Bài báo: The Puzzle of the Chinese Middle Class [Vấn đề nan giải về giai cấp trung lưu ở Trung Quốc]
Tác giả: Andrew J. Nathan
Tạp chí: Journal of Democracy, Issue 2, Volume 27
Chuyển ngữ: Minh Anh & Vi Yên (Nhóm Tinh Thần Khai Minh)
Hướng dẫn trích nguồn: Andrew J. Nathan, “The Puzzle of the Chinese Middle Class” [Vấn đề nan giải về giai cấp trung lưu ở Trung Quốc, bản dịch của Minh Anh & Vi Yên nhóm Tinh Thần Khai Minh], Journal of Democracy 27 (tháng 4 năm 2016), trang 5-19.
Tải về tại đây:
VẤN ĐỀ NAN GIẢI VỀ GIAI CẤP TRUNG LƯU Ở TRUNG QUỐC
Tác giả: Andrew J. Nathan
Chuyển ngữ: Minh Anh & Vi Yên [Nhóm Tinh Thần Khai Minh]
Andrew J. Nathan là Giáo sư ngành Khoa học chính trị ở Đại học Columbia. Ông là tác giả và là chủ biên của hai mươi cuốn sách bàn về Trung Quốc và Đông Á, trong số đó có cuốn “Quá trình tìm kiếm an ninh của Trung Quốc” [China’s Search for Security] (đồng tác giả với Andrew Scobell, 2012) và “Liệu Trung Quốc có tiến tới dân chủ hóa?” [Will China Democratize?] (đồng chủ biên với Larry Diamond và Marc F. Plattner, 2014).
Tôi chưa bao giờ gặp Seymour Martin Lipset; lúc tôi đến Đại học Columbia thì ông đã không còn làm việc ở đây. Thật thú vị khi đọc những giãi bày của ông về quá trình trở thành nghiên cứu sinh ở Đại học Columbia hồi 1943 trong cuốn tự truyện “Lao động bền bỉ”. Ông đã nhận được học bổng của khoa xã hội học của City College, và học bổng này yêu cầu người nhận phải đăng ký làm sinh viên sau đại học tại một trường bất kỳ nào đó. Vì trường đại học Columbia chỉ cách đó tầm một dặm, đi xuống một quả đồi và lên một quả đồi khác, nên ông đã đăng ký ở đó1. Tôi ước gì ngày nay người ta cũng có thể chọn một chương trình sau đại học dễ dàng như vậy.
Trong vai trò một sinh viên sau đại học và một trợ giảng trẻ tuổi ở Đại học Columbia, Lipset được làm việc với những nhân vật lớn như Robert Merton và Paul Lazarsfeld, những người thiết lập nền tảng cho ngành xã hội học chính trị hiện đại. Khi tôi tốt nghiệp đại học hồi giữa những năm 1960, công trình của Lipset là tài liệu đọc bắt buộc cho các bài kiểm tra chất lượng trong chương trình tiến sĩ. Ngày nay, khi đã thích nghi với công việc giảng dạy cao cấp, tôi thường phàn nàn rằng sinh viên không đọc các tác phẩm kinh điển của ngành học. Nhưng tác phẩm “Con người chính trị” [Political Man] của Lipset, được xuất bản lần đầu vào năm 1960, là một ngoại lệ. Công trình đặc biệt có sức ảnh hưởng là tiểu luận nổi tiếng của ông, “Một số điều kiện xã hội tất yếu của nền dân chủ: Sự phát triển kinh tế và sự hợp pháp chính trị”, được xuất bản vào năm 1959. Tiểu luận này về sau được trình bày thành một chương trong cuốn “Con người chính trị”, với tiêu đề “Sự phát triển kinh tế và nền dân chủ”, hàm chứa cái luận điểm của Lipset rằng “một quốc gia càng giàu có, thì khả năng duy trì nền dân chủ của nó càng cao”2. (Thừa nhận sự ảnh hưởng từ tư tưởng Aristotle, Machiavelli, và Marx), Lipset khẳng định rằng sự phát triển kinh tế sẽ làm mở rộng giai cấp trung lưu, và giai cấp này luôn ủng hộ cho nền dân chủ.
BÀI GIẢNG [VINH DANH] SEYMOUR MARTIN LIPSET VỀ DÂN CHỦ TRÊN THẾ GIỚI Vào ngày 20 tháng Mười năm 2015 tại Đại sứ quán Canada ở Washington, D.C, và vào ngày 13 tháng Mười tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế ở Trường Các Vấn đề Toàn cầu Munk ở Đại học Toronto, Andrew J. Nathan đã phát biểu bài giảng Seymour Martin Lipset về Dân chủ trên Thế giới hàng năm lần thứ mười hai. Tiêu đề bài giảng của ông là “Vấn đề nan giải về giai cấp trung lưu ở Trung Quốc”. Seymour Martin Lipset qua đời vào cuối năm 2006. Ông là một trong những nhà khoa học xã hội và học giả về dân chủ có tầm ảnh hưởng nhất suốt nửa thế kỉ qua. Lipset là người thường xuyên đóng góp cho Tạp chí Dân chủ [Journal of Democracy] và cũng là thành viên sáng lập thuộc ban điều hành của tạp chí này. Ông giảng dạy ở các trường đại học Columbia, California-Berkeley, Harvard, Stanford, và George Mason. