Sự trỗi dậy của những kẻ độc tài – Chủ nghĩa pháp lý độc tài ở Venezuela

Thông tin chi tiết

Bài báo: Authoritarian Resurgence – Autocratic Legalism in Venezuela (Sự trỗi dậy của những kẻ độc tài – Chủ nghĩa pháp lý độc tài ở Venezuela)

Tác giả: Javier Corrales

Tạp chí: Journal of Democracy, Issue 2, Volume 26

Chuyển ngữ: Minh Anh & Vi Yên (Nhóm Tinh Thần Khai Minh)

Hướng dẫn trích nguồn: Javier Corrales, “Authoritarian Resurgence – Autocratic Legalism in Venezuela” (Sự trỗi dậy của những kẻ độc tài – Chủ nghĩa pháp lý độc tài ở Venezuela, bản dịch của Minh Anh & Vi Yên nhóm Tinh Thần Khai Minh), Journal of Democracy 26 (tháng 4 năm 2015): trang 37-51.

 

 

Tải về tại đây:

 

SỰ TRỖI DẬY CỦA NHỮNG KẺ ĐỘC TÀI – CHỦ NGHĨA PHÁP LÝ ĐỘC TÀI Ở VENEZUELA

Tác giả: Javier Corrales

Chuyển ngữ: Minh Anh & Vi Yên [Nhóm Tinh Thần Khai Minh]

 

Javier Corrales là giáo sư ngành Khoa học chính trị Dwight W. Morrow 1895 tại trường Amherst. Ông là đồng tác giả của tác phẩm Dragon in the Tropics: Hugo Chávez and the Political Economy of Revolution in Venezuela (cùng với Michael Penfold, 2011). Ấn bản thứ hai mang tiêu đề mới The Legacy of Hugo Chávez sẽ được xuất bản vào năm 2015. Các phần của tiểu luận này được rút ra từ các cuốn sách vừa nêu.

 

Khái niệm về chế độ lai – những chế độ thể hiện đồng thời cả đặc điểm dân chủ lẫn đặc điểm độc tài – hiện đang được thiết lập vững chắc trong lĩnh vực chính trị học so sánh. Các chế độ lai đôi khi còn được gọi là “độc tài cạnh tranh”, vì trong khi đảng cầm quyền cạnh tranh trong các cuộc bầu cử (và thường chiến thắng), thì tổng thống lại được trao cho nhiều quyền lực độc đoán dẫn đến làm xói mòn cơ chế kiểm soát và cân bằng. Ngày nay, những chế độ như vậy đang dần phổ biến ở các nước đang phát triển. Nếu chúng ta coi sự tự do một phần là một tiêu chuẩn cho các chế độ lai theo như phân loại của Freedom House, thì vào năm 2014 các chế độ lai đã trở nên phổ biến hơn so với các chế độ độc tài cổ điển.

Sự vận động của các chế độ lai – lý do tại sao một vài trong số chúng vẫn ổn định theo thời gian trong khi số khác trở nên hoặc dân chủ hơn hoặc độc tài hơn – vẫn chưa được hiểu rõ. Venezuela dưới thời Hugo Chávez (1999–2013) là một trường hợp chế độ lai đã nhanh chóng dịch chuyển theo hướng ngày càng độc tài. Trong bản báo cáo Freedom in the World giai đoạn 1999–2000, Freedom House đã hạ xếp hạng của Venezuela từ tự do đến tự do một phần. Sự chuyển dịch của Venezuela theo hướng độc tài đã tăng nhanh trong những năm qua, tới những bậc mới dưới thời người kế nhiệm của Chávez là Nicolás Maduro (2013 đến nay). Ngày nay, Venezuela được xếp hạng kém tự do nhất trong số các chế độ tự do một phần ở Mỹ La-tinh.

Điều này làm nảy sinh hai câu hỏi. Thứ nhất, những cơ chế nào khiến cho một chế độ độc tài cạnh tranh trở nên độc tài hơn? Theo định nghĩa, một chế độ lai là một chế độ trong đó nhánh hành pháp tập trung quyền lực gây tổn hại cho các tác nhân phi nhà nước và các tác nhân đối lập. Nhưng còn điều gì khác phải xảy ra để chúng ta có thể nói rằng nó đã trở nên độc tài hơn? Bài viết này nghiên cứu về Venezuela từ năm 1999 để chỉ ra rằng làm thế nào mà sự biến đổi như vậy có thể xảy ra. Các luận điểm của tôi tập trung vào sự sử dụng, lạm dụng và không sử dụng pháp quyền.

Câu hỏi thứ hai, đâu là những nguyên nhân khiến cho Venezuela dịch chuyển nhanh chóng về phía độc tài hơn, đặc biệt là trong năm năm cuối cùng của thời kì chavismo? Từ các tác phẩm trước đây của tôi (cộng tác cùng các tác giả khác), tôi đưa ra hai luận điểm cơ bản. Một luận điểm tập trung vào các yếu tố trong nước: sự sụt giảm khả năng cạnh tranh bầu cử của đảng cầm quyền kể từ cuối những năm 2000, cùng với sự phụ thuộc theo lối mòn, giúp ta giải thích sự chuyển dịch của Venezuela theo hướng độc tài hơn. Luận điểm còn lại tập trung vào chính sách đối ngoại: Đến năm 2010, Venezuela đã thành công trong việc tạo ra một chính sách đối ngoại bảo vệ nó khỏi những áp lực quốc tế. Mặc dù rất có thể các yếu tố khác cũng đóng những vai trò nhất định, song hai yếu tố này đã tạo ra những thúc đẩy cốt yếu nhất.

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Chávez, Venezuela đã trở thành trường hợp Mỹ Latinh kiểu mẫu về chế độ độc tài cạnh tranh. Từ năm 2007, đảng cầm quyền là Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất của Venezuela (PSUV) đã cạnh tranh trong các cuộc bầu cử chống lại một lực lượng đối lập gồm nhiều đảng, giống như người ta mong đợi ở một nền dân chủ. Đồng thời, PSUV giúp nhánh hành pháp làm suy yếu cơ chế kiểm soát và cân bằng, đối xử bất lợi với phe đối lập, và làm giảm tính tự trị của xã hội dân sự. Qua nhiều năm, các thực tiễn về sự độc tài của chế độ này ngày càng trở nên rõ rệt.

Ba yếu tố then chốt

Cơ chế chính tạo điều kiện gia tăng chủ nghĩa độc tài ở Venezuela còn được gọi là “chủ nghĩa pháp lý độc tài”. Chủ nghĩa pháp lý độc tài có ba yếu tố then chốt: sử dụng, lạm dụngkhông sử dụng (hay deduso trong tiếng Tây Ban Nha) pháp luật trong nhánh hành pháp.

Chúng ta hãy bắt đầu với sự sử dụng luật pháp theo kiểu độc tài. Kể từ lần đầu lên nắm quyền, đảng cầm quyền đã lợi dụng địa vị thống trị của mình trong các cơ quan lập pháp của đất nước (Hội đồng lập hiến năm 1999, “quốc hội nhỏ” năm 1999–2000, và cơ quan lập pháp quốc gia từ năm 2000 đến nay), kết hợp với sự kiểm soát hoàn toàn Tòa án tối cao từ năm 2005, để ban hành những bộ luật trao quyền cho nhánh hành pháp, qua đó làm tổn hại đến các nhánh khác của nhà nước. Cho tới khi Hugo Chávez qua đời vào tháng 3 năm 2013, đã có rất nhiều bộ luật độc tài như vậy được ban hành:

1) Hiến pháp năm 1999, mặc dù có nhiều đổi mới mang tính dân chủ, song nó lại tăng quyền lực cho tổng thống: nó loại bỏ thượng viện (một tác nhân có quyền phủ quyết quan trọng); cấm tài trợ công cho các tổ chức chính trị (còn được diễn giải là các đảng phái chính trị); và trao quyền cho tổng thống có thể kêu gọi trưng cầu dân ý để triệu hồi các nhà lập pháp, giải thể cơ quan lập pháp trong một số điều kiện nhất định, và đề nghị sửa đổi hiến pháp và viết lại hiến pháp.

