Các nhà nước mạnh kiểu châu Á

Thông tin chi tiết

Mục: The Strong Asian State (Các nhà nước mạnh kiểu châu Á)

Sách: Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy

Tác giả: Francis Fukuyama

Chuyển ngữ: Dương Quang Minh

Hướng dẫn trích nguồn: Francis Fukuyama. 2014. The Strong Asian State (Các nhà nước mạnh kiểu châu Á; bản dịch của Dương Quang Minh). Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy. Farrar, Straus and Giroux. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.

Tải về tại đây:

CÁC NHÀ NƯỚC MẠNH KIỂU CHÂU Á

                                                                        Tác giả: Francis Fukuyama

                                                                        Chuyển ngữ: Dương Quang Minh

           

Tại sao các xã hội Trung Quốc, Nhật Bản, và nhiều nước Đông Á khác lại có nhà nước hiện đại, mạnh trước khi tiếp xúc với phương Tây, và tại sao vấn đề của Đông Á không phải là sự yếu kém của nhà nước, mà thay vào đó là việc thiếu khả năng kiểm soát nhà nước; Nhật Bản đã áp dụng nền pháp quyền như thế nào dưới áp lực nước ngoài, và vì sao sự tự trị của bộ máy quan liêu lại đi đến hoàn toàn vượt ra khỏi sự kiểm soát?

Đông Á là khu vực duy nhất trên thế giới ngoài Phương Tây có thể tự hào về việc vừa là những xã hội công nghiệp phát triển, thu nhập bình quân trên đầu người cao, vừa là những nền dân chủ tự do – như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhiều quốc gia thuộc khu vực này như Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Malaysia và một số quốc gia đang phát triển nhanh chóng khác, tuy thiếu những định chế chính trị dân chủ, nhưng lại có những nhà nước rất hiệu quả. Đông Á trái ngược hoàn toàn với các nước Châu Phi cận Sahara, nơi nhà nước yếu và điều hành kinh tế kém cỏi.

Có rất nhiều tài liệu nói về “phép màu Đông Á” và vì sao các quốc gia này có thể phát triển một cách nhanh chóng. Các giải thích về sự tăng trưởng này thường được chia thành hai nhóm: một bên gồm những người cho rằng sự thành công của khu vực là dựa trên các chính sách tương thích với thị trường; trong khi đó, bên kia gồm những người nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách công nghiệp hóa cũng như sự can thiệp của nhà nước trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cũng có nhiều lý thuyết về văn hóa cho rằng những giá trị Châu Á, như sự cần kiệm và tinh thần lao động, góp phần vào sự thành công của khu vực. Do tình hình phát triển trong trong khu vực có nhiều khác biệt, nên có thể giải thích nguyên nhân phát triển là do định hướng thị trường hoặc do sự can thiệp của nhà nước: so với Trung Hoa đại lục và Hàn Quốc, Hồng Kông luôn cởi mở và ít chịu sự chi phối của nhà nước hơn, tuy nhiên cả ba đều có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Dù mức độ can thiệp của nhà nước là bao nhiêu chăng nữa, các nền kinh tế phát triển nhanh tại Đông Á đề có chung một đặc điểm: tất cả đều sở hữu những nhà nước hiệu quả và có năng lực cao.1

Một bộ máy nhà nước có năng lực là một điều đặc biệt cần thiết cho các chính phủ có xu hướng can thiệp theo đuổi các chính sách công nghiệp hóa; đặc biệt là trong việc chọn lựa và thúc đẩy những đối tượng ưu tiên trong nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ tín dụng, cung cấp các giấy phép đặc biệt, hoặc hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Trái với luận điểm của những người ủng hộ thị trường tự do chính thống cho rằng các chính sách công nghiệp hóa sẽ không tránh khỏi thất bại, nhiều minh chứng cho thấy các chính sách này đã thành công rực rỡ tại một số nơi.2 Tuy nhiên, điều kiện để có được sự thành công rất cá biệt. Bất kỳ những cố gắng gạt bỏ dấu hiệu về giá cả của thị trường đều gây nguy hiểm khi có sự can thiệp của các chính trị gia: quyết định về đầu tư được dựa trên yếu tố chính trị thay vì yếu tố kinh tế. Lịch sử các quốc gia đang phát triển tại Mỹ Latin, Châu Phi, và Trung Đông đều chứa đựng những ví dụ điển hình về sự thất bại của các chính sách công nghiệp hóa; những chính sách này dần trở nên tồi tệ và cuối cùng đổ vỡ trong sự hỗn loạn về tham nhũng và nạn kiếm chác đặc lợi, ví dụ như nỗ lực tạo dựng nền công nghiệp ô tô nội đia tại Argentina đã được nhắc đến trong chương 18. Để vai trò can thiệp của chính phủ có được hiệu quả, nhà nước cần có được “quyền tự trị ngầm” (theo cách gọi của Peter Evan): giới quan lại cần phải ứng phó với những nhu cầu của xã hội, nhưng cũng phải được giải tỏa áp lực từ các lực lượng chính trị có mục đích kiếm chác đặc lợi, nhằm cho phép họ thúc đẩy những mục tiêu dài hạn thỏa mãn tối đa lợi ích chung. Loại chính sách này đạt hiệu quả tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc, nhưng lại thất bại tại những nơi khác. Chất lượng chính phủ chính là yếu tố quyết định thành bại của loại chính sách này.3

Các nhà nước mạnh ở Châu Á này đến từ đâu? Trong khi Singapore và Malaysia là những quốc gia được hình thành trong thời kì thuộc địa, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc đều có truyền thống lâu bền về nhà nước và tinh thần quốc gia hàng thế kỷ trước khi tiếp xúc với phương Tây. Những nhà nước truyền thống này bị công phá mãnh liệt trong thế kỷ XIX và XX khi phải đối đầu với các cường quốc thực dân phương Tây, và các định chế về nhà nước cần phải được tái cơ cấu và cải tổ một cách triệt để. Tuy nhiên, tại khu vực này, chính quyền không nhất thiết phải được xây dựng từ con số không như một số vùng tại Châu Phi. Hơn thế nữa, Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc vốn đã có những đặc tính quốc gia rất rõ nét và cùng chia sẻ nhiều khía cạnh văn hóa; thực tế, đây là những quốc gia mà xã hội có tính đồng nhất về sắc tộc cao nhất trên thế giới. Chính truyền thống lâu đời về nhà nước và những đặc tính quốc gia là nền tảng cho sự thành công lẫy lừng về phát triển kinh tế của khu vực.

Khu vực Á Đông do đó khá giống với Châu Âu, khi mà vai trò nhà nước mạnh được mặc định vào lúc bắt đầu quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nền chính trị tại Á Đông đã phát triển theo một đường hướng khác với Châu Âu. Tại Châu Âu, các định chế về luật pháp đã hình thành vào cuối thời kì Trung cổ trước khi có sự bùng nổ các quá trình hình thành nhà nước vào cuối thế kỷ XVI và xuyên suốt thế kỷ XVIII. Điều này có nghĩa rằng, cái nhà nước Châu Âu hiện đại có quyền hạn bị giới hạn hơn so với các nhà nước Á Đông, mặc cho những đòi hỏi chuyên chế từ các nền quân chủ ở Châu Âu. Ngoài việc bị hạn chế bởi luật định, quyền lực của các nhà nước tại Châu Âu còn bị giới hạn bởi sự nổi lên của các lực lượng xã hội mới như tầng lớp trung lưu và giới công nhân, những người đã tổ chức với nhau thành các chính đảng và đòi hòi nhiều quyền lợi chống lại nhà nước. Luật pháp cùng với trách nhiệm minh bạch đã hạn chế quyền lực của nhà nước. Luật pháp đã trao cho các tổ chức chính trị như Nghị viện Anh có quyền yêu cầu nhà vua phải có được sự cho phép trước khi đưa ra các quy định về thuế mới. Được hình thành ban đầu trên nền tảng là các lực lượng đầu sỏ khá hạn hẹp, nghị viện có thể trở thành phương tiện để khẳng định quyền lực bởi những lực lượng xã hội mới nổi, những người đã tổ chức lại với nhau thành các chính đảng và đang tìm kiếm việc mở rộng vai trò đại diện của mình.

Trái lại, quá trình phát triển của nền chính trị Đông Á bắt đầu từ nhà nước thay vì nền pháp quyền. Vì không có một tôn giáo siêu việt, Trung Quốc chưa từng có một bộ luật nào nằm ngoài các sắc lệnh của hoàng đế và không có một hệ thống tôn ti luật lệ nào độc lập với quyền lực hành pháp. Các vị hoàng đế cai trị bằng luật lệ, xem luật lệ là công cụ phục vụ cho sự cai trị của bộ máy quan liêu. Các nhà cầm quyền tại Trung Quốc đã có một nhà nước hiện đại sớm qua đó ngăn chặn sự nổi lên của các lực lượng xã hội mà có thể chống lại ý muốn của họ, ví dụ như các tổ chức tôn giáo, những người hoàng thân quốc thích sống trong các thành trì vững chắc (như tại Châu Âu), hoặc những nhà tư sản thương mại tự trị trong các thành phố tự do. Do đó, các chính quyền Á Đông truyền thống có thể có tính chuyên chế cao hơn các chính quyền tại Châu Âu.

