Văn hóa Trung Quốc và sự đổi mới chính trị

Thông tin chi tiết

Bài báo: Chinese Culture and Political Renewal (Văn hóa Trung Quốc và sự đổi mới chính trị)

Tác giả: Lee Teng-hui

Chuyển ngữ: Đặng Hữu Hải

Sách: Consolidating The Third Wave Democracies

Biên tập: Larry Diamond, Marc F. Plattner

Hướng dẫn trích nguồn: Lee Teng-hui. 1997. Chinese Culture and Political Renewal (Văn hóa Trung Quốc và sự đổi mới chính trị; bản dịch của Đặng Hữu Hải). Trong Larry Diamond và Marc F. Plattner (biên tập), Consolidating The Third Wave Democracies, The Johns Hopkins University Press. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.

 

Tải về tại đây:

 

VĂN HÓA TRUNG QUỐC VÀ SỰ ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ

Tác giả: Lee Teng-hui

Chuyển ngữ: Đặng Hữu Hải

 

Lee Teng-hui là tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc, chủ tịch Quốc Dân Đảng. Ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống (Đài Loan) lần đầu tiên vào tháng 1 năm 1988 sau cái chết của Tưởng Kinh Quốc, và sau đó được Quốc Hội tái bổ nhiệm vào tháng 3 năm 1990. Vào ngày 23 tháng 3 năm 1996, ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của Đài Loan. Ông có bằng tiến sĩ của đại học Cornell.

 

Năm 1994, cựu chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev chấp nhận lời mời sang thăm Trung Hoa Dân Quốc. Trong chuyến viếng thăm này, chúng tôi đã trao đổi với nhau quan điểm về những cải cách ở Liên Xô cũ. Tôi đưa ra quan điểm rằng : các cải cách kinh tế và chính trị là một hệ phương trình với hai ẩn số. Nghĩa là cả hai đều cần tiến hành đồng thời; rất khó để có thể tập trung vào một cái riêng rẽ. Việc tiến hành giải phương trình nào trước phụ thuộc vào các điều kiện và vấn đề của riêng mỗi quốc gia. Đối với Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan, các cải cách kinh tế rõ ràng sẽ đi trước, trong khi việc cải cách chính trị sẽ xảy ra vào thời điểm thích hợp, khi thời cơ và điều kiện đã chín muồi.

Thật ra, cải cách và sự phát triển chính trị không thể chỉ phụ thuộc riêng vào những đóng góp từ sự phát triển kinh tế, mà phải được quyết định dựa trên từng tình huống riêng biệt. Cải cách chính trị là một dự án xã hội to lớn và phức tạp, bao gồm tất cả các dạng thức tổ chức xã hội và lực lượng, đồng thời chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi di sản văn hóa. Trong một xã hội cụ thể, yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến sự phát triển của chính trị trên nhiều mức độ. Văn hóa giống như ẩn x trong hàm số toán học f(x) – nghĩa là với mỗi một di sản văn hóa riêng biệt sẽ cho ra một kết quả chính trị khác nhau.

Những học giả khảo sát sự phát triển của chính trị Trung Quốc trên cơ sở nền tảng lịch sử và văn hóa thường sa đà vào việc xây dựng các giả thuyết dựa trên các dữ kiện lịch sử để giải thích các vấn đề chính trị hiện tại hoặc dự đoán các xu thế tương lai. Ví dụ, vài học giả tranh luận rằng Trung Quốc không thể thoát khỏi sự độc tài trong tiến trình phát triển chính trị của nó, bởi xã hội Trung Quốc vốn có truyền thống sùng bái uy quyền, bị tổ chức định hướng một cách mạnh mẽ, thiếu thốn tự do cá nhân và không tôn trọng quyền con người. Ý kiến kiểu này có thể được phân tích chuyên sâu như một vấn đề hàn lâm, nhưng nó phải cho ta một sự giải thích hợp lý về những tình huống thực tế nếu muốn được chấp nhận. Rõ ràng, những giả thuyết dựa trên lịch sử và truyền thống văn hóa của Trung Hoa đại lục không thể giải thích một cách đầy đủ về sự phát triển của nền chính trị Đài Loan trong 5 năm gần đây. Vì vậy chúng ta trước hết phải chọn ra những dữ kiện thực tế của sự phát triển chính trị của một quốc gia và nghiên cứu di sản văn hóa quốc gia đó trước khi có thể xác định được mối liên hệ giữa hai yếu tố này với bất cứ sự khách quan nào.