2) Luật trao quyền cho tổng thống quyền cai trị bằng sắc lệnh. Cơ quan lập pháp do những người theo Chávez (Chavista) thống trị đã thông qua luật trao quyền suốt bốn lần dưới thời Chávez vào những năm 1999, 2000, 2007, và 2010, và một lần (cho đến nay) dưới thời Maduro vào năm 2013.

3) Luật viễn thông (2000) cho phép chính quyền đình chỉ hoặc thu hồi các chương trình phát sóng của các cơ quan tư nhân nếu hành động này là “vì lợi ích của quốc gia, hoặc để đảm bảo trật tự và an ninh công cộng”. Luật này đã được sửa đổi vào năm 2011, trong đó đối tượng bao gồm tất cả các sản phẩm nghe nhìn (bao gồm cả truyền hình cáp) và giảm số năm nhượng quyền mạng vô tuyến từ 25 xuống 15 năm.

4) Luật trách nhiệm xã hội (2004) cấm truyền tải những tài liệu nào có thể kích động hoặc thúc đẩy hận thù và bạo lực. Luật này đã được mở rộng vào năm 2010 nhằm áp dụng cho Internet. Theo đó, phương tiện truyền thông điện tử không được truyền tải các thông điệp “kích động sự lo lắng trong công chúng hoặc gây rối trật tự công cộng”, “kích động hoặc thúc đẩy sự bất tuân dân sự đối với trật tự pháp lý hiện hành”, “không công nhận thẩm quyền hợp pháp,” hoặc “kích động hay thúc đẩy hận thù hay sự không khoan dung”.

5) Cải cách bộ luật hình sự 2005 đã mở rộng luật desacato (xúc phạm), vốn quy định rằng một hành động là bất hợp pháp khi nó “xúc phạm các quan chức chính phủ”, nhằm tính đến một số lượng còn lớn hơn các quan chức mà luật này đang áp dụng. Nó cũng giới hạn nghiêm ngặt việc sử dụng các không gian công cộng để biểu tình.

6) Luật quản trị “các hội đồng công xã” (Luật về Quyền lực nhân dân [2010], Luật về Kế hoạch công [2010], Luật về kiểm toán trách nhiệm xã hội [2010], và Luật về công xã [2010]) đã trao các đặc quyền về tài trợ công và pháp lý tới các cơ quan không rõ ràng này – các cơ quan vốn có nhiệm vụ làm việc với nhà nước để cung cấp các dịch vụ, thực hiện các công trình công cộng, và tham gia vào việc phát triển cộng đồng. Khi thực hiện những công việc này, chúng thường thay thế vai trò của các vị thị trưởng và các hội đồng thành phố được dân bầu chọn. Không luật nào trong số những luật này đòi hỏi hội đồng phải tổ chức các cuộc bầu cử cạnh tranh cho các vị trí đại diện.

7) Luật bảo vệ chủ quyền chính trị và tự quyết quốc gia (2010) ngăn không cho những người bảo vệ nhân quyền Venezuela nhận sự hỗ trợ quốc tế. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) vốn “bảo vệ các quyền chính trị” hay “giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền” bị ngăn không được nhận bất cứ nguồn tài trợ nước ngoài nào. Người nước ngoài được mời đến Venezuela bởi các nhóm như vậy có thể bị trục xuất ngay lập tức khỏi đất nước nếu họ bày tỏ ý kiến “xúc phạm đến các thiết chế của nhà nước, các quan chức hàng đầu hoặc tấn công việc thực hiện chủ quyền”. Các tổ chức phi chính phủ có thể bị phạt tiền, và người lãnh đạo các tổ chức này có thể bị tước quyền chạy đua cho các chức vụ công trong vòng tám năm.

8) Luật chống các giao dịch bất hợp pháp (2010) cho phép chính quyền độc quyền đổi mới mọi giao dịch tiền tệ, bao gồm cả trái phiếu chính phủ. Ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu phải được bán cho Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV) theo tỷ giá chính thức. Luật này cũng cấm các đơn vị hay các cá nhân Venezuela “chào hàng” bằng ngoại tệ nhằm bán hàng hóa và dịch vụ.

9) Luật cải cách từng phần đối với Luật về các đảng phái chính trị, các buổi tụ họp và các cuộc biểu tình (2011) cấm người đại diện thực hiện bất cứ hành vi nào đi ra khỏi “định hướng và quan điểm chính trị” do đảng của họ thông qua trong suốt thời gian bầu cử. Luật này nhằm ngăn chặn các nhà lập pháp bỏ phiếu chống lại các đường lối của đảng.

10) Luật về giá cả công bằng (2014) là phiên bản cập nhật của Luật về chi phí và giá cả công bằng ban hành năm 2011, vốn hợp thức hóa hệ thống kiểm soát giá cả rộng khắp của chế độ, và về cơ bản là nhằm thủ tiêu hệ thống giá. Phiên bản năm 2014 củng cố luật trước đó, mở rộng số lượng các vi phạm, bao gồm việc bán lại các hàng hóa “thiết yếu” và thực hiện các hành vi gây “bất ổn kinh tế”. Nó cũng cấm lợi nhuận trên 30%. Các biện pháp xử phạt bao gồm phạt tiền, phạt tù, tịch thu tài sản, và tương tự. Hơn nữa, bằng việc bổ sung thêm sự “bất ổn kinh tế” – vốn có thể được diễn giải rằng nó ám chỉ cả việc lan truyền một tin đồn – luật này đã mở rộng sự biện minh chủ quan mà nhà nước có thể viện dẫn để xử phạt các tác nhân tư nhân. Từ năm 2011, luật này cũng đã là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu hụt của thị trường và thị trường ngầm, và thường được sử dụng như một lẽ biện minh nhằm trấn áp các ngành tư nhân.

Hệ thống luật độc đoán của Venezuela mang hai điểm đặc trưng. Thứ nhất, khía cạnh độc đoán của các luật này không phải lúc nào cũng công khai. Tính độc đoán thường ẩn giấu trong một loạt các điều khoản, chúng trao quyền cho công dân hoặc các nhóm chính trị, và chúng khuyến khích các nhóm được uỷ quyền sẽ ủng hộ các luật này, ít nhất là vào lúc đầu. Song luôn tồn tại một điều khoản mà cuối cùng thì nó lại trao nhiều quyền cho nhánh hành pháp hơn so với các tác nhân khác, và điều này khiến luật pháp trở nên độc đoán. Thứ hai, các luật này được ban hành theo hiến pháp, ít ra thì cũng trong chừng mực mà chúng được phê duyệt bởi các quá trình phê chuẩn theo hiến pháp. Nghịch lý này đặt ra một vấn đề nhân đôi cho phe đối lập: 1) Những luật như vậy tăng cường năng lực của nhà nước trong việc kiểm soát các tác nhân phi nhà nước, và 2) chúng không thể dễ dàng bị thách thức bởi vì chúng đã ra đời thông qua các kênh hiến pháp.

