Myanmar chọn thay đổi – Những thách thức phía trước

Thông tin chi tiết

Bài báo: Burma Votes for Change – The Challenges Ahead [Myanmar chọn thay đổi – Những thách thức phía trước]

Tác giả: Igor Blaževič

Tạp chí: Journal of Democracy, Issue 2, Volume 27

Chuyển ngữ: Minh Anh & Vi Yên (Nhóm Tinh Thần Khai Minh)

Hướng dẫn trích nguồn: Igor Blaževič, “Burma Votes for Change – The Challenges Ahead” (Myanmar chọn thay đổi – Những thách thức phía trước, bản dịch của Minh Anh & Vi Yên nhóm Tinh Thần Khai Minh), Journal of Democracy 27 (tháng 4 năm 2016): trang 101-116.

 

 

Tải về tại đây:

 

MYANMAR CHỌN THAY ĐỔI – NHỮNG THÁCH THỨC PHÍA TRƯỚC

Tác giả: Igor Blaževič

Chuyển ngữ: Minh Anh & Vi Yên [Nhóm Tinh Thần Khai Minh]

 

Igor Blaževič là một nhà hoạt động nhân quyền sống tại Prague, thủ đô Cộng hòa Czech, song dành nhiều thời gian trong cuộc đời mình ở Yangon (một thành phố lớn của Myanmar). Ông là nhà sáng lập và là giám đốc của One World Human Rights Documentary Film Festival ở Prague, ông cũng là cựu thành viên trong ban điều hành của World Movement for Democracy. Từ đầu năm 2011, cùng với một tổ chức phi chính phủ địa phương là Educational Initiatives, ông tiến hành mở các khóa học về chuyển đổi dân chủ cho các nhà hoạt động chính trị và xã hội dân sự ở Myanmar. Năm 2009, ông được Đại sứ quán Mỹ ở Prague trao giải Alice Garigue Masaryk về nhân quyền.

 

Quá trình dân chủ hóa mở ra ở Myanmar sau hơn nửa thế kỷ dưới sự cai trị của chế độ độc tài quân sự dường như là một câu chuyện cổ tích mà ngay cả những người ủng hộ dân chủ lạc quan nhất cũng không dám nghĩ đến. Nó bắt đầu bằng việc tiến hành các cải cách chính trị và kinh tế khá bất ngờ vào tháng 8 năm 2011 của chính quyền của tổng thống Thein Sein (một cựu tướng lĩnh và thành viên của nhóm sĩ quan cai trị) và Đảng Liên minh vì sự thống nhất và phát triển (Union Solidarity and Development Party – USDP) của ông. Quá trình này đạt đến đỉnh điểm khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra hồi tháng 11 năm 2015, được hầu hết các nhà quan sát coi là tự do, khá công bằng, và hòa bình. Liên minh quốc gia vì dân chủ (National League for Democracy – NLD) của Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo với 79,4% số ghế, và chiếm đa số cao ở cả hai viện của quốc hội (255/323 ở Hạ viện và 135/168 ở Thượng viện), cũng như trong hầu hết các nghị viện của các bang và khu vực.1 Chiến thắng lớn lao này giúp NLD có thể đơn thương độc mã lựa chọn người phát ngôn ở cả thượng viện và hạ viện của quốc hội, chỉ định hai trong số ba phó tổng thống, và lựa chọn một trong số ba người này (thông qua việc bỏ phiếu ở quốc hội) làm tổng thống mới.

Chiến thắng long trời lở đất của phe đối lập dẫn theo một thiện chí đáng ngạc nhiên của giới quân sự (Tatmadaw) về sự chuyển giao quyền lực. Than Shwe, lãnh tụ tối cao của nhóm sĩ quan quân sự trước kia, thậm chí còn ủng hộ Suu Kyi làm “nhà lãnh đạo tương lai” của quốc gia, dù ông từng có ác cảm rõ rệt đối với người giành giải Nobel hòa bình này. Do đó, một lần nữa, cuộc chuyển giao mang tính đối thoại dường như đã trở nên khả thi, mà nhiều nhà quan sát vốn tin rằng đây là giải pháp tốt nhất cho Myanmar nhưng lại không được thực hiện dưới thời tổng thống Thein Sein.2

USDP và NLD có lập trường đối lập, USPD hứa hẹn sự kế tục còn NLD hứa hẹn sự thay đổi. Đảng cai trị USDP vận động bằng hình ảnh của một đảng gìn giữ sự ổn định và cải cách từ từ, phát triển có kiểm soát, và tự thể hiện là đảng bảo vệ cho “quốc gia và tôn giáo”. Trong khi đó, NLD đơn giản hứa hẹn “sự thay đổi”, mà không có thêm bất cứ mô tả hay chính sách cụ thể nào – nhưng chỉ bằng đó là đủ. Các cử tri chọn nghiêng về phe “thay đổi” một cách áp đảo, dù song song với lựa chọn này là vô vàn những bất ổn và rủi ro. Tiến triển này – tức chiến thắng của NLD và sự chấp nhận của giới quân sự khi đồng ý để NLD nắm quyền – được miêu tả là một sự kiện quan trọng đáng kinh ngạc và có tính lịch sử. Tuy nhiên, ngay cả khi tiến trình bầu cử diễn ra êm thuận và mang lại các kết quả lạc quan tức thời, thì vẫn còn một số vấn đề quan trọng chưa được giải quyết, khiến cho tương lai của nền dân chủ Myanmar vẫn không chắc chắn.

Khi xét tới các lợi ích và biện pháp lâu dài mà Tatmadaw dùng để bảo vệ chính nó trước khi thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực năm 2011 (từ nhóm sĩ quan quân sự sang một chính quyền dân sự giả tạo của các cựu tướng lĩnh), thì sự êm thuận của cuộc tổng tuyển cử năm 2015 cũng như của giai đoạn hậu bầu cử chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chính các tướng lĩnh đã thừa nhận rằng hệ thống độc tài của Myanmar – vốn thiếu tính chính danh cả ở trong nước và ở nước ngoài, phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, và cai trị một cách yếu kém – không chỉ không trụ vững được mà còn kìm giữ đất nước giàu tài nguyên này mãi nghèo nàn, kém phát triển, và lạc hậu. Các tướng lĩnh cũng muốn hiện đại hóa quân đội với các vũ khí, thiết bị và sự đào tạo tốt hơn. Sự trừng phạt của phương Tây cộng với gánh nặng cai trị khiến điều này trở nên bất khả thi.

Hơn nữa, trong hơn hai thập kỷ qua, đã có một biến đổi quan trọng trong đội ngũ cấp cao của Tatmadaw. Thế hệ các tướng lĩnh hàng đầu trước kia bị chi phối bởi cái huyền thoại về cuộc chiến giành độc lập và cái niềm tin vào “con đường Myanmar” tiến tới chủ nghĩa xã hội, cũng như kinh nghiệm trực tiếp chiến đấu chống lại các tổ chức vũ trang thiểu số (EAOs). Tuy nhiên, ngày nay nhiều quan chức hàng đầu hay các thành viên gia đình của họ lại sở hữu các tập đoàn kinh doanh. Hai tập đoàn lớn nhất đất nước – Union of Myanmar Economic Holdings Limited và the Myanmar Economic Corporation – do quân đội sở hữu và kiểm soát nhiều đất đai, nhà máy, quyền cấp phép, cũng như nhiều doanh nghiệp khác của Myanmar. Quân đội và các đối tác của nó cũng sở hữu hay kiểm soát hầu như mọi mỏ đá quý cũng như các nguồn lực tự nhiên khác như khí gas, gỗ, và khoáng sản. Các ngân hàng, mỏ quặng, dự án xây dựng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, ngành du lịch, thương mại đều nằm trong tay giới chóp bu về kinh tế được hình thành trong thời quân đội cai trị. Do đó, việc mở cửa Myanmar cho việc đầu tư, nguồn vốn, và kỹ nghệ nước ngoài không còn chỉ vì lợi ích của quốc gia mà còn vì lợi ích của giới chóp bu và cơ hội kinh doanh tư nhân của họ.