Tất nhiên, định nghĩa sự thành công của các cải cách chính trị vô cùng phức tạp. Chúng ta không thể coi di sản văn hóa là yếu tố quan trọng duy nhất. Chắc chắn phần lớn các nhà khoa học chính trị thừa nhận rằng trật tự chính trị không chỉ là một khái niệm trừu tượng. Ví dụ, mặc dù các thể chế dân chủ thường có chung các nguyên tắc cốt lõi cụ thể, tuy nhiên vẫn có những khác biệt –thực ra không nhỏ – trong nội dung thực tế và cách thức tiến hành, giữa các quốc gia tưởng chừng như tương đồng về văn hóa như phương Tây và Mỹ. Khác biệt về thể chế là hệ quả trực tiếp của sự khác biệt về điều kiện lịch sử, văn hóa truyền thống giữa các quốc gia, xã hội. Vì vậy, tôi muốn nêu ra ví dụ về các cải cách chính trị của Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan, và đưa ra các giải thích dựa trên nền tảng lịch sử và văn hóa thay vì kinh tế.

Trung Hoa Dân Quốc trên đảo Đài Loan là một phần của hệ văn hóa Trung Hoa. Trong 2 thiên niên kỷ, thể chế chính trị Trung Quốc là một chính quyền trung ương tập quyền dưới sự cai trị của Hoàng Đế. Nó thiếu đi các yếu tố dân chủ kiểu phương Tây và một hệ thống chính trị Nghị viện. Nương theo Kháng chiến chống Nhật từ 1937 đến 1945, Đảng Cộng Sản Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, năm 1948 chính quyền Trung Hoa Dân Quốc(ROC) công bố Hiến Pháp hiệu lực trong thời kì cộng sản nổi dậy. Một năm sau đó chính quyền ROC bị hất cẳng sang Đài Loan. Trước hiểm họa cộng sản, bản hiến pháp này duy trì hiệu lực trong suốt 43 năm cho tới 1991. Hiến pháp này cấm đoán quyền người dân rời bỏ Trung Hoa Dân Quốc dưới tình trạng chiến tranh, được ghi trong luật Quân sự. Tuy nhiên trong vòng chưa tới 5 năm khi Hiến Pháp này được dỡ bỏ, ROC thực hiện một loạt các cải cách chính trị. Những cải cách này bao gồm: chỉnh sửa Hiến Pháp; chấm dứt Thời Kỳ Động Viên Toàn Quốc Trước Sự Đàn Áp Của Quân Nổi Dậy Cộng Sản; cho nghỉ hưu tất cả các thành viên của Quốc Dân Đại hội đầu tiên – nơi Tưởng quản lí, Tưởng lập pháp; tiến hành bầu phiếu cho tất cả các vị trí tại ba cơ quan Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp; tạo hành lang pháp lý cơ cấu bầu phiếu phổ thông cho bộ máy chính quyền toàn đảo Đài Loan, chức danh thị trưởng hai thành phố đặc biệt Đài Bắc và Cao Hùng cũng như bầu cử chức danh Tổng thống cùng Phó Tổng thống Đài Loan. Trung Hoa Dân Quốc ngay sau đó trở thành một quốc gia dân chủ, nơi mà ‘’quyền lực nằm trong tay người dân’’.

Quá trình dân chủ hóa của ROC diễn ra rất nhanh mà không cần đến ‘’quyền lực chính trị tuyệt đối’’ hay một ‘’thể chế độc tài’’ vô lý nào. Rất nhiều quan điểm chính trị khác nhau đồng thời tồn tại trong xã hội của chúng tôi; điều này dẫn tới một cơ cấu các đảng phái chính trị có thể cạnh tranh công bằng và hợp lý để tranh thủ sự ủng hộ của người dân. Nhân dân ROC đồng thời có khả năng thực hành quyền tự do của mình trong phạm vi của pháp luật. Trung Hoa Dân Quốc không chỉ tạo ra một phép màu về kinh tế, mà còn tạo ra một phép màu về chính trị – điều mà đôi khi người ta gán cho cái tên là “cuộc cách mạng thầm lặng”.