Vì những lý do trên, thách thức chính trị tại Đông Á rất khác biệt so với phần còn lại của thế giới thuộc địa. Quyền hành của nhà nước thường được mặc nhiên thừa nhận. Vấn đề chính trị tại Đông Á khá đối lập: làm cách nào để giới hạn quyền lực của nhà nước thông qua luật và chính quyền đại diện. Trong các xã hội Đông Á, cán cân quyền lực giữa nhà nước – xã hội thường nghiêng về phía nhà nước, trái với nhiều nơi khác trên thế giới khi cán cân quyền lực thường nghiêng về phía xã hội. Các tổ chức xã hội có khả năng tạo đối trọng với quyền lực nhà nước vẫn có thề tồn tại; tuy nhiên, chúng thường bị quản chế một cách chặt chẽ và hiếm khi được phát triển lớn mạnh. Ngày nay, tình trạng trên vẫn còn tiếp diễn.

Hệ thống quan liêu tại nhật bản

Nhật Bản, quốc gia đầu tiên ngoài phương Tây tiến hành công cuộc hiện đại hóa và gia nhập vào thế giới các quốc gia phát triển, có một số đặc trưng của kiểu mô hình trên. Truyền thống về vai trò của nhà nước được lưu truyền từ trong quá khứ đã giúp Nhật Bản đứng vững trước làn sóng thuộc địa hóa, ngay cả khi những định chế truyền thống được tái cơ cấu theo kiểu mẫu Châu Âu. Điểm mấu chốt của quá trình này là sự hình thành hệ thống quan liêu tập quyền cấp quốc gia, một hệ thống nắm giữ hầu hết mọi quyền hành của chính quyền kể từ cuối thế kỷ XIX. Chính quá trình này cuối cùng đã khiến lực lượng quân đội tự trị sở đắc được nhiều quyền tự quyết đến mức nó đã lôi kéo cả quốc gia vào một cuộc chiến tranh thảm khốc. Luật pháp và tinh thần trách nhiệm dân chủ được áp đặt vào sau đó không phải đến từ các cuộc vận động quần chúng của các lực lượng dân chủ, mà bởi sự can thiệp từ bên ngoài của Hoa Kỳ và các cường quốc ngoại bang khác.

Dưới thời Đức Xuyên Mạc phủ (Tokugawa Shogunate) (1608 – 1868), các sứ quân (shogun), mặc dù trên danh nghĩa vẫn là chư hầu của thiên hoàng, nắm giữ thực quyền nhân danh thiên hoàng. Đất nước không được cai trị bởi một bộ máy quan liêu tập quyền, mà quyền hành được phân chia giữa triều đình Mạc phủ (bakufu) – chính quyền sứ quân tại thủ phủ Giang Hộ (Edo – nay là Đông Kinh (Tokyo)) – và hằng trăm phiên (han) khác được cai trị bởi các Đại danh (daimyo) và lãnh chúa. Hệ thống Mạc phủ – phiên (bakuhan) này được nhận định là gần giống với hệ thống phong kiến tại Châu Âu. Mỗi Đại danh có thành trì của riêng mình và phò tá bởi các võ sĩ (samurai).

Tuy nhiên, khái niệm phong kiến không lột tả rõ ràng tính đồng bộ trong hệ thống cai trị và khả năng thâm nhập đáng kể vào xã hội của nhà nước Nhật Bản tiền hiện đại này. Trong thời kỳ tiền hiện đại, Nhật Bản đã thừa hưởng truyền thống chính quyền quan liêu được định hình chủ yếu bởi các quy chuẩn và thực tiễn từ Trung Hoa. Theo như Peter Duus nói rằng, “Mặc dù nhìn bên ngoài Nhật Bản có một hệ thống phong kiến, nhưng xét về nhiều khía cạnh khác thì đây là mô hình nhà nước quan liêu … Các phủ của triều đình đều chất đầy những giấy tờ lưu trữ và tài liệu về bất kỳ phương diện nào có thể mường tượng được, từ những khảo sát về đất đai cho đến kê khai nhân khẩu, nhằm mục đích lưu trữ thông tin về dân số bằng mọi cách. (Tại phiên Nambu, trong lĩnh vực gây giống ngựa, ngay cả việc ngựa chết hoặc mang thai đều được ghi nhận).”4 Giống với trường hợp Trung Quốc, chính quyền Nhật Bản đã hiện đại về nhiều mặt trước khi bắt đầu công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế sau năm 1868.

Sự hiện đại hóa của triều đình Nhật Bản bắt đầu sau sự kiện hạm đội của phó đề đốc Matthew Perry của Hoa kỳ đặt chân đến Nhật Bản vào năm 1853, quá trình này được Samuel Hungtinton xếp vào loại “hiện đại hóa để phòng ngự” (defensive modernization). Yêu cầu của Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác trong việc bắt Nhật bản phải mở cửa với bên ngoài đã dẫn đến sự nhượng bộ nhiều thỏa thuận thiếu công bằng trong việc cho phép người ngoại quốc tham gia vào thị trường. Sự đầu hàng này đã khiến triều đình Đức Xuyên Mạc phủ mất đi tính chính danh và làm khơi mào nhiều cuộc nổi dậy vũ trang, mà sau đó đã dẫn đến việc khôi phục một nhà nước tập quyền dưới danh nghĩa của thiên hoàng Minh Trị vào năm 1868. Việc cấp bách khôi phục triều đình tập quyền này thể hiện mong muốn tránh phải đi vào vết xe đổ của Trung Quốc, nước đã để mất nhiều phần lãnh thổ ven biển cho ngoại quốc. Động lực khiến Nhật Bản phải hiện đại hóa trong suốt thập kỷ đầu của thế kỷ XX là nhằm xóa bỏ các thỏa hiệp bất công và có được sự công nhận bình đẳng từ các cường quốc thuộc địa khác. Cũng giống như trường hợp của Phổ, viễn cảnh về những đe dọa quân sự đã trở thành động lực thúc đẩy Nhật Bản xây dựng nhà nước.5

Quá trình phát triển chính trị tại Nhật Bản diễn ra nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc trong thập niên 70 của thế kỷ XIX. Tất cả các phiên bị xóa bỏ ngay lập tức trong năm 1871 và được ra lệnh phải sáp nhập lực lượng quân đội vào quân đội quốc gia. Giới võ sĩ, dưới chế độ Mạc phủ là tầng lớp duy nhất được phép mang vũ khí, bị tước đi nguồn thu nhập vào năm 1876 và bị cấm mang hai thanh gươm biểu tượng katana. Một luật nghĩa vụ quân sự mới được ban hành dựa trên các nguyên tắc tổ chức hiện đại, và các vị trí trong quân đội được tuyển dụng bởi những người nông dân vốn từng bị khinh miệt. Những thay đổi này đã khiến giới võ sĩ nổi dậy, được biến đến qua cuộc nổi loạn Satsuma năm 1877; sau đó đã bị dập tắt nhanh chóng bởi lực lượng quân nhân nghĩa vụ mới.6

Chúng ta thường có khuynh hướng xem các sự kiện lịch sử trên đây như là những kết quả tự nhiên từ quyết định hiện đại hóa của Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu so sánh với những nơi khác trên thế giới, quá trình phát triển này quả thực phi thường. Tại Châu Âu, quá trình xóa bỏ giới đặc quyền phong kiến và tạo dựng một nhà nước hiện đại, tập quyền mới kéo dài từ cuối thế kỉ XVI đến cuối thế kỷ XIX tùy theo từng quốc gia, bao gồm những cuộc xung đột xã hội dữ dội, thường là xung đột bạo lực. Trong thế giới các quốc gia đang phát triển hiện nay, quá trình củng cố chính trị trên vẫn chưa được thực thi mặc dù đã nỗ lực trong nhiều năm. Ví dụ như tại Pakistan, xã hội vẫn còn bị khống chế bởi những lực lượng địa chủ chóp bu cực đoan và gần giống phong kiến; những lực lượng này không hề có ý định từ bỏ đặc quyền của mình. Tại Somali và Libya, chính quyền vẫn không thể thúc ép các nhóm phiến quân sáp nhập vào lực lượng quân đội quốc gia. Đối lại, quá trình củng cố nhà nước hiện đại diễn ra chỉ sau hơn một thập kỷ tại Nhật bản.

Trong số nhiều lý do được đưa ra để giải thích sự khác biệt này, có một nguyên nhân khá nổi bật là việc triều đình Mạc phủ Đức Xuyên có ý thức rất mạnh về tinh thần quốc gia. Là một quốc đảo được cai trị bởi duy nhất một triều đại từ lúc khai sinh, Nhật bản có được tính đồng nhất rất cao về văn hóa và sắc tộc. Giới đầu sỏ chính trị dưới thời Minh Trị đã thận trọng khai thác đặc tính này thông qua các chính sách phát triển Thần đạo và tôn thờ Thiên hoàng thành quốc đạo. Thần đạo có một sự ám chỉ trực tiếp về chính trị, giúp cho nhà nước tập quyền mới của Thiên hoàng có được tính chính danh.7 Truyền thống này tuy đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng được đề cao hơn kể từ sau năm 1868. Trái với giới tinh hoa ở các quốc gia đang phát triển khác, những nhà lãnh đạo dưới thời Minh Trị chỉ phải xây dựng một nhà nước chứ không phải một quốc gia.