Lạm dụng pháp luật: “Sự thống trị truyền thông”

Yếu tố thứ hai của chủ nghĩa pháp lý độc tài là sự lạm dụng pháp luật, có nghĩa là thực thi luật và các quy định một cách mâu thuẫn và thiên vị. Tại Venezuela, điều này đã xảy ra ở nhiều lĩnh vực, song nó đặc biệt nổi bật trong thế giới truyền thông, và nó giúp giải thích rằng làm thế nào mà, dưới thời Chávez, cán cân lại nghiêng về truyền thông do chính phủ kiểm soát hơn là truyền thông tư nhân độc lập. Ngày nay, một người dân thường ở Venezuela ít có cơ hội tiếp cận Internet và có nhiều khả năng tiếp xúc các phương tiện truyền thông công cộng hoặc các phương tiện ủng hộ PSUV, những kênh này thường có sẵn một cách dễ dàng và dễ tiếp cận về mặt kinh tế hơn so với phương tiện truyền thông tư nhân độc lập. Hậu quả là nó gây ra sự suy giảm đáng kể của nền báo chí đa nguyên. Sự thay thế này giữa các phương tiện truyền thông, hay thường được coi là “sự thống trị về truyền thông”, là một chiến lược có chủ ý của chính sách chavismo.1

BẢNG 1 – CÁC PHƯƠNG TIỆN XUẤT BẢN VÀ TRUYỀN HÌNH ĐỘC LẬP

  1998 2014
Xuất bản
Tất cả các tờ báo trong nước 100% 56%
     Báo chí địa phương và khu vực 100% 49%
Truyền hình
Tất cả các kênh truyền hình trong nước 88% 46%
     Các kênh địa phương và khu vực 50% 39%

Ghi chú: Độc lập là 1) sở hữu tư nhân; 2) mang tính chính trị; 3) không mang tính tập thể; và 4) không kiểm duyệt thông tin một cách có hệ thống nhằm làm lợi cho phe đối lập.

Nguồn: Xem hậu chú số 2.

Đến năm 2014, thông qua việc sử dụng và lạm dụng luật pháp, truyền thông mở rộng việc chi phối sang cả các phương tiện in ấn và truyền hình. Ví dụ, vào năm 1998, có 89 tờ báo ở Venezuela.2 Tất cả đều thuộc sở hữu tư nhân và độc lập. Đến năm 2014, Venezuela có 102 tờ báo, trong đó 56% là thuộc sở hữu tư nhân; 8% thuộc nhà nước; 15% “không độc lập”, có nghĩa là chúng có khuynh hướng ủng hộ PSUV; và 22% là “không xác định”, có nghĩa là chúng hoặc quá nhỏ hoặc không công khai định hướng của mình.3 Các tờ báo do nhà nước sở hữu thường không phổ biến trong các nền dân chủ. Tại Venezuela, chúng được thiên vị một cách công khai. Trong khi báo chí tư nhân thường bị chỉ trích là quá dễ denuncias (buộc tội) – vừa được coi như một dấu hiệu của sự không trung lập, vừa là bằng chứng về sự hiện diện của nền dân chủ ở Venezuela – thì nền báo chí do nhà nước sở hữu vốn kiểm duyệt một cách có hệ thống những thông tin về các tác nhân ngoài nhà nước lại không phải là dấu hiệu của sức sống dân chủ. Chính quyền Maduro cam kết sẽ tiếp tục chính sách mở rộng báo chí công. Nó đã thành lập các tờ báo công ở các thành phố Valencia, Maracay, Cojedes, Guárico, và Petare, và vào năm 2014 tổng thống đã tuyên bố rằng ông muốn mỗi thị trấn có một tờ báo.

Sự co lại của các phương tiện truyền thông độc lập thậm chí còn lớn hơn trong lĩnh vực truyền hình. Năm 1998, có 24 kênh truyền hình trên toàn quốc, trong đó chỉ có 3 kênh thuộc nhà nước (và chúng không thiên vị). Năm 2014, có 105 kênh truyền hình, nhưng chỉ có 46% thuộc tư nhân. (Nếu ai đó chỉ nhìn vào các kênh địa phương, thì truyền thông độc lập ít suy giảm hơn, từ 50% năm 1998 xuống còn 39% trong năm 2014.). Các kênh nhà nước sở hữu hiện chiếm 17% trong số tất cả các kênh truyền hình (con số này là 14% nếu ta chỉ nhìn vào các kênh truyền hình địa phương và khu vực). Ngoài ra, dưới chính sách chavismo một thể loại mới đã xuất hiện– “các kênh công cộng”, chủ yếu nằm ở các thành phố nhỏ, chiếm 37% trong số các đài truyền hình trong năm 2014. Các kênh công cộng được cho là độc lập về mặt kỹ thuật, và nhiều trong số chúng đã phải đấu tranh để khẳng định quyền tự chủ trước nhà nước.4 Nhưng chỉ các kênh ủng hộ chính phủ mới nhận được kinh phí và sự hỗ trợ của nhà nước. Vì các kênh công cộng này có rất ít nguồn kinh phí khác, nên chắc chắn cuối cùng chúng phải tuân theo sự chỉ đạo của nhà nước.

Sự thống trị ngày càng tăng đối với truyền thông của Venezuela là kết quả của cả việc sử dụnglạm dụng pháp luật.5 Chính phủ đã sử dụng các quy định hiện hành để thiết lập các tờ báo nhà nước. Một vài trong số này được phân phát miễn phí, dễ dàng chiếm chỗ trong cạnh tranh tư nhân – một thực tiễn tuy nằm trong phạm vi pháp luật, song lại hàm ý loại bỏ các phương tiện truyền thông độc lập. Nhà nước cũng lạm dụng luật pháp bằng cách quấy rối nhiều tờ báo độc lập, phạt tiền hợp pháp dựa trên những cáo buộc về tham nhũng hay vi phạm luật truyền thông, hoặc tùy tiện phủ nhận việc tiếp cận với ngoại tệ, vốn là việc cần thiết để mua giấy. Theo các Phóng viên không Biên giới, ít nhất 37 tờ báo đã phải giảm lưu thông do thiếu giấy.6 Các chiến thuật khác bao gồm ngăn chặn các cơ quan nhà nước mua quảng cáo trên các tờ báo bị nhắm đến; gây sức ép một cách không chính thức với ban biên tập để xuất bản những câu chuyện “đúng”; và cấm các phóng viên đưa tin các sự kiện về chính phủ. Mục tiêu của chế độ là lạm dụng pháp luật để buộc báo chí tư nhân độc lập rơi vào khủng hoảng tài chính, do đó khuyến khích cắt giảm (như trong trường hợp của tờ nhật báo Tal Cual, đã phải thu nhỏ quy mô thành xuất bản hàng tuần vào đầu năm 2015) hoặc thậm chí bán tờ báo cho chủ sở hữu mới (như tờ El Universal). Nếu đường lối biên tập của một tờ báo thay đổi, chính phủ sẽ không những không thu tiền phạt mà còn cấp cho nó ngoại tệ.

Việc sử dụng và lạm dụng pháp luật tương tự đã được áp dụng cho truyền hình. Sự sụt giảm lớn về tính đa nguyên bắt đầu vào năm 2003, khi Diosdado Cabello, chính trị gia chavista – người nắm quyền lực thứ hai hiện nay và là chủ tịch Quốc hội – bắt đầu tiếp quản Ủy ban Viễn thông Quốc gia (Conatel), một cơ quan kiểm soát phát sóng truyền hình và phát thanh, và người này đã tái cấu trụ lại các quy định phương tiện truyền thông. Conatel hiện tại chịu trách nhiệm về việc xác định liệu một đài truyền hình có đủ điều kiện là một kênh công cộng hay không (và do đó cũng xem xét liệu nó có đủ điều kiện để được cấp kinh phí nhà nước). Conatel cũng đã nhắm đến các kênh truyền hình tư nhân bằng cách từ chối gia hạn giấy phép của họ (như với RCTV năm 2007) hoặc bằng cách thu phí quá mức đối với các vi phạm quy định theo pháp luật về phương tiện truyền thông (như với Globovisión cho đến năm 2013). Tại Venezuela, cách duy nhất mà một đài truyền hình có thể đảm bảo sự tồn tại về tài chính của nó là đứng ngoài chính trị – nghĩa là, bằng cách tự kiểm duyệt (như Globovisión đã thực hiện kể từ khi nó được bán cho chủ mới vào năm 2013) và hạn chế đưa tin về các sự kiện chính trị (như Venevisión và Televén thường làm).