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách quan trọng, như Con người chính trị [Political Man], Quốc gia mới đầu tiên [The First New Nation], Nền chính trị vô lý [The Politics of Unreason], và Chủ nghĩa biệt lệ của người Mỹ: Một con dao hai lưỡi [American Exceptionalism: A Double-Edged Sword]. Ông là người duy nhất từng giữ chức vụ chủ tịch của cả Hiệp hội khoa học chính trị Mỹ (1979 – 1980) lẫn Hiệp hội Xã hội học Mỹ (1992 – 1993). Tác phẩm của Lipset bao trùm nhiều chủ đề đa dạng: các điều kiện xã hội cho nền dân chủ, gồm sự phát triển kinh tế và nền văn hóa chính trị; các nguồn gốc của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa phát xít, cách mạng, biểu tình, định kiến, chủ nghĩa cực đoan; sự xung đột, cấu trúc, và tính chuyển động giai cấp; sự chia rẽ xã hội, hệ thống đảng phái, và liên minh bầu cử; và công luận và niềm tin của công chúng vào các thiết chế. Lipset là người tiên phong trong việc nghiên cứu về chính trị học so sánh, và chưa ai có thể so sánh hai nền dân chủ vĩ đại ở Bắc Mỹ một cách xuất sắc như ông đã trình bày trong các công trình của mình. Nhờ lối phân tích sâu sắc mà Lipset đã thể hiện chi tiết trong cuốn Chia rẽ lục địa [Continental Divide] (1990) khi so sánh Canada với Liên bang Mỹ, người ta đã phong ông là “Tocqueville của Canada”. Bài giảng Lipset được đồng tài trợ bởi Quỹ Hỗ trợ Dân chủ Quốc gia và Trường Munk, với sự hỗ trợ tài chính trong năm nay từ Nhà xuất bản Đại học Johns Hopkins, Đại sứ quán Canada ở Washington và Quỹ tài trợ Canadian Donner. Để xem các video về Bài giảng Lipset, vui lòng truy cập trang web www.ned.org/events/seymour-martin-lipset-lecture-series. |
Người ta đã tranh luận rất nhiều rằng làm thế nào để diễn giải lý thuyết này3 một cách chính xác, song mọi người đã đồng thuận ở những điểm mà chính tôi cũng tán thành, ấy là: Thứ nhất, giai cấp trung lưu có xu hướng thích dân chủ hơn, nếu nền dân chủ đã tồn tại thì họ sẽ ủng hộ nó, còn nếu chưa thì họ sẽ kỳ vọng nó xuất hiện – dù không nhất thiết bằng hành động. Những khuynh hướng ủng hộ dân chủ này bắt nguồn từ sự tổng hòa của những mối quan tâm vật chất như quyền sở hữu doanh nghiệp và tài sản – những thứ mà giai cấp trung lưu muốn được nền pháp quyền bảo vệ, và các giá trị văn hóa như cảm quan về sự tự tôn cá nhân và niềm ưa thích sự tự do tư tưởng và ngôn luận, vốn đi cùng với nền kinh tế độc lập và sự tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, điểm thứ hai là, sự tồn tại của giai cấp trung lưu không nhất thiết làm cho sự chuyển dịch đến nền dân chủ chắc chắn diễn ra; sự chuyển dịch như vậy còn tùy thuộc vào lập trường của các giai cấp khác cũng như sự cân bằng quyền lực trong chế độ cai trị, và diễn tiến của những cuộc khủng hoảng khó lường. Thứ ba, dù bài báo năm 1959 của Lipset sử dụng những ví dụ từ phương Tây, Mỹ Latin, và các quốc gia nói tiếng Anh ngoài châu Âu trong những năm 1940 và đầu 1950, thì các lý luận trong luận điểm của nó vẫn được dự tính áp dụng – và đã chứng tỏ rằng chúng có thể áp dụng – cho các khu vực khác trên thế giới cũng như cho cả những giai đoạn sau này, khi mà giai cấp trung lưu đã phát triển.
Trong bối cảnh này, giai cấp trung lưu của Trung Quốc đang trở thành một vấn đề gây bối rối. Đúng là như thế, thi thoảng giai cấp này lại đòi hỏi dân chủ: trong suốt phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989, lan ra khắp hơn ba trăm thành phố, với sự tham gia không chỉ từ giới sinh viên mà còn từ mọi tầng lớp dân cư thành thị; trong nhiều phong trào địa phương “không được ở trong sân nhà tôi” (Not In My Backyard – NIMBY) nhằm phản đối các lò đốt rác và các nhà máy hóa chất; trong những cuộc biểu tình chống các mặt hàng tiêu dùng độc hại, các vụ ô nhiễm môi trường, và các thảm họa như vụ nổ nhà máy hóa chất vào tháng 8 năm 2015 tại Thiên Tân; và trong cuộc đấu tranh của những phong trào như “bảo vệ các quyền con người” và phong trào “công dân mới”, phong trào nam nữ bình quyền, và các nhóm khác nhằm thúc đẩy không gian xã hội dân sự.
Dựa trên những ví dụ như vậy, nhiều học giả – cả phương Tây lẫn Trung Quốc – đã dự đoán rằng giai cấp trung lưu, một khi lớn lên, sẽ tạo ra áp lực lớn hơn cho sự tự do hóa.4 Chính sách thân thiện với Trung Quốc của phương Tây được biện minh một phần dựa trên niềm tin này, với hy vọng rằng nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của giai cấp trung lưu, và từ đó giai cấp trung lưu sẽ thúc đẩy dân chủ.
Tuy nhiên, giai cấp trung lưu của Trung Quốc thường không hành động như kỳ vọng. Hầu hết các thành viên của giai cấp trung lưu tránh xa việc thách thức chế độ; khi rơi vào những vụ xung đột với chính quyền, họ lại sử dụng chiến lược can gián nhằm khẳng định sự trung thành của họ với các nguyên tắc và chính sách của chế độ, và chĩa sự chỉ trích vào sự thi hành của các quan chức cấp dưới.
