Bài báo: The Weights of Geopolitics (Ảnh hưởng của địa chính trị)
Tác giả: Robert Kagan
Tạp chí: Journal of Democracy, Issue 1, Volume 26
Chuyển ngữ: Minh Anh & Vi Yên (Nhóm Tinh Thần Khai Minh)
Hướng dẫn trích nguồn: Robert Kagan, “The Weights of Geopolitics” (Ảnh hưởng của địa chính trị, bản dịch của Minh Anh & Vi Yên nhóm Tinh Thần Khai Minh), Journal of Democracy 26 (tháng 1 năm 2015): trang 21-31.
Tải về tại đây:
ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỊA CHÍNH TRỊ
Tác giả: Robert Kagan
Chuyển ngữ: Minh Anh & Vi Yên [Nhóm Tinh Thần Khai Minh]
Robert Kagan là nghiên cứu viên cao cấp [Senior Fellow] của Dự án Trật tự và Chiến lược Quốc tế tại Viện Brookings ở Washington, D.C. Cuốn sách The World America Made (2012) và The Return of History and the End of Dreams (2008) là hai trong số những tác phẩm của ông.
Trong lịch sử, chính trị thường sinh ra sau địa chính trị. Khi đế chế dân chủ Athen nổi lên vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, số lượng các nhà nước thành bang Hy Lạp được cai trị bởi các nhà dân chủ tăng lên nhanh chóng; sức mạnh của Sparta phản ánh qua sự lan rộng của những chế độ đầu sỏ theo mô hình Sparta. Khi sức mạnh của Liên bang Xô Viết tăng lên vào những năm đầu Chiến tranh Lạnh, thì chủ nghĩa cộng sản bắt đầu lan rộng. Trong những năm cuối chiến tranh lạnh, khi Mỹ và Tây Âu giành được nhiều lợi thế và cuối cùng chiến thắng, thì các nền dân chủ tăng lên nhanh chóng trong khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Liệu tất cả những điều này có phải chỉ là kết quả của cuộc chiến giữa các tư tưởng, như Francis Fukuyama và những người khác lập luận, rằng tư tưởng tốt về chủ nghĩa tư bản tự do đã chiến thắng cái tư tưởng kém về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít? Hay liệu sự chiến thắng của tư tưởng tự do phần nào là bởi các cuộc chiến và những biến đổi thực tế đã xảy ra trên phương diện quyền lực hơn là trên phương diện tư tưởng?
Đây là những câu hỏi xác đáng. Chúng ta đang sống trong một thời đại khi các quốc gia dân chủ thoái lui trong lĩnh vực địa chính trị, và khi chính nền dân chủ cũng thoái lui. Freedom House đã chứng minh hiện tượng sau bằng những tài liệu cụ thể, ghi nhận sự sụt giảm về tự do trên thế giới trong chín năm liên tiếp. Ở cấp độ địa chính trị, sự di chuyển các mảng kiến tạo vẫn chưa tạo ra được một trận địa chấn sắp xếp lại quyền lực, nhưng ta có thể nghe thấy những dấu hiệu vang rền của nó. Nước Mỹ đã và đang trong tình trạng suy yếu khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức vào năm 2009. Người ta kỳ vọng các quốc gia dân chủ ở châu Âu có thể khắc phục tình trạng này, song thay vào đó họ lại hướng vào bên trong và từ bỏ ước mơ khi trước rằng họ sẽ tái định hình hệ thống quốc tế theo hình ảnh của mình. Trong khi đó, các nền dân chủ đang lên như Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi đã không vươn lên nhanh chóng như người ta từng dự đoán trước đó, họ cũng không hành xử với tư cách các nền dân chủ trong các vấn đề thế giới. Mối quan tâm của các quốc gia này vẫn còn hạn hẹp và mang tính khu vực. Bản sắc dân tộc của họ vẫn bị định hình bởi những tình cảm hậu thuộc địa và không liên kết – bởi những thù hận cũ nhưng được nuôi dưỡng cẩn thận – thứ khiến cho họ bao che thay vì lên án cuộc xâm lược của nước Nga chuyên chế đối với nước Ukraine dân chủ, hay trong trường hợp của Brazil, họ thích làm bạn với các nhà độc tài Venezuela hơn là làm bạn với các tổng thống của các nước dân chủ ở Bắc Mỹ.
Trong khi đó, khi xét đến động lực của hệ thống quốc tế, thì nó đến từ các cường quốc chuyên chế, như Trung Quốc và Nga, và từ các nhà cai trị theo kiểu thần quyền vốn theo đuổi giấc mơ của họ về một thời kì cai trị theo kiểu kha-lip mới ở Trung Đông. Mặc cho tất cả những vấn đề và điểm yếu, chính những chế độ chuyên quyền và những chế độ toàn trị dựa trên tình cảm tôn giáo này đang được thúc đẩy về phía trước trong khi các nền dân chủ đang thụt lùi lại, chúng đang chủ động trong khi các nền dân chủ đang bị động, và chúng dường như ngày càng buông lỏng trong khi các nền dân chủ ngày càng cảm thấy bị giới hạn.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một trong những tác động của hoàn cảnh này là sự suy yếu và trong một số trường hợp là sự sụp đổ của nền dân chủ ở những nơi mà nó còn mới mẻ và yếu kém. Những thay đổi địa chính trị giữa các cường quốc thống trị, thường là hệ quả của các cuộc chiến, có thể gây những tác động đáng kể lên nền chính trị nội bộ của các quốc gia nhỏ và yếu trên thế giới. Trước đây xu hướng dân chủ hóa trên toàn cầu đã từng bị chặn lại và đảo ngược.