Do đó xuất hiện cái ý nghĩ thịnh hành rằng kế hoạch cải cách đầy tham vọng của Thein Sein, một quá trình thay đổi từng bậc theo kiểu từ trên xuống từ chế độ độc tài quân sự sang dân chủ và từ nội chiến sang hòa bình, là một kế hoạch lầm lạc. Dân chủ không phải là kết quả được trù định. Thay vào đó, các nhà chiến lược của nhóm sĩ quan cai trị đang hướng tới sự chuyển dịch sang một chế độ lai kiểu pháp quan (thời La Mã), trong đó giới quân sự sẽ giám sát phía sau hậu trường, và đảng cai trị gồm các quan chức quân sự đã về hưu sẽ luôn thắng cử. Người chiến thắng cốt yếu trong một cuộc chuyển dịch như vậy sẽ là giới chóp bu kinh tế và chính trị, vốn được hình thành từ thời cai trị của nhóm sĩ quan quân sự, cũng như các thế hệ quan chức quân sự trong tương lai. Các thế hệ này, sau khi về hưu không còn đảm nhiệm các chức vụ quân sự, có thể tham gia vào các vị trí trong chính quyền và quốc hội với vô số khả năng kiếm chác thông qua sự ảnh hưởng chính trị của mình.

Kế hoạch khôn ngoan

Năm 2003, nhóm sĩ quan cai trị phác thảo ra “lộ trình bảy bước” mà cuối cùng đã dẫn đến việc thảo ra một bản hiến pháp mới do quân đội thực hiện vào năm 2008; đến “chiến thắng” không cân xứng của USDP trong các cuộc bầu cử quốc hội gian lận vào tháng 11 năm 2010, mang lại cho USDP 259/330 ghế ở Hạ viện và 129/168 ghế ở Thượng viện; và rồi dẫn đến việc quốc hội bầu Thein Sein làm tổng thống mới của đất nước. Chính quyền dân sự giả tạo này đã phải đối mặt với các nhiệm vụ khó khăn: xây dựng tính chính danh ở trong nước và quốc tế; thúc đẩy sự tăng trưởng, hiện đại hóa, và phát triển về mặt kinh tế (một phần bằng cách làm cho Phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt và thu hút vốn đầu tư nước ngoài); tái định vị Myanmar về mặt địa chính trị và giảm bớt sự phụ thuộc của nó vào Trung Quốc; và chấm dứt lệnh ngừng bắn và các thỏa thuận giải trừ quân bị với EAOs. Tuy nhiên, chính quyền mới không có sự ủy quyền để bãi bỏ các đặc quyền của giới quân sự, thay đổi mô hình nhà nước tập trung thống nhất, giảm bớt sự chi phối của nhóm sắc tộc Bamar chiếm đa số, hay kiềm chế các lợi ích kinh tế của giới chóp bu.

Tóm lại, Thein Sein là một tổng thống được lựa chọn cẩn thận để đứng đầu một chính quyền yếu ớt bằng thứ quyền lực hạn chế. Tuy nhiên, ông đã cố gắng thúc đẩy những tiến bộ đáng kể trong việc tự do hóa và mở cửa đất nước, và vì điều đó ông đã nhận được sự ca ngợi hết sức xứng đáng. Nhưng ông chưa bao giờ là một nhà dân chủ nhiệt thành. Thay vào đó, ông là người thi hành nghiêm chỉnh kế hoạch chiến lực của giới sĩ quan cai trị cũ, ông hoàn toàn ý thức rằng sự ủy trị thực sự của ông là để bảo vệ lợi ích của quân đội, của chủ nghĩa dân tộc Myanmar, và của giới đầu sỏ của quốc gia.

Bởi Tatmadaw vẫn còn hết sức nghi ngờ ý chí của dân chúng, nên những người soạn thảo hiến pháp 2008 thuộc quân đội đã đưa vào hệ thống chính trị của Myanmar một mức độ kiểm soát và cân bằng nhất định, nhằm điều khiển trò chơi dân chủ. Đầu tiên là, một phần tư số ghế của cả hai viện trong quốc hội được dành riêng cho các quan chức quân đội được chỉ định. Trong trường hợp mà một nghị sĩ thuộc quân đội đánh mất niềm tin của giới lãnh đạo Tatmadaw, thì tổng tư lệnh quân đội (hiện tại là Min Aung Hlaing) có thể tùy ý thay thế người đó. Các nghị sĩ thuộc quân đội không thông qua bầu cử này cũng được chọn một trong ba ứng viên tổng thống (trong hai người còn lại, một người được lựa chọn bởi Thượng viện và một bởi Hạ viện). Nếu quốc hội bầu lấy một trong hai ứng viên được chọn từ lưỡng viện làm tổng thống, thì ứng viên do quân đội chỉ định sẽ trở thành một trong hai phó tổng thống.

Các nghị sĩ do quân đội chỉ định cũng có quyền quyết định liệu có nên thay đổi hiến pháp hay không, do chỉ khi có sự ủng hộ của ¾ của quốc hội mới có thể sửa đổi hiến pháp. Do đó, Tatmadaw có thể phong tỏa bất cứ ý định sửa đổi hiến pháp nào mà nó chống đối. Chuyên gia về hiến pháp David Williams đã chỉ ra, “Toàn bộ hiến pháp dựa trên một chiến lược ‘chờ đợi và quan sát’: nếu chính quyền dân sự thực hiện điều mà Tatmadaw muốn, thì nó sẽ được phép cai trị; nếu không, thì nó sẽ không”.3

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà giới quân sự nắm giữ sự tự trị rất lớn theo hiến pháp mới. Nó không chịu sự chi phối của bộ trưởng quốc phòng hay tổng thống. Thay vào đó, tổng tư lệnh của Tatmadaw có toàn quyền đối với nó. Thực tế, hiến pháp 2008 đã trao những quyền lực quan trọng nhất định cho quân đội, mà vốn phải được trao cho tổng thống theo thường lệ. Tổng tư lệnh quân đội bổ nhiệm các bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng bộ nội vụ, và bộ trưởng biên giới, trao cho quân đội thêm quyền kiểm soát đối với các chính trị gia dân sự được bầu. Thông qua Hội đồng an ninh và phòng vệ quốc gia, tổng tư lệnh cũng có quyền lực thực tế lớn hơn tổng thống, vì quân đội chiếm đa số với 6 thành viên trong cơ quan 11 thành viên này.

Xung quanh pháo đài hiến pháp này, quân đội tạo thêm các hàng rào bảo vệ. Sự yếu kém của USDP trong cuộc bầu cử 2012 cho thấy đảng này cần áp dụng các chiến lược mới để thực hiện tốt hơn trong các cuộc tranh giành quyền lực tương lai. Nhằm mục đích đó, chính quyền đã cẩn thận kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa cấp tiến tôn giáo để USDP có thể thể hiện chính nó như đảng bảo vệ cho “chủng tộc và tôn giáo”. Chính quyền cho phép sự nổi lên của Tổ chức Phật giáo Quốc gia Bảo vệ Chủng tộc và Tôn giáo, được biết với tên viết tắt là MaBaTha, và chính quyền cũng đã giúp đỡ một vị tăng lữ theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan cấp tiến là Ashin Wirathu – người được thả vào năm 2010 sau khi đã thi hành 7 năm trong số 25 năm án tù – từ ngoài rìa chính trị trở thành nhân vật nổi bật chủ đạo. Ngoài ra, USDP còn thiết lập một vài đảng ủy nhiệm và tăng cường những nỗ lực hợp tác với các đảng thiểu số, với niềm hy vọng rằng họ có thể giành được một số ghế quốc hội và đứng về phía USDP và các nghị sĩ thuộc quân đội trong cuộc bầu chọn tổng thống.