Mặc cho di sản nặng nề hơn 2000 năm của hệ thống phong kiến tập quyền và những khổ nạn do sự trỗi dậy của Cộng sản mang lại trong hơn 40 năm, ROC đã thành công thực hiện sứ mệnh lịch sử : Tái kiến thiết thể chế chính trị một cách hòa bình. Sự thật này xứng đáng đón nhận chú ý của các học giả khoa học xã hội và nhân văn. Tôi tin rằng có rất nhiều tầng lý do cho sự thành công này, và các thành tố trong mỗi tầng lý do đó đều đóng vai trò quyết định. Bây giờ tôi sẽ nói về ảnh hưởng của triết lý chính trị cổ đại lên sự phát triển chính trị Đài Loan, cụ thể : nền văn hóa Trung Hoa kiến giải như thế nào về mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân.

Chính quyền và Nhân dân

Thể chế dân chủ là một hệ thống chính trị trong đó quần chúng nhân dân nắm vai trò chính trị chủ yếu. Mục tiêu tối thượng của thể chế này là “tạo ra sự hạnh phúc cho con người”. Mặc dù châm ngôn trên đã được nhìn nhận dưới nhiều hình thức khác nhau qua các thời kì, không có hình thái nào chệch khỏi ý niệm căn bản chủ đạo “quyền lực nằm trong tay nhân dân” . Tuy nhiên, có một sự sai khác nhất định giữa phương châm của thể chế dân chủ và các biểu hiện chính trị của nó trên thực tế. Một khi con người bắt đầu gây dựng nên những nhóm tổ chức xã hội to lớn và phức tạp, những vấn đề chung dần dần không thể được giải quyết bởi tất cả thành viên, mà được gánh vác bởi một thiểu số người. Nói cách khác, thiểu số trở thành những người cai trị và đa số trở thành kẻ bị trị. Người cai trị giành được quyền lực và ngày càng chi phối nhiều tài nguyên hơn, trái ngược hẳn với kẻ bị trị. Trên lí thuyết, điều này là một xu hướng hầu như không thể trốn tránh với nhiều thể chế chính trị khác nhau.

Bởi người dân không thể quản lí các sự vụ quốc gia một cách trực tiếp, những quốc gia Cộng hòa hình thành từ thể chế quân chủ chỉ có thể tiến hành nền dân chủ gián tiếp. Sự định nghĩa một cách hợp lý, về mối quan hệ giữa chính quyền (mang quyền lực xã hội và gánh vác các vấn đề chung) và người dân (người mang quyền lực tối cao) , là đề tài liên quan tới tất cả chúng ta.

Giống như những thể chế chính trị khác, các chế độ dân chủ trên thế giới hiện tại là kết quả của sự tiến triển của lịch sử, nơi mà không có hai quốc gia nào giống nhau. Ở những nước có lịch sử dân chủ lâu đời, quá trình phát triển của sự dân chủ diễn ra chậm rãi, nhưng với các quốc gia khác, quá trình này diễn ra mạnh mẽ hơn. Khái niệm cơ bản của dân chủ lúc nào cũng phát triển từ mối quan hệ đối lập giữa nhân dân và chính quyền. Do các thể chế dân chủ phương Tây hầu như thành lập trên nền các chế độ quân chủ, cho nên sẽ không hề lạ nếu xuất hiện sự đối kháng khi người dân có xung đột về quyền lực với nhà vua. Vì vậy, khi thảo luận về bản chất của các nền dân chủ, cần căn cứ vào đặc điểm lịch sử của mỗi nước.

Nhìn vào lịch sử châu Âu, giai cấp bị trị luôn cố gắng giành lấy quyền lực hơn từ chính quyền bằng nhiều cách thức. Ở các quá trình đấu tranh, một vài ông vua được lên giàn máy chém, vài ông khác phải đi lưu đày trong khi vài ông khác chỉ còn trị vì vương quốc trên danh nghĩa. Kết quả tối hậu thường là người dân đi lên vai trò chủ nhân của quốc gia. Quá trình dân chủ hóa đương thời ở châu Âu cho thấy, người dân đấu tranh vì quyền lực càng ôn hòa, sự chuyển mình của thể chế và hệ thống chính trị quốc gia diễn ra càng chậm nhưng ổn định hơn. Ngược lại, quá trình đấu tranh càng mãnh liệt, sự thay đổi đến chóng vánh nhưng cũng bất ổn. Nó gây ra nhiều tác động sâu rộng tới xã hội hơn quá trình đấu tranh ôn hòa.