Hãy xem xét những năm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Năm 1920, số lượng các quốc gia dân chủ trên thế giới tăng gấp đôi sau hệ quả của cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, những người đương thời như nhà sử học người Anh James Bryce tin rằng họ đang chứng kiến “một xu hướng tự nhiên, đến từ quy luật phổ quát về tiến bộ xã hội.” Tuy nhiên, gần như ngay lập tức các nền dân chủ mới ở Estonia, Latvia, Lithuania, và Ba Lan bắt đầu sụp đổ. Các cường quốc dân chủ của châu Âu là Pháp và Anh đang phải gánh chịu những tác động tàn phá từ cuộc chiến trước đó. Trong khi đó, nước Mỹ, một nền dân chủ giàu có và thịnh vượng, lại ẩn mình an toàn nhờ vị trí địa lý xa cách. Vào năm 1922, Mussolini đã lên nắm quyền ở Ý, cùng với đó là sự sụp đổ của Cộng hòa Weimar của Đức, và chiến thắng lớn của chủ nghĩa phát xít châu Âu. Nền dân chủ Hy Lạp sụp đổ vào năm 1936. Trong cùng năm đó, nền dân chủ Tây Ban Nha rơi vào tay Franco. Các cuộc đảo chính quân sự lật đổ các chính phủ dân chủ liên tục diễn ra ở Bồ Đào Nha, Brazil, Uruguay và Argentina. Và nền dân chủ non nớt của Nhật Bản được thay thế bằng chế độ quân sự và sau đó chuyển thành một dạng chủ nghĩa phát xít.
Trên cả ba châu lục, các nền dân chủ mong manh đã để cho các thế lực độc đoán có thể khai thác các lỗ hổng của hệ thống dân chủ, trong khi các nền dân chủ khác bị suy yếu từ sự suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Đây cũng là hiệu ứng lan truyền – sự thành công của chủ nghĩa phát xít trong một đất nước đã giúp củng cố các phong trào tương tự ở nơi khác, điều này đôi khi xảy ra một cách trực tiếp. Các phần tử phát xít Tây Ban Nha từng được nhận viện trợ quân sự từ các chế độ phát xít ở Đức và Ý. Kết quả là vào năm 1939 các thành tựu dân chủ của bốn mươi năm trước đó đã bị xóa sổ.
Thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất không chỉ cho thấy rằng các thành tựu dân chủ có thể bị đảo ngược, mà nó còn chỉ ra rằng dân chủ không phải lúc nào cũng chiến thắng, dù là trong cuộc chiến của các ý tưởng. Thứ bị lật đổ không chỉ là các nền dân chủ. Chính những ý tưởng về nền dân chủ đã bị “mất uy tín”, như John A. Hobson đã quan sát thấy.2 Hào quang về con đường không thể tránh khỏi của dân chủ đã tiêu tan khi một số lượng lớn người dân bác bỏ ý tưởng rằng chính quyền dân chủ là một kiểu chính quyền tốt hơn. Xét cho cùng, con người không chỉ khao khát tự do, tự chủ, cá tính, và sự công nhận. Đặc biệt là trong những lúc khó khăn, họ cũng khao khát sự an nhàn, an ninh, trật tự, và quan trọng hơn, họ khao khát cảm giác thuộc về một cái gì đó lớn hơn chính họ, một cái gì đó áp đảo sự tự trị và cá tính – đó là thứ mà tất cả các chế độ chuyên quyền đều có thể cung cấp cho họ, hoặc ít nhất là chúng có vẻ như tốt hơn so với các chế độ dân chủ.
Trong những năm 1920 và 1930, các chính quyền phát xít có vẻ mạnh hơn, năng động và hiệu quả hơn, và có khả năng cung cấp sự bảo đảm trong thời điểm khó khăn tốt hơn. Họ kêu gọi tình cảm dân tộc, sắc tộc và bộ lạc một cách hữu hiệu. Sự yếu kém trong nền dân chủ Weimar của Đức, vốn không nhận được ủng hộ thích đáng từ các cường quốc dân chủ, và tương tự trong các nền dân chủ mong manh và ngắn ngủi của Ý và Tây Ban Nha, đã khiến cho người dân các nước này dễ dàng bị tiêm nhiễm với những lời kêu gọi của Nazis, Mussolini, và Franco. Điều đó cũng giống như sự yếu kém của nền dân chủ của Nga trong những năm 1990 đã khiến cho một chính phủ độc đoán hơn dưới thời Vladimir Putin trở nên hấp dẫn hơn đối với nhiều người dân Nga. Người ta có xu hướng đi theo kẻ chiến thắng, và khi đứng giữa các cuộc chiến, các nước tư bản dân chủ có vẻ yếu đuối và đang thoái lui so với cả các chế độ phát xít dường như rất mạnh mẽ lẫn với Liên bang Xô Viết thời Stalin.