Sự gia tăng của phương tiện truyền thông nhà nước và phương tiện truyền thông không độc lập đã gây tác động rõ ràng lên các thông tin sẵn có. Ví dụ, vào tháng 1 năm 2015, phe đối lập đã tổ chức một cuộc diễu hành lớn ở trung tâm thành phố Caracas. Không có kênh truyền hình nào phát sóng cuộc diễu hành hay các bài phát biểu, thay vào đó chúng tiếp tục chiếu các chương trình hàng ngày. Sau ngày hôm đó, Globovisión báo cáo về phát biểu của các nhà lãnh đạo đối lập, nhưng không quá năm phút. Ngược lại, hầu hết các đài truyền hình nhà nước đã cho phát sóng bài phát biểu hơn một tiếng mà Maduro (tổng thống Venezuela) đưa ra cùng ngày. Globovisión phát bài phát biểu của Maduro trực tiếp trong mười lăm phút. Venevisión và Televén không phát bài phát biểu của Maduro, do thỏa thuận ngầm của họ với nhà nước là không đụng chạm đến chính trị.

Việc không sử dụng pháp luật: các vi phạm bầu cử

Khá nghịch lý, yếu tố thứ ba trong chủ nghĩa pháp lý độc tài là dựa vào sự bất hợp pháp. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong nền chính trị bầu cử. Một trong những di sản độc tài quan trọng nhất của Chávez là một môi trường bầu cử tai hại do sự vi phạm bầu cử và bị chi phối bởi một cơ quan quản lý thiên vị, là Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE). Thật vậy, trong cuộc bầu cử thứ 16 được tổ chức trong thời kì chavista, theo tính toán của tôi thì đã có hơn 45 kiểu vi phạm bầu cử, thường liên quan đến việc thực thi sai lệch về luật bầu cử và thường là các vi phạm trắng trợn – ví dụ, chính phủ cho phép PSUV vượt quá giới hạn chi tiêu hoặc thời gian phát sóng; cho phép các trung tâm bỏ phiếu để mở quá giờ so với lịch trình của chúng; tùy tiện cấm các ứng cử viên hoặc quan sát viên; thao túng quy tắc bỏ phiếu phục vụ lợi ích của đảng cầm quyền; dụ dỗ nhân viên nhà nước hoặc người nhận phúc lợi bỏ phiếu một cách nhất định; quấy rối cử tri tại các điểm bầu cử; đe dọa từ chối cấp tiền cho các quận bầu ứng cử viên đối lập; và tiến hành kiểm tra qua loa về kết quả.7 Theo thời gian, một vài vi phạm được điều chỉnh cho tốt hơn – thường do áp lực từ phe đối lập – nhưng các dạng khác vẫn tồn tại, và những vi phạm mới có xu hướng xuất hiện cùng với mỗi cuộc bầu cử mới.8

Môi trường bầu cử có xu hướng vi phạm này trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Chávez qua đời vào tháng 3 năm 2013, bắt đầu bằng các cuộc bầu cử cho người kế nhiệm ông vào tháng sau. Trong cuộc bầu cử đó, Maduro, người lúc đó là quyền tổng thống, chiếm ưu thế hơn đối thủ của mình, Henrique Capriles Radonski, chỉ với 235.000 phiếu (khoảng 1,5%). Phe đối lập cho rằng, trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử và trong ngày bầu cử, đã có những vi phạm lặp đi lặp lại và xuất hiện những sự vi phạm mới (ví dụ, người ta đã nhìn thấy các cảm tình viên PSUV hộ tống các cử tri đi bầu cử dưới sự giả vờ giúp đỡ họ; quấy rối các quan sát viên bầu cử và cử tri; trả tiền cho các công dân đưa mọi người đến các điểm bỏ phiếu; và thậm chí có thể tham gia gian lận tại một vài trung tâm bỏ phiếu), điều này đã mang lại cho Maduro chiến thắng tối thiểu. Sau khi kết quả được công bố, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Caracas và nhiều thành phố khác. Chính phủ đã đàn áp các cuộc biểu tình; cuối cùng, bảy người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Phe đối lập kêu gọi một cuộc kiểm phiếu đầy đủ, song đã bị từ chối (mặc dù CNE đã tiến hành một cuộc kiểm phiếu điện tử so với các lá phiếu giấy), và sau đó, lần đầu tiên kể từ năm 2005, phe đối lập đã thách thức cuộc bầu cử, chính thức kêu gọi hoặc phải bãi bỏ cuộc bầu cử hoặc phải thực hiện bầu cử tại khoảng 5.700 bàn bỏ phiếu (tại Venezuela, mỗi bàn bỏ phiếu liên kết với một máy bỏ phiếu màn hình cảm ứng đặc biệt).

Yêu cầu này cũng bị từ chối, vì vậy lực lượng đối lập đã nỗ lực vô ích khi khiếu nại gian lận tới Tòa án tối cao. Các tòa án của Venezuela là một yếu tố then chốt trong việc cai trị không sử dụng pháp quyền. Các thẩm phán cấp cao công khai ủng hộ đảng phái kể từ khi chính phủ tổ chức lại các tòa án trong năm 2004, và nhiều thẩm phán cấp dưới không làm việc trọn đời và thường bị phạt khi phán quyết sai lầm. Hơn nữa, theo một nghiên cứu gần đây, không phán quyết nào trong 45.474 phán quyết do Tòa án tối cao đưa ra từ năm 2005 chống lại chính phủ.9 Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Tòa án bác bỏ vụ kiện gian lận của phe đối lập.

Trong khi tại các cuộc bầu cử thành phố trong tháng 12 người ta ít thấy các trường hợp bất thường tại các hòm phiếu, song họ đã nhìn chứng kiến sức mạnh của quyền lực nhà nước được sử dụng nhằm làm lợi cho các ứng cử viên PSUV trong thời gian diễn ra chiến dịch, trong đó có việc bội chi và sử dụng bất hợp pháp công quỹ và phương tiện truyền thông nhà nước. Hơn nữa, tại thời điểm cuộc bầu cử, nhiệm kỳ của ba trong số năm thành viên của CNE – một cơ quan mà chỉ có một người đại diện không thuộc chính phủ – đã hết hiệu lực. Ở các cuộc bầu cử năm 2013, chính quyền Maduro đã cho thấy rằng họ đã không chỉ thừa hưởng di sản bán độc tài của Chávez, mà còn đặt nền tảng trên nó.

Sự tăng cường của chủ nghĩa pháp lý độc tài dưới thời Maduro đã chứng tỏ gây ra bất ổn.10 Vào đầu năm 2014, ngay từ đầu phe đối lập đã chia rẽ về cách đối phó với quá trình bầu cử gian lận và với sự từ chối của chính phủ trong việc giải quyết các vi phạm, và có một phe đã kêu gọi và thực hiện các cuộc biểu tình đường phố. Sự bùng nổ của các cuộc biểu tình dân chúng dẫn đến việc đàn áp tồi tệ nhất dưới chính sách chavismo, và có lẽ là dưới bất kỳ chính phủ nào được bầu trong lịch sử của đất nước.