Dưới chế độ mới, Thiên hoàng của Nhật Bản không thực sự cầm quyền; quyền lực thực tế nằm trong tay một nhóm đầu sỏ bao gồm Ito Hirobumi, Yamagata Aritomo, và Inoue Kaoru, cũng như nhiều chính khách ẩn danh khác trong Hoàng Cung. Động thái đầu tiên của chính phủ là thiết lập một hệ thống quan liêu kiểu Weber, trong đó các bộ phận thường được tự giám sát. Trải qua một thời gian, ranh giới giữa nhóm chính trị này và các quan lại cấp cao thường bị xóa mờ. Những Đại danh hoặc lãnh chúa từ các phiên cũ trở thành nhân tố chính trong hệ thống quan liêu quốc gia. Các chính quyền địa phương mất vai trò tự trị trong giai đoạn từ năm 1868 đến 1878, và sau đó trở thành các đơn vị quận hành chính dưới quyền của chính quyền trung ương tại Đông Kinh.

Cũng như tại Châu Âu, giáo dục đã trở thành cánh cổng chính để vào được các vị trí quan lại cấp cao. Khoa luật trường Đại học Đế quốc Đông Kinh (nay là Đại học Đông Kinh) đã trở thành cửa ngõ ưa thích để có được một chân trong các bộ ngành cao cấp như Bộ tài chính, Bộ thương mại và Bộ công nghiệp. Vào năm 1973, hơn 73 phần trăm các quan lại cấp cao tốt nghiệp từ trường Đại học Đông Kinh. Hệ thống quan liêu tại Nhật Bản đã phát triển một cách chóng mặt cả về tốc độ lẫn chất lượng.8 Trước năm 1900, hơn 97 phần trăm trong số những quận trưởng đươc bổ nhiệm không được đào tạo đại học chính quy; trong giai đoạn 1899 đến 1945, 96 phần trăm những quan chức trong các vị trí trên không những được đào tạo đại học mà còn được tiếp thu nền giáo dục phương Tây từ nhiều trường đại học mới thành lập vào thập niên cuối của thế kỷ XIX.9 Khó có thể tìm thấy được một trường hợp nào trong số các quốc gia đang phát triển hiện nay ngoài Đông Á có được thành tựu trong việc xây dựng nguồn nhân lực trong hệ thống công quyền nhanh chóng đến như thế.

Cũng giống như hệ thống quan liêu của Phổ, các quan lại Nhât Bản được sơ tuyển từ những kỳ thi có tính cạnh tranh cao và được xếp vào một nhóm. Rất khó để được bổ nhiệm dựa trên sự quen biết bởi hầu như không thể chen ngang vào hệ thống quan chức này. Một hệ thống theo dõi sự nghiệp công chức được thiết lập vào năm 1884 với một hệ thống trợ cấp hưu trí dựa trên thâm niên. Hệ thống thi tuyển công chức được thiết lập vào năm 1887 và được củng cố vào năm 1893 nhằm tập trung về triết luật và luật học. Đến năm 1899, Ủy ban bổ nhiệm chức vụ dân sự Chokunin (Chokunin Civil Service Appointment Ordnance) đã ra hạn chế việc tuyển dụng những vị trí công chức cấp cao nhất đối với những người đã vượt qua những cấp bậc công chức cao cấp. Điều này, cộng với việc nhiều quan lại từ các phiên Tất Ma (Satsuma) và Châu Sứ (Choshu) cũ từng dẫn đầu trong công cuộc Duy tân Minh Trị, đã giúp cho một nhóm nhỏ các công chức thâm niên có được sự gắn kết nội bộ rất chặt chẽ.11

Giống như nhà nước Đức, nhà nước Nhật Bản được tôi rèn cho chiến tranh. Nhật Bản đánh chiếm Trung Quốc trong những năm 1894 đến 1895, sau đó thôn tính Đài Loan, đánh bại Nga vào năm 1905 trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật, chiếm được một vị thế vững chắc tại Trung Quốc, và đô hộ bán đảo Triều Tiên vào năm 1910. Cũng giống như Phổ, Nhật Bản xem việc hiện đại hóa tổ chức hành chính quân đội là điều kiện chủ chốt để duy trì quốc gia. Quân đội và hải quân được tăng cường đáng kể nguồn ngân sách, và nhiều học viện được dựng lên nhằm đào tạo lực lượng sỹ quan theo kỹ thuật quân sự Châu Âu. Nhà nước đặc biệt quan tâm đến những người đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh vì đất nước, cho thành lập đền Tĩnh quốc thần xã (Yasukuni Shrine) tại Đông Kinh vào năm 1869 để vinh danh hương hồn những người đã chết trong chiến tranh. Triều đại Đức Xuyên Mạc phủ gồm những đầu sỏ quân sự thấm nhuần tinh thần võ sĩ đạo (bushido). Tinh thần này đã hòa trộn vào với những phương thức tổ chức hiện đại, làm gia tăng quyền tự quyết trong giới quan liêu quân sự. Chủ nghĩa quốc gia Nhật Bản ngay từ đầu đã mang hơi hướng quân sự. Truyền thống này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, khi những chính khách thủ cựu thường xuyên lui tới đền Tĩnh quốc thần xã, khiến các nước láng giềng của Nhật Bản như là Trung Quốc và Hàn Quốc phải quan ngại.12

Sự truyền bá luật pháp tại nhật bản.

Trước thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh Nga-Nhật, hình thức nhà nước hiện đại kiểu Weber được mặc nhiên công nhận. Tuy nhiên vấn đề sau đó của Nhật Bản hoàn toàn khác với hầu hết đa số các nước đang phát triển hiện nay: Nhật Bản phải xây dựng những định chế nhằm hạn chế quyền lực của nhà nước thay vì củng cố nó. Đây là điều cần thiết để bảo vệ quyền tư hữu nhằm hướng đến tăng trưởng kinh tế, cũng như là bảo vệ các công dân độc lập khỏi sự lạm quyền trước một nhà nước quá tự phụ. Điều này có nghĩa là phải thiết lập nền pháp quyền.

Giống như Trung Quốc, Nhật Bản tiền hiện đại đã từng áp dụng hệ thống pháp trị trong suốt chiều dài lịch sử (ngược với pháp quyền). Trong hệ thống này, luật pháp được xem như là những mệnh lệnh hành chính được quy tắc hóa của nhà vua. Những mệnh lệnh này ràng buộc mọi thực thể trừ nhà vua. Luật pháp trên giấy chính thức đầu tiên của Nhật Bản được dựa trên bộ Đường luật ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ VII và VIII, tức là bộ Đại bảo Luật Lệnh (Taiho Ritsuryo) và Dưỡng Lão Luật Lệnh (Yoro Ritsuryo) vào năm 702 và 718 SCN. Cũng giống như luật pháp tại Trung Hoa, bộ luật đầu tiên của Nhật Bản tập trung vào việc quy định những hình phạt về tội hình sự; không hề có khái niệm về luật dân sự, bao gồm các quy định về khế ước, tài sản hoặc các sai phạm dân sự. Giống như Trung Quốc nhưng khác với Châu Âu và Trung Đông, luật pháp không được xây dựng từ một tổ chức tôn giáo độc lập với những cấp bậc thẩm phán và những chuyên gia luận giải luật pháp của riêng nó. Luật pháp đơn thuần chỉ là những công cụ hành chính của chính quyền, bất kể là chính quyền cấp quốc gia hay cấp phiên. Trước thời kỳ Duy tân Minh Trị, các bộ luật truyền thống về tội phạm hình sự và quy định hành chính được viết chính thức và khá đồng bộ trên toàn quốc. Các quy định hành chính có sức thâm nhập sâu rộng vào xã hội nông thôn Nhật Bản, điền hình là hệ thống khai báo nhân khẩu để xác minh mọi công dân bên trong lãnh thổ.13

Một trong những nỗ lực hiện đại hóa là việc Nhật Bản đã mời các học giả về luật từ phương Tây đến để cố vấn, và gửi nhiều du học sinh và viên chức sang học về luật pháp phương Tây. Vì bộ luật Nhật Bản không bao hàm hết nhiều lĩnh vực lớn trong luật pháp, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế, Nhật Bản đã phải vay mượn luật từ bên ngoài. Trên thực tế còn có một vấn đề sâu sắc hơn nữa: trong tiếng Nhật không có từ tương ứng cho từ quyền, tức droit trong tiếng Pháp, Recht trong tiếng Đức, và right trong tiếng Anh. Không hề có khái niệm cơ bản về việc mỗi cá nhân có được những quyền hiển nhiên trước khi tham gia vào đời sống xã hội, và một phần vai trò của chính quyền là bảo vệ các quyền cá nhân ấy như trong luật pháp của Châu Âu và Hoa Kỳ. Ý tưởng về quyền tự nhiên được tích hợp trong bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được suy xét đến nhưng lại bị từ chối công khai trong dự thảo hiến pháp Minh Trị.14