Phải viện tới chiến tranh thế giới thứ hai và một chiến thắng quân sự khác của các nước dân chủ Đồng Minh (cùng với Liên Xô) mới có thể đảo ngược xu hướng này một lần nữa. Mỹ áp đặt nền dân chủ bằng vũ lực và thông qua việc chiếm đóng lâu dài ở Tây Đức, Ý, Nhật Bản, Áo, và Hàn Quốc. Với thắng lợi của các nền dân chủ và sự mất uy tín của chủ nghĩa phát xít – chủ yếu là trên chiến trường – rất nhiều quốc gia khác đã học theo. Cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều dịch chuyển theo hướng dân chủ, và Brazil, Argentina, Peru, Ecuador, Venezuela và Colombia cũng làm như vậy. Một số các quốc gia mới ra đời khi châu Âu từ bỏ các thuộc địa của mình cũng thử nghiệm với chính phủ dân chủ, ví dụ nổi bật nhất là Ấn Độ. Đến năm 1950, số lượng các nền dân chủ đã tăng lên khoảng 20 đến 30 quốc gia, và họ cai trị gần 40% dân số thế giới.
Đây là chiến thắng của một tư tưởng hay là chiến thắng vũ trang? Nó là sản phẩm của một quá trình tiến hóa không thể tránh được của con người, hay, như Samuel P. Huntington nhận xét sau đó, chỉ là “các sự kiện lịch sử rời rạc”?3 Chúng tôi muốn tin vào cái trước hơn, nhưng bằng chứng lại thừa nhận cái sau, vì hóa ra là ngay cả làn sóng dân chủ vĩ đại nhất theo sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng không phải là không thể đảo ngược. Một “làn sóng đảo ngược” đã xảy ra từ cuối năm 1950 đến đầu những năm 1970. Peru, Brazil, Argentina, Bolivia, Chile, Uruguay, Ecuador, Hàn Quốc, Philippines, Pakistan, Indonesia, và Hy Lạp đều rơi trở lại vào sự cai trị độc tài. Tại châu Phi, Nigeria là quốc gia nổi bật nhất trong số các quốc gia mới độc lập (từ chế độ thực dân) có nền dân chủ thất bại. Đến năm 1975, hơn ba chục chính phủ trên khắp thế giới đã được thiết lập thông qua các cuộc đảo chính quân sự.4 Ít người nói về tính tất yếu của dân chủ trong những năm 1970 hoặc thậm chí trong những năm đầu thập niên 1980. Vào cuối năm 1984, chính Huntington tin tưởng rằng “các giới hạn của sự phát triển dân chủ trên thế giới” đã đạt đến đỉnh điểm, ghi nhận “tính không thể tiếp nhận dân chủ của nhiều truyền thống văn hóa lớn”, cũng như “sức mạnh đáng kể của các chính quyền phản dân chủ (đặc biệt là Liên Xô).”5
Nhưng sau đó, “làn sóng thứ ba” bất ngờ xảy ra. Từ giữa những năm 1970 tới đầu những năm 1990, số lượng các quốc gia dân chủ trên thế giới đã tăng lên con số 120 đáng kinh ngạc, chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Điều gì giải thích sự thành công của quá trình dân chủ hóa trong phần tư cuối cùng của thế kỷ XX? Không chỉ đơn thuần là sự phát triển ổn định của nền kinh tế toàn cầu và khát vọng chung cho tự do, tự chủ, và sự công nhận. Không phải sự tăng trưởng kinh tế, cũng chẳng phải những khao khát của con người đã làm ngăn cản sự đảo ngược dân chủ trong những năm 1960 và đầu những năm 1970. Trước làn sóng thứ ba, nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi thể chế qua lại giữa dân chủ và độc tài theo chu kỳ, và điều này hầu như có thể dự đoán được. Điều đáng chú ý nhất về làn sóng thứ ba là sự thay đổi luân phiên theo chu kỳ này giữa dân chủ và độc tài đã bị chặn lại. Các quốc gia chuyển sang giai đoạn dân chủ và dừng ở đó. Nhưng tại sao?