Giữa tháng 2 và tháng 4 năm 2014, Venezuela đã chìm trong các cuộc biểu tình, lúc đầu được thực hiện bởi các sinh viên đại học ở các thành phố nhỏ phía tây của San Cristóbal và Mérida. Chính phủ đã thẳng tay đàn áp những đợt đầu của cuộc biểu tình, vốn chỉ làm chúng bùng nổ hơn – thời gian này, họ điều phối thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, bằng cách sử dụng hashtag “#lasalida” (“the way out”). Những người cứng rắn của phe đối lập, bao gồm Leopoldo López (một cựu thị trưởng thành phố tự trị Chacao của Caracas), María Corina Machado (một nghị sỹ quốc hội vào thời điểm đó), và Antonio Ledezma (thị trưởng thủ đô Caracas), đã sớm gia nhập vào cuộc biểu tình, và các vấn đề biểu tình mở rộng sang bao gồm vấn đề suy thoái kinh tế, tình trạng thiếu lương thực và các dịch vụ công cộng không đáng tin cậy, cũng như tội phạm tràn lan.

Khoảng 800.000 người trong ít nhất 16 bang và 38 thành phố đã tham gia cuộc biểu tình trong ít nhất ba tháng. Những người biểu tình thiết lập rào chắn đường phố ở hầu hết các khu phố trung lưu; một số người biểu tình đã ném chai, đá và bom xăng. Chính phủ đã gửi vệ binh quốc gia và cảnh sát quốc gia để đàn áp các cuộc biểu tình, và có thể đã khuyến khích những người dân ủng hộ chính phủ vũ trang (gọi là colectivos) đe dọa người biểu tình.11 Theo một báo cáo của các tổ chức nhân quyền hàng đầu, chính phủ đã đàn áp dữ dội 34% trong số các cuộc biểu tình, nhiều hơn so với sự đàn áp dữ dội nhất dưới thời Chávez (7% trong năm 2009), và bắt giữ hơn 3.100 người.12

Đáng ngạc nhiên hơn, chính phủ đã bắt các nhà lãnh đạo đối lập, chứ không chỉ những người biểu tình bình thường. López đã bị bắt vì tội “kích động bạo lực,” mặc dù không có bằng chứng nào khác ngoài việc các tác phẩm của ông ủng hộ một sự thay đổi trong chính phủ, điều này bị cáo buộc là “ngấm ngầm” xúi giục những người biểu tình. Machado đã bị buộc tội phản quốc vì phát biểu tại OAS về sự lạm dụng nhân quyền ở Venezuela và sau đó bị trục xuất khỏi Quốc hội. Bà và các nhà lãnh đạo đối lập khác thậm chí còn bị buộc tội âm mưu giết tổng thống, và vào tháng 12 năm 2014 Machado đã chính thức bị truy tố về tội phản bội. Ledezma đã bị bắt vào cuối tháng 2 năm 2015 về tội âm mưu lật đổ chính phủ.

Các nhân tố trong nước và quốc tế

Nếu việc sử dụng, lạm dụng và không sử dụng luật pháp có thể giải thích cho các cơ chế của sự chuyển dịch của Venezuela theo hướng độc đoán hơn, thì đâu là những nguyên nhân đằng sau nó? Động cơ chính trong nước chính là sự kết hợp của sự phụ thuộc theo lối mòn và sự suy giảm khả năng cạnh tranh bầu cử, như Michael Penfold và tôi lập luận trong ấn bản thứ hai sắp tới của tác phẩm Dragon in the Tropics. Về sự phụ thuộc theo lối mòn, chúng tôi muốn nói rằng một khi các thiết chế hữu hiệu trong nước được thành lập để cho phép nhà nước cai trị theo cách độc đoán, thì các thiết chế này trở thành công cụ ưa thích cho việc lựa chọn chính sách. Nếu Chávez đã xây dựng khuôn khổ và thu được các công cụ để tạo điều kiện cho việc đàn áp của chính phủ, thì chính quyền của Maduro – vì nó đã có những thiết chế, công cụ pháp lý và ý thức hệ chính trị cần thiết – tự nhiên sử dụng chúng để đàn áp phe đối lập theo cách tàn bạo hơn.

Song còn một lý do quan trọng thứ hai gây ra sự tăng cường chủ nghĩa độc tài, là tính hệ thống cao hơn – cụ thể là, sự suy giảm khả năng cạnh tranh bầu cử của đảng cầm quyền. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2006, Chavez đánh bại đối thủ một cách áp đảo với 63% số phiếu. Tuy nhiên, kể từ đó, phe đối lập đã dần dần có được cơ sở vững chắc hơn PSUV ở các cuộc thăm dò. Sự suy giảm bầu cử của PSUV chậm lại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, cuộc bầu cử cuối cùng mà Chávez tham gia (ông đã giành được 55% số phiếu), nhưng tăng lên ngay lập tức sau cái chết của Chávez. Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 4 năm 2013, Maduro chỉ thắng 51% số phiếu. Mặc dù PSUV thực hiện tốt hơn ở các cuộc bầu cử thành phố trong tháng 12 năm 2013, song mức gia tăng của nó không đáng kể: Nếu cộng tất cả số phiếu bầu của các đảng đối lập lại với nhau, thì mức chiến thắng của PSUV chỉ là 2,7%, cách xa so với mức gấp đôi mà nó có được vào giữa những năm 2000.

Khi đảng cầm quyền trong một chế độ độc tài cạnh tranh mất khả năng cạnh tranh bầu cử, nó được thôi thúc nhiều hơn trong việc tăng cường mặt độc tài của nó như một phương tiện sống còn. Không có gì ngạc nhiên khi một chế độ lai sẽ lựa chọn để trở nên độc đoán hơn, khi mà các biện pháp truyền thống nhằm dụ dỗ cử tri mà nó sử dụng để cạnh tranh phiếu bầu (kêu gọi ý thức hệ, nguồn lực kinh tế, đổi mới chính sách và quản lý tốt) lại không còn giá trị hoặc đang cạn kiệt. Cùng với sự sẵn có các công cụ của chủ nghĩa pháp lý độc tài, sự tụt giảm bầu cử của PSUV là nguyên nhân quan trọng nhất cho việc tăng cường đàn áp dưới thời Maduro.

Lý do thứ hai khiến Venezuela cố gắng chuyển dịch sang hướng độc đoán hơn là việc tạo ra một lá chắn quốc tế.13 Trong thời tổng thống Chávez, Venezuela bắt đầu sử dụng chính sách ngoại giao của mình để xây dựng một “liên minh khoan dung” – nghĩa là một liên minh của các nước không muốn chỉ trích Venezuela, khiến nó không chịu sự trừng phạt từ quốc tế vì các hành động sai trái trong nước. Về bản chất, Venezuela sử dụng nguồn tài nguyên dầu mỏ của mình để mở rộng liên minh này trên khắp Mỹ La-tinh và xa hơn nữa. Từ năm 2003 đến năm 2012, doanh thu dầu mỏ của đất nước vượt xa doanh thu của bất kỳ nước nào khác trong khu vực – chiếm hơn 30% GDP của Venezuela trong thời gian đó.14 Nhưng Venezuela cũng đã trải qua sự suy giảm đáng kể trong việc sản xuất dầu từ năm 2000.15 Do vậy, kể từ đó Venezuela là một trong hai thành viên OPEC ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc tăng tối đa giá dầu, điều này đã khiến cho các quốc gia nhập khẩu dầu rất thất vọng. Nhằm nâng cao danh tiếng trong số các nhà nhập khẩu dầu và xây dựng “quyền lực mềm” của Venezuela, Chavez đã mở rộng viện trợ nước ngoài, ông đưa ra chào mời như thể nhằm thúc đẩy một hình thức phát triển vì người nghèo hơn so với viện trợ của phương Tây.16