Các cuộc khảo sát lặp đi lặp lại cho thấy giới trung lưu ủng hộ hệ thống độc đoán của Trung Quốc ở mức cao. Thành phố Thiên Tân gần đây đưa tin rằng mức độ tin tưởng đối với chính quyền, Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP), hệ thống toà án, và lực lượng cảnh sát là trên 80 phần trăm. Trong cuộc khảo sát sau đó, Bruce Dickson đã chỉ ra rằng “sự hài lòng với chính quyền trung ương” đạt trung bình 7.58 điểm trong thang đo 10 bậc, trong đó sự ủng hộ cao hơn đến từ các cư dân thành thị và những người có mức thu nhập cải thiện. Cuộc khảo sát và phỏng vấn của Jie Chen được tóm tắt trong cuốn sách Giai cấp trung lưu không dân chủ [A Middle Class Without Democracy] xuất bản năm 2013, cùng với một loạt các nghiên cứu khác, đã đưa ra những kết quả tương tự: giai cấp trung lưu ở Trung Quốc ủng hộ chế độ một cách rộng rãi và có cái nhìn kém thiện chí đối với nền dân chủ hơn so với các giai cấp khác, điều này khiến cho giai cấp trung lưu hầu như không thể là tác nhân cho sự thay đổi hướng đến dân chủ vào lúc này.5
Điều gì đang xảy ra? Liệu Trung Quốc có là “ngoại lệ” (để viện dẫn các chủ đề ưa chuộng của Giáo sư Lipset, mà dĩ nhiên ông chỉ áp dụng cho Mỹ chứ không phải cho Trung Quốc)? Liệu có một “mô hình Trung Quốc” nào khiến cho giai cấp trung lưu Trung Quốc hành động khác với giai cấp trung lưu ở nơi khác? Trong thực tế, cách tiếp cận của Lipset, vốn gắn liền với bối cảnh lịch sử và xã hội, rất phù hợp với Trung Quốc. Ấy là bởi giai cấp trung lưu của Trung Quốc được đưa vào phê phán một cách khác biệt so với cái cách mà Lipset đã nghiên cứu, rằng nó ứng xử khác biệt ở một số khía cạnh nào đó, chứ không phải là toàn bộ.
Ai được xếp vào giai cấp trung lưu của Trung Quốc
Trước khi đi vào phân tích tình trạng của giai cấp trung lưu, chúng ta cần phải chỉ ra giai cấp này gồm những ai. Theo Lipset, không phải cứ những ai tự nghĩ rằng họ là giai cấp trung lưu thì họ là giai cấp trung lưu. Chẳng hạn, vào năm 2008 Asian Barometer Survey (ABS) đã đưa ra một cuộc khảo sát, lấy mẫu đại diện cho toàn bộ dân số (cả thành thị lẫn nông thôn) ngoại trừ Tây Tạng, yêu cầu mọi người tự đặt mình vào một thang mười bậc từ nhóm có địa vị thấp nhất đến địa vị cao nhất trong xã hội. Kết quả là, 58,2% số người được hỏi đã tự xếp họ vào nhóm giữa, từ 5 đến 7. Sẽ dễ hiểu được kết quả này nếu chúng ta biết rằng 77.2% số người được khảo sát nói rằng điều kiện kinh tế hiện tại của gia đình họ tốt hơn so với vài năm trước đây. Chẳng hạn, người ta có thể hiểu rằng, khi một công nhân nhà máy đã có thể gửi tiền về quê giúp gia đình xây dựng nhà ngói và mua xe máy, thì cô ấy có đủ lý do để coi chính mình đang dần đứng vào hàng ngũ giai cấp trung lưu. Nhưng theo cách hiểu của Lipset, chúng ta sẽ không lưu tâm đến cái gọi là giai cấp trung lưu của những người này.
Mức thu nhập cũng không phải là một tiêu chí đúng đắn để xác định giai cấp trung lưu của Trung Quốc; thu nhập đang thay đổi quá nhanh đến nỗi không thể dùng nó làm một tiêu chí để xác định các giai cấp một cách rõ ràng. (Ngoài ra, nhiều gia đình Trung Quốc có những nguồn thu nhập khác nhau mà chính họ cũng không thể trả lời chính xác xem họ kiếm được bao nhiêu, còn nhiều người lại không sẵn lòng làm điều ấy). Theo cách định nghĩa dựa trên thu nhập, năm 2005 có hơn 800 triệu người Trung Quốc có thể được xem như thuộc giai cấp trung lưu – khoảng 57% dân số.6
Nhưng đây không phải là giai cấp trung lưu mà chúng ta đang tìm kiếm, giai cấp sẽ ủng hộ nền dân chủ theo như lý thuyết của Lipset. Lipset giải thích cái sở thích ủng hộ dân chủ của giai cấp trung lưu bằng cách dựa vào địa vị xã hội của các thành viên trong giai cấp ấy, như các ông chủ đồn điền ở nông thôn, các doanh nhân nhỏ ở đô thị, và giới cổ cồn trắng độc lập – những vai trò xã hội điển hình của con người trung lưu tại thời điểm và địa điểm nơi ông thực hiện nghiên cứu. Họ có cả của cải vật chất lẫn tài sản trong chính các kỹ năng và phẩm giá của họ, giúp cho họ được bảo vệ khỏi sự cai trị tùy tiện và trao cho họ cái quyền được phát biểu và được lắng nghe.
Hóa ra các nhà xã hội học Trung Quốc, những người đang cố gắng thấu hiểu cấu trúc xã hội của đất nước họ – có lẽ chịu ảnh hưởng từ cách hiểu riêng của họ về Lipset – cũng sử dụng tiêu chí nghề nghiệp của người dân như chỉ dẫn chính cho sự phân tầng xã hội. (Điều thú vị là họ từ chối sử dụng từ “giai cấp” [Jieji] bởi cái hàm ý mang tính Mác-xít của nó về sự bóc lột và đấu tranh giai cấp, vốn được coi là không phù hợp trong “xã hội hài hòa” ngày nay. Vì vậy họ thay nó bằng từ “tầng lớp” [Jieceng] để chỉ điều tương tự với cái mà Lipset coi là giai cấp).