Dựa trên truyền thống này, một điều hiển nhiên là Nhật Bản sau khi nghiên cứu về Thông luật của Anh đã bỏ qua nó để sử dụng hệ thống luật dân sự được dựa trên luật của Pháp và Đức. Hệ thống luật của Anh quốc, với một hệ thống phi tập trung rộng rãi dựa trên án lệ, ít phù hợp với truyền thống Nhật Bản hơn là một hệ thống dân sự chặt chẽ có thể tích hợp được vào truyền thống quan liêu cố hữu tại Nhật Bản. Một số phần trong bộ luật dân sự được vay mượn hoàn toàn, nhất là trong bộ luật dân sự mở rộng năm 1907; luật pháp Nhật Bản truyền thống về các vấn đề gia đình vẫn được giữ lại, trong khi luật hộ tịch (ie) được trải rộng từ tầng lớp võ sĩ đến toàn xã hội.15

Với việc chấp thuận bộ luật dân sự, Nhật Bản đã tiến hành một hình thức pháp trị hiện đại. Tuy nhiên, khái niệm pháp quyền còn có một ngụ ý sâu xa hơn nữa, đó là pháp luật không những chỉ áp dụng cho thường dân mà còn cho nhà cầm quyền tối cao, trong trường hợp này là Thiên hoàng. Trong hệ thống chính trị hiện đại, điều này được thực thi bằng cách chấp thuận một bản hiến pháp chính thức trên giấy có ghi rõ thực thể nắm giữ chủ quyền và quy định rõ ràng (và nhờ đó hạn chế được) quyền lực của chính quyền. Chính quyền Nhật Bản đã thực thi điều này trong năm 1889 bằng cách ban bố bản Hiến pháp Minh Trị, bản hiến pháp này có giá trị cho đến khi Nhật Bản thông qua một bản hiến pháp mới cho Hoa Kỳ viết sau Đệ Nhị Thế Chiến vào năm 1947.

Bản hiến pháp Minh Trị được soạn thảo trong bí mật bởi năm người, một trong số đó có Carl Friedrich Hermann Rosler một chuyên gia về hiến pháp người Đức.16 Bản hiến pháp được soạn thảo sau một chuyến công du dài mười ba tháng của một chính khách đầu sỏ quyền lực nhất dưới thời Minh Trị, Y Đằng Bác Văn (Ito Hirobumi), để học hỏi về chủ nghĩa hợp hiến của Châu Âu. Việc Ito Hirobumi tốn nhiều thời gian ở nước ngoài để nghiên cứu về vấn đề này, và việc các đồng sự của ông đồng ý về việc làm này, cho thấy vai trò quan trọng của sự lãnh đạo dựa vào luật pháp đối với tương lai của Nhật Bản. (Ito sau này trở thành Toàn quyền Triều Tiên thuộc Nhật, và bị ám sát vào năm 1909 bởi một người theo chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên)

Hiến pháp Minh Trị bác bỏ mô hình chủ quyền thuộc về nghị viện của Anh quốc mà thiên về một mô hình bảo thủ hơn và gần giống với hiến pháp Bismarck của Đế chế Đức. Chủ quyền được trao cho Thiên hoàng chứ không phải nhân dân Nhật Bản. Do đó, mọi quyền lực của các bộ phận cấp dưới đều thuộc quyền hành của Thiên hoàng. Thiên hoàng có quyền chỉ định các bộ trưởng, tuyên bố chiến tranh và hòa bình, và do đó nằm giữ độc tôn quyền điều hành quân đội. Hiến pháp quy định một Thượng viện (Kizoku-in) trong đó các vị trí được thừa kế, và một Hạ viện được bầu bởi một số lượng rất hạn chế cử tri, trong đó quyền bầu cử của cử tri được dựa trên tài sản và chỉ chiếm khoảng một phần trăm dân số. Hạ viện có thẩm quyền về ngân sách, nhưng không có quyền cắt giảm ngân sách; trong trường hợp không đáp ứng được dự toán ngân sách của chính phủ thì sẽ áp dụng kế hoạch chi tiêu ngân sách của năm trước đó. Hiến pháp cũng liệt kê rất nhiều quyền công dân, nhưng lại quy định ngay sau đó rằng các quyền này phải bị giới hạn bởi luật pháp và những yêu cầu về an ninh và trật tự. Những quyền này, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, được xem là sự ban tặng rộng lượng của Thiên hoàng thay vì là quyền tự nhiên hay là do đức Chúa trời ban tặng.17

Có nhiều đánh giá khác nhau về Hiến pháp Minh Trị, dựa trên việc người đánh giá có cái nhìn tích cực hay tiêu cực. George Akita chỉ ra rằng, quá trình quân phiệt hóa của Nhật Bản trong thập niên 30 của thế kỷ XX đã khiến nhiều học giả Nhật Bản nhấn mạnh việc Hiến pháp Minh Trị đi chệch hướng với những nền dân chủ hiệu quả trên thực tế, và cho rằng chính quá trình này là nền tảng hiển nhiên cho một chế độ độc tài bất kiểm soát sau đó. Tuy nhiên, ông tranh luận rằng, cần nhìn nhận vấn đề theo góc nhìn tích cực. Nhật Bản đã chuyển biến từ một trạng thái không có bất kỳ một giới hạn chính thức nào đối với quyền lực của hoàng gia, sang một trạng thái mà quyền lực hoàng gia được quy chuẩn hóa và giới hạn bằng nhiều cách thức khác nhau. Mặc dù Thiên hoàng được chỉ định các bộ trưởng, nhưng tất cả mọi sắc lệnh của nhà vua đều phải được tiếp ký bởi cá nhân mỗi một bộ trưởng. Quyền hành pháp được phân chia trong cơ mật viện (dựa trên kiểu mẫu của Anh quốc), một viện gồm những cựu nguyên thủ quốc gia lão thành được biết đến với tên gọi là genro, và được phân chia với thủ tướng và nội các của thủ tướng trong những năm đầu và thập niên 20 của thế kỷ XX. Việc Hạ viện được bầu có quyền phủ quyết việc gia tăng chi tiêu ngân sách đã trở thành một đối trọng quyền lực đáng kể đối với chính phủ trong thời kì mà chi tiêu công gia tăng từng năm, điều này đã được thể hiện ngay trong khóa Hạ viện đầu tiên. Cũng giống như Rechtsstaat (Nhà nước pháp quyền) của Đức, việc trao quyền tối thượng cho Thiên hoàng không dẫn đến việc lạm dụng quyền lực bừa bãi và thất thường bởi quyền tối thượng được ủy thác cho một hệ thống quan liêu được hạn định theo luật lệ.18

Hiển nhiên rằng, có được một hiến pháp dân chủ toàn diện, trong đó quyền cá nhân được đảm bảo, là điều tốt hơn hẳn so với kiểu bán chuyên chế như trong Hiến pháp Minh Trị, hoặc trong hiến pháp Bismarck. Quyền hành chính trị nếu để tập trung vào tay một thiểu số sẽ dẫn đến việc lạm quyền trong các vấn đề về kinh tế và chính trị. Một nền pháp quyền thực sự cần phải có được sự ràng buộc pháp lý lên cả chính bộ máy nhà nước và tầng lớp tinh hoa phía sau hậu trường. Bởi vì không có bên thứ ba để tạo áp lực thực thi hiến pháp, việc duy trì hiến pháp lệ thuộc vào việc các nhóm lợi ích có nhìn thấy được quyền lợi của mình khi tuân thủ các điều khoản trong hiến pháp hay không. Do đó, câu hỏi đặt ra về bản hiến pháp của Nhật Bản là: Những nhân tố xã hội và chính trị nào sẽ tạo áp lực hạn chế quyền tối thượng của Thiên hoàng? Làm cách nào giới đầu sỏ chính trị Nhật Bản chấp nhận những giới hạn pháp lý về quyền hành của họ khi mà họ có thể cai trị theo một cách thức tùy tiện?

Trong vấn đề này, giải pháp của Nhật Bản vào năm 1889 khác hẳn so với giải pháp Anh quốc vào năm 1689, bởi nhà nước Nhật bản chỉ phải đối diện với một số lượng nhỏ các lực lượng chống đối, cho dù là tầng lớp tinh hoa hay thường dân. Tầng lớp mạnh và nguy hiểm nhất là những cựu võ sĩ, những người đã phải gánh chịu mất mát to lớn nhất về địa vị và thu nhập từ cuộc Duy tân Minh Trị. Không được phép mang kiếm và bị ép buộc phải cắt bỏ búi tóc truyền thống do sự ưa chuộng kiểu tóc ngắn của Tây phương, nhiều người trong số họ bị ép buộc phải làm một số ngành nghề từng bị xem là hèn mọn như là nghề nông hoặc buôn bán, một số khác thì rơi vào cảnh đói nghèo. Những cựu võ sĩ này đã tiến hành nhiều cuộc nổi dậy vũ trang sau cuộc Duy Tân. Tuy nhiên, sau khi bị lực lượng quân đội đánh bại trong cuộc nổi dậy Tát Ma (Satsuma) năm 1877, giới võ sĩ đã biến mất khỏi chính trường. Một thành phần bất mãn khác là giới nông dân. Nhiều người trong tầng lớp này bị tổn hại nặng nề từ công cuộc cải cách Minh trị do thuế điền địa và luật nghĩa vụ quân sự. Nhiều cuộc chống đối đã được tổ chức trong suốt những năm 70 của thế kỉ XIX, nhưng cuối cùng thì sự bất mãn chỉ tồn tại dưới cấp độ địa phương, và giới nông dân cũng không hề tổ chức thành những phong trào cấp quốc gia hoặc thành lập chính đảng. Cuối cùng là tầng lớp trung lưu có tư tưởng tự do, những người đã hấp thụ tư tưởng Tây phương về tự do và dân chủ. Họ đã thành lập Phong trào dân quyền (Popular Rights Movement) và thành lập Đảng tự do (Jiyuto). Họ lan truyền các bản kiến nghị và tổ chức nhiều cuộc biểu tình, và phải đối mặt với sự đàn áp của chế độ Minh Trị. Điều này đã khiến một số thành viên chuyển hướng sang chủ trương ám sát và tổ chức kháng cự vũ trang. Tuy nhiên mọi việc đã diễn biến theo chiều hướng thuận lợi cho Phong trào dân quyền khi vào năm 1871, chính quyền tuyên bố dự định của Thiên hoàng về việc chấp thuận một hiến pháp vào cuối thập niên.19