Xây dựng một liên minh khoan dung

Chương trình viện trợ nước ngoài nổi tiếng nhất của Chávez là Petrocaribe. Được thành lập vào năm 2005, thỏa thuận thương mại này cho phép 17 nước nhỏ ở Caribbean và Trung Mỹ mua dầu được trợ cấp từ Venezuela theo các điều khoản tài chính thuận lợi. So với các thỏa thuận tương tự trước đó, Petrocaribe tăng số lượng các nước được hưởng lợi cũng như khối lượng dầu mà họ nhận được, tăng trợ giá, và khiến cho các điều khoản trả nợ thậm chí còn thuận lợi hơn cho các nước tiếp nhận. Đến năm 2013, Petrocaribe cung cấp 59% tổng mức tiêu thụ dầu của Cuba, 93% của Haiti, 70% của Nicaragua, và 13% của El Salvador.17 Venezuela có các thỏa thuận trợ cấp dầu và tài chính mềm tương tự như Argentina.18

Sự mở rộng viện trợ kinh tế của Chávez đã nới rộng Petrocaribe trong ít nhất bốn lĩnh vực bổ sung: 1) cho phép hoãn nợ, miễn nợ, hay khoan dung cho các nước có khó khăn trong việc trả nợ; 2) khiến cho Venezuela là một nhà nhập khẩu chính đối với hàng hóa và dịch vụ (mang lại lợi ích lớn cho Brazil và Colombia); 3) mở cửa lĩnh vực dầu mỏ và năng lượng cho các nước đồng minh như Trung Quốc, Brazil, Nga và Iran; và 4) mở rộng các dịch vụ thông tin quốc tế (cụ thể là Telesur).

Luồng các sản phẩm dầu khí, trợ cấp dầu khí, đô la dầu khí, và hợp đồng dầu khí từ Venezuela đến nước ngoài mang lại cho Chávez những hỗ trợ ngoại giao đáng kể. Mặc dù nhiều nước không thích chính sách giữ giá dầu cao của Chávez và không bằng lòng về việc hạn chế quyền tự do dân sự bên trong Venezuela, sự viện trợ kinh tế nước ngoài hào phóng của ông đã được chào đón bởi người nhận cũng như các nhà lý luận – những người coi các chính sách hỗ trợ là một ví dụ khác về sự cam kết của chính quyền chống chủ nghĩa tư bản .

Được biết, Venezuela đã đe dọa cắt quan hệ kinh tế với các quốc gia phát triển như một cách để đảm bảo hỗ trợ. Ví dụ, vào năm 2014, người ta đồn rằng Venezuela đã gây áp lực với Hà Lan nhằm ngăn chặn việc dẫn độ Hugo Carvajal, cựu lãnh đạo tình báo quân sự Venezuela, từ Aruba (quốc đảo Caribbean vốn là một phần của Vương quốc Hà Lan) đến Hoa Kỳ bằng cách đe dọa cấm Royal Dutch Shell và Unilever hoạt động tại Venezuela. Vào tháng 2 năm 2015, tờ nhật báo tiếng Tây Ban Nha đã báo cáo rằng chính phủ Venezuela đã chính thức đe dọa nhiều công ty đa quốc gia lớn ở Tây Ban Nha bằng việc bị chiếm đoạt tài sản nếu họ không gây áp lực với chính phủ Tây Ban Nha thông qua một chính sách ủng hộ hơn nữa cho Venezuela.19

Việc thành lập liên minh khoan dung của Venezuela đã được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự do dự của các chính phủ Mỹ La-tinh, bất chấp cam kết của họ với nhân quyền, trong việc khiển trách các tổng thống đương nhiệm vì những thất bại của họ. Vì sự dè dặt trong khu vực này, Mỹ đã quyết định có một lập trường mạnh mẽ hơn, tuyên bố Venezuela là một “mối đe dọa an ninh quốc gia” vào tháng 3 năm 2015, qua đó mở đường áp đặt lệnh trừng phạt với 7 quan chức quan trọng của Venezuela. Nhưng Maduro có thể sẽ sử dụng cái gọi là sự gây hấn của Mỹ nhằm làm lợi cho mình, để biện minh cho việc bành trướng nhà nước hơn nữa.

Không phải tất cả các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Venezuela đều đã đạt được. Với sự hào phóng ở nước ngoài của Venezuela, Chavez muốn làm nhiều hơn thay vì chỉ thành lập một liên minh khoan dung. Ông không chỉ muốn chặn trước các chỉ trích quốc tế, mà còn muốn gia tăng số lượng các chế độ có tinh thần tương tự trong khu vực. Viện trợ nước ngoài của Venezuela đã đóng góp trực tiếp cho các chiến dịch bầu cử của các phong trào kiểu chavista trên khắp các nước Mỹ La-tinh (Argentina, Bolivia, Colombia, Ecuador, Paraguay, và El Salvador) và thậm chí cả bên ngoài khu vực (Tây Ban Nha), thường là thành công. Một nghiên cứu gần đây về ảnh hưởng của Venezuela ở El Salvador cho thấy cái cách mà chính sách ngoại giao dầu khí này hoạt động. Viện trợ của Venezuela đã giúp El Salvador thiết lập Alba Petróleos, một công ty quốc doanh phân phối dầu trong nước. Alba Petróleos, vốn được điều hành gần như hoàn toàn bởi đảng cầm quyền của El Salvador và do đó hiếm khi được kiểm toán, cung cấp tài chính chủ yếu cho các thành phố được quản lý bởi các thị trưởng của đảng cầm quyền, và nó cũng dành rất nhiều tiền vào các dự án xã hội trong chiến dịch bầu cử. Công ty này không phải lúc nào cũng trả lại các khoản nợ cho Venezuela, và điều này được Venezuela dung túng (liên minh khoan dung hoạt động ở cả hai chiều).20

Dù cho một vài thành công ban đầu (đặc biệt là ở Bolivia, Ecuador và Nicaragua), chiến lược sử dụng viện trợ nước ngoài để tạo ra các chế độ nhân bản đã phản tác dụng. Trong những năm gần đây, những nỗ lực của Venezuela trong việc hỗ trợ các phe phái chính trị ở nước ngoài đã tạo ra các phản ứng tai hại ở các nước như Colombia, Peru, Mexico, Honduras, và Paraguay. Các nhà lãnh đạo chống chavista trở nên được ưa thích hơn, và ứng cử viên cánh tả bắt đầu chối bỏ quan hệ với chavismo. Ngoài ra, một số nhân sĩ Mỹ La-tinh, bao gồm năm cựu tổng thống Mỹ La-tinh, đã chỉ trích sự đàn áp của Maduro vào năm 2014-2015. Tóm lại, nỗ lực của Venezuela trong việc tạo ra các chế độ nhân bản đã có những kết quả hỗn tạp, nhưng nỗ lực của nó để tạo ra một liên minh khoan dung là một thành công lớn, cho phép Chávez cai trị độc đoán hơn song không phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích quốc tế.

Vươn ra ngoài khu vực phụ cận

Một trong những sáng kiến đối ngoại quan trọng nhất của Chávez là việc tạo ra kênh truyền hình tin tức Telesur. Được thành lập vào năm 2005, Telesur có trụ sở tại Caracas nhưng các chương trình lại được phát sóng quốc tế. Nhiệm vụ của nó là cạnh tranh với các kênh thông tin “đế quốc” như CNN và cung cấp một tầm nhìn “Mỹ La-tinh” và “hướng về phương nam”. Telesur cung cấp tín hiệu miễn phí, có nghĩa là nó có thể được dò sóng bởi bất cứ ai có trang thiết bị phù hợp. Theo chính phủ Venezuela, kênh này quan tâm đến khán giả đại chúng, không vì lợi nhuận. Telesur, với ngân sách hoạt động hàng năm ước tính khoảng 10 tới 15 triệu đô-la Mỹ, tuyên bố có 7,7 triệu “thuê bao” trên toàn thế giới trong năm 2014.