Loại hình phân tầng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất ở Trung Quốc được đưa ra bởi nhà xã hội học quá cố Lu Xueyi và các đồng nghiệp của ông ở Viện hàn lâm Trung Quốc về Khoa học Xã hội. Họ xác định mười nhóm nghề nghiệp, từ các lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp, vốn đứng trên giai cấp trung lưu, cho tới các công nhân nhà máy, nông dân, và người thất nghiệp, vốn được xếp dưới giai cấp trung lưu. Những người thuộc tầng lớp trung lưu “chủ yếu dựa vào lao động tinh thần, sống bằng tiền công và tiền lương, có thể kiếm được những việc làm chuyên nghiệp với mức thu nhập tương đối cao và môi trường làm việc tương đối tốt, ở đó mức tiêu dùng gia đình tương xứng với đời sống rỗi rãi, và họ phần nào được tự do trong nghề nghiệp, cùng với sự tự nhìn nhận bản thân như là những công dân có đức hạnh công”7. Những người này làm những công việc như các nhân viên chuyên nghiệp và chuyên môn trong nhà nước, trong Đảng và trong các doanh nghiệp, hoặc làm nghề quản lý thuộc giới cổ cồn trắng, và những người điều hành sở hữu các doanh nghiệp công nghiệp và doanh nghiệp thương mại tư nhân quy mô nhỏ.
Đâu là sự khác biệt ở giai cấp trung lưu Trung Quốc?
Giai cấp trung lưu Trung Quốc được xác định khác với giai cấp trung lưu của Lipset ở bốn khía cạnh. Thứ nhất, giai cấp trung lưu của Trung Quốc được hình thành từ một phần rất nhỏ dân số. Vào năm 1999, Lu và đồng nghiệp của ông ước tính giai cấp này chiếm 14.1% dân số, và trong cuộc phỏng vấn sau đó vào năm 2008, Lu ước tính nó tăng lên khoảng từ 22 đến 23 phần trăm8. Các học giả khác cũng đưa ra con số tương tự. Trong khi Lipset không chỉ ra chính xác có bao nhiêu phần trăm dân số mà ông nghiên cứu thuộc giai cấp trung lưu, song ông cho rằng cấu trúc xã hội có dạng “hình kim cương”, mà ở đó nhóm trung lưu chiếm đa số.
Trái lại, các nhà xã hội học Trung Quốc than vãn rằng xã hội của họ có dạng “hình kim tự tháp” – với một giai cấp trung lưu nhỏ nằm dưới một giai cấp thượng lưu bé xíu, và đứng trên một giai cấp hạ lưu khổng lồ. Trên thực tế, tầng lớp trung lưu chiếm giữ một vị trí riêng biệt đặc quyền về mặt xã hội – cụ thể là trong các cộng đồng dân cư kín cổng [gated community] vốn đang ngày càng phổ biến trong các thành phố Trung Quốc. Các thành viên của giai cấp trung lưu sợ rằng trong một xã hội cai trị dựa theo số đông, thì quyền lợi của họ sẽ bị đặt dưới quyền lợi của những giai cấp thấp hơn.
Điểm khác biệt rõ rệt thứ hai liên quan đến bản chất của nghề nghiệp. Giai cấp trung lưu Trung Quốc gồm hầu hết các công chức, giới công sở trong doanh nghiệp nhà nước, và nhân viên tại các cơ sở như trường đại học, bệnh viện, và các doanh nghiệp truyền thông trực thuộc hoặc chịu sự kiểm soát của nhà nước. Thế hệ trẻ thích những công việc này bởi mức lương kha khá, có tính ổn định cao, và được nhận phúc lợi tốt hơn so với hầu hết những công việc trong lĩnh vực tư nhân. Những người trẻ đầy khát vọng đang nỗ lực gia nhập CCP, bởi việc trở thành thành viên của Đảng là chìa khóa cho sự danh tiếng và thành công trong hầu hết mọi lĩnh vực.
Cần phải bàn thêm về điểm này. Nhà xã hội học Luigi Tomba viết rằng giai cấp trung lưu của Trung Quốc ra đời từ những cuộc cải cách nhà ở những năm 1990; những cải cách này hết sức thiên vị cho các quan chức chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước, vốn sở hữu phần lớn nhà ở Trung Quốc trong thời kì Mao Trạch Đông và cho nhân viên của họ thuê lại các căn hộ. Trong những cuộc cải cách nhà ở này, chính quyền và viên chức của các doanh nghiệp nhà nước trở thành chủ sở hữu tài sản với mức giá thấp, thông qua ba kênh: nhà ở hiện hành được tư nhân hóa; xây dựng nhà mới và bán cho công nhân viên với giá bao cấp; bao cấp các khoản vay cho cán bộ công nhân viên để mua nhà trên thị trường. Người lao động nhận được những căn nhà giá thấp này thường bán đi sau đó, khi thị trường nhà ở hình thành. Kết quả, các công chức “ngày nay hình thành nên cái được gọi là tầng lớp có của [fangchan jieji]”10. Quan chức chính quyền cũng được bảo đảm về y tế và hưởng trợ cấp chi tiêu cao hơn, và (trong những năm gần đây) họ được tăng lương nhanh hơn so với người lao động trong các ngành khác.Thật không may, tôi không có số liệu chính xác về lượng người thuộc tầng lớp trung lưu đang làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp cho Đảng hay nhà nước. Theo một nghiên cứu ở ba thành phố lớn, 60 phần trăm số người thuộc tầng lớp trung lưu được khảo sát đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, và điều này cho thấy một mối liên hệ cực kỳ tiêu cực với sự ủng hộ cho nền dân chủ9. Hầu hết các bác sỹ làm việc ở các bệnh viện nhà nước và hầu hết các nhà văn làm việc ở hiệp hội nhà văn thuộc chính quyền. Các luật gia và công ty luật tuy độc lập về mặt hình thức nhưng lại bị nhà nước giám sát. Nghề nghiệp duy nhất có nhiều người lao động độc lập chính là nghệ thuật và kiến trúc, song hầu hết những người này lại dựa vào các ủy ban nhà nước để thành đạt. Các chủ sở hữu doanh nghiệp độc lập chỉ là một phần nhỏ bé trong giai cấp trung lưu, và để công việc trôi chảy, họ phải lệ thuộc vào những mối quan hệ thân cận với giới quan chức. Tóm lại, đây là một giai cấp trung lưu phụ thuộc, không phải là giai cấp độc lập.