Do đó, trái với hiến pháp Anh, hiến pháp Nhật Bản không là kết quả từ một cuộc xung đột lâu dài giữa hai nhóm xã hội kiên cố mà sau đó đồng ý chia sẻ quyền lực. Hiến pháp Nhật cũng không phải là sản phẩm của cuộc vận động quần chúng giữa các nhóm xã hội thuộc tầng lớp trung và hạ lưu, những người nhận thấy cần phải áp đặt một bản hiến pháp lên một chính quyền quân chủ ngoan cố như đã xảy ra trong cuộc Cách mạng Pháp. Hầu như mọi nhà quan sát đều đồng ý rằng cả việc viết và ban hành bản hiến pháp mới là một quá trình chủ yếu từ trên xuống, được thúc đẩy bởi những chính khách có uy quyền cao như Ito Hirobumi. Những hành động của vị chính khác này có thể do chịu áp lực từ Phong trào Dân quyền, nhưng ông vẫn nắm quyền điều hành các tiến trình chính trị trong mọi thời điểm. Không hề có khái niệm Mùa xuân Ả rập tại Nhật Bản.20

Áp lực chính yếu khiến Nhật Bản phải thành lập một bản hiến pháp không đến từ xã hội trong nước mà lại là một ví dụ về vai trò của ngoại quốc. Tại thời điểm này, không có cường quốc phương Tây nào công khai ép buộc Nhật Bản phải ban hành hiến pháp. Thay vào đó, người Nhật thấy rằng họ cần phải có được một bản hiến pháp để có thể được công nhận là một cường quốc với mọi quyền hạn tương đương so với các cường quốc phương Tây. Người Nhật, dựa theo cách suy diễn tam đoạn luận, cho rằng: “Tất cả mọi nhà nước hiện đại đều có hiến pháp; Nhật Bản mong muốn có được một nhà nước hiện đại; do đó Nhật Bản phải có một bản hiến pháp.” Một nguyên cớ chính trị khiến Nhật Bản mong muốn thực hiện những thay đổi trên là việc xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng; và trên thực tế Nhật Bản đã đạt được điều này vào năm 1899. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của mục tiêu này là mong muốn được công nhận là một xã hội hiện đại trong con mắt của các cường quốc Tây phương thay vì là động cơ kinh tế.21

Hệ thống tự trị quan liêu trở nên mất kiểm soát

Cũng giống như tại Đức, bộ máy quan liêu kiểu Weber được thành lập tại Nhật Bản từ sau công cuộc Duy tân Minh Trị đã trở nên tự trị đến mức đưa quốc gia đến bờ vực thảm họa. Tôi phải nhận định rằng, đây là nguyên nhân gốc rễ của việc Nhật bản trở nên hữu khuynh trong thập niên 30 của thế kỷ XX, chứ không do bất kỳ nguyên nhân xã hội sâu xa nào khác.

Một trong những nỗ lực lý giải nổi bậc nhất về việc xã hội Nhật Bản chuyển biến sang chiều hướng phát xít là của Barrington Moore. Ông đưa ra luận điểm về ba xu hướng hiện đại hóa, và trong mỗi xu hướng đó đều có vai trò quan trọng của giai cấp nông dân. Xu hướng thứ nhất là dân chủ hóa, với ví dụ cụ thể là Anh quốc và các bang Bắc Mỹ, trong đó nền nông nghiệp tự cung tự cấp và các hệ thống chính trị phong kiến đã bị chuyển hóa bằng vũ lực sang nền nông nghiệp thương mại (như tại Anh) hoặc không hề tồn tại ngay từ lúc ban đầu bởi sự áp đảo của nền nông nghiệp tiểu nông (như tại Bắc Mỹ). Xu hướng thứ hai là hiện đại hóa thông qua cách mạng nông dân, điều đã được thực thi bởi lực lượng cộng sản Nga và Trung Quốc. Và xu hướng thứ ba là phát xít, trong nó nền nông nghiệp hà khắc đã sản sinh ra một nhà nước chuyên chế mà sau đó vượt khỏi tầm kiểm soát của những nhà sáng lập.22

Lý luận của Moore về việc tại sao các cuộc cách mạng nông dân như tại Trung Quốc và Nga không diễn ra tại Nhật Bản khá thuyết phục. Hệ thống thuế má dưới thời Đức Xuyên Mạc phủ khuyến khích việc gia tăng năng suất trong nông nghiệp vào thế kỷ trước công cuộc Duy tân Minh Trị. Giới nông dân dần trở nên giàu có hơn theo thời gian. Hơn thế nữa, với cách đánh thuế dựa vào tập thể, và hình ảnh thiếu rõ nét về vai trò người thu thuế của chính phủ, đã dẫn đến tinh thần đoàn kết cộng đồng hoặc vốn xã hội khá cao ở cấp độ làng xã. Điều này hoàn toàn trái ngược với xã hội Trung Hoa, nơi mà thuế nông nghiệp – việc thu thuế nông nghiệp được khoán cho giới tư nhân thường có dã tâm bóc lột – cũng như là tinh thần gia tộc đã gây nên sự mất lòng tin ở tầng lớp nông dân.23 Có một mức độ bất mãn và tức giận cao hơn của người nông dân ở Trung Quốc thời Thanh so với Nhật thời Minh Trị, một sự tức giận mà kì cũng sẽ được huy động bởi Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Mặc dù vẫn có các cuộc nổi dậy nông dân song song với quá trình tăng cường thương mại hóa nông nghiệp tại Nhật Bản cả trước và sau công cuộc Duy tân Minh Trị, nhưng những cuộc nổi dậy này thường có mức độ thấp và không đủ sức bật để tạo nên một cuộc nổi dậy cấp quốc gia.24

Một nỗ lực lý giải kém thuyết phục hơn của Moore là việc liên hệ hệ thống địa chủ nông nghiệp với sự trỗi dậy của chính quyền quân phiệt vào thập niên 30 của thế kỉ XX. Moore muốn đối chiếu trường hợp Nhật Bản với trường hợp của Phổ, nơi mà trên thực tế lực lượng quân phiệt có liên quan đến sự gia tăng của hệ thống địa chủ nông nghiệp hà khắc kể từ thế kỷ XVI. Các sỹ quan trong quân đoàn Phổ được tuyển chọn trực tiếp từ tầng lớp địa chủ quý tộc Phổ, những người chuyên áp bức những người nông dân của họ trong đời sống dân sự thường nhật. Tuy nhiên tại Nhật Bản, cho đến cuối thế kỷ XIX, hệ thống địa chủ phong kiến đã bị thay thế bởi các mối quan hệ thuê mướn đất có phần tự do hơn và nền nông nghiệp thương mại. Cũng có những lãnh chúa lớn vẫn còn tồn tại mãi cho đến cuộc cải cách điền địa do Hoa Kỳ áp đặt vào cuối thập niên 40 của thế kỷ XX, những người này một phần đã trở thành chỗ dựa chính trị cho Đảng Bảo thủ sau này. Tuy nhiên, vai trò chính trị đối với liên minh bảo thủ tại Nhật Bản của lực lượng này kém hơn hẳn so với lực lượng địa chủ quý tộc Phổ tại Đức trước Đệ nhất Thế chiến, hoặc so với những điền chủ của các nông trang lớn tại Argentina vào thời điểm của cuộc đảo chính quân sự vào năm 1930; và trên thực tế lực lượng này gặp phải sự chống đối từ những người ủng hộ hệ thống quan liêu trong quá trình nổi lên của một nhà nước quân phiệt.25

Trên thực tế, nếu Nhật Bản không có lực lượng quân đội tự chủ thì rất có khả năng lịch sử đã diễn ra theo một chiều hướng hoàn toàn trái với thực tế, trong đó Nhật Bản phát triển theo chiều hướng dân chủ kiểu Anh. Nhờ đứng ngoài cuộc Đệ nhất Thế chiến, đất nước Nhật Bản đã trải qua một thời kỳ hoàn kim về phát triển kinh tế, nhờ đó làm gia tăng nhanh chóng một tầng lớp trung lưu thành thị và phổ cập hóa giáo dục cấp cao. Sự bùng nổ này đột ngột đi đến kết thức vào cuối năm 1920, khi mà các cường quốc Châu Âu quay trở lại thị trường Châu Á. Một cuộc suy thoái kéo dài theo sau đó đã dẫn đến sự phát triển các nghiệp đoàn thương mại và sự bất bình trong giới lao động, sự trỗi dậy của nhiều nhóm Mác-xít và cánh tả, và sự liên kết của giới tư bản công nghiệp tạo nên các hợp doanh công nghiệp khổng lồ, hay còn gọi là zaibatsu. Tất cả những sự phát triển này đều không gây hại đến dân chủ, bởi chúng cũng diễn ra tại Anh, Pháp và Hoa Kỳ trong thời điểm trên. Nếu sự tham gia của các nhóm mới này có được sự hỗ trợ từ các chính đảng đang ngày càng có khả năng tranh cử vào quốc hội Nhật Bản, thì nền dân chủ đã được cũng cố vào cuối thập niên 30 của thế kỷ XX.26

