguyên nhân đưa đến cách mạng. Trong suốt quá trình biến động, tất cả những người trong hệ thống này bị tống cổ khỏi văn phòng của họ, một số thì bị chặt đầu. Chỉ sau khi gốc rễ của nó đã bị xóa sổ trong các cuộc thanh trừng, một Hội đồng Nhà nước mới được thiết lập vào năm 1799, một tổ chức tiền thân cho hệ thống chính phủ hiện đại thực sự.
Hệ thống hành chính mới sẽ không thể hoạt động nếu không có một hệ thống giáo dục hiện đại được thiết kế để hỗ trợ. Chế độ cũ đã thành lập nhiều trường kĩ thuật vào thế kỉ XVIII để đào tạo kĩ sư và chuyên gia, nhưng vào năm 1794, chính phủ cách mạng đã tạo ra một loạt các trường (Grandes Écoles) như École Normale Supérieure và École Polytechnique cho mục đích đào tạo cán bộ công chức. Những trường này là tiền thân của trường École Nationale d’Administration (ENA) sau thế chiến thứ 2, đào tạo các học sinh từ hệ thống các lycées hay các trường trung học ưu tú.
Hai tiến bộ lớn này – gồm giới thiệu một bộ luật mới và tạo ra một hệ thống hành chính hiện đại – đều không phải là dân chủ. Thế nhưng nó cũng mang lại những kết quả bình đẳng hơn cho xã hội. Luật pháp không còn đặc quyền ưu ái cho một tầng lớp nhất định, bây giờ đã đối xử công bằng với tất cả cá nhân, ít nhất là trên nguyên tắc. Tài sản cá nhân không còn bị giới hạn bởi phong kiến và một nền kinh tế thị trường mới, lớn hơn bắt đầu phát triển mạnh. Hơn nữa, luật pháp không thể thực thi nếu không có sự cải cách hệ thống công chức, góp phần giải phóng hệ thống này khỏi tình trạng tham nhũng tích lũy qua hàng thế kỉ. Cùng với nhau, luật pháp và nhà nước hành động theo nhiều cách để kiềm chế sự chuyên quyền của những nhà cai trị chuyên chế trong tương lai. Những người về lí thuyết có quyền lực không giới hạn nhưng giờ đây phải thực hiện thông qua hệ thống công chức dựa trên cơ sở pháp luật. Đây cũng là cơ sở cho người Đức tạo nên học thuyết Rechtsstaat. Về bản chất rất khác với các chế độ độc tài nổi lên ở thế kỉ XX thời Lê nin, Stalin và Mao, khi nhà nước chuyên chế không bị giới hạn bởi luật pháp hay trách nhiệm dân chủ.
THIẾT LẬP NỀN TẢNG
Cuộc cách mạng Hoa Kỳ đã thể chế hóa dân chủ và nguyên tắc bình đẳng chính trị. Cuộc cách mạng Pháp đã đặt nền tảng cho nhà nước hiện đại, như nhà Tần thống nhất đã làm được tại Trung Quốc. Cả hai tăng cường và mở rộng pháp quyền trong hai bộ luật tương đồng, Thông luật và Luật dân sự.
Tập đầu của quyển sách đã dừng lại tại khoảnh khắc lịch sử khi nền tảng của bộ ba thiết chế này vừa được thiết lập, nhưng trước khi bất cứ thành phần nào đạt được sự phát triển hiện đại của nó. Tại châu Âu và phần còn lại của thế giới, luật pháp là thành phần phát triển nhất. Nhưng như trong trường hợp của bộ luật Napoleon, rất nhiều công việc phải giải quyết để hệ thống hóa, thỏa hiệp, cập nhật và chính thức hóa pháp luật, làm cho nó thực sự trở nên trung lập liên quan đến con người. Ý tưởng về một nhà nước hiện đại đã nảy mầm ở châu Âu từ cuối thế kỉ XVI, nhưng không có bất cứ nhà nước nào kể cả ở Pari hoàn toàn dựa trên tài năng. Phần lớn các nhà nước ở châu lục vẫn còn ảnh hưởng bởi chế độ thân hữu. Và mặc dù ý tưởng về dân chủ đã xuất hiện ở Anh và đặc biệt là thuộc địa Bắc Mỹ, không có bất cứ nhà nước nào trên thế giới mà tất cả công dân đều được bầu cử hay tham gia vào hệ thống chính trị.