Một bề sâu di sản văn hóa

Sự phát triển về chính trị của Trung Hoa Dân Quốc trên đảo Đài Loan trong 5 năm gần đây có thể nói là khá nhanh, trong bối cảnh 2000 năm lịch sử Trung Quốc hay 80 năm lịch sử Trung Hoa Dân Quốc. Hơn thế nữa, cái giá chúng tôi phải trả cho sự phát triển đó được tiết giảm tối đa. Nền kinh tế chủa chúng tôi tiếp tục mở rộng, xã hội phát triển, giáo dục và văn hóa thăng hoa, người dân trở nên giàu có. Nguyên nhân của điều này là gì? Tôi thường tự hỏi dựa trên quy tắc nào, mà dân chủ phát triển từ sự đối lập giữa chính quyền và nhân dân, có thể giải thích thỏa đáng cho sự phát triển chính trị của Đài Loan những năm gần đây. Tôi tin rằng câu trả lời nằm ở di sản văn hóa, một yếu tố tồn tại ở mức độ tương đối sâu trong một xã hội có sẵn. Nếu không quan sát cẩn thận, các yếu tố văn hóa này dễ bị sự đấu tranh quyền lực che khuất.

“Thể theo con tim của bách tính” , một ý tưởng ghi trong sách lịch sử Trung Quốc cổ đại, có thể được dùng như một miêu tả ngắn gọn cho tinh túy của nền dân chủ hiện đại. Châm ngôn cho các bậc quân vương này phổ biến rộng rãi trong nền văn hóa Trung Hoa cổ. Điều này dư sức chứng tỏ các tư tưởng chính trị đương thời xác lập mục tiêu cao nhất của các chính sách là đáp ứng nguyện vọng của người dân, cũng như tư tưởng dân chủ ngày nay nhấn mạnh sứ mệnh tương tự của chính quyền.

Trong nhiều tài liệu mang triết lý chính trị nêu trên, câu chuyện tiêu biểu nhất rơi vào thời vua Vũ nhà Hạ thế kỉ 21 trước công nguyên. Cao Dao, vị quan chấp pháp trong triều vua Vũ đã khiển trách vua rằng : “Trời nghe hết, thấy hết, tai mắt của dân cũng vậy. Trời phạt kẻ xấu, thưởng người tốt, dân cũng vậy.” Câu nói tương tự cũng xuất hiện trong thế kỷ 11 trước công nguyên khi Chu Vũ Vương nhà Chu đưa quân tru diệt Trụ Vương bạo ngược của nhà Thương.

Trong một bài diễn văn của mình vào năm 1995 tại Đại Học Cornell, tôi đặc biệt nhấn mạnh bài học từ thời xa xưa : Dù cho nhân dân muốn gì, trời phải theo. Đây là lời tuyên bố mà quân Chu Vũ Vương đã thề trước khi chinh phạt Trụ Vương. Tương tự như những gì Cao Dao khiển trách vua Vũ nhà Hạ. Khi Trời thể theo chí nguyện của nhân dân và ý dân được đáp ứng, người dân trở nên chủ động hơn, điều này dẫn tới một kết quả tốt hơn hẳn so với việc phản ánh ý dân một cách bị động.

Trong thế kỉ thứ 3 trước công nguyên, Mạnh Tử cũng nói : “Cho người dân những gì họ xứng đáng, không bao giờ ép buộc họ vì họ ghét bị ép buộc.” Bằng cách này, chúng ta có thể chinh phục được dân tâm và tranh thủ được sự ủng hộ, từ đó có cơ hội để cai trị. Vì thế, trí tuệ Trung Hoa cổ luôn nhắc nhở các đấng quân Vương không phút nào ngơi chú ý sát sao và chiều theo chí nguyện của người dân – điều đã tới sự thừa nhận khái niệm chủ quyền nhân dân.

Chính quyền và người dân là một thể thống nhất mang tính biểu tượng – đây đồng thời là châm ngôn chính trị lâu dài của Đài Loan. Những nhà tư tưởng Trung Hoa cổ đại tin rằng chính quyền và người dân giống như một thể hài hòa hơn là hai mặt đối lập. Vào thế kỉ 7 trước công nguyên, một sử quan nhà Chu đã trích dẫn câu sau trong Sử nhà Hạ : “Nhân dân không theo khuông phò nhà vua, thì có thể theo ai? Bậc quân vương không được dân tin theo không thể thực hiện được bá nghiệp.” Một vài tuyên ngôn tương tự cũng xuất hiện trong sử sách nhà Thương.