Đặc điểm thứ ba của giai cấp trung lưu Trung Quốc là tính mới mẻ của nó. Giai cấp trung lưu của Lipset có nguồn gốc từ các thành phố ở châu Âu từ cuối thời Trung cổ và xuất hiện như một giai tầng riêng biệt khoảng từ thế kỷ mười bảy. Nó ra đời song song với nhà nước hiện đại và chính nền dân chủ, điều này tạo cho nó một bản sắc rõ ràng và tính chính danh. Trái lại, quả thực giai cấp trung lưu Trung Quốc vẫn chưa xuất hiện mãi cho đến năm 1979. Giai cấp trung lưu nhỏ tiền cách mạng đã bị phá hủy vào những năm 1950 và thay thế bởi cái mà Jean-Louis Rocca miêu tả là “một đội quân của tầng lớp công nhân” sống với đời sống khổ hạnh, bị chi phối bởi giới chóp bu ít ỏi của Đảng.11
Giai cấp trung lưu xuất hiện trở lại trong giai đoạn cải cách và mở cửa những năm 1980, nhưng chỉ bắt đầu phát triển nhanh chóng cho đến khi nền kinh tế cất cánh vào những năm 1990. Tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người theo ngang giá sức mua của Trung Quốc vào năm 2012 tăng 40 lần so với năm 1980; số người sinh sống ở đô thị từ 20% ở năm 1978 tăng đến 52% ở năm 2012; và số sinh viên tăng từ 2 triệu ở năm 1990 đến 16 triệu ở năm 2015.12 Sự thay đổi nhanh chóng này đồng nghĩa với việc đa số giai cấp trung lưu là những thành viên thuộc thế hệ thứ nhất của tầng lớp này, sống theo một phong cách hoàn toàn khác với thế hệ cha mẹ họ, và bao quanh họ là những người khác với một bản sắc giai cấp mới lạ tương tự. Thậm chí trong các gia đình trung lưu hai thế hệ, vẫn thường có một khoảng cách văn hóa rất lớn giữa các thế hệ.
Rất khó để tưởng tượng ra cái tác động rối rắm của sự thay đổi nhanh chóng này, vốn ảnh hưởng không chỉ đến cá nhân, mà còn đến hoàn cảnh xã hội của họ. Những người sống trong các khu dân cư kín cổng chỉ đang trong quá trình thúc đẩy một lối sống, phần nào tự giác noi theo cái mà họ coi là thói quen tiêu dùng Phương Tây. Với một giai cấp trung lưu đã định hình, sự giàu có là nguồn khuyến khích để họ tham dự vào chính trị; còn với một giai cấp trung lưu mới, việc tham dự chính trị lại bị sao nhãng. Hiện nay, giữa những người thuộc giai cấp trung lưu Trung Quốc, ít thấy có một nhận thức được chia sẻ hay một mối quan tâm chung, huống chi là niềm tin chắc chắn về giá trị xã hội rằng sẽ dẫn dắt các giai cấp trung lưu cố định hơn đi đến chỗ khẳng định một cách tự tin các lợi ích của họ.
Sự tương phản thứ tư và cuối cùng giữa giai cấp trung lưu của Lipset và giai cấp trung lưu của Trung Quốc là ở bản chất đời sống đoàn thể của nó. Đời sống đoàn thể phong phú của giai cấp trung lưu Phương Tây là một trong những chủ đề quan trọng của Lipset. Trong tác phẩm “Lao động bền bỉ”, Lipset viết, “Saskatchewan khiến tôi chú ý tới mối quan hệ [giữa xã hội dân sự và dân chủ] khi tôi bắt đầu nhận ra rằng ở khu vực cực kỳ năng động về chính trị này, với dân số vào khoảng 800 nghìn người, thì có ít nhất 125 nghìn vị trí trong các tổ chức cộng đồng và chính quyền được mọi người tham gia đảm nhiệm”.13 Ông đang không chỉ nói đến các tổ chức chính trị công khai, mà còn đến các ủy ban trường học và thư viện, các cửa hàng kiểu hợp tác xã, và vân vân – đó là các tổ chức mà, theo cách hiểu của Tocqueville, họ đang rèn luyện các nền tảng để có thể tham gia chính trị một cách hữu hiệu.
Giai cấp trung lưu của Trung Quốc không có đời sống đoàn thể như vậy. Chính quyền đặt ra ngoài vòng pháp luật những tổ chức nào có thể cạnh tranh với các “tổ chức quần chúng” về thanh niên, phụ nữ, và người lao động được kiểm soát bởi chính quyền. Nó cho phép một số tổ chức thuộc nhà nước (chứ không phải tổ chức dân sự) tham gia ủng hộ cho các vấn đề liên quan đến môi trường, nhưng ngăn cản các cuộc biểu tình vì môi trường ở địa phương. Chính quyền cũng ngăn chặn sự phát triển của truyền thông độc lập và kiểm soát Internet. Nó cho phép các tổ chức tình nguyện quy mô nhỏ làm việc trong các lĩnh vực như y tế cộng đồng, bảo vệ môi trường, cải cách giáo dục, và khắc phục thảm họa, nhưng lại chỉ được tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chứ không được vận động chính sách.14
Chính quyền tìm cách kiểm soát đời sống tôn giáo bằng cách cấp phép cho 5 tôn giáo được công nhận và kiểm soát các cá nhân, tài sản, và các hoạt động của họ. Các tổ chức tôn giáo độc lập phải hoạt động chui và nỗ lực hết sức để tránh xung đột với chính quyền. Chính quyền cho phép một số tổ chức xã hội dân sự hoạt động ở cấp địa phương, như Yirenping và Phong trào Công dân Mới (mà nay đã bị dẹp), vốn ra đời để đấu tranh chống phân biệt đối xử và thúc đẩy các quyền của Phụ nữ. Năm 2015, chính quyền bắt hơn 200 “luật sư bảo vệ quyền” và nhân viên, đặt một dấu chấm hết cho nỗ lực can đảm của họ hướng tới sử dụng hệ thống pháp lý để bảo vệ các quyền của các nhóm yếu thế trong xã hội.