Ở lớp bảo vệ cuối cùng, quân đội thâm nhập sâu vào trong các thiết chế nhà nước và nền kinh tế. Bất cứ nơi đâu – bộ nội vụ, cảnh sát, ngành tư pháp, ủy ban bầu cử, ủy ban nhân quyền – người ta cũng có thể thấy người của quân đội nắm giữ các chức vụ cao. Các tập đoàn và thân hữu do quân đội chống lưng trở thành một nhóm khoảng dưới 20 gia đình có quan hệ sâu sắc với quân đội, kiểm soát phần lớn nhất và béo bở nhất của nền kinh tế. Nếu biết trước rằng USDP có thể thua trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, thì quân đội đã sắp đặt nhiều cựu quan chức của nó hơn vào trong các thiết chế của nhà nước để tăng cường địa vị của nó trong giới quan liêu.

Với những lớp bảo vệ được thiết kế kỹ càng này – các ràng buộc về hiến pháp, các đảng ủy nhiệm, và sự nắm giữ các thiết chế nhà nước và kinh tế – giới quân đội cảm thấy khá an tâm về các cuộc bầu cử phía trước. Dù Tatmadaw và USDP có mối liên hệ mật thiết, song họ không phải là một và cũng không giống nhau. USDP được tạo ra để bảo vệ các lợi ích của quân đội và giới chóp bu quân đội nghỉ hưu. Nhưng quân đội không phụ thuộc vào USDP. Thậm chí khi USDP thất bại, Tatmadaw cũng không cần phải tiến hành đảo chính như nó từng làm vào năm 1990 sau khi NLD thắng cử. Trong khi chiến thắng áp đảo của NLD đối với USDP trong cuộc bầu cử năm 2015 có thể gây khó khăn cho kế hoạch của Tatmadaw trong ý đồ cố kết một hệ thống chính trị lai mới, song nó không làm suy giảm quyền lực của quân đội, bởi quyền lực của quân đội đã được duy trì trong hiến pháp.

Đối thoại chuyển giao

Quốc hội mới được bầu cử dân chủ, tổ chức phiên họp đầu tiên của nó vào ngày 1/2/2016, phải lựa chọn một tổng thống mới trước tháng 3 khi Thein Sein hết nhiệm kỳ. Một khi chính phủ do NLD dẫn dắt được thành lập, nó sẽ phải đối mặt với một vài lựa chọn quan trọng và khó khăn. Đầu tiên, nó sẽ phải thảo luận về một tiến trình chuyển giao với chính quyền quân sự, mà rồi sẽ đưa đến một “hệ thống đảm bảo lẫn nhau”.4 Nếu làm như vậy, vấn đề sẽ trở nên nan giải hơn, vì người dân đã mạnh mẽ lên tiếng cho cái ước muốn về một sự thay đổi nền tảng. Họ sử dụng lá phiếu của mình không chỉ cho NLD mà còn nhằm chống lại hiện trạng. Về cơ bản, mọi bộ phận của xã hội đều loại bỏ cả Tatmadaw lẫn chính sách thay đổi dần dần theo kế hoạch cải cách của Thein Sein, và họ đòi hỏi chấp dứt sự đàn áp, cướp bóc, sự vô lý, và tham nhũng sâu sắc của quân đội. Các công dân Myanmar đã đặt niềm tin của họ vào Aung San Suu Kyi. Giờ đây, điều này mang đến cho bà quyền lực rộng lớn trong việc cai trị. Tuy nhiên, nếu bà bất đắc dĩ phải đưa ra những nhượng bộ quan trọng với giới quân sự, thì niềm tin này sẽ tan biến.

Chính phủ sẽ phải khởi động lại tiến trình hòa bình, điều này đòi hỏi phải dung hòa giữa giới quân sự, vốn tự tuyên bố mình là người bảo vệ cho một nhà nước đơn nhất và cho chủ nghĩa dân tộc Myanmar, với các cộng đồng thiểu số, vốn đòi hỏi một nhà nước liên bang theo sắc tộc. Thế lưỡng nan chính trị này phản ánh một sự chia rẽ trên thực tế trong nhân dân: Myanmar có thể là “đất thánh của Phật giáo” như nhiều người tin chắc, song nó cũng là ngôi nhà của vô số các nhóm sắc tộc và tôn giáo, bao gồm một số lượng đáng kể người dân Hồi giáo và Ki tô giáo.

Nếu quân đội chấp nhận nới lỏng dần sự chi phối chính trị của nó, thì có lẽ điều kiện đầu tiên sẽ là phải đảm bảo không trừng phạt vì những tội lỗi trong quá khứ. Trong nhiều thập kỷ dưới sự cai trị độc tài quân sự và nội chiến, lực lượng quân đội Myanmar đã phạm phải những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, mà một số xảy ra ở quy mô đại chúng. Các cộng đồng và các gia đình đã bị phá hủy, và nhiều người đã chết. Tại chính quyền mới, các nạn nhân và những người sống sót – trong số đó nhiều người là thành viên và cử tri của đảng NLD – hy vọng được thấy công lý thực thi đối với những tội ác này. Suu Kyi và chính quyền của bà sẽ phải tìm cách để thỏa mãn yêu cầu của giới quân sự về việc miễn trừng phạt, đồng thời cũng phải đáp ứng yêu cầu về công lý của các nạn nhân.

Sau năm thập kỷ nghèo khổ, người dân Myanmar muốn có nước sạch, điện, những con đường tốt hơn, nghề nghiệp, giáo dục, y tế, sự yên ổn, các quyền, và công lý, và họ muốn những thứ này ngay tức thì. Do đó chính phủ NLD sẽ chịu áp lực rất lớn để nhanh chóng đưa ra các chính sách hữu hiệu. Sự yêu mến rộng rãi của công chúng dành cho Suu Kyi chỉ làm gia tăng những kỳ vọng này. Nhưng liệu chính phủ mới có thể thành công khi dựa trên một giới quan liêu mà đến bây giờ họ chỉ xuất sắc trong việc tham nhũng, thụ động, và kém kỏi? Hàng thập kỷ dưới các chính sách bóc lột và thanh lọc của giới quân sự đã tạo ra một hệ thống đầu sỏ, mang lại thuận lợi cho giới chóp bu cai trị từ sự bất lợi của phần còn lại. Điều này không thể thay đổi qua một đêm, đồng nghĩa rằng giới chóp bu với địa vị tốt sẽ được lợi từ việc mở cửa kinh tế, từ đầu tư và dòng vốn mà sự mở cửa này mang đến. Đa số công dân sẽ coi điều này là một sự bất công sâu sắc.

Giờ đây giới quân sự có hai lựa chọn: một là thừa nhận ước muốn của nhân dân về sự thay đổi thực sự, cùng với Suu Kyi tham gia một cách xây dựng, và bắt đầu rút lui khỏi chính trị, với mục tiêu hoàn tất điều này trong vòng 10 năm. Suu Kyi phải sẵn sàng thỏa hiệp, và trong thời gian tại nhiệm bà phải có đủ ảnh hưởng để thuyết phục đa số người Myanmar chấp nhận các kết quả đối thoại của bà với giới quân sự. Lựa chọn thứ hai của Tatmadaw là chỉ trao một quyền lực giới hạn cho chính quyền NLD và bác bỏ bất cứ thỏa hiệp nào về hiến pháp. Quân đội đơn giản chỉ cần chờ đợi chính phủ mới thất bại và bị người dân chán ghét, hoặc nó cũng có thể tích cực ngăn cản chính phủ NLD bằng cách kích động xung đột sắc tộc và những tình cảm dân tộc cực đoan, tạo ra các mối đe dọa về mặt an ninh, và từ chối hợp tác trên các vấn đề như quyền đất đai, tù nhân chính trị, và sự trừng phạt cho các vi phạm nhân quyền mà quân đội gây ra.