Bối cảnh quốc tế được cải thiện
Câu trả lời liên quan đến cấu hình của quyền lực và các ý tưởng trên thế giới. So với các thời kỳ trước trong quá khứ, bối cảnh quốc tế từ giữa những năm 1970 trở đi trở nên thân thiện hơn với các nền dân chủ và thách thức hơn cho các chính phủ độc đoán. Trong một nghiên cứu, Huntington nhấn mạnh sự thay đổi, sau Cộng đồng Vatican II, trong học thuyết của Giáo Hội Công Giáo về trật tự và cách mạng, với khuynh hướng làm suy yếu tính hợp pháp của các chính phủ độc tài ở các nước theo Công Giáo. Trong khi đó, sự thành công ngày càng tăng và sự hấp dẫn của Cộng đồng châu Âu (EC) đã gây tác động lên các chính sách nội bộ của các quốc gia như Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Tây Ban Nha, những nước vốn tìm kiếm các lợi ích kinh tế với tư cách thành viên của EC, và do đó họ cảm thấy áp lực phải thay đổi để phù hợp với chuẩn mực dân chủ mà EC đề ra. Những chuẩn mực ngày càng trở thành chuẩn mực quốc tế. Nhưng chúng không xuất hiện từ hư không, cũng không là kết quả của một bước tiến hóa tự nhiên nào đó của loài người. Như Huntington nhận xét: “Sự lan tỏa của các chuẩn mực dân chủ một phần lớn bắt nguồn từ sự cam kết đối với những chuẩn mực này từ quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới.”6
Trong thực tế, nước Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng khiến cho sự bùng nổ của nền dân chủ trở nên khả thi. Điều này không phải vì các nhà làm chính sách của Mỹ luôn kiên định thúc đẩy dân chủ trên thế giới. Họ đã không làm như vậy. Ở một vài thời điểm khác nhau trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh, chính sách của Mỹ thường hỗ trợ các chế độ độc tài như là một phần của cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản hay đơn giản chỉ là sự thờ ơ. Thậm chí, Mỹ còn cho phép hoặc đồng lõa trong việc lật đổ các chế độ dân chủ được coi là không đáng tin cậy – như chế độ của Mohammad Mossadegh ở Iran vào năm 1953, Jacobo Arbenz ở Guatemala vào năm 1954, và Salvador Allende ở Chile vào năm 1973. Lúc đó, chính sách đối ngoại của Mỹ gần như thù địch với dân chủ. Tổng thống Richard Nixon không coi dân chủ là “hình thức chính phủ tốt nhất cho người dân ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.”7
Khi Mỹ thúc đẩy dân chủ, hành động này cũng không đơn thuần xuất phát từ sự trung thành với các nguyên tắc. Thường thì Mỹ làm vậy là vì các lý do chiến lược. Chẳn hạn, các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan đi đến chỗ tin rằng các chính phủ dân chủ thực sự có thể làm tốt hơn các chế độ chuyên quyền trong việc chống lại các cuộc nổi dậy cộng sản. Và thường thì đây là những yêu cầu phổ biến buộc Mỹ phải đưa ra một sự lựa chọn mà nó thích né tránh hơn, giữa việc hỗ trợ một chế độ độc tài không được dân chúng ủng hộ và không ổn định với việc “đứng về phía nhân dân.” Reagan sẽ muốn ủng hộ chế độ độc tài của Ferdinand Marcos trong những năm 1980 hơn nếu như ông không phải đối mặt với những thách thức đạo đức về “quyền lực nhân dân” của người Philippin. Hiếm khi Mỹ tìm cách thay đổi một chế độ vì sự sùng bái các nguyên tắc dân chủ.
Tuy nhiên, từ giữa những năm 1970, chính sách chung của Mỹ bắt đầu chuyển hướng tới một quan điểm phê phán hơn đối với chế độ độc tài. Quốc hội Mỹ, dẫn đầu bởi những người ủng hộ nhân quyền, bắt đầu ra điều kiện hoặc cắt hết viện trợ của Mỹ cho các đồng minh độc tài, và điều này làm suy yếu khả năng nắm giữ quyền lực của họ. Trong Hiệp ước Helsinki năm 1975, việc đề cập đến các vấn đề nhân quyền đã thu hút sự chú ý nhiều hơn đến phong trào của những người bất đồng chính kiến và những người phản đối chế độ độc tài trong khối Đông Âu. Tổng thống Jimmy Carter tập trung sự chú ý vào những vi phạm nhân quyền của Liên Xô cũng như các chính phủ cánh hữu ở Mỹ Latinh và các nơi khác. Các dịch vụ thông tin quốc tế của chính phủ Mỹ, gồm Voice of America và Radio Free Europe/Radio Liberty, đã nhấn mạnh hơn vào vấn đề dân chủ và nhân quyền trong chương trình của họ. Chính quyền Reagan, sau những nỗ lực đầu tiên đẩy lùi chương trình nhân quyền của Carter, cuối cùng cũng đã chấp nhận nó và biến việc cổ vũ nền dân chủ thành một phần trong chính sách mà nó công bố. Ngay cả trong giai đoạn này, chính sách của Mỹ cũng không nhất quán. Nhiều chế độ độc tài đồng minh, đặc biệt là ở Trung Đông, không chỉ được chấp nhận mà còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của Mỹ về kinh tế và quân sự. Nhưng các tác động thực tế của sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, cùng với những nỗ lực của châu Âu, là rất quan trọng.