Điều ngăn chặn xu hướng trên đến từ các quyết định của lực lượng quân đội Nhật Bản, được điều hành từ bên ngoài thay vì từ trong nước. Trên thực tế, chính quyền chuyên chế Nhật Bản đã được khai sinh tại Mãn Châu thay vì tại Đông Kinh hay các vùng trong nước. Lực lượng hải quân Nhật Bản đã phải chịu đựng nhiều nhượng bộ được thiết lập trước Anh quốc và Hoa Kỳ trong Hội nghị Hải quân Washington vào năm 1930. Lực lượng quân đội Nhật Bản, với vai trò của mình, hy vọng thành lập một nhà-nước-trong-nhà-nước tại Mãn Châu. Các sỹ quan cấp dưới trong Đạo quân Quan Đông đã ám sát lãnh tướng Trương Tác Lâm (Chang Tso-lin), và sau đó chiếm đóng hầu hết vùng nam Mãn Châu sau cuộc chính biến Mãn Châu vào tháng chín năm 1931. Chính quyền dân sự tại Đông Kinh bị chia rẽ và không có động thái đáp trả nào. Hiến pháp Minh Trị không trao cho chính quyền dân sự bất cứ quyền hành trực tiếp nào để có thể khống chế quân đội trong mọi tình huống. Thiên hoàng trở thành tù nhân của lực lượng vũ trang thay vì là chỉ huy chúng, với một mức độ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với tình hình nước Đức dưới thời kỳ tiền Đệ nhất Thế Chiến. Từ đây bắt đầu một thời kỳ leo thang bạo lực chính trị, trong đó quân đội hoặc giới chính trị cánh hữu cuồng tín nhân danh Thiên hoàng đã bắt đầu tiến hành thủ tiêu giới chính khách dân sự, bao gồm thủ tướng Hamaguchi và Inukai vào năm 1930 và 1932. Các sỹ quan cực đoan đã nỗ lực tiến hành một cuộc đảo chính vào năm 1936; mặc dù cuộc đảo chính đã bị ngăn chặn, nhưng chính quyền dân sự đã bị làm cho sợ hãi đến mức không còn khả năng ngăn chặn việc Đạo quân Quan Đông khơi mào chính biến cầu Marco Polo vào năm 1937, khiến Nhật bản lún sâu vào cuộc xâm lược toàn diện Trung Quốc.27

Khác với phát xít Đức và Ý, chủ nghĩa quân phiệt Nhật không gắn liền với một đảng phái chính trị lớn nào. Mặc dù quân đội Nhật Bản có nhiều đồng minh dân sự từ các nhóm cánh hữu, nó không có được nền tảng xã hội mạnh mẽ như quân đội Đức. Quân đội Nhật là sản phẩm của các sỹ quan trẻ trong các tập đoàn quân Nhật Bản, ví dụ như Ishiwara Kanji, kiến trúc sư của chính biến Mãn Châu, người mà qua các cuộc vi hành và quá trình học tập đã phát triển khái niệm về cuộc “Chiến tranh toàn diện” sắp tới giữa các cường quốc. Quân đội Nhật Bản tự nó phát triển chủ thuyết riêng về tư tưởng quốc gia chống tư bản, bất mãn trước chủ nghĩa vật chất và tính ích kỷ của xã hội công nghiệp, và luyến tiếc một xã hội nông nghiệp ảo tưởng trong quá khứ. Tuy nhiên, điều mà lực lượng quân đội ca ngợi không hẳn là đời sống nông nghiệp, mà hơn hết là tinh thần kẻ sỹ đặc trưng của giới tướng lãnh quý tộc cũ. Tính tự trị quan liêu đặc biệt cao trong quân đội đến từ một truyền thống lâu đời rằng “các tướng lãnh địa phương có thể tự tiến hành các chiến dịch trong những tình huống khẩn cấp mà không cần đợi lệnh trực tiếp từ quân ủy trung ương”.28 Trong thập niên 30, những lực lượng cấp dưới đã thành công trong việc tự biến mình thành những người đứng đầu.

Luật pháp và dân chủ

Nhật Bản đã có được một nền pháp quyền thực sự sau khi bị đánh bại trong cuộc chiến tại mặt trận Thái Bình Dương (Đệ nhị Thế Chiến), và chấp nhận bản hiến pháp do Hoa Kỳ viết vào năm 1947. Bản hiến pháp này vẫn còn giá trị đến hiện nay mà không có thêm sự sửa đổi bổ sung nào. Kết quả này đạt được từ nhiều bước tiến quan trọng về pháp luật, trong có đó thông cáo của Thiên hoàng về việc chấp nhận bản Tuyên bố Potsdam và đầu hàng vô điều kiện vào ngày 16 tháng 8 năm 1945, và sau đó là Huấn lệnh xét lại vai trò của Hoàng gia (Imperial Rescript) vào ngày 1 tháng 1 năm 1946 về việc Thiên hoàng tuyên bố bãi bỏ chủ thuyết quyền thần thánh của hoàng gia (imperial divinity).29 Chính phủ vừa bị đánh bại và chiếm đóng của Nhật đã dự thảo một số chỉnh sửa nhỏ trong bản hiến pháp Minh Trị, sau bị lộ ra trước giới báo chí, khiến thống chế Douglas MacArthur, chỉ huy tối cao của lực lượng Đồng minh, yêu cầu soạn thảo một bản hiến pháp hoàn toàn mới, sau đó được trình cho chính phủ đang còn trong tình trạng suy sụp của Nhật Bản vào tháng hai năm 1946.    

Bản dự thảo hiến pháp của Hoa Kỳ có một số thay đổi quan trọng. Chủ quyền không còn thuộc về nhà vua, mà thay vào đó là thuộc về nhân dân Nhật Bản; hệ thống cấp bậc khanh tướng được bãi bỏ; các quyền cơ bản từng không được thừa nhận trong hiến pháp Minh Trị đã được liệt kê đầy đủ; và nổi bậc nhất là Điều 9: tước bỏ quyền phát động chiến tranh và duy trì quân đội của Nhật Bản. Bản hiến pháp mới này đã được đem ra tranh luận trước khi Quốc hội mới được bầu và có hiệu lực vào ngày 3 tháng 5 năm 1947.31

Những người theo chủ nghĩa quốc gia hiện nay như Ishihara Shintaro, cựu thị trưởng Tokyo, đã chỉ trích điều 9 và toàn thể bản hiến pháp hậu chiến được áp đặt lên Nhật Bản, và tranh cãi về việc sửa đổi bổ sung nó nhằm khôi phục lại quyền xây dựng sức mạnh quân sự và tự vệ cho Nhật Bản. Tuy nhiên, trước khi suy xét vấn đề này, cần lưu ý rằng Hoa Kỳ đã từng cố gắng áp đặt nhiều chính sách khác nhau lên Nhật Bản sau năm 1945, một vài trong số đó khá bền vững trong khi một số khác lại thất bại. Ngoài thể chế dân chủ được ghi rõ trong hiến pháp, nhiều chính sách bền vững khác gồm có cải cách điền địa nhằm xóa bỏ hệ thống thuê mướn đất và tập trung đất nông nghiệp vào tay cá nhân những người chủ nông trang, và củng cố quyền pháp lý và chính trị cho phụ nữ. Đa số người dân Nhật Bản sau đó đều chấp nhận được những thay đổi áp đặt lên họ, đặc biệt là phụ nữ khi mà quyền lợi được đảm bảo nhờ sự kiên trì của một người phụ nữ trẻ tên là Beate Sirota, người đã từng phục vụ trong ủy ban soạn thảo hiến pháp.31 Nhật Bản sau đó đã giẫm chân tại chỗ khi mà nhiều nhân vật hiện tại không chấp nhận những thay đổi nhất định – ví dụ như chủ quyền thuộc về nhân dân thay vì hoàng gia, cải cách điền địa, và nữ quyền. Hoa Kỳ đã không ép buộc Nhật Bản phải chấp nhận những kết quả không mong muốn nhằm giúp Nhật Bản đạt được một kết quả khả quan hơn.