Hiện nay, việc thiếu một sự đồng thuận cơ bản giữa các nhóm sắc tộc của Myanmar, về hình thức nhà nước mà quốc gia cần có, đang trở thành rào cản lớn nhất trong việc thúc đẩy quá trình chuyển giao và có nguy cơ phá hủy nó hoàn toàn. Cho đến nay, với tư cách một quốc gia hay một dân tộc, thì Myanmar vẫn là một dự án thất bại. Trong nhiều thập kỉ, Myanmar có một nhà nước cực kỳ áp bức và cướp bóc ở khu vực trung tâm, và là một nhà nước thất bại trên diện rộng ở vùng ngoại vi, nơi mà các nhóm sắc tộc thiểu số sinh sống. Trong khi đó, dân số với đa số là người Bamar và rất nhiều các sắc tộc đa dạng khác sinh sống ở Myanmar chưa bao giờ cố kết thành một kiểu dân tộc “người Myanmar” sau khi quốc gia này giành được độc lập từ Anh năm 1948, và ngày nay vẫn còn là một quốc gia bị chia rẽ. Rất khó để dân chủ hóa các xã hội với sự chia rẽ sâu sắc như vậy. Nếu không có được một sự đồng thuận chính trị về bản chất của nhà nước giữa các bên liên quan then chốt, bao gồm các nhóm tôn giáo và sắc tộc quan trọng, thì quân đội sẽ không rút lui khỏi chính trị, và sự chuyển dịch sang sự cai trị dân sự sẽ không xảy ra, hòa bình vẫn khó được tạo ra, và tiến trình dân chủ hóa Myanmar sẽ đình trệ.

Liên bang hay thống nhất?

Như vậy, liệu Myanmar có trở thành một nhà nước dân tộc với đa số người Bamar theo Phật giáo, với một hệ thống thực sự dân chủ và phi tập trung, ở đó có sự khoan dung và tôn trọng các cộng đồng thiểu số? Hay Myanmar sẽ là một nhà nước chung của đa dạng các sắc tộc được “gắn kết với nhau” trong khi vẫn duy trì chủ quyền của nó? Quân đội và dân số với đa số là người Bamar muốn cái trước, trong khi các nhóm sắc tộc thiểu số muốn cái sau. Dân chủ và cạnh tranh bầu cử không thể giải quyết vấn đề này. Một quá trình song song và bao trùm một cách rộng rãi nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong các vấn đề căn bản về bản chất của quốc gia và về mối quan hệ giữa các nhóm sắc tộc khác nhau là điều cần thiết. Để thành công, quá trình này phải được dẫn dắt bởi những người ôn hòa có tầm nhìn xa. Myanmar cần một cuộc thảo luận can đảm, cởi mở, phê phán, và nhìn xa trông rộng về một phổ rộng hơn của các lựa chọn thể chế cho các xã hội chia rẽ, để nó có thể tránh bẫy “cái này hoặc cái kia”, giữa việc chọn một nhà nước thống nhất tập trung cao độ hay chọn một nhà nước liên bang phi tập trung.

Myanmar là một xã hội rất đa dạng, với khoảng 135 nhóm sắc tộc được thừa nhận chính thức (dù nhiều người tin rằng con số này bị thổi phồng để phục vụ một phần trong chiến lược chia để trị). Tuy nhiên khoảng 2/3 trong số 50 triệu dân của đất nước là người Bamar.5 Trong số các nhóm sắc tộc khác, có 7 nhóm – là Arakan, Chin, Kachin, Karen, Karenni, Mon, và Shan – được lấy tên của họ đặt cho các bang dọc biên giới quốc gia. 6 nhóm khác có các vùng lãnh thổ nhỏ trong tình trạng “tự quản”, trong khi nhiều nhóm sắc tộc nhỏ hơn khác cũng đang đòi sự tự trị trong khu vực lãnh thổ nhỏ bé của mình. Trong thực tế, không nhóm sắc tộc thiểu số nào có được sự tự trị hoàn toàn, dù họ tuyên bố như vậy. Hầu hết đều có quân đội riêng và có một lịch sử nổi loạn chống lại trung ương. Vấn đề càng phức tạp hơn khi các yêu sách đất đai truyền từ cha ông đang ở trong tình trạng tranh cãi, một số khu vực là nơi sinh sống của đa dạng sắc tộc, một số nhóm sắc tộc phân bố rất rộng, và hầu như mọi nơi đều có các nhóm nhỏ sống tập trung, và một số trong đó cũng lại có quân đội riêng.

Có sự khác biệt rất lớn về ngôn ngữ, văn hóa, và tôn giáo giữa các nhóm sắc tộc của Myanmar lẫn bên trong các nhóm ấy. Hầu hết các tộc người Bamar, Arakan, Mon, và Shan theo Phật giáo. Nhưng một số tộc người khác như Chin, Kachin, và Karen chủ yếu theo Ki-tô giáo. Tuy nhiên, lại có người những người Karen theo Phật giáo, và trong cộng đồng Ki-tô giáo của tộc người Kachin có cả những người theo đạo Tin lành lẫn những người theo Công giáo La mã. Hơn nữa, không phải tất cả người Chin hay Kachin đèu dùng chung một loại ngôn ngữ.

Ngoài các nhóm người Myanmar “bản xứ”, có một lượng lớn người Islam (còn được gọi là Hồi giáo) (trong đó có tộc người Rohingya, nằm trong số các sắc tộc không được thừa nhận chính thức), người Ấn độ, và người Trung Quốc – chiếm khoảng chừng 7% dân số. Cả người Bamar chiếm đa số lẫn các nhóm thiểu số được thừa nhận chính thức xem các nhóm này là các cư dân mới không thuộc bản xứ, nếu không phải là những kẻ xâm nhập trực tiếp thì cũng là những người “nhập cư bất hợp pháp”. Dù phần lớn người theo đạo Islam sống ở phía tây Myanmar gần biên giới với Bangladesh, song nhiều nhóm khác sống phân tán trên khắp cả nước, chủ yếu trong các thành phố.

Các nhóm sắc tộc khác nhau có mức độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau. Do đó sự khác biệt về bản sắc chồng lấp lên một mức độ phân phối hết sức không đồng đều về nguồn vốn, tăng trưởng, và phát triển, và về sự tiếp cận với giáo dục, cơ hội nghề nghiệp, và các thiết chế của nhà nước. Công chức, cảnh sát, và quân nhân hầu hết là người Bamar. Nền kinh tế bị kiểm soát bởi các gia đình Bamar đặc quyền đặc lợi, cùng với một số người Trung quốc và người Islam. Từ sự phân biệt về mặt chính trị và việc trải qua nhiều năm nội chiến đã dẫn đến việc hầu hết các nhóm sắc tộc “bản xứ” bị loại khỏi các cơ hội và lợi ích kinh tế, mà vốn dĩ đến từ các nguồn lực tự nhiên phong phú trên lãnh thổ của họ (như khí gas, dầu khí, khoáng sản, mỏ quặng, và gỗ).