Làn sóng thứ ba bắt đầu vào năm 1974 tại Bồ Đào Nha, nơi mà cuộc Cách mạng Hoa cẩm chướng đặt dấu chấm hết cho một chế độ độc tài kéo dài nửa thế kỷ. Như Larry Diamond đã lưu ý, cuộc cách mạng này không chỉ là ngẫu nhiên. Mỹ và các nền dân chủ châu Âu đã đóng một vai trò quan trọng, cung cấp một “khoản đầu tư lớn […] hỗ trợ cho các đảng dân chủ.”8 Trong những thập kỷ tiếp theo, Mỹ đã sử dụng một loạt các công cụ, bao gồm cả sự can thiệp quân sự trực tiếp, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi dân chủ và ngăn chặn sự xói mòn của các nền dân chủ mong manh trên toàn cầu. Năm 1978, Carter đe dọa hành động quân sự đối với Cộng hòa Dominican khi vị tổng thống lâu năm Joaquín Balaguer không chịu từ bỏ quyền lực sau khi thất cử. Năm 1983, Reagan đã tiến hành xâm lược Grenada và điều này làm phục hồi một chính phủ dân chủ sau cuộc đảo chính quân sự. Năm 1986, Mỹ đe dọa hành động quân sự để ngăn chặn Marcos bác bỏ một cuộc bầu cử mà ông bị thua. Năm 1989, Tổng thống George H.W. Bush xâm lược Panama để giúp thiết lập nền dân chủ sau khi nhà độc tài quân sự Manuel Noriega bác bỏ kết quả của các cuộc bầu cử quốc gia.
Trong suốt giai đoạn này, Mỹ cũng đã sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn các cuộc đảo chính quân sự ở Honduras, Bolivia, El Salvador, Peru, và Hàn Quốc. Ở những nơi khác nó thôi thúc các tổng thống không cố nắm quyền quá các giới hạn của hiến pháp. Huntington ước tính rằng trong suốt khoảng một thập kỷ rưỡi, sự hỗ trợ của Mỹ “mang tính quyết định trong việc dân chủ hóa ở Cộng hòa Dominica, Grenada, El Salvador, Guatemala, Honduras, Uruguay, Peru, Ecuador, Panama, và Philippin” và là “một yếu tố góp phần vào quá trình dân chủ hóa tại Bồ Đào Nha, Chile, Ba Lan, Hàn Quốc, Bolivia, và Đài Loan.”9
Nhiều sự phát triển ở cấp độ toàn cầu và địa phương giúp tạo ra các xu hướng dân chủ hóa vào những năm cuối thập niên 1970 và thập niên 1980, và có thể tạo được một làn sóng dân chủ ngay cả khi Mỹ không gây quá nhiều ảnh hưởng. Câu hỏi đặt ra là liệu làn sóng dân chủ có kéo dài hay không. Các khu vực dân chủ ổn định ở châu Âu và Nhật Bản đã chứng tỏ chúng là những nam châm cực mạnh. Hệ thống thị trường tự do và thương mại tự do ngày càng vượt trội so với các nền kinh tế trì trệ của khối xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là vào buổi bình minh của cuộc cách mạng thông tin. Sự tích cực lớn của Mỹ, cùng với sự tích cực của các nền dân chủ thành công khác, đã giúp xây dựng một sự đồng thuận rộng rãi, nếu không muốn nói là phổ quát, về sự đồng cảm hơn với các hình thức chính phủ dân chủ và ít đồng cảm với các hình thức độc tài.
Diamond và những người khác đã nhận thấy tầm quan trọng mà những “chuẩn mực dân chủ toàn cầu” này đi tới chỗ “phản ánh trong các tổ chức và hiệp định khu vực và quốc tế như chưa từng thấy trước đó”.10 Những chuẩn mực này đã gây tác động lên các quá trình chính trị nội bộ của các quốc gia, gây khó khăn hơn cho các nhà độc tài trong việc vượt qua các cơn bão chính trị và kinh tế, và làm dễ dàng hơn cho các phong trào dân chủ trong việc đạt được tính hợp pháp. Nhưng “các chuẩn mực” này cũng chỉ là nhất thời. Trong những năm 1930, các quốc gia mở đầu cho một xu hướng mới là các chế độ độc tài phát xít. Trong những năm 1950 và 1960, các biến thể của chủ nghĩa xã hội trở nên thịnh hành. Nhưng từ năm 1970 cho đến gần đây, Mỹ và một số ít nước dân chủ mạnh khác thiết lập các xu hướng thời đại. Họ thúc đẩy – một số thậm chí có thể nói là áp đặt – các nguyên tắc áp dân chủ và gắn chúng vào các thiết chế và các thỏa thuận quốc tế.
Mỹ đóng vai trò quan trọng không kém trong việc ngăn chặn sự sụp đổ của các nền dân chủ ở những nơi mà nó còn chưa kịp bắt rễ. Có lẽ sự đóng góp quan trọng nhất của Mỹ chỉ đơn giản là ngăn chặn các cuộc đảo chính quân sự chống lại các chính phủ dân chủ còn non trẻ. Theo một nghĩa nào đó, Mỹ đang can thiệp vào những gì có thể được coi là một chu kỳ tự nhiên, ngăn chặn các quốc gia mà thường được cho là “phải” bước vào một giai đoạn độc tài thoát khỏi mô hình thông thường này. Cũng không phải là Mỹ đang xuất khẩu nền dân chủ sang khắp mọi nơi. Thông thường, nó đóng vai trò “catcher in the rye” – ngăn chặn các nền dân chủ non trẻ khỏi rơi xuống vực – ở những nơi như Philippin, Colombia và Panama. Điều này đã giúp cho làn sóng thứ ba có được phạm vi rộng lớn và kéo dài ở mức chưa từng có.