Vùng đô thị không tổ chức các cuộc bầu cử tương tự như các cuộc bầu cử ở các ngôi làng nông thôn (vốn bị kiểm soát chặt chẽ bởi CCP). Thay vào đó, các ủy ban cư dân ở vùng này – vốn được xem là các cơ quan “tự quản” – được tổ chức theo kiểu từ trên xuống. Các ủy ban được điều hành bởi quan chức do nhà nước trả lương, và thực thi các nhiệm vụ khác nhau, như là truyền đạt các thông tin của nhà nước đến người dân, củng cố kế hoạch hóa gia đình, vận động dọn dẹp môi trường, và hòa giải các tranh chấp. Một trong các chức năng trù định của các ủy ban dân cư, như Tomta khẳng định, là khuyến khích giới trung lưu nhìn nhận chính họ là “văn minh” hơn và có “chất lượng” cao hơn so với những người ở tầng lớp dưới, và lấy làm tự hào khi phục vụ cho mô hình xã hội hài hòa và sự tuân phục về chính trị. Về những ủy ban như vậy, Benjamin Read viết, “họ không chỉ là bộ phận quan trọng của mạng lưới giám sát do cơ quan an ninh nắm giữ, mà họ còn giúp nhà nước thông qua các thông tin, và đôi khi tham gia như một phần của các chiến dịch chính trị”.15
Có lẽ các diễn đàn sống động nhất trong đời sống đoàn thể của giới trung lưu chính là các hiệp hội của những người sở hữu nhà, vốn ra đời để đại diện cho các chủ nhà chống lại các công ty xây dựng và quản lý nhà cửa. Mối quan tâm của các hiệp hội nhỏ bé này tất yếu giới hạn ở các vấn đề liên quan đến nhà ở, và họ thường đối thoại với một công ty bất động sản tư nhân hơn là với một quan chức chính quyền, dù các công ty quản lý bất động sản thường bị quản lý bởi chính quyền địa phương, bị kiểm soát bởi Đảng, và thực hiện các công việc kế hoạch hóa gia đình cũng như tuyên truyền nhân danh nhà nước. Trong khi các hiệp hội của người sở hữu nhà có thể là nơi đào tạo cho việc tổ chức và hoạt động đối với một vài nhà lãnh đạo cục bộ, thì cuộc chiến với các công ty quản lý về các vấn đề tuân thủ hợp đồng hay điều kiện sống không leo thang tới mức mà lợi ích giai cấp dẫn đến chống lại trật tự chính trị hiện hành.
Họ đang thầm nghĩ điều gì?
Dù khác biệt với giai cấp trung lưu của Lipset, thì giai cấp trung lưu của Trung Quốc vẫn có một số điểm đặc trưng mà Lipset cho là thích hợp để thúc đẩy dân chủ. Các thành viên của giai cấp trung lưu Trung Quốc sở hữu tài sản, họ muốn chính quyền bảo vệ nó thông qua pháp quyền; họ có những công việc đầy trách nhiệm, điều này khiến họ muốn được đối xử tôn trọng; và họ có giáo dục, mang lại cho họ những băn khoăn và suy nghĩ độc lập. Họ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các giá trị phương Tây thông qua thói quen tiêu dùng, truyền hình, phim ảnh, Internet, du lịch, và đôi khi còn là việc nghiên cứu ở nước ngoài.
Quả thực, dù cho sự phát triển của truyền thông đại chúng, hầu hết giai cấp trung lưu vẫn tiếp nhận tin tức chủ yếu từ các phương tiện do nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát. Tin tức hàng đêm của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) nhấn mạnh sự bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi sau Mùa xuân Ả Rập; trái với sự ổn định của Iran là sự hỗn loạn ở Iraq, nơi mà chính quyền bị lật đổ bởi phương Tây; và thông báo về những cuộc khủng hoảng tài chính cũng như nền kinh tế tăng trưởng chậm của phương Tây. Song dù vậy, người xem vẫn phần nào quen thuộc với khái niệm dân chủ, dù thông qua sự tuyên truyền của nhà nước nhằm bác bỏ “nền dân chủ kiểu Phương Tây” để ủng hộ cho “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” được cho là chân thực và phù hợp hơn về mặt văn hóa. Những ai tiếp cận với nguồn thông tin bên ngoài và những ai đã ra nước ngoài lại có xu hướng hình thành quan điểm thích Phương Tây hơn và thường phê phán hơn về hệ thống Trung Quốc.16 Vì vậy, chúng ta có lý do chính đáng khi dò tìm đằng sau sự thận trọng về chính trị một cách dễ hiểu của cái giai cấp mới, dễ tổn thương và phụ thuộc này, để gắng chỉ ra cái điều mà họ vẫn âm thầm suy nghĩ.