Hầu hết các nhóm sắc tộc chính của Myanmar là Bamar, Chin, Karen, Kachin, và Shan đều không có một lịch sử chung trước khi người Anh bắt đầu cai trị vào năm 1842. Dù tất cả các nhóm khác nhau này ở Myanmar mong muốn giải phóng khỏi ách thuộc địa, song họ không bao giờ nỗ lực đi đến thống nhất với nhau sau khi đã giành được độc lập. Năm 1947, nhà lãnh đạo công cuộc giành độc lập của Myanmar, tức là tướng Aung San, cha của Aung San Suu Kyi, và là người thành lập Tatmadaw, đã ký kết Thỏa thuận Panglong với các đại diện của các sắc tộc Chin, Kachin, và Shan, trong đó hứa hẹn trao cho các nhóm sắc tộc thiểu số sự tự trị cũng như các quyền và địa vị tương tự sắc tộc Bamar. Tuy nhiên, Aung San bị ám sát trước khi Myanmar giành được độc lập, và các chính quyền nắm quyền sau đó không bao giờ chấp nhận Thỏa thuận Panglong và chưa bao giờ tìm cách giải quyết tình trạng chia rẽ về sắc tộc và tôn giáo của quốc gia.

Sau nhiều thập kỷ dưới chế độ độc tài, quân sự, và nội chiến, tất cả các bên đều mệt mỏi với xung đột và mong muốn hòa bình. Tuy nhiên các cuộc đối thoại không dễ dàng diễn ra. Tiến trình hòa bình luôn ở trong tình trạng mong manh ngay từ lúc mới bắt đầu. Chính quyền của Thein Sein không đủ thẩm quyền đối với quân đội, còn quân đội lại ủng hộ tiến trình hòa bình bằng thái độ hết sức miễn cưỡng. Tatmadaw hy vọng nhóm đối thoại của Thein Sein có thể sử dụng cách tiếp cận mềm mỏng để tước vũ khí của các tổ chức vũ trang của các nhóm sắc tộc khác, mà không phải chịu bất cứ nhượng bộ chính trị nào về vấn đề phi tập trung và chế độ liên bang. Dĩ nhiên, các nhóm EAO lại có quan điểm rất khác.

Cuối cùng, những nỗ lực của chính quyền trong việc đạt thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) đã thất bại, bất chấp chế độ đã cố gắng khiến cho nó có vẻ như (phần nào) thành công.6 Về các tổ chức vũ trang của 15 nhóm sắc tộc được mời tham gia vào bàn đối thoại (không phải tất cả tổ chức EAO đều được mời), thì chỉ có 8 tổ chức ký thỏa thuận. Những tổ chức từ chối ký kết bao gồm các nhóm vũ trang mạnh nhất. Nhóm đối thoại của Thein Sein có thẩm quyền đưa ra lệnh ngừng bắn, tạo các cơ hội về kinh tế và phát triển, thậm chí có thể hối lộ để đạt được thỏa thuận, nhưng nó lại không được phép đối thoại về vấn đề tự trị chính trị và chủ nghĩa liên bang.7 Các nhóm EAO có thể đồng ý với lệnh ngừng bắn. Họ mong muốn đem các cơ hội kinh tế và phát triển về với bang của mình (thậm chí đôi lúc họ có thể chấp nhận việc đút lót), song hầu hết đều không sẵn lòng từ bỏ những đòi hỏi về chủ nghĩa liên bang.

Liệu NLD có tốt hơn?

Chính phủ NLD được kỳ vọng khởi động tiến trình hòa bình ngay lập tức. Suu Kyi đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng hòa bình và hòa giải dân tộc là ưu tiên số một của bà, và bà cam kết tìm kiếm một giải pháp liên bang trên cơ sở của các nguyên tắc Panglong, thứ mà các nhóm EAO đòi hỏi trong nhiều thập kỷ. Dù điều này nghe có vẻ hứa hẹn, song chính phủ mà NLD lãnh đạo có thể đang ở trong vị trí đàm phán tồi tệ hơn so với chính phủ của Thein Sein, cụ thể là các nhà lãnh đạo mới không chỉ thiếu thẩm quyền đối với quân đội mà còn thiếu cả niềm tin của quân đội. Các nhóm EAO chính bày tỏ chính thức rằng họ hy vọng đạt được một thỏa thuận với Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, họ cũng mang mối nghi kị rất lớn, và nhiều người trong số giới chóp bu chính trị của các nhóm sắc tộc xem NLD như một đảng bị chi phối bởi người Bamar, do đó đảng này sẽ không đánh giá đúng mức các yêu cầu và đòi hỏi của các nhóm sắc tộc.

Trong nhiều thập kỷ, Tatmadaw nhấn mạnh vào việc duy trì một nhà nước dân tộc thống nhất và tập trung cao độ, nhằm bảo vệ và thúc đẩy “tinh thần liên minh” (chủ nghĩa ái quốc) và Phật giáo.8 Và trong nhiều thập kỷ, EAO đã chiến đấu để đạt được một dạng nào đó của chủ nghĩa liên bang trên cơ sở sắc tộc. Thật khó để tìm ra cách đạt được một thỏa hiệp từ hai lập trường đối lập như vậy, bất kể họ đã đầu tư bao nhiêu thiện chí và tiền bạc cho việc đối thoại. Chỉ khi Tatmadaw từ bỏ sự khăng khăng của nó về một nhà nước thống nhất, thì tiến trình hòa bình mới mong tiến triển.

Với lịch sử cai trị độc đoán và nội chiến của Myanmar, và với cái thực tế rằng các nhóm sắc tộc tập trung tại các khu vực cụ thể, thì sự phi tập trung hóa và một số hình thức của kiểu tổ chức liên bang là con đường duy nhất tiến tới hòa bình. Tuy nhiên, sự phi tập trung và chủ nghĩa liên bang theo kiểu mà EAO hiện đang ủng hộ liệu có dẫn đến một sự dàn xếp về thể chế ổn định và lâu dài hay không vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Tầm nhìn của họ về tương lai của Myanmar là gồm một bang Kachin tự trị cho người Kachin, một bang Shan tự trị cho người Shan, và một bang Bamar tự trị cho người Bamar, và vân vân. Tất cả các bang này có địa vị bình đẳng trong một quốc gia Myanmar liên bang, và tất cả đều có một mức độ chủ quyền đáng kể. Tất cả họ đều được chia sẻ một ít quyền lực ở trung ương, nơi mà họ có quyền phủ quyết trên thực tế.

Nhưng sự dàn xếp như vậy không tính đến một thách thức chính: trong mỗi bang theo sắc tộc chính ngày nay, có những thành viên của các sắc tộc không nhỏ cũng đòi hỏi sự tự trị. Một sự dàn xếp liên bang trên cơ sở sắc tộc sẽ không giải quyết được các yêu sách chồng lấp về lãnh thổ giữa các nhóm sắc tộc Kachin và Red Shan trong bang Kachin, giữa sắc tộc Shan và các các nhóm khác sống trong bang Shan, và giữa sắc tộc Karen và người Bamar sống ở vùng đồng bằng Irrawaddy, hay giữa sắc tộc Mon và Bamar ở bang Mon, đây chỉ là một số ít trong nhiều trường hợp tranh chấp. Những nhóm này đều khẳng định yêu sách trên cơ sở các thần thoại của họ, và một mô hình liên bang dựa trên sắc tộc không thể giải quyết được điều này.

Có một số vấn đề khác gây khó khăn cho mô hình liên bang dựa trên sắc tộc.9 Thường thì ở đây không có sự đối lập thực tế về mặt chính trị. Những người theo đường lối cứng rắn và riêng biệt có xu hướng chiến thắng các cuộc bầu cử bởi vì họ chỉ cần tới lá phiếu của nhóm của riêng họ. Những khuyến khích cho sự ôn hòa và thỏa hiệp giữa các đảng cạnh tranh về mặt chính trị đã biến mất. Ở mức độ quốc gia, khi mô hình liên bang dựa trên sắc tộc gặp phải bế tắc (như chúng vẫn thường xảy ra), thì sự phẫn uất giữa các nhóm có thể trở nên tồi tệ hơn khi họ đổ lỗi cho nhau và sử dụng các phương tiện truyền thông của mình để gia tăng căng thẳng. Cuối cùng, nếu mỗi bang có lực lượng an ninh của riêng mình để “tự vệ”, thì khả năng thỏa hiệp sẽ dần dần biến mất.