Cuối cùng, Liên Xô sụp đổ và cùng với nó là sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Trung và Đông Âu, được thay thế bằng các nền dân chủ. Vai trò của Mỹ trong việc đẩy nhanh sự sụp đổ của Liên Xô có thể vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi, nhưng chắc chắn nó chiếm một phần vai trò nào đó, bằng cách kiềm chế đế chế Liên Xô về mặt quân sự lẫn bằng cách thực hiện tốt hơn Liên Xô về mặt kinh tế và công nghệ. Và ở trung tâm của cuộc chiến chính là các dân tộc của khối Hiệp ước Warsaw cũ. Từ lâu họ đã khao khát giải phóng nước mình khỏi Liên Xô, đồng thời giải phóng khỏi chủ nghĩa cộng sản. Những dân tộc này muốn tham gia vào châu Âu, vốn cung cấp một mô hình kinh tế và xã hội mà thậm chí còn hấp dẫn hơn so với mô hình của Mỹ.
Tuy nhiên, các dân tộc ở Trung và Đông Âu đều lựa chọn các hình thức chính phủ dân chủ giống nhau, điều này không chỉ đơn giản là kết quả của những khát vọng cho tự do và thịnh vượng. Nó cũng phản ánh mong muốn của những dân tộc này là được đặt dưới sự bảo hộ an ninh của Mỹ. Do đó các chiến lược, về kinh tế, chính trị, và tư tưởng là không thể tách rời. Những quốc gia mong muốn trở thành một phần của NATO, và sau này là của Liên minh châu Âu, biết rằng họ sẽ không có cơ hội như vậy khi không đáp ứng được các tiêu chuẩn dân chủ. Những sự chuyển dịch dân chủ này, vốn biến làn sóng thứ ba thành một cơn sóng thần dân chủ, đã không xảy ra nếu thế giới được tổ chức theo cách khác đi. Rằng một Tây Âu dân chủ, đoàn kết, thịnh vượng đã ở đó với tác dụng như một khối nam châm cực mạnh để hút các nước láng giềng phía đông, và điều này đã nằm trong tính toán của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tương lai đã mất năm 1848
Tương phản với số phận của các phong trào dân chủ trong những năm cuối thế kỷ XX là số phận của các cuộc cách mạng tự do quét qua châu Âu vào năm 1848. Bắt đầu từ Pháp là một phong trào được biết đến với tên “Mùa xuân của Nhân dân”, bao gồm các nhà cải cách tự do và các nhà lập hiến, các nhà dân tộc, và các đại diện của tầng lớp trung lưu đang lên cũng như giới công nhân cấp tiến và các nhà chủ nghĩa xã hội. Trong một vài tuần, họ đã lật đổ những ông vua ông hoàng, và làm lung lay ngai vàng ở Pháp, Ba Lan, Áo, và Romania, cũng như ở bán đảo Ý và các công quốc Đức. Tuy nhiên, cuối cùng, các phong trào tự do đã thất bại, một phần vì họ thiếu sự gắn kết, và còn vì các lực lượng độc đoán nghiền nát nó bằng vũ lực. Quân đội Phổ đã giúp đánh bại các phong trào tự do trên đất Đức, trong khi vua Nga gửi quân đội của mình đến Romania và Hungary. Hàng chục ngàn người biểu tình đã thiệt mạng trên các đường phố của châu Âu. Thanh kiếm đã tỏ ra mạnh hơn chiếc bút [Lấy ý từ câu cách ngôn “The pen is mightier than the sword”, tức “Chiếc bút mạnh hơn thanh kiếm”, được phát biểu vào năm 1839 bởi một tác giả người Anh là Edward Bulwer-Lytton – ND].
Nó cho thấy rằng các cường quốc tự do hơn, như Anh và Pháp, đã dùng chính sách trung lập trong suốt thời kỳ cách mạng tự do này, dù cuộc cách mạng của chính nước Pháp đã nổ ra và trở thành cảm hứng cho phong trào trên toàn châu Âu. Chế độ quân chủ và tầng lớp quý tộc Anh lo ngại trước phong trào cấp tiến ở trong nước. Cả Pháp và Anh quan tâm nhiều tới việc duy trì hoà bình giữa các cường quốc hơn là cung cấp hỗ trợ cho các lực lượng tự do. Việc duy trì sự cân bằng của châu Âu giữa năm cường quốc lớn đã làm lợi cho các lực lượng phản cách mạng ở khắp mọi nơi, và phong trào Mùa xuân của Nhân dân đã bị đàn áp.11 Kết quả là, trong nhiều thập kỷ, các lực lượng phản công ở châu Âu được củng cố để chống lại các lực lượng của chủ nghĩa tự do.