Giống như các sáng kiến chính sách đối ngoại khác của Chávez, Telesur có một hồ sơ hỗn hợp. Một mặt, Telesur có các đối tác quốc tế giúp đỡ tài trợ cho nó, bao gồm Argentina, Bolivia, Cuba, Ecuador, Nicaragua, và Uruguay. Ngoài ra, Telesur có thỏa thuận chia sẻ thông tin với nhiều tổ chức trong đó có Al–Jazeera, BBC, RT của Nga, IRIB của Iran, và CCTV của Trung Quốc, cùng với nhiều tổ chức khác. Ban đầu nó chỉ phát một kênh tiếng Tây Ban Nha, sau đó nó đã bắt đầu phát sóng bằng tiếng Bồ Đào Nha năm 2008 và bằng tiếng Anh trong năm 2014.

Tuy nhiên, số lượng người xem thực tế của Telesur có lẽ thấp. Bộ trưởng thông tin Venezuela gần đây đã thừa nhận rằng ông không biết bao nhiêu người đang thực sự xem các kênh truyền hình, ông tuyên bố rằng Telesur thiếu nguồn lực để thu thập số liệu về lượng người xem.21 Công ty tư nhân AGB Nielsen, vốn thu thập dữ liệu người xem ở Venezuela, báo cáo rằng từ năm 2008 đến năm 2012 Telesur có lượng người xem trung bình chiếm khoảng 0,48%, là một trong những kênh ít nhất người xem nhất trong cả nước (so với thị phần của Venevisión dao động từ 23% đến 36%).22 Mặc dù không có số liệu về lượng người xem quốc tế của Telesur, chúng ta có thể sử dụng Twitter để nắm bắt sự nổi tiếng của kênh. So với đối thủ cạnh tranh, Telesur vô cùng tích cực trên Twitter, ít nhất là về số tweet được gửi mỗi tháng (xem Bảng 2). Tuy nhiên, đồng thời Telesur kém hơn rất nhiều về số người theo dõi trên Twitter: lượng tăng trung bình của nó về số những người theo dõi mỗi tháng kém hơn nhiều so với CNN en Español.

BẢNG 2 – TELESUR VÀ CÁC ĐỐI THỦ CẠNH TRANH TRÊN TWITTER

Đài Tham gia Twitter Số Tweets trung bình /tháng Số người theo dõi tăng trung bình /tháng
CNN en Español Tháng 4 năm 2009 794 165.038
BBC Mundo Tháng 11 năm 2007 698 15.316
Telesur Tháng 6 năm 2009 8.570 16.236
NTN24 (Columbia) Tháng 4 năm 2010 2.602 47.254

Nguồn: Tác giả lập bảng dựa trên số liệu từ www.twitter.com.

Telesur là biểu tượng của những nỗ lực của chính quyền Venezuela để phổ biến thế giới quan của nó càng rộng càng tốt: Chính phủ đẩy khó khăn cho mức lợi nhuận khiêm tốn, song có vẻ không phải quá lo lắng về tỷ lệ lợi tức đầu tư thấp kém. Trong cuộc chiến chống lại “chủ nghĩa đế quốc”, Venezuela cam kết theo đuổi một chặng đường dài. Chính sách đối ngoại tích cực của Venezuela mở rộng vượt ra ngoài các vùng lân cận. Chế độ đã thiết lập quan hệ khá chặt chẽ với các nước phi dân chủ trên toàn cầu, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, cũng như các quốc gia kém phát triển như Iran, Syria và Libya dưới thời Qadhafi. Những quan hệ đối tác vượt ra ngoài tây bán cầu này đã được thúc đẩy bởi mục tiêu chung cũng như những mục tiêu song phương cụ thể.23 Về cái trước, chế độ đã tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ (và do đó không bị giám sát) kinh tế và kinh doanh mờ ám, những thứ dễ dàng thực hiện với các quốc gia phi dân chủ, và nhằm tạo ra sự phức tạp về ngoại giao hơn cho Mỹ bằng cách hợp tác với kẻ thù của Mỹ. Mọi người đều biết rằng chế độ của Venezuela dưới thời Chávez và Maduro đã hợp tác với các nước như Trung Quốc, Nga, Iran và Syria về các thỏa thuận và đầu tư kinh tế có lợi.

Có rất nhiều mục tiêu song phương cụ thể. Venezuela hy vọng sẽ tìm thấy một thị trường thay thế đáng tin cậy cho dầu mỏ ở Trung Quốc, và để tăng thêm hơn 50 tỷ đô-la mà Trung Quốc đã đầu tư vào nền kinh tế Venezuela. Trong khi đó, chế độ này là một khách hàng khổng lồ của Nga; Venezuela được cho là đã mua khoảng ba phần tư trong số 14,5 tỷ đô-la mà Nga thu được từ việc bán vũ khí ở châu Mỹ La-tinh từ năm 2001 đến năm 2013.24 Cuối cùng, Venezuela hy vọng rằng Iran sẽ kết nạp nó vào một nhóm nhỏ trong OPEC để làm đối trọng với những nỗ lực của Saudi Arabia trong việc giữ giá dầu xuống thấp. Mỹ lo sợ rằng một lúc nào đó quan hệ đối tác Venezuela–Iran sẽ dẫn đến các dự án hạt nhân ở Venezuela cũng như chủ nghĩa khủng bố được Iran tài trợ sẽ tràn sang Mỹ Latinh, mặc dù mối quan tâm của phương Tây về ảnh hưởng của Iran trong khu vực dường như đã giảm bớt phần nào kể từ năm 2012.

Ngày nay, khi Venezuela đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khiến cho nó trở thành một đối tác kinh doanh kém sinh lợi và là một mô hình mẫu kém hấp dẫn, thì khả năng triển khai sức mạnh trên toàn cầu của chế độ này đang suy giảm. Vì vậy, Maduro đã phải thay đổi chiến thuật. Thay vì cố gắng định hình lại thế giới bên ngoài, mục tiêu chính của ông hiện nay là thuyết phục các đối tác toàn cầu của Venezuela rằng sự thay đổi hiện trạng có thể gây hại cho các quốc gia này xét về lợi ích kinh tế của họ ở Venezuela. Đây chỉ là một cách khác để sử dụng các mối quan hệ kinh tế ở nước ngoài nhằm thúc đẩy sự tồn tại chế độ ở trong nước.

Trong suốt 16 năm dưới chính sách chavismo, và đặc biệt là từ năm 2006, chế độ của Venezuela đã dần chuyển hướng tới các thực tiễn ngày càng độc tài hơn. Quỹ đạo này đã không được định trước. Không phải tất cả các chế độ lai đều đi theo hướng này. Có nhiều yếu tố góp phần gia tăng chủ nghĩa độc tài ở Venezuela: giá dầu cao trong khoảng thời gian 2003–2008 và 2010–2012 mang lại cho nhà nước nguồn tài nguyên rộng lớn để sử dụng cho việc hợp tác và đàn áp phe đối lập; sự suy giảm trong các sáng kiến thúc đẩy dân chủ của phương Tây; sự ảnh hưởng ngày càng tăng của các cường quốc phi dân chủ mới như Trung Quốc và Nga; việc tăng cường chủ nghĩa đơn phương của Mỹ từ năm 2001 đến năm 2008, làm thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của Venezuela; sự thay đổi toàn cầu hướng tới sự khoan dung hơn đối với chủ nghĩa chính trị trung ương sau hai thập kỷ tân tự do; và chính những sai sót và điểm yếu của phe đối lập ở Venezuela.