Sự thiên vị, bảo hộ, độc quyền, và tham nhũng có lẽ vẫn phổ biến trong một nhà nước liên bang theo sắc tộc. Vì trong mỗi bang đều có sự thúc đẩy để làm lợi cho các nhóm lợi ích, từ đó tăng cường sự thông đồng giữa các chính trị gia địa phương và các doanh nghiệp địa phương. Sự tách rời giữa nhà nước và tôn giáo sẽ trở nên yếu ớt. Trong một xã hội bị chia rẽ sâu sắc về tôn giáo như Myanmar, các nhóm tôn giáo lớn trong mỗi bang sẽ thường phân biệt đối xử với các nhóm khác, hay tồi tệ hơn, họ sẽ thúc đẩy cái ý thức hệ về “một quốc gia, một tôn giáo, một lãnh đạo mạnh”.

Cấu trúc sắc tộc của Myanmar vừa phức tạp vừa không cân xứng: có ít hơn nửa triệu người Chin và Karenni, và ít hơn hai triệu người Kachin và Mon; khoảng 2 triệu người Arakan, 4 triệu người Karen và 4,5 triệu người Shan, và khoảng 32 đến 34 triệu người Bamar. Do đó, trong sự dàn xếp liên bang theo sắc tộc với quyền phủ quyết lẫn nhau, thì khoảng 5% dân số – gồm các tộc người Chin, Karenni, Mon, và Kachin, mỗi nhóm đều có bang riêng – sẽ phong toả đa số. Nếu ý chí của đa số liên tục bị phủ quyết bởi các nhóm sắc tộc nhỏ hơn, không sớm thì muộn các nhà dân túy và các nhà dân tộc cực đoan sẽ giành được sự ủng hộ từ đa số. Tình trạng nhân khẩu học này bị làm phức tạp thêm bởi sự phân bố không đồng đều theo lãnh thổ về các nguồn lực tự nhiên, và bởi sự đa dạng về mức độ phát triển kinh tế xã hội giữa các khu vực.

Một hệ thống liên bang trong tương lai sẽ cần giữ được một sự cân bằng hợp lý, giải quyết được yêu cầu chính đáng về sự tự trị của các nhóm thiểu số, trong khi không hoàn toàn kiểm soát ý chí dân chủ của đa số. Đồng thời, bất cứ sự dàn xếp nào trao sự tự trị cho một bang được chi phối bởi một nhóm sắc tộc nào đó cũng phải bảo vệ các quyền của các nhóm thiểu số trong bang đó. Cuối cùng, các quyền chung của các nhóm sẽ phải hòa hợp với các quyền cá nhân được bảo vệ ở mức độ quốc gia. Để làm được điều này đòi hỏi một hệ thống chính trị toàn diện, và chính nó lại đòi hỏi sự cẩn trọng đặc biệt, tầm nhìn xa, và sự ôn hòa từ tất cả những thế lực chính.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa cấp tiến tôn giáo

Vào giữa năm 2012, ngay sau cuộc bầu cử mà đảng nắm quyền USDP chịu tổn thất lớn trước đảng NLD, một phụ nữ trẻ theo Phật giáo đã bị hãm hiếp và bị giết ở bang Arakan trong tình huống rất không rõ ràng. Ngay lập tức, các áp phích và tờ rơi truyền thông được phát ra toàn bang kêu gọi sự trừng phạt người Islam vì đã phạm tội, và vài ngày sau một đám đông có tổ chức đi xe mô tô tấn công một xe buýt chở các hành khách Islam, giết chết 10 người. Chỉ trong tháng 6 năm 2012, xung đột bạo lực giữa Phật giáo và đạo Islam khiến 200 người chết và con số này tiếp tục gia tăng. Các cuộc bạo động bè phái sẽ còn tiếp tục và kéo dài trong vài năm tới. Chiến dịch thù hận và bạo lực chống lại Islam và sự nổi lên của MaBaTha không phải là những phát triển tự phát, cũng không phải chủ yếu về tôn giáo. Đúng hơn, chúng là một phần trong chiến lược tranh cử của USDP vào năm 2015. Dù không rõ khi nào ngọn lửa bạo lực đầu tiên sẽ bùng nổ ở Myanmar, nhưng nó đã bắt đầu trở nên nổi bật trong các chiến dịch bầu cử.10

Sự nổi lên của chủ nghĩa cấp tiến tôn giáo và chủ nghĩa quốc gia cực đoan có thể được quy cho một vài tác nhân quan trọng. Họ không chia sẻ chung một chương trình hay một mục đích. Họ có các lãnh đạo và lực lượng khác nhau, song vẫn liên kết và phối hợp với nhau. Họ là ai? Rõ ràng nhất là những người theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan, các tăng lữ Phật giáo cấp tiến như Wirathu, cũng như các tăng lữ rất được kính trọng, cao cấp hơn nhưng cũng ôn hòa hơn, vốn tin vào sự thống nhất quốc gia, tôn giáo, và nhà nước (nói cách khác, họ là các tăng lữ Phật giáo truyền thống liên minh giữa quốc vương và tôn giáo). Trong số các tác nhân chính còn có các nhóm chính trị theo chủ nghĩa dân tộc như Đảng Dân tộc Arakan, cố gắng nắm bắt cơ hội bầu cử, và các trí thức theo chủ nghĩa dân tộc bao gồm các nhà văn, nhà lịch sử, nhà báo, và các nhân vật công chúng, vốn phổ biến các “chân lý lịch sử” và các luận điểm “ái quốc” bị bóp méo. Cùng với họ là những người thực dụng của USDP, tận dụng cơ hội để quảng bá danh tiếng bản thân và làm xói mòn phe đối lập ủng hộ dân chủ bằng cách đưa ra tuyên bố bảo vệ “chủng tộc và tôn giáo”.

Giới cai trị chính trị để cuộc thảo luận chống đạo Islam lan rộng, và các nhà cầm quyền cho phép “bạo lực” có kiểm soát – tức là các cuộc bạo động chống Islam – nổ ra ở một vài nơi. Ngọn lửa được thổi bùng từ các nhà lãnh đạo tôn giáo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vốn được các quan chức chính phủ hàng đầu công khai ủng hộ, bao gồm Tổng thống Thein Sein, và được các tổ chức nhà nước và một số chóp bu kinh tế bí mật chống lưng.11 Khi chưa được những người ra quyết định trong cơ quan an ninh ủng hộ, thì không bao giờ có thể quy trách nhiệm và trừng phạt các tổ chức và thủ phạm gây ra bạo lực.

Mục đích của chiến dịch xấu xa này thật rõ ràng: nhằm xúi giục sự xung đột với “nhóm thiểu số chẳng ai ưa” (người Rohingya theo đạo Islam); tạo ra ấn tượng rằng dân tộc và tôn giáo của nó đang bị đe dọa; và sử dụng sự hỗn loạn, sợ hãi và tức giận để thúc đẩy nhu cầu cho một nhà nước mạnh và một tổng thống mạnh. Kế hoạch ban đầu của giới chóp bu chính trị thời kỳ hậu quân sự là giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử vào năm 2015 thông qua hình ảnh tích cực của Thein Sein như một “nhà cải cách biết lắng nghe”, như “vị tổng thống thúc đẩy sự phát triển”, và như “vị tổng thống mang lại hòa bình”. Song sự thất bại của đảng trong các cuộc bầu cử vào năm 2012 đã gây ra một cú sốc đối với giới cấp cao chính phủ, và các nhà chiến lược của chế độ nhận ra rằng chương trình “phát triển” và “cải cách” không đủ để giành lấy trái tim và tâm trí của nhân dân. Trong một động thái tuyệt vọng, họ quyết định kích hoạt chủ nghĩa dân tộc cực đoan như là lớp bảo vệ cuối cùng.