Các học giả đã suy đoán về tương lai của châu Âu và thế giới sẽ biến đổi như thế nào nếu các cuộc cách mạng giải phóng năm 1848 thành công: lịch sử nước Đức sẽ thế nào nếu sự thống nhất đất nước đạt được dưới một hệ thống nghị viện tự do chứ không phải dưới sự lãnh đạo của Otto von Bismarck? Vị “thủ tướng sắt” này thống nhất đất nước không thông qua bầu cử và tranh luận, mà thông qua những chiến thắng quân sự với sức mạnh to lớn của quân đội Phổ bảo thủ dưới triều đại Hohenzollern. Như nhà lịch sử A.J.P. Taylor nhận xét, lịch sử đạt đến bước ngoặt vào năm 1848, nhưng Đức “đã không vượt qua bước ngoặt này”.12 Phải chăng người Đức đã học được một bài học khác với bài học của Bismarck – cụ thể là, “các vấn đề lớn của thời đại không được quyết định bởi tiếng nói và các quyết định của đa số […] mà bởi máu và sắt”?13 Tuy nhiên, hệ thống quốc tế lúc đó đã không được tổ chức nhằm khuyến khích sự thay đổi theo hướng tự do và dân chủ. Sự cân bằng quyền lực của Châu Âu vào giữa thế kỷ XIX không làm lợi cho dân chủ, và vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi nền dân chủ không thể chiến thắng ở bất cứ đâu.
Chúng ta cũng có thể suy đoán tình hình thế giới hiện nay sẽ như thế nào nếu không có vai trò của Mỹ trong việc định hình một môi trường quốc tế thuận lợi cho dân chủ, và nó sẽ như thế nào nếu Mỹ không còn đủ mạnh để đóng vai trò đó. Sự chuyển đổi dân chủ không phải là không thể tránh khỏi, ngay cả ở nơi có các điều kiện chín muồi. Các quốc gia có thể bước vào giai đoạn chuyển đổi – về kinh tế, xã hội, và chính trị – nơi mà xác suất dịch chuyển theo hướng dân chủ có thể gia tăng hoặc giảm đi. Nhưng ảnh hưởng bên ngoài, thường được áp đặt bởi các cường quốc thống trị, thường quyết định hướng thay đổi đó. Các cường quốc độc tài lớn mạnh, vốn sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng bảo thủ chống lại các phong trào tự do, có thể phá hủy cái được coi là một sự tiến hóa “tự nhiên” tới dân chủ, cũng như các quốc gia dân chủ có thể giúp đỡ các lực lượng tự do, mà nếu để họ một mình thì họ chắn chắn sẽ thất bại.
Trong những năm 1980 cũng giống như trong những năm 1840, các phong trào tự do phát sinh ở các nước khác nhau với những lý do riêng, song sự thành công hay thất bại của chúng bị ảnh hưởng bởi sự cân bằng quyền lực ở cấp quốc tế. Trong thời đại với sự chi phối của Mỹ, sự cân bằng thường thuận lợi cho dân chủ, điều này giúp giải thích tại sao những cuộc cách mạng tự do trong thời kỳ vừa qua thành công. Nếu Mỹ không quá mạnh như vậy, thì sẽ có ít hơn những sự chuyển đổi sang nền dân chủ, và những nước đã chuyển đổi chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi. Điều này có thể hàm ý một làn sóng thứ ba hạn chế và dễ dàng bị đảo ngược hơn.
Dân chủ, chuyên quyền, và quyền lực
Vậy còn ngày nay thì sao? Khi siêu cường dân chủ đã giảm bớt ảnh hưởng toàn cầu của mình, các cường quốc khu vực đang thiết lập tiếng nói trong các khu vực tương ứng của họ. Không có gì ngạc nhiên khi các chế độ độc tài lại phổ biến hơn trong khu vực phụ cận của Nga, dọc theo biên giới của Trung Quốc (Bắc Hàn, Miến Điện và Thái Lan), và ở Trung Đông, nơi mà truyền thống độc tài lâu đời cho đến nay hầu như vẫn trụ vững trước các thách thức của những cuộc nổi dậy của nhân dân.
Nhưng ngay cả trong những khu vực mà các nền dân chủ còn mạnh, thì các nhà độc tài vẫn có thể giữ một vị thế chắc chắn, trong khi các nước láng giềng dân chủ của họ lại ở một vị thế thụ động. Do đó, các nhà lãnh đạo của Hungary, ở trung tâm của một châu Âu thờ ơ, đã tuyên bố cảm tình của họ đối với chủ nghĩa phi tự do và đàn áp báo chí và các quyền tự do chính trị, trong khi phần còn lại của Liên minh châu Âu, được cho là một hội chỉ gồm các nền dân chủ, lại lờ đi điều này. Ở Nam Mỹ, khi nền dân chủ tranh đấu với chế độ độc tài, thì Brazil lại dửng dưng đứng nhìn, chỉ nghĩ về thương mại và về chủ nghĩa đế quốc Bắc Mỹ. Trong khi ở Trung Mỹ, bên cạnh một Mexico thờ ơ, một nền dân chủ bị sụp đổ dưới ảnh hưởng của ma túy và tội phạm và sự hồi sinh của các lãnh tụ độc tài. Tuy nhiên, có thể sẽ không công bằng khi đổ lỗi cho các cường quốc khu vực khi họ không làm những thứ mà họ chưa bao giờ thực hiện. Chừng nào sự thay đổi trong sự cân bằng địa chính trị làm ảnh hưởng đến số phận của nền dân chủ trên toàn thế giới, thì chắc chắn mới có sự thay đổi trong hành vi của siêu cường dân chủ, vốn gánh hầu hết các trách nhiệm.