Không nghi ngờ gì nữa, tất cả những yếu tố này đều đóng vai trò nhất định. Nhưng trong các chế độ lai, các quan chức nhà nước cũng có những công cụ cần thiết để hướng đất nước của họ đến các hình thức độc tài hơn. Trong trường hợp của Venezuela, các công cụ như vậy bao gồm việc sử dụng một cách thông minh đa số cử tri trong nước và đô-la dầu mỏ ở nước ngoài. Bây giờ khi cả hai đều khan hiếm hơn, chế độ này phải chịu những áp lực chưa từng có. Nó đang đối mặt với những áp lực mới từ những người chỉ trích quốc tế (mặc dù vẫn còn quá ít áp lực đến từ Mỹ Latin) và từ một phe đối lập trong nước đã được tái tổ chức nhằm đảo ngược tiến trình của chế độ. Kinh tế và các cuộc bầu cử đã dồn Maduro đến chân tường, với một mức độ lớn hơn nhiều so với Chávez từng chịu. Maduro sẽ đầu hàng những áp lực này hay sẽ chống lại nó? Căn cứ vào nhiệm kỳ tổng thống của ông cho đến nay, có vẻ Maduro tự tin rằng ông có đủ khả năng kiểm soát thể chế trong nước và có đủ hỗ trợ từ nước ngoài để đứng vững. Vì vậy, rất có thể một trong những chế độ chính trị khắc nghiệt nhất của Mỹ La-tinh sẽ còn trở nên khắc nghiệt hơn trong những năm sắp tới.

 

CHÚ THÍCH

  1. Xem “Grandes Objetivos Históricos y Objetivos Nacionales,” Programa de la Patria 2013–2019, http://blog.chavez.org.ve/programa–patria–venezuela–2013–2019/idependencia–nacional/#.VPmcVuGLiJ8.
  2. Số liệu về báo chí ở Venezuela dựa trên danh bạ truyền thông hàng năm của Juvelal Mavares, Directorio de relaciones públicas y medios de comunicación social (Caracas: J&M Asociados, 1998); xem danh sách các tờ báo Venezuela của Prensa Escrita tại www.prensaescrita.com/america/venezuela.php.
  3. Tôi rất cám ơn Franz von Bergen và Juan Gabriel Delgado đã hỗ trợ nghiên cứu. Nhằm xác định một tờ báo tư nhân có phải là độc lập hay không, chúng tôi kiểm tra rằng liệu các cựu phóng viên hoặc các phương tiện truyền thông khác có đưa tin về các trường hợp thông tin bị kiểm duyệt mà vốn làm lợi cho phe đối lập. Chúng tôi đã sử dụng một số đánh giá định tính. Nhưng bỏ qua một bên những tính toán của tôi về các phương tiện truyền thông xuất bản không độc lập, thì bằng chứng vẫn rõ ràng: Số lượng các phương tiện truyền thông xuất bản tư nhân độc lập đã giảm đáng kể dưới thời chavismo.
  4. Xem Sujatha Fernandes, Who Can Stop The Drums? Urban Social Movements in Chávez’s Venezuela (Durham: Duke University Press, 2010).
  5. Philip Bennett và Moisés Naím. “21st–Century Censorship,” Columbia Journalism Review, 5 tháng 1 năm 2015, http://moisesnaim.com/columns/21st–century–censorship.
  6. “Unos cuarenta periódicos, afectados por la escasez de papel en Venezuela,” Reporteros Sin Fronteras, 12 tháng 9 năm 2014, http://es.rsf.org/venezuela–unos–cuarentaperiodicos–afectados–12–09–2014,46951.html.
  7. Javier Corrales, “Electoral Irregularities Under Chavismo: A Tally,” Americas Quarterly, 11 tháng 4 năm 2013, www.americasquarterly.org/electoral–irregularities–under–chavismo–tally.
  8. Miriam Kornblith, “Latin America’s Authoritarian Drift: Chavismo After Chávez?” Journal of Democracy 24 (tháng 7 năm 2013): 47–61.
  9. Edgar López, “En nueve a~nos el TSJ no ha dictado ni una sentencia contra el gobierno,” El Nacional, 1 tháng 12 năm 2014, www.el–nacional.com/politica/anos–TSJ–dictadosentencia–gobierno_0_529147208.html.
  10. Phần này rút ra từ Javier Corrales và Michael Penfold, Dragon in the Tropics: The Legacy of Hugo Chávez, tái bản lần thứ 2. (Brookings Institution Press, sắp xuất bản).
  11. International Crisis Group, “Venezuela: Dangerous Inertia,” Latin America Briefing, No. 31, 23 tháng 9 năm 2014.
  12. Programa Venezolano de Educación–Acción en Derechos Humanos (PROVEA), “Venezuela 2014: Protestas y derechos humanos,” Informe, tháng 2 – tháng 5 năm 2014, derechos.org.ve/pw/wp–content/uploads/Informe–final–protestas2.pdf; “Maduro supera a Chávez en represión,” Hoy (Quito), 8 tháng 7 năm 2014, www.hoy.com.ec/noticias–ecuador/maduro–supera–a–chavez–en–represion–609719.html.
  13. Javier Corrales và Carlos A. Romero, S.–Venezuela Relations Since the 1990s: Coping with Midlevel Security Threats (New York: Routledge, 2013).
  14. Francisco J. Monaldi, “Oil and Politics: Venezuela Today,” bài báo trên tờ Latin American Studies Association Congress, Washington, D.C., 2013.
  15. S. Energy Information Administration, “Venezuela: Country Analysis Brief Overview,” xem tại www.eia.gov/countries.
  16. Javier Corrales, “Using Social Power to Balance Soft Power: Venezuela’s Foreign Policy,” Washington Quarterly 32 (tháng 10 năm 2009): 97–114.
  17. Andres Schipani và John Paul Rathbone, “Oil Price Rout Forces Venezuela to Rethink Petro–Diplomacy,” Financial Times, 14 tháng 1 năm 2015.
  18. Thông tin chính xác hơn về sự viện trợ dầu khí của Venezuela dành cho các nước láng giềng, xem bảng “Venezuela’s Petro–Aid: Subsidized Oil Shipments Within Latin America” tại www.journalofdemocracy.org/articles/supplemental–material.
  19. Xem “Amelazan con expropiar a empresas espa~nolas,” El Nacional (Caracas), 16 tháng 2 năm 2015, www.el–nacional.com/economia/Amelazan–expropiar–empresas–espanolas_0_575342576.html.
  20. Agustín E. Ferraro và Juan José Rastrollo, “¿Clientelismo político en El Salvador? Estudio de caso de Alba Petróleos y sus empresas relacionadas,” Salamanca University, www.slideshare.net/FUSADESORG/clientelismo–poltico–en–el–salvador–estudio–decaso–de–alba–petrleos–y–sus–empresas–relacionadas.
  21. Xem “Telesur celebra cinco a~nos de vida ‘haciendo mejor periodismo que CNN,’” Correo del Orinoco (Caracas), 1 tháng 8 năm 2010, correodelorinoco.gob.ve/comunicacion–cultura/telesur–celebra–cinco–anos–vida–haciendo–mejor–periodismo–que–cnn.
  22. Xem AGB Nielsen Media Research, “Share por canal inter anual 2008 al 2012: Total individuos,” www.agbnielsen.com.ve/libro2012/SHARE/TOTAL_INDIVIDUOS.html.
  23. Corrales và Romero, S.–Venezuela Relations, 162.
  24. Ilan Berman, “Russia Pivots Toward Cuba, Venezuela, Nicaragua,” Washington Times, 26 tháng 3 năm 2014.

 

Nguồn: Javier Corrales, “Authoritarian Resurgence – Autocratic Legalism in Venezuela” (Sự trỗi dậy của những kẻ độc tài – Chủ nghĩa pháp lý độc tài ở Venezuela, bản dịch của Minh Anh & Vi Yên nhóm Tinh Thần Khai Minh), Journal of Democracy 26 (tháng 4 năm 2015): trang 37-51.