Trong khi đó, MaBaTha phát triển cả về sức mạnh và quân số. Nó cũng trở thành tổ chức phức tạp hơn và tham vọng hơn. Một “con quái vật” mới được đưa vào trong nền chính trị của Myanmar – một phong trào theo trào lưu chính thống ngày càng mạnh khoác chiếc áo choàng của thầy tu phật giáo. Tuy nhiên, giờ đây người dân Myanmar đã chống lại ảnh hưởng của các tăng lữ cấp tiến, ít nhất là ở các hòm phiếu. Khi loại bỏ USDP và Thein Sein trong các cuộc bầu cử năm 2015, các cử tri cũng loại bỏ sự thao túng về mặt chính trị của tôn giáo.

Nhưng vấn đề cơ bản của tôn giáo cực đoan và chủ nghĩa dân tộc cực đoan vẫn còn đó. Myanmar là một xã hội truyền thống, bảo thủ, và mang tính tôn giáo với đầy rẫy lo âu và thất vọng. Trong hoàn cảnh này, các ý thức hệ theo trào lưu chính thống như “sự thuần khiết của mảnh đất Phật giáo linh thiêng” được thuyết giáo bởi giới tăng lữ vốn hết sức được kính trọng và được tổ chức tốt có thể trở nên hết sức quyền lực và nguy hiểm. Sẽ khó cho chính phủ của NLD để mà bắt “con quái vật” này trở lại cái hang của nó.

Con đường đến nền dân chủ thực sự

Bằng sự ủy nhiệm mạnh mẽ, Aung San Su Kyi và NLD phải thay thế con đường đến với “nền dân chủ kỷ luật” của giới sĩ quan bằng một con đường mới đi tới một Myanmar thực sự dân chủ và phi tập trung – và họ cần tập hợp sự hỗ trợ từ các nhân tố quan trọng khác, mà nhiều trong số đó lại chứa các đòi hỏi xung đột nhau. Bởi quân đội (vốn vẫn giữa quyền tự trị thực tế) có tiếng nói cuối cùng đối với hiến pháp, nên chính phủ mới sẽ phải đảm bảo sự tham gia của Tatmadaw. Tương tự, chính phủ cũng cần sự chấp thuận của quân đội để tái khởi động lại tiến trình hòa bình.

Nếu NLD có bất cứ hy vọng nào trong việc thúc đẩy hòa giải quốc gia, nó cần phải hình thành một chính phủ toàn diện và có năng lực ở cả cấp độ quốc gia lẫn địa phương. Điều này không chỉ hàm ý tới các nhà chính trị quân đội mà còn tới các nhà chính trị của cộng đồng thiểu số, ngay cả khi họ không thành công trong các cuộc bầu cử. Dạng thỏa hiệp này có thể mang đến những chia rẽ quan trọng trong tương lai.

Lúc đó, Aung San Suu Kyi sẽ được ủy nhiệm dân chủ một cách rõ ràng, không chỉ từ người dân Bamar mà còn từ người dân của các bang sắc tộc thiểu số. NLD nhiều lần cam kết về chủ nghĩa liên bang cho Myanmar và hứa hẹn ủng hộ sự bình đẳng cho mọi sắc tộc và thúc đẩy các quyền cá nhân và quyền thiểu số. Nếu có thể đảm bảo cho sự tiến bộ dân chủ mong manh của Myanmar, thì rồi sẽ có lúc xuất hiện sự cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị dân sự. Hiện giờ, sẽ khôn ngoan nếu đặt sự cạnh tranh chính trị sang một bên và tập trung vào việc củng cố quốc hội, chính phủ được bầu, và nền chính trị nói chung.Các đảng phái chính trị của các nhóm sắc tộc, cả trong và ngoài quốc hội, phải tránh sự phản kháng không cần thiết đối với NLD. Họ sẽ phải thể hiện sự chín chắn về mặt chính trị và vượt qua nỗi thất vọng về kết quả tồi tệ của họ trong các cuộc bầu cử. Họ phải cởi mở để tham gia một cách xây dựng vào chính phủ do NLD dẫn dắt. Sau cùng, NLD không chỉ giành chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử, mà nó cũng chiến thắng áp đảo về số phiếu của các nhóm sắc tộc.

Chính phủ mới không nên loại bỏ tất cả các vấn đề của sắc tộc thiểu số khỏi cuộc đối thoại quốc gia. Suu Kyi và chính phủ NLD do bà dẫn dắt phải thúc đẩy một sự thấu hiểu chung giữa những ai cởi mở với sự hợp tác mang tính xây dựng, và sớm bắt đầu giới thiệu các chính sách toàn diện và phi tập trung, mà có thể đạt được bởi một đa số tối thiểu trong quốc hội. Chính phủ cũng phải nhanh chóng đảm bảo các quyền giáo dục, ngôn ngữ, và văn hóa của các nhóm sắc tộc khác nhau của Myanmar, và nó phải áp dụng một cách tiếp cận khôn ngoan và toàn diện trong việc lựa chọn các thống đốc khu vực và bang. Điều này có thể được thực hiện theo như hiến pháp quy định, ngay cả khi người lựa chọn thống đốc là tổng thống chứ không phải là các bang và các nghị viện khu vực. Cuối cùng, chính quyền phải tìm kiếm một sự cân bằng tốt hơn về các nguồn lực giữa trung ương và các bang và các khu vực. Điều này có thể thực hiện mà không cần phải có sự đồng thuận rộng rãi về chủ nghĩa liên bang.

Một nhiệm vụ lớn cho chính phủ mới là phải “giành lại” các thiết chế nhà nước bằng cách đưa thêm nhiều các thường dân thực sự – chứ không phải là các công chức giả tạo do quân đội chỉ định – vào các cơ quan nhà nước một cách nhiều nhất có thể. Các lực lượng dân sự này sẽ được lựa chọn theo cách thức bao gồm cả người của các nhóm sắc tộc thiểu số. Chẳng hạn, chính quyền cần xem xét một kế hoạch sáu năm để khiến cho 30% trong tổng số mọi nghề nghiệp trong cơ quan nhà nước thuộc về những người có nguồn gốc thiểu số (tức là cứ 2 năm thì tăng 10%).

Tuy nhiên, việc đầu tiên và trên hết là, chính phủ mới phải phóng thích mọi tù nhân chính trị và cung cấp sự trợ giúp nhân đạo cho những người bị di cư trong chiến tranh giữa các bang của các nhóm sắc tộc khác nhau, và cho những người tị nạn Rohingya ở bang Arakan. Nhưng đây là chỉ các bước khởi đầu. Chính phủ cũng phải cẩn trọng đưa ra những cử chỉ mang tính biểu tượng cân bằng về sự hòa giải và tưởng nhớ những nỗi đau trong quá khứ – chẳng hạn, bằng cách thiết lập một tổ chức hỗ trợ cho các nạn nhân. Nếu chỉ cần trích 1% của tất cả nguồn đầu tư trong tương lai cho tổ chức này, thì sẽ có đủ tiền để hỗ trợ cho nhiều nạn nhân. Việc trừng phạt các thủ phạm có thể không khả thi và không khôn ngoan, nhưng chắc chắn phải phục hồi danh dự cho nạn nhân, và điều bày thậm chí còn quan trọng hơn.

Ưu tiên cuối cùng của chính phủ và quốc hội về sự hòa giải quốc gia là thông qua nhiều luật cải cách nhất có thể – ban hành luật về sự tự do hiệp hội, tự do thông tin, luật mới về truyền thông đại chúng, và vân vân. Nhiều luật cải cách quan trọng có thể được thông qua chỉ với đa số tối thiểu tại quốc hội. Việc đưa ra bất cứ gói cải cách nào như vậy đều nên bao gồm việc ký kết và phê chuẩn Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, và phê chuẩn Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa. Điều quan trọng tiếp theo là chính phủ cần dùng vài năm đầu nhiệm kỳ để giới thiệu và tăng cường việc chịu trách nhiệm của các thiết chế một cách nhiều nhất có thể.

