Hội thảo John Stuart Mill – Bàn về Tự do

Đây là buổi hội thảo thứ 2 trong chuỗi Seminar được tổ chức đều đặn hàng tháng do nhóm Tinh Thần Khai Minh và NXB Tri Thức tổ chức, nhằm mục đích khuyến khích tinh thần học hỏi thông qua sách vở, đồng thời tạo dựng một môi trường trao đổi kiến thức và ý tưởng cho giới trẻ.

Trong buổi Seminar lần này, chúng tôi giới thiệu cuốn sách “Bàn về Tự do” của John Stuart Mill.

 

Thông tin hội thảoKhung chương trìnhGiới thiệu nội dungĐăng ký & Liên hệ

Đơn vị tổ chức:

Nhóm Tinh thần Khai Minh,

Nhà xuất bản Tri Thức,

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Thời gian: 14h00 đến 16h30 ngày 26 tháng 9 năm 2014

Địa điểm: Hội trường tầng 3, Liên hiệp các hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam, 53 Nguyễn Du, Hà Nội

Chủ trì: Giáo sư Chu Hảo

Điều phối & diễn giả: Nhóm Tinh thần Khai Minh

Khách mời:

– Tiến Sĩ, Luật Sư Nguyễn Thanh Bình
– Luật sư Trần Thu Nam
– GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện triết học

I. Phần 1 – Trình bày tham luận, dự kiến có 5 mục:

– Giới thiệu về Mill (lời giới thiệu + chương 1)

– Bàn về tự do tư tưởng và thảo luận (chương 2)

– Con người như một thành tốt an sinh (chương 3)

– Các giới hạn đối với tư do tư tưởng và thảo luận (chương 4+5)

– Khách mời phát biểu

II. Phần 2 -Thảo luận kéo dài 90 phút.

 

BÀN VỀ TỰ DO là tác phẩm triết học kinh điển gắn liền với tên tuổi của John Stuart Mill. Đây là cuốn sách kinh điển và là sách gối đầu giường cho tất cả những người quan tâm tìm hiểu tư tưởng phương Tây.

Ra đời tại Anh vào năm 1859 chỉ mất 12 năm sau cuốn sách đã được dịch ra tiếng Nhật và được in hàng triệu bản, đây là cuốn sách có ảnh hưởng lớn tới phong trào duy tân Nhật Bản. Nhưng phải mất gần 150 năm sau cuốn sách mới được dịch ra tiếng Việt với số lượng khiêm tốn gần 2000 bản.

Trong tác phẩm này tác giả không bàn về tự do ý chí mà bàn về vấn đề tự do dân sự (tự do xã hội) tức là bản chất và các giới hạn quyền lực xã hội có thể thực thi một cách chính đáng lên các cá nhân.

Cuộc đấu tranh giữa tự do và quyền lực là đặc trưng nổi bật trong phần lớn lịch sử loài người. Quyền lực của kẻ cai trị được xem là cần thiết, nhưng cũng cực kì nguy hiểm, bởi vì kẻ cai trị có thể sử dụng nó như vũ khí chống lại dân chúng giống như chống lại kẻ thù bên ngoài. Vì vậy, cần phải thiết lập những giới hạn đối với quyền lực mà kẻ cầm quyền phải chấp nhận khi thực thi quyền lực này đối với cộng đồng.

Với xuất phát điểm rằng mục tiêu của nhân loại là sự phát triển cao nhất và hài hòanhất mọi năng lực của con người mà tự do là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển đó. John Stuart Mill cho rằng mỗi người tìm thấy tự do của mình trong tự do của người khác, tự do là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của mỗi cá nhân. Ông cho rằng, mỗi người cần được tự do mưu cầu hạnh phúc của riêng mình miễn là không xâm phạm hay cản trở người khác đạt được hạnh phúc chính đáng của họ.

Tự do dân sự trong tác phẩm này được John Stuart Mill đề cập trên các phương diện: 1, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do thảo luận; 2, tự do về sở thích, tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống của mình; 3, tự do hội họp.

Tại sao tự do ngôn luận lại quan trọng như vậy? John Stuart Mill lập luận rằng trong mọi trường hợp quyền tự do ngôn luận phải được tôn trọng bởi vì:

1, Đa số có thể sai.
2, Trong trường hợp đa số đúng thì ý kiến bất đồng cũng giúp ta nhìn nhận vấn đề thêm sâu sắc.
3, Ý kiến bất đồng có thể chứa đựng nhiều chân lý.

Chính bởi vì mỗi người không thể nào có thể nhìn thấy hết mọi khía cạnh, chi tiết của vấn đề nên cần phải có quyền tự do ngôn luận, tự do thảo luận để cùng nhau trao đổi và thảo luận vấn đề một cách toàn diện và sâu sắc.

Lý tưởng của John Stuart Mill là đem lại tự do cho tất cả mọi người, khi có tự do thì người ta có được sự phồn vinh và từ đó có tiến bộ xã hội. Ông không đi tìm một khuân mẫu cụ thể cho các quan hệ con người trong xã hội, cũng không đề cập nhiều đến hoạt động kinh tế cũng như vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước, mà chỉ nêu ra nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa trong các quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển.

Quyền tự do như điều kiện văn hóa cần thiết cho sự phát triển mọi khả năng của các cá nhân vì lợi ích lâu dài của toàn xã hội. Như ông đã viết “Không có xã hội tự do, nếu trong xã hội đó các quyền tự do không được tôn trọng về toàn thể, bất kể hình thức cai trị của xã hội này là gì. Một xã hội cũng không là hoàn toàn tự do, nếu các quyền tự do ấy không tồn tại một cách tuyệt đối và vô điều kiện”.
Mặc dù trong tác phẩm này có vài chi tiết khiến ta chưa thật thỏa mãn như: tại sao John Stuart Mill không bảo vệ quyền tự quyết chính trị của người dân Ấn Độ trước sự thống trị của thực dân Anh hay như việc ông gián tiếp biện hộ cho cuộc chiến tranh nha phiến…Nhưng hẳn chúng ta sẽ tìm thấy ở đây một cách tiếp cận khác, soi sáng thêm nhiều vấn đề cơ bản của xã hội mà chúng ta đang băn khoăn.

Để BTC chuẩn bị được tốt nhất vui lòng đăng ký vào form sau thông tin và những thắc mắc của bạn trước hội thảo.

https://docs.google.com/forms/d/1hdHON_j5UHrV08_b9GfRC-AEqthFVGrev0F7dFFph20/viewform?usp=send_form

Ban Truyền thông Nhà xuất bản Tri thức
Email: seminar.trithuc@gmail.com

Ban Truyền thông nhóm Khai Minh
Email: tinhthankhaiminh@gmail.com