Kết quả cuộc khảo sát năm 2008 của ABS Trung Quốc chỉ ra một vài manh mối. Chúng ta có thể xác định những người khảo sát thuộc giai cấp trung lưu gồm những người sống ở thành phố, ít nhất học đến bậc trung học, và thu nhập của gia đình cho phép họ sống thoải mái cũng như có đủ để tiết kiệm. Theo tiêu chuẩn này thì có 14,2% số người trả lời được coi là thuộc tầng lớp trung lưu.17 So với những người không thuộc tầng lớp trung lưu, những công dân thành thị có điều kiện tài chính thoải mái và được giáo dục tốt này thường thể hiện sự bất mãn hơn với cách mà hệ thống chính trị vận hành (29,7% so với 18,9%)18 và có vẻ ủng hộ hơn đối với một loạt các giá trị dân chủ tự do được diễn đạt một cách trừu tượng, như sự độc lập tư pháp và sự phân chia quyền lực (46,2% so với 24,7%).19
Những thái độ này đang trở nên rõ rệt hơn khi những người trẻ gia nhập vào giai cấp trung lưu, còn những người già hơn dần bước ra khỏi giai cấp này. Thực vậy, nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của giáo dục trung học và đại học ở Trung Quốc, giai cấp trung lưu ngày càng trẻ hơn so với phần còn lại của dân số. Những người giữa độ tuổi 18 đến 29 chiếm 29,5% trong tổng số người thuộc giai cấp trung lưu trong khảo sát của ABS, so với 18,7% trong tổng số người không thuộc giai cấp trung lưu. So với người già, những thành viên trẻ tuổi của giai cấp trung lưu thậm chí còn lên tiếng mạnh mẽ hơn khi thể hiện sự bất mãn đối với cái cách mà hệ thống chính trị hoạt động (34% so với 27,9%) và thậm chí ủng hộ nhiều hơn đối với các giá trị dân chủ tự do (50,4% so với 44,5%).20
Năm 2005, thông qua các cuộc phỏng vấn chi tiết, nhà khoa học chính trị Trung Quốc thuộc trường Trung ương Đảng là Zhang Wei đã viết một cuốn sách sâu sắc cảnh báo tình trạng thờ ơ của giai cấp trung lưu. Ông phê phán Lu Xueyi và các nhà xã hội học Trung Quốc hàng đầu khác bởi họ quá kỳ vọng vào giai cấp trung lưu – do sự có học, địa vị xã hội, và “phẩm chất” xã hội cao hơn – như một lực lượng phụng sự cho sự hài hòa và ổn định xã hội. Zhang Wei nhìn thấy một giai cấp trung lưu Trung Quốc dường như im lặng, dửng dưng, và xa lánh:
“Sự xa lánh chính trị là một sự dửng dưng có tính ép buộc hơn là do lựa chọn; trái với sự lãnh đạm chính trị bình thường, nó không phải là nhân tố cho sự ổn định. Thay vào đó, nó là một trạng thái mong đợi căng thẳng, một dạng trạng thái đè nén mà ở đó các kỳ vọng chính trị không được giải phóng. Một trật tự chính trị đóng có thể đè nén sự nhiệt tình tham dự chính trị trong khi đồng thời tạo nên lực lượng tham chính nhiệt thành trong tương lai… Nếu một ngày sự thờ ơ chính trị này biến thành sự tham dự chính trị, áp lực của nó đối với trật tự chính trị sẽ khủng khiếp hơn áp lực của sự tham dự chính trị thông thường.”21
Đối với tôi, phân tích này chứa đựng sự thật. Những người trung lưu mà tôi gặp (dĩ nhiên họ không phải là mẫu đại diện) cảm thấy bị phong tỏa về mặt chính trị. Họ phản ứng với tình cảnh này theo nhiều cách khác nhau. Một vài người trở thành người bất đồng; họ thực sự tồn tại, và họ là người hùng. Vấn đề nan giải ở đây là tại sao họ lại quá ít. Cũng có khá nhiều người nằm trong giai cấp trung lưu di cư, nhưng so với quy mô nhân khẩu của Trung Quốc thì họ chỉ là một phần nhỏ bé. Hầu hết những người thuộc giai cấp trung lưu rơi vào bốn nhóm dưới đây.
Có lẽ nhóm lớn nhất bao gồm những người thờ ơ [Anesthetized] với chính trị. Ấn tượng của tôi là các thành viên của nhóm này đặc biệt phổ biến trong thế hệ thứ hai. Do còn trẻ, họ không có ký ức gì về năm 1989, và biết rất ít về cuộc Cách mạng Văn hóa; họ lớn lên trong một môi trường chú trọng đến nghề nghiệp và tiêu dùng; và họ ngầm hiểu rằng chính trị là thứ cần phải tránh xa [Third rail of politics]. Có thể thấy một diễn tả cực đoan về nhóm này trong loạt phim truyền hình phổ biến ở Trung Quốc “Tiny Times” [Xiao shidai], một dạng “Sex in the City” phiên bản Trung Quốc, mà ở đó các công dân Thượng Hải xinh đẹp, giàu có, chú ý quá mức đến ăn mặc và tình yêu.22
Nhóm thứ hai là những người chấp nhận [Acceptors].23 Trong số những người chấp nhận này là những người trẻ làm trong lĩnh vực hàn lâm mà tôi có dịp gặp qua. Họ là những người chưa bao giờ nghe đến Liu Xiaobo và không bận tâm đến năm 1989. Một số là “những người dạy tư tưởng chính trị”, làm việc cần mẫn để dạy sinh viên của họ về lòng trung thành. Hình ảnh mà tôi có được khi nói chuyện với những người này là Trung Quốc là nơi họ sống và muốn sống; chế độ Trung Quốc là chế độ mà Trung Quốc cần; và chân lý của chế độ là cái chân lý mà họ được chuẩn bị để chung sống. Ngay cả khi Trung Quốc còn là một hệ thống độc tài, thì đời sống vẫn tự do và tốt đẹp hơn so với hai thế hệ trước đó dưới thời Mao Trạch Đông. Do đó, như Tianjian Shi chỉ ra, dù những người trả lời khảo sát của ABS cho rằng dân chủ là điều rất đáng mong muốn và phù hợp với Trung Quốc, song nhìn chung họ cũng xem hệ thống của Trung Quốc là khá dân chủ (7,22 so với mức 10).24
Nhóm thứ ba là những người chủ trương cải cách [Ameliorators]. Họ thấy những khuyết điểm của hệ thống, nhưng cũng thấy những sự tiến triển của nó trong thời đại này. Họ tin rằng thông qua việc giảng dạy hay viết các tác phẩm pháp luật, họ có thể đóng góp theo cách riêng của họ vào sự tiến bộ trong tương lai. Nếu người ta tin rằng sự tiến bộ là điều có thể đạt được, thì chắc chắn đó là điều đáng để phấn đấu.