Nếu chính phủ sắp tới thực hiện tất cả những điều này, thì nó sẽ có được một mức độ tín nhiệm cao, và cơ hội cho một cuộc đối thoại quốc gia mang tính xây dựng sẽ lớn hơn rất nhiều. Xã hội dân sự có thể đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy tiến trình hòa giải quốc gia. Cả các nhóm xã hội dân sự mang khuynh hướng tự do lẫn sắc tộc sẽ phải đưa ra các sáng kiến và tiến hành nỗ lực hợp tác mang tính hệ thống, để xây dựng sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau vượt qua ranh giới về sắc tộc và tôn giáo. Sự hòa giải đối với những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Myanmar không thể chỉ là một quá trình từ trên xuống do các chính trị gia và những kẻ cầm súng thúc đẩy. Các nỗ lực của giới chóp bu nên được bổ sung bằng những nỗ lực từ bên dưới.

Sự chuyển dịch của Myanmar có thể thành công và trở thành một ví dụ về một “trường hợp điển hình gian nan” đã dân chủ hóa thành công dù thiếu các điều kiện cấu trúc thuận lợi. Mùa xuân Ả rập tạo nên bóng ma đáng sợ của sự nổi dậy của kiểu dân chủ dân túy dẫn đến một nhà nước thất bại hoặc một hình thức độc tài mới. Dân chủ hóa ở Myanmar có thể đưa ra một mô hình tích cực thay thế, ở đó giới chóp bu thành công trong việc đạt đến một quá trình dân chủ có lợi cho tất cả. Tuy nhiên, cần phải hiểu một điều quan trọng là toàn bộ quá trình này vẫn còn mong manh và bất ổn. Nguyện vọng của người dân Myanmar và của các lực lượng dân chủ mới được bầu vẫn bị kiểm soát nghiêm ngặt bởi quân đội, bởi chủ nghĩa dân tộc Phật giáo, bởi lợi ích thâm căn cố đế của giới đầu sỏ, và bởi các điều kiện cấu trúc khó khăn của nó. Vì vậy các nước bạn của Myanmar cần phải khôn ngoan khi giữ sự kỳ vọng ở mức khiêm tốn, và kiên nhẫn trong việc hỗ trợ quá trình chuyển dịch bằng các cam kết dài hạn.

CHÚ THÍCH

  1. Trong số 330 ghế được bầu ở hạ viện, có 7 ghế bị bỏ trống, còn lại 323 ghế được tranh giành trong cuộc bầu cử năm 2015. Các bang và các khu vực có địa vị như nhau về mặt hiến pháp; các bang là những vùng biên giới nơi các nhóm sắc tộc thiểu số nhất định tập trung, trong khi các khu vực là những vùng mà các nhóm người Burma đa số đang sinh sống.
  2. Larry Diamond, “The Opening in Burma: The Need for a Political Pact,” Journal of Democracy 23 (tháng 10 năm 2012): trang 138–149.
  3. David C. Williams, “Analysis of the 2008 SPDC Constitution for Burma: The Power of the Burmese Military Under the 2008 SPDC Constitution,” 21 tháng 4 năm 2010, www.burmapartnership.org/wp–content/uploads/2010/04/David–Williams–Briefer–on–power–ofBurmes–military–under–the–2008–constitution1.pdf.
  4. Trích dẫn từ Robert Dahl’s Polyarchy: Participation and Opposition (New Haven: Yale University Press, 1971) trong Diamond, “The Need for a Political Pact”, trang 139.
  5. “Tính đa quốc gia mạnh mẽ” bắt nguồn từ Alfred Stepan, Juan J. Linz, và Yogendra Yadav, “The Rise of ‘State–Nations,’” Journal of Democracy 21 (tháng 7 năm 2010): trang 50–68. Con số 2/3 này được ước lượng; ở cuộc điều tra dân số toàn quốc đầu tiên trong hơn 30 năm diễn ra vào tháng 4 năm 2014. Kết quả tạm thời được công bố vào tháng 8 năm 2014, ngoại trừ bộ phận thiểu số trong toàn dân, đối với bộ phận này thì kết quả bị trì hoãn mãi cho tới sau cuộc bầu cử bởi nó được coi là quá nhạy cảm.
  6. Trong các tổ chức không đăng ký có: Kachin Independent Organization (KIO/KIA), United Wa State Army (UWSA), Shan State Progress Party (SSPP/SSA), Ta’ang National Liberation Army (TNLA), National Democratic Alliance Army (NDAA, Kokang), Myanmar National Democratic Alliance Army (MNDA), Karenni National Progressive Party (KNPP), và New Mon State Party (NMSP). Xem Bertil Lintner,“New Approach Needed for Genuine Peace in Burma,” Irrawaddy, 11 tháng 1 năm 2016, www.irrawaddy.com/commentary/new–approach–needed–for–genuine–peace–in–burma.html.
  7. The Union Peace Conference, được tổ chức trong vội vã bởi chính quyền đương chức sau khi chịu một thất bại bẽ mặt trong cuộc bầu cử, phản ánh sự khác biệt sâu sắc giữa vị thế của quân đội và các đại diện sắc tộc. Không có tổ chức không đăng ký nào được tham gia.
  8. Xem “Preamble” và “Chapter I, Basic Principles of the Union,” trong hiến pháp nước Cộng hòa Myanmar thống nhát (2008), trang 1–4, burmalibrary.org/docs5/Myanmar_Constitution–2008–en.pdf.
  9. Trong việc suy đoán về những vấn đề tiềm năng phát sinh từ một sự dàn xếp liên bang sắc tộc ở Myanmar, tôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của chính mình với tính không hoạt động của liên bang sắc tộc Yugoslav cũ, được thiết lập sau khi sự cai trị độc đảng của Cộng sản kết thúc, và của các công ước Bosnia–Herzegovina hậu Dayton. Tôi cũng dựa trên nhiều phân tích của Donald L. Horowitz và Lise Morjé Howard. Xem Donald L. Horowitz, “Ethnic Power Sharing: Three Big Problems,” Journal of Democracy 25 (tháng 4 năm 2014): trang 5–20; và Horowitz, “Comparing Democratic Systems,” Journal of Democracy 1 (Mùa thu năm 1990): trang 73–79; và Lise Morjé Howard, “The Ethnocracy Trap,” Journal of Democracy 23 (tháng 10 năm 2012): trang 155–169.
  10. Ngày càng nhiều các nghiên cứu về sự nổi lên gần đây của chủ nghĩa tôn giáo cấp tiến và chủ nghĩa dân tộc cực đoanm. Chẳng hạn, xem Min Zin, “Anti–Muslim Violence in Burma: Why Now?” Social Research: An International Quarterly 82 (Mùa hè năm 2015): trang 375–397; Matthew J. Walton, “The Post–Election Future of Buddhist Nationalism in Myanmar,” East Asia Forum, 19 tháng 11 năm 2015; và Tharaphi Than, “Nationalism, Religion, and Violence: Old and New WunthanuMovements in Myanmar,” Review of Faith and International Affairs 13 (Mùa đông năm 2015): trang 12–24.
  11. Paul R. Brass, The Production of Hindu–Muslim Violence in Contemporary India (Seattle: University of Washington Press, 2003).

 

Nguồn: Igor Blaževič, “Burma Votes for Change – The Challenges Ahead” (Myanmar chọn thay đổi – Những thách thức phía trước, bản dịch của Minh Anh & Vi Yên nhóm Tinh Thần Khai Minh), Journal of Democracy 27 (tháng 4 năm 2016): trang 101-116.