Hai thay đổi lớn đã diễn ra tại thời điểm chính trị đầy biến động này. Đầu tiên là cuộc cách mạng công nghiệp, khi mà năng suất trên đầu người đạt đến mức độ cao hơn bất kì giai đoạn nào khác trước đây, dẫn đến các ảnh hưởng to lớn mà sự phát triển kinh tế bắt đầu làm thay đổi bản chất cơ bản của xã hội.
Sự thay đổi lớn kế tiếp đó là làn sóng thứ hai của chủ nghĩa thực dân, được bắt đầu từ châu Âu sau đó lan ra phần còn lại của thế giới. Làn sóng đầu tiên khởi đầu với sự chinh phục của thực dân Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha ở Tân Thế Giới, và theo sau hàng thế kỉ là sự chiếm đóng của Anh và Pháp ở Bắc Mĩ. Làn sóng này suy yếu vào cuối thế kỉ XVIII, khi đế chế của người Anh và Tây Ban Nha buộc phải thoái lui do kết quả của phong trào độc lập ở các thuộc địa Châu Mỹ. Tuy nhiên khởi đầu với cuộc chiến tranh Anh Miến Điện năm 1824, một giai đoạn mới đã mở ra vào cuối thế kỷ này khi gần như toàn bộ phần còn lại của thế giới bị sức mạnh của đế quốc thực dân phương Tây nuốt trọn.
Vì vậy tập này sẽ bắt đầu câu chuyện từ chỗ mà phần trước đã để lại, giải thích làm thế nào mà nhà nước, luật pháp và dân chủ đã phát triển trong suốt hai thế kỉ cuối này, cũng như cách mà chúng tương tác với nhau và với các khía cạnh kinh tế, xã hội. Cuối cùng là chúng đã biểu hiện dấu hiệu của sự suy thoái như thế nào tại Hoa Kỳ cũng như những nền dân chủ phát triển khác.
Chú thích
- See for example, Peter J. Wallison, Bad History, Worse Policy: How a False Narrative About the Financial Crisis Led to the Dodd-Frank Act (Washington, D.C.: American Enterprise Institute, 2013).
- Anat Admati and Martin Hellwig, The Banker’s New Clothes: What’ s Wrong with Banking and What to Do About It (Princeton: Princeton University Press, 2013).
- For a broader account of how politics affected banking regulation after the financial crisis, see Simon Johnson and James Kwak, 13 Bankers: The Wall Street Takeover and the Next Financial Meltdown (New York: Pantheon, 2010).
- This definition is taken from Samuel P . Huntington, Political Order in Changing Societies (New Haven: Yale University Press, 2006), p. 12.
- In Britain, a similar long-term battle was fought out during the nineteenth and early twentieth centuries, where class rather than race was the fundamental issue. Perhaps because the principle of equality was less clearly articulated (Britain has no equivalent of the Bill of Rights and remains a constitutional monarchy), it took far longer to achieve universal white male suffrage there than in the United States.
- Edmund Burke, Reflections on the Revolution in France (Stanford, CA: Stanford University Press, 2001); Alexis de Tocqueville, The Old Regime and the Revolution, Vol. 1 (Chicago: University of Chicago Press, 1998); François Furet, Interpreting the French Revolution (New York: Cambridge University Press, 1981).
- For an overview of these events, see Georges Lefebvre, The Coming of the French Revolution, 1789 (Princeton: Princeton University Press, 1947).
- Napoleon himself had pushed for a new code in 1800 shortly after his takeover of the revolutionary government on 18 Brumaire, and he personally attended many sessions of the Conseil d’État, which oversaw its drafting. The code was finally promulgated in 1804. Carl J. Friedrich, “The Ideological and Philosophical Background,” in Bernard Schwartz, ed., The Code Napoléon and the Common Law World (New York: New York University Press, 1956).
- Martyn Lyons, Napoleon Bonaparte and the Legacy of the French Revolution (London: Macmillan, 1994), pp. 94–96.
- Jean Limpens, “Territorial Expansion of the Code,” in Schwartz, Code Napoléon.
- See Tocqueville, The Old Regime, pp. 118–24.
Nguồn: Francis Fukuyama. 2014. Introduction: Development of Political Institutions to the French Revolution (Giới thiệu: Sự phát triển của các thiết chế chính trị cho đến cuộc cách mạng Pháp; bản dịch của Lâm Tiến Phát). Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy. Farrar, Straus and Giroux. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.