Vài thế kỉ sau, khi Khổng Tử du hành qua nhiều tiểu quốc gia để rao giảng tư tưởng của mình, ông ta khuyến khích các bậc quân vương tiến hành “đức trị” . Mạnh Tử lại khuyến khích “vương đạo”. Cả hai tư tưởng này đều thuyết rằng vua chúa nên làm cho chính quyền và nhân dân xích lại gần nhau bằng các phương thức cai trị. Trong thời kì Chiến Quốc, thế kỉ 5- thế kỉ 3 trước công nguyên, những người theo Khổng Giáo sử dụng phép ẩn dụ : Vua như trí tuệ của dân chúng, thần dân như thể xác của vua chúa. Mối quan hệ giữa thể xác và trí tuệ mang tính biểu tượng, cũng như quan hệ giữa vua một nước và thần dân. Bề ngoài, ta dễ thấy thể xác phụ thuộc vào trí tuệ giống như người dân phải phục tùng nhà vua; tuy nhiên ở một khía cạnh khác, ta cũng thấy rằng tâm trí phụ thuộc vào thể xác để tránh các tác nhân gây hại, rất dễ tổn thương nếu thể xác bị thương tổn.

Thể theo mong muốn người dân; xem chính quyền cùng người dân như một thực thể độc lập là các khái niệm cơ bản của tư tưởng dân chủ ngày nay. Mặc dù cả hai đều xuất hiện từ rất sớm trong những hoạt động chính trị của tổ tiên Trung Hoa, không may là các mô hình phong kiến xuất hiện tiếp sau đó đã cắt cụt đi lối tư duy tiến bộ này. Thế mà trải mấy ngàn năm lịch sử, những tư tưởng này chưa bao giờ biến mất, nó luôn là cái đích bất biến mà nhân dân Trung Hoa luôn đeo đuổi.

Hầu như không có hoàng đế Trung Hoa nào qua các triều đại, dù độc tài hay ích kỷ, dám công khai bác bỏ chí nguyện dân chúng, hay dám dứt khoát khẳng định rằng sự thịnh vượng của dân chúng không phải là mục tiêu tối hậu của chế độ trị vì. Rõ ràng, những ảnh hưởng của tư tưởng chính trị này là không thể mất đi. Tôi tự tin tuyên bố rằng, bằng cách thêm vào thể chế dân chủ ngày nay những khái niệm thừa hưởng từ nền văn hóa Trung Hoa lâu đời – thực thi ý chí người dân, khẳng định chính quyền và nhân dân là một thể thống nhất – chúng ta có thể thổi vào thể chế dân chủ một sức sống mới.

Đó chính là niềm tin vững chắc của tôi, rằng văn hóa chính là thành tố quan trọng nhất tạo tiền đề cho Trung Hoa Dân Quốc đạt được những thành công trong cuộc cải cách thể chế chính trị trong 5 năm vừa qua. Gần đây, chính quyền Đài Loan vạch ra đường lối với tựa “Gây dựng một Đài Loan hùng cường, Nuôi dưỡng một nền văn hóa Trung Hoa mới.” – thể hiện niềm tin rằng di sản văn hóa sâu sắc của chúng tôi đã thực sự khắc sâu vào kinh nghiệm tạo ra phép màu kinh tế cũng như phép màu chính trị trên Đài Loan. Di sản này có thể được lần ra từ cuối thế kỉ 3 trước công nguyên, thời mà vương triều phong kiến chưa đạt được tính nhất quán. Văn hóa Trung Hoa lúc bấy giờ hết sức thuần khiết, chưa bị bại hoại bởi các chính sách quân chủ chuyên chế trong các thế kỉ sau.

Hơn hai ngàn năm chia cách chúng ta với nền văn hóa Trung Hoa cổ đại ấy, nên nó không thể được sao chép một cách y nguyên như đã từng, mà phải là một sự chuyển đổi mang tính sáng tạo. Yếu tố “mới” trong cụm từ “nền văn hóa Trung Hoa mới” mang hàm nghĩa “sự thay đổi mang tính sáng tạo” , và đây chính là phương hướng cho sự phát triển văn hóa của Đài Loan trong tương lai. Tôi tin rằng nền văn minh Trung Hoa cổ điển , thuần khiết, không vấy bẩn chính là nguồn cảm hứng bất tận cho chúng ta.

 

Nguồn: Lee Teng-hui. 1997. Chinese Culture and Political Renewal (bản dịch của Đặng Hữu Hải). In Larry Diamond and Marc F. Plattner (eds), Consolidating The Third Wave Democracies, The Johns Hopkins University Press. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.