Trên phương diện khác, Hoa Kỳ đã thất bại trong việc tạo ra nhiều sự thay đổi khác mà họ mong muốn. Một trong số đó là xóa bỏ các zaibatsu, những hợp doanh công nghiệp khổng lồ chịu trách nhiệm trong việc hỗ trợ tài chính và thúc đẩy chiến tranh. Zaibatsu chính thức bị giải tán nhưng sau đó được tái thiết không chính thức một cách nhanh chóng dưới khái niệm keiretsu (các tên tuổi lớn như Sumitomo, Mitsui và Mitsubishi được gây dựng theo phương thức này), một nền tảng cho những phép màu về kinh tế của Nhật Bản sau này.32

Hơn nữa, những điều luật được vay mượn và áp đặt lên Nhật Bản mà hiện trở thành luật của Nhật Bản được áp dụng khá khác biệt so với Châu Âu và Bắc Mỹ. Người dân Nhật Bản và các nước Châu Á khác thường ít có khuynh hướng kiện tụng hơn là Hoa Kỳ, số lượng luật sư cũng như số lượng các vụ kiện cáo bình quân đầu người luôn giảm trong suốt ba thập kỷ kể từ sau khi kết thúc chiến tranh. Người Nhật thường có khuynh hướng sử dụng các phương thức phân xử và giải quyết tranh chấp không chính thức hơn là người Tây phương.33

Một lĩnh vực khác mà Hoa Kỳ đã thất bại trong việc áp đặt các định chế vào Nhật Bàn là nỗ lực tăng cường vai trò của dân chủ trong việc khống chế hệ thống quan liêu phức tạp, hay nói một cách khác là giảm thiểu quyền tự quyết của hệ thống quan liêu. Cũng giống như tại Đức, chính quyền chiếm đóng của lực lượng Đồng Minh đã nỗ lực thanh trừng những quan chức được xem là tội phạm chiến tranh và có tư tưởng quốc gia cực đoan. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị suy giảm do nhu cầu giữ cho Nhật Bản được ổn định và vận hành tốt, đặc biệt là từ áp lực của cuộc Chiến Tranh Lạnh mới nổi lên. Trong nhiều trường hợp, chỉ có những bộ trưởng và phó bộ trường thời chiến bị loại khỏi vị trí của họ; các quan chức trẻ tuổi hơn đơn thuần được thăng tiến trong khi vẫn duy trì truyền thống quan liêu. Do đó, ngay cả dưới hiến pháp dân chủ mới, giới quan liêu vẫn nắm vai trò chủ yếu trong việc đưa ra quyết định. Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party: LDP) từng chiếm ưu thế trong thời gian dài, mặc dù nắm giữ vai trò ra quyết định về chi tiêu và đã cung cấp nhiều hỗ trợ từ ngân sách cho các nhóm lợi ích, vẫn chưa bao giờ thâm nhập vào được giới quan liêu và sắp đặt người của mình vào trong đó. Tình hình thực tế diễn ra theo chiều ngược lại: hệ thống quan liêu đã tạo ra vô số những cán bộ mà sau khi nghỉ hưu (được gọi là amakudari, tức là hạ cánh an toàn) đã được đưa vào những vị trí lãnh đạo chính trị quan trọng và hỗ trợ các mối quan hệ thân thiết giữa LDP và chính phủ. Hệ thống quan liêu này đã trở thành một trong số ba chân của ‘tam giác sắt’, bao gồm thêm giới doanh nghiệp và Đảng Dân chủ Tự do, đã thống trị nền chính trị Nhật Bản trong suốt hai thế hệ.

Trên thực tế, có một sự thật là hầu hết hệ thống quan lại tập trung trong Bộ Ngoại thương và Công nghiệp (MITI, hiện nay được biết đến với tên gọi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp), vốn đã dẫn dắt nền kinh tế Nhật Bản có được những bước tiến kỳ diệu sau chiến tranh, đều là những hậu duệ của các quan chức lập kế hoạch trong thời chiến. Lực lượng này có liên hệ gốc gác xa với nhóm các sỹ quan liên quan đến Đạo quân Quan Đông tại Mãn Châu, những người đã xây dựng nền kinh tế kế hoạch tập trung tại lãnh thổ này. Hệ thống này sau đó được đem áp dụng vào Nhật Bản vào năm 1941 và trở thành hệ thống phấn phối nguồn lực chính yếu trong thời chiến.34 Vì thế, những nhà đàm phán thương mại Hoa Kỳ vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX đã cùng với những hậu duệ của giới quan lại mà cha ông họ đã từng đối đầu nhau trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương hợp tác giải quyết những vấn đề nan giải về kinh tế.

Mặc dù hệ thống quan liêu tại Nhật Bản có quyền lực vượt trội hơn những bộ phận khác trong hệ thống chính trị Nhật Bản, hệ thống này tại Nhật Bản sau chiến tranh kém tập quyền và ít có khả năng quyết định hơn so với hệ thống của Trung Quốc. Quyền lực có xu hướng phân tán trong nhiều lực lượng phe cánh khác nhau, trong đó mỗi nhóm phe cánh cần phải tìm đồng thuận chung khi muốn đưa ra quyết định. Trong những năm gần đây, điều này đã làm gia tăng khuynh hướng thoái thác việc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, ví dụ như những vấn đề về năng lượng hạt nhân hay trợ cấp nông nghiệp. Hơn thế nữa, nhiều minh chứng xác thực cho thấy hệ thống quan liêu đã tan rã, với sự chấm dứt của hệ thống amakudari vào năm 2007. Điều này đã khiến động lực tuyển dụng giới tinh hoa bị suy giảm, kể cả những nỗ lực của các chính đảng trong việc đưa tay chân của mình vào các vị trí quan lại chủ chốt.

Chủ quyền bị mất của nhật bản

Những tiến triển về chính trị tại Nhật Bản từ giữa thế kỷ XIX đã trở thành hình mẫu cho các xã hội Đông Á noi theo với nhiều sự điều chỉnh khác nhau.

Trước khi tiếp xúc với phương Tây, xã hội Nhật Bản đã luôn mặc định một bộ máy nhà nước mạnh với nhiều đặc điểm của hệ thống quan liêu kiểu Weber, trong đó cán cân xã hội – nhà nước luôn nghiêng về phía nhà nước. Có nhiều nhóm xã hội khác nhau – như nông dân, thương gia, và võ sĩ – nhưng họ không hề tổ chức lại với nhau để hoạt động dưới hình thức một tập thể như tại các thành thị độc lập, nhà thờ, phường hội và các nhóm tương tự khác tại Châu Âu. Do đó, xã hội dân sự Nhật Bản gặp nhiều khó khăn hơn trong việc kiềm hãm nhà nước qua những yêu cầu về pháp quyền và trách nhiệm giải trình của chính phủ.

Xã hội dân sự Nhật Bản phát triển một cách cực kì nhanh chóng sau khi tiến hành dân chủ hóa, với nhiều nhóm tổ chức nổi lên như các nhóm về môi trường, nữ quyền, truyền thông, chủ nghĩa quốc gia và tôn giáo với nhiều thể loại khác nhau. Tuy nhiên, khả năng vận động nhằm tác động lên các quyết định chính trị của xã hội dân sự vẫn còn rất yếu so với các nước dân chủ công nghiệp hóa khác. Sự nổi lên của Đảng Dân chủ Nhật Bản và việc đảng này giành được vị trí thủ tướng vào năm 2009 cho thấy một mức độ nào đó về sự phát triển mạnh hơn về văn hóa đối lập.Tuy nhiên, sự yếu kém sau đó trong việc giải quyết các tai họa như trận động đất ở Tohoku năm 2011 và khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima làm dấy lên mối lo ngại về tính bền vững của sự chuyển đổi này.

Sự thiếu vắng xã hội dân sự nội địa của Nhật Bản đã được bù đắp bởi áp lực từ ngoại quốc. Việc những giới đầu sỏ dưới thời Minh Trị chấp nhận những hạn chế về quyền lực không đến từ các cuộc vận động đòi hỏi quyền lợi từ nhân dân trong nước, mà vì họ muốn được các cường quốc phương Tây công nhận vị trí ngang hàng. Bản hiến pháp năm 1947 thậm chí còn mang tính áp đặt trực tiếp lên quốc gia hơn nữa. Điều duy nhất khiến bản hiến pháp này vẫn còn giữ được tính hợp thức và tồn tại bền vững trong suốt gần bảy mươi năm là nhờ địa vị của Nhật Bản trên trường quốc tế. Qua Điều 9 trong bản hiến pháp hậu chiến và Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật năm 1951, Nhật Bản đã giao phó các vấn đề quan trọng về an ninh và quốc phòng cho Hoa Kỳ. Chừng cam kết bảo vệ Nhật Bản của Hoa Kỳ trước các mối đe doa từ các nước như Triều Tiên và Trung Quốc còn xác tín thì bản hiến pháp năm 1947 vẫn còn hiệu lực. (Đức, một quốc gia bại trận khác trong Đệ nhị Thế Chiến, cũng đã hành động tương tự, trao chủ quyền của nó cho NATO và Liên minh Châu Âu). Vị thủ tướng có tinh thần quốc gia mạnh mẽ Shinzo Abe, người đã quay trở lại vị trí quyền lực vào năm 2012, đã tuyên bố dự định xem xét lại Điều 9 và giúp Nhật Bản trở lại một quốc gia có chủ quyền như bình thường hơn. Nếu điều này diễn ra, những dàn xếp hậu chiến cũng sẽ có nhiều thay đổi.