Nếu siêu cường đó không thay đổi tiến trình của mình, nhiều khả năng là chúng ta sẽ thấy nền dân chủ trên thế giới thoái lui hơn nữa. Không có gì chắc chắn về nền dân chủ. Trật tự thế giới tự do mà chúng ta đang sống trong những thập kỷ qua không được truyền lại bởi “Luật của tự nhiên và của Thượng Đế.” Nó không phải là điểm tận cùng trong sự tiến bộ của loài người.
Có những người mong muốn một trật tự thế giới khác với trật tự do. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, họ không thể thực hiện con đường của họ, song không phải vì những ý tưởng cai trị của họ là điều không khả thi. Ai có thể nói rằng Chủ nghĩa Putin ở Nga hay chủ nghĩa độc đoán phiên bản Trung Quốc sẽ không thể tồn tại trong tương lai lâu bằng nền dân chủ châu Âu, cái mà xét cho cùng mới chỉ kéo dài chưa tới một thế kỷ trên phần lớn lục địa châu Âu? Chế độ chuyên chế ở Nga và Trung Quốc chắc chắn có tuổi đời lâu hơn bất kỳ nền dân chủ phương Tây nào. Thật vậy, đó là chế độ chuyên chế, chứ không dân chủ, đã từng là chuẩn mực trong lịch sử nhân loại – và chỉ mới trong vài thập kỷ gần đây thì nền dân chủ, dẫn đầu bởi Mỹ, mới có được sức mạnh định hình thế giới.
Những người hoài nghi về sự “thúc đẩy dân chủ” của Mỹ từ lâu đã cho rằng nhiều nơi thử nghiệm các thí nghiệm dân chủ trong vài thập kỷ qua đã không hề tỏ ra phù hợp với kiểu chính quyền này, và rằng Mỹ đã cố gắng gieo nền dân chủ vào những mảnh đất hết sức khô cằn. Dựa vào việc các chính phủ dân chủ đã bắt rễ sâu trong những hoàn cảnh rất khác nhau, từ Ấn Độ nghèo đói cho tới Đông Á “Nho giáo” rồi tới Indonesia với đạo Islam, chúng ta cần phải phần nào nhún nhường trong việc khẳng định đâu là nơi phù hợp hay không phù hợp cho dân chủ. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng triển vọng cho nền dân chủ sẽ tốt hơn nhiều dưới sự bảo vệ của một trật tự thế giới tự do, được hỗ trợ và che chở bởi một siêu cường dân chủ hoặc một liên minh của các cường quốc dân chủ. Ngày nay, cũng như mọi khi, dân chủ vẫn là một bông hoa mảnh dẻ. Nó đòi hỏi sự hỗ trợ liên tục, chăm sóc liên tục, và phải nhổ hết cỏ dại và dựng rào ngăn chặn rừng rậm vốn đe dọa nó cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Khi thiếu đi những nỗ lực đó, rừng rậm và cỏ dại sớm muộn gì cũng sẽ trở lại rồi chiếm lấy đất đai.
CHÚ THÍCH
- Trích dẫn trong Samuel P. Huntington, The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (Norman: University of Oklahoma Press, 1991), 17.
- Trích dẫn trong John Keane, The Life and Death of Democracy (New York: W.W. Norton, 2009), 573.
- Huntington, Third Wave,
- Huntington, Third Wave,
- Samuel P. Huntington, “Will More Countries Become Democratic?” Political Science Quarterly 99 (Mùa hè 1984): 193–218; trích dẫn trong Larry Diamond, The Spirit of Democracy: The Struggle to Build Free Societies Throughout the World (New York: Times Books, 2008), 10.
- Huntington, Third Wave,
- Odd Arne Westad, The Global Cold War: Third World Interventions and the Making of Our Times (Cambridge: Cambridge University Press, 2005), 196.
- Diamond, Spirit of Democracy,
- Huntington, Third Wave,
- Diamond, Spirit of Democracy,
- Mike Rapport, 1848: Year of Revolution (New York: Basic Books, 2009), 409.
- J.P. Taylor, The Course of German History: A Survey of the Development of German History Since 1815 (London: Routledge, 2001; xuất bản lần đầu năm 1945), 71.
- Rapport, 1848, 401–402.
- “Về cơ bản, những ảnh hưởng bên ngoài ở châu Âu trước năm 1830 là phản dân chủ, và do đó chống lại tiến trình dân chủ hóa. Giữa những năm 1830 và 1930,… môi trường bên ngoài là trung lập… do đó tiến trình dân chủ hóa tiếp tục xảy ra ở nhiều quốc gia khác, ít nhiều tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế và xã hội.” Huntington, Third Wave,
- Như Huntington đã quan sát rằng, “Sự thiếu vắng của Mỹ trong quá trình đồng nghĩa với sự chuyển dịch dân chủ kém hơn và muộn hơn.” Huntington, Third Wave, 98.
Nguồn: Robert Kagan, “The Weights of Geopolitics” (Ảnh hưởng của địa chính trị, bản dịch của Minh Anh & Vi Yên nhóm Tinh Thần Khai Minh), Journal of Democracy 26 (tháng 1 năm 2015): trang 21-31.