Trong nhóm cuối cùng, chúng ta thấy những người được gọi là người xa lánh [Alienated]. Có lẽ sự xa lánh phổ biến hơn ở những người già hoặc các thành viên có giáo dục cao hơn của giai cấp trung lưu. Họ không có ảo tưởng về chế độ, nhưng họ thực sự không sẵn sàng mạo hiểm địa vị của mình khi phản đối, họ cũng không sẵn sàng từ bỏ địa vị và mối quan hệ đặc lợi của mình để đổi lấy một địa vị kém đặc lợi hơn, một cuộc sống ít quan hệ hơn ở nước ngoài. Nếu họ có thể thiết kế một thế giới hoàn hảo thì nó sẽ là một thế giới khác, nhưng họ sẽ lại tiếp tục sống với cuộc sống mà họ có.
Theo một nghĩa nào đó, thành viên của cả bốn nhóm này đều là những người có óc thực tế, và tôi tôn trọng họ vì điều đó. Sự kiện 1989 đã xảy ra có thể một phần vì giai cấp trung lưu mới hình thành lúc đó cảm thấy rằng triển vọng mới mẻ của họ đang bị đe dọa bởi lạm phát, tham nhũng, và một phần bởi vì chế độ có biểu hiện do dự, điều này khiến cho một bộ phận giới trung lưu có cơ hội bày tỏ lo lắng của mình về mặt chính trị. Tuy nhiên, ngày nay lạm phát đã được kiểm soát, tham nhũng đang bị tấn công, và chế độ nhất quyết nắm quyền lực. Giai cấp trung lưu Trung Quốc biết rằng giờ không phải là lúc để thách thức hệ thống độc tài. Tôi nghĩ những cân nhắc này đã tạo ra cái kết quả khảo sát gây bối rối được miêu tả ở đầu tiểu luận này.
Tôi sẽ sử dụng một từ khác, cũng bắt đầu bằng chữ “A”, để miêu tả một đặc điểm chung của tất cả những người đã quyết định chung sống với thực tế hiện tại: họ đang lo âu [Anxious]. Điều mà giai cấp trung lưu Trung Quốc thiếu thốn là cảm giác an toàn. Về mặt kinh tế, trừ một thiểu số đủ giàu có để trữ tiền ở nước ngoài, thì sự thịnh vượng của giai cấp trung lưu Trung Quốc bị kiểm soát bởi một giới quan liêu giấu giếm, những kẻ đang tạo ra sự chuyển dịch đầy rủi ro đến một tương lai mơ hồ. Kinh tế phát triển ì ạch tựa như báo trước một thảm họa khả dĩ. Về mặt chính trị, giai cấp trung lưu bị kẹt giữa một đảng cai trị ở bên trên, ở đó xảy ra cuộc tranh giành ngấm ngầm và nguy hiểm dưới hình thức của một chiến dịch chống tham nhũng, và một đại chúng gồm công nhân và nông dân ở bên dưới, những người được xem là không văn minh, bất mãn với thời cuộc, và có những lợi ích mà giới trung lưu xem là trái ngược với họ.
Chính tâm lý xung đột này của những người bị mắc kẹt trong hiện trạng khiến họ cảm thấy sự bất ổn. Đây là lý do mà chế hộ hiện hành dường như sợ hãi giới trung lưu dù tầng lớp này cho thấy một mức ủng hộ cao đối với chế độ. Chế độ của Tập Cận Bình đang cố gắng cản trở giai cấp trung lưu hành động bằng một bộ luật an ninh quốc gia mới, họ cũng thảo ra các bộ luật về an ninh mạng và về các tổ chức xã hội dân sự nước ngoài, cũng như bỏ tù các luật sư nhân quyền, gia tăng các yêu cầu phải tuân phục ý thức hệ, và tạo ra cái đang dần được coi là một dạng tân toàn trị. Sự nhấn mạnh vào một “xã hội hài hòa” được theo đuổi dưới thời Hồ Cẩm Đào trước đây, và sự cởi mở đối với các hoạt động dân sự quy mô nhỏ ở một không gian giới hạn đã nhường đường cho một điều gì đó có tính ép buộc và đe dọa hơn. Điều này dường như ngăn cản giai cấp trung lưu không được thách thức chế độ, nhưng cái giá ở đây là làm gia tăng cảm giác bất an của giai cấp này.
Chủ nghĩa ngoại lệ văn hóa?
Liệu có phải tất cả những điều nói trên đều hàm ý rằng Trung Quốc là một trường hợp ngoại lệ về phương diện văn hóa? Thực vậy, người ta từng thảo luận rằng tầng lớp trung lưu Trung Quốc mang sự tuân phục về mặt chính trị, bởi họ yêu thích những giá trị hài hòa và mang tính tập thể. Tôi đồng ý rằng các nền văn hóa khác nhau có sự pha trộn riêng biệt giữa những chuẩn mực và giá trị (cả nền văn hóa Trung Quốc lẫn nền văn hóa phương Tây đều không hoàn toàn vững chắc). Và thực vậy, như Tianjian Shi đã chỉ ra, các giá trị khuyến khích mối quan tâm tập thể và hệ thống cấp bậc vẫn còn khá mạnh trong các xã hội Khổng giáo.25
Nhưng, một lần nữa, chúng ta cần nghe theo chỉ dẫn của Lipset. Trong một vài cuốn sách, ông đã đưa ra khảo sát về tính ngoại lệ của nước Mỹ, nhấn mạnh vào nguồn gốc thể chế hơn là nguồn gốc văn hóa khi xét đến các đặc điểm của Mỹ như thiếu một phong trào xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, sự phân chia chủng tộc, và sự thường xuyên tái diễn chủ nghĩa cực đoan cánh hữu.26 Điều tương tự cũng đúng đối với thái độ của giai cấp trung lưu Trung Quốc: những thái độ này là phản ứng đối với cái thực tại về chế độ mà Trung Quốc kế thừa từ quá khứ – hệ thống một đảng, sự chi phối của nhà nước đối với kinh tế, và sự tồn tại của các giai cấp công nhân và nông dân lớn. Nhiều nền kinh tế chậm phát triển khác đã dẫm vào lối mòn thể chế tương tự, và các giai cấp trung lưu của họ cũng thụ động như thế cho đến khi nó phát triển tới mức đủ lớn. Theo cách