Nhật Bản đã trở thành mẫu mực cho nhiều nước Châu Á khác noi theo, trong đó tập trung vào phẩm chất đạo đức của nhà cầm quyền chuyên chế. Những phẩm chất này bắt nguồn từ di sản Khổng Giáo của Nhật Bản. Theo lời của George Akita, những lãnh đạo thời Minh Trị

Trước hết tin vào khái niệm giới tinh hoa lương thiện, bắt nguồn từ việc chấp nhận một trật tự cấp bậc tự nhiên dựa trên năng lực… Như những nhà nho ưu tú, những nhà lãnh đạo dưới thời Minh Trị luôn hoàn toàn nhận thức được ranh giới mong manh giữa giới tinh hoa khai sáng và bạo quyền… Nếu nhà vua và những quan lại cai trị được kỳ vọng sẽ vận dụng mọi nỗ lực vì lợi ích chung, thì điều này có nghĩa là những người dân thường có thể được giáo dục và huấn luyện đến mức họ có thể tham gia một cách hiệu quả vào chính quyền.35

Giới đầu sỏ thời Minh Trị, cũng như là một số quan lại lão niên như Kishi Nobusuke người đã dẫn dắt Nhật Bản trong thập niên 50, hoặc Sahashi Shigeru, người điều hành MITI trong suốt thời kỳ hoàn kim của nó sau chiến tranh, đều là những nhân vật rất ngạo mạn, khinh thường quyền công dân, và luôn thèm khát quyền lực. Tuy nhiên, so với nhiều nhà lãnh đạo độc tài khác trên thế giới, họ luôn tự xem mình là những người đầy tớ phục vụ công lợi tối cao. Giới đầu sỏ thời Minh trị luôn ẩn mình, đến mức ngày nay nếu ai nghiên cứu về lịch sử Nhật Bản thiếu kỹ lưỡng sẽ hầu như không biết đến họ. Họ cũng cực kỳ tài giỏi trong việc cùng lúc xây dựng truyền thống và đưa đất nước tiến tới những mục tiêu phát triển mà chưa hề có trong lịch sử Nhật Bản.

Truyền thống Khổng Giáo này dĩ nhiên xuất phát từ Trung Hoa, một trường hợp sẽ được xem xét trong chương kế tiếp.

 

Chú thích

  1. For a study emphasizing the promarket nature of policy in East Asia, see W orld Bank, The East Asian Miracle: Economic Growth and Public Policy (New York: Oxford University Press, 1993). The classic studies of industrial policy in East Asia include Chalmers Johnson, MITI and the Japanese Miracle (Stanford, CA: Stanford University Press, 1982); Robert W ade, Governing the Market: Economic Theory and the Role of Government in East Asian Industrialization (Princeton: Princeton University Press, 1990); and Alice H. Amsden, Asia’ s Next Giant: South Kor ea and Late Industrialization (New York: Oxford University Press, 1989). For a more contemporary account of industrial policy in China, see Justin Yifu Lin, “Lessons from the Great Recession,” in Birdsall and Fukuyama, eds., New Ideas in Development After the Financial Crisis. For cultural interpretations, see Lee Kuan Yew’ s interview with Fareed Zakaria, “A Conversation with Lee Kuan Yew,” For eign Affairs 73, no. 2 (1994): 109–27; and Lawrence E. Harrison, Jews, Confucians, and Pr otestants: Cultural Capital and the End of Multiculturalism (Lanham, MD: Rowman and Littlefield, 2013).
  2. One of the most successful instances of industrial policy occurred in the United States with the development of the Internet. The Internet was originally developed by the Pentagon’ s Defense Advanced Research Projects Agency, with the TCP/IP protocol underlying it mandated by the government for use in its own networks. This early investment was based on security concerns rather than economic considerations, but it nonetheless succeeded in seeding one of the most important technologies of the twentieth century. Government investment was also critical in the development of semiconductors, radar , jet aircraft, and a host of other technologies.
  3. Peter B. Evans, Embedded Autonomy: States and Industrial T ransformation (Princeton: Princeton University Press, 1995).
  4. Peter Duus, The Rise of Modern Japan (Boston: Houghton Mifflin, 1976), pp. 21–31.
  5. For an overview of the origins of Japanese technonationalism, see Richard J. Samuels, “Rich Nation, Str ong Army”: National Security and the T echnological T ransformation of Japan (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1994), pp. 33–78.
  6. Duus, Rise of Modern Japan, pp. 94–95.
  7. James L. McClain, Japan, A Modern History (New York: Norton, 2002), pp. 267–71.
  8. C. Koh, Japan’s Administrative Elite (Berkeley: University of California Press, 1989), p. 20.
  9. Bernard S. Silberman, “Bureaucratic Development and the Structure of Decision-making in Japan: 1868– 1925,” Journal of Asian Studies 29, no. 2 (1970): 347–62.
  10. Bernard S. Silberman, “The Bureaucratic Role in Japan, 1900–1945: The Bureaucrat as Politician,” in Bernard S. Silberman and H. D. Harootunian, eds., Japan in Crisis: Essays on T aish ō Democracy (Princeton: Princeton University Press, 1974).
  11. Silberman, “Bureaucratic Development,” p. 349.
  12. Yasukuni was one of twenty-seven new Shinto shrines that were built in this period. McClain, Japan, p. 268.
  13. John O. Haley and V eronica T aylor , “Rule of Law in Japan,” in Randall Peerenboom, ed., Asian Discourses of Rule of Law: Theories and Implementation of Rule of Law in T welve Asian Countries, France, and the U. S. (New York: Routledge, 2004), pp. 449–50.
  14. Carl F . Goodman, The Rule of Law in Japan: A Comparative Analysis, 3rd ed. (The Hague: Kluwer Law International, 2003), pp. 17–18; Shigenori Matsui, The Constitution of Japan: A Contextual Analysis (Portland, OR: Hart Publishing, 2011), p. 9.
  15. Haley and Taylor, “Rule of Law in Japan,” pp. 452–53; Goodman, Rule of Law in Japan, pp. 18–19.
  16. George Akita, Foundations of Constitutional Government in Modern Japan, 1868–1900 (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1967), pp. 59–64.
  17. Duus, Rise of Modern Japan, pp. 114–15; Lawrence W . Beer and John M. Maki, Fr om Imperial Myth to Democracy: Japan’ s T wo Constitutions, 1889–2002 (Boulder: University Press of Colorado, 2002), pp. 17–18, 24–29; Matsui, The Constitution of Japan, pp. 9–11.
  18. T etsuo Najita, Hara Kei in the Politics of Compr omise 1905–1915 (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1967); Akita, Foundations of Constitutional Government, pp. 159–61; Duus, Rise of Modern Japan, pp. 114– 15; Matsui, Constitution of Japan, pp. 9–11; McClain, Japan, pp. 184–87.
  19. Stephen Vlastos, “Opposition Movements in Early Meji, 1868–1885,” in Marius B. Jansen, ed., The Emer gence of Meiji Japan (New York: Cambridge University Press, 1995).
  20. Akita, Foundations of Constitutional Government, pp. 2–3.
  21. The signing of an Anglo-Japanese Commercial T reaty in 1894 provided for the abolition of extraterritoriality in five years; the other Western powers followed suit by 1897. Goodman, Rule of Law in Japan, p. 19.
  22. Barrington Moore, Jr ., Social Origins of Dictatorship and Democracy (Boston: Beacon Press, 1966), pp. 433– 52.
  23. See Fukuyama, Trust, pp. 83–95.
  24. Moore, Social Origins of Dictatorship, pp. 254–75.
  25. This point is made in Theda Skocpol, “A Critical Review of Barrington Moore’ s Social Origins of Dictatorship and Democracy, ” Politics & Society 4 (1973): 1–34. Rural tenancy actually declined and the number of small and medium-sized farms steadily increased during the 1920s. See Duus, Rise of Modern Japan, pp. 182–85.
  26. McClain, Japan, pp. 345–56; Andrew Gordon, Labor and Imperial Democracy in Pr ewar Japan (Berkeley: University of California Press, 1991), pp. 1–10.
  27. Duus, Rise of Modern Japan, pp. 206–19; on the role of the W ashington Naval T reaty, see James B. Crowley, Japan’ s Quest for Autonomy: National Security and For eign Policy , 1930–1938 (Princeton: Princeton University Press, 1966).
  28. McClain, Japan, p. 410.
  29. Beer and Maki, Imperial Myth, pp. 58–59, 68–69.
  30. , pp. 81–87; Theodore McNelly, The Origins of Japan’ s Democratic Constitution (Lanham, MD: University Press of America, 2000), pp. 1–14.
  31. Sirota had grown up in Japan and had the presence of mind to demand inclusion of provisions on women’ s rights that were taken up by Japanese feminists like Sato Shizue. Beer and Maki, Imperial Myth, p. 87.
  32. For an account of this effort by a participant, see Eleanor M. Hadley, Memoir of a T rustbuster: A Lifelong Adventure with Japan (Honolulu: University of Hawai‘i Press, 2003). See also Fukuyama, Trust, pp. 195–207.
  33. Frank Upham, “Mythmaking in the Rule-of-Law Orthodoxy,” in Carothers, Pr omoting the Rule of Law Abr oad ; see also Upham’s Law and Social Change in Postwar Japan (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1987).
  34. Janis Mimura, Planning for Empir e: Reform Bur eaucrats and the Japanese W artime State (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2011).
  35. Akita, Foundations of Constitutional Government, pp. 162–63.

 

Nguồn: Francis Fukuyama. 2014. The Strong Asian State (Các nhà nước mạnh kiểu châu Á; bản dịch của Dương Quang Minh). Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy. Farrar, Straus and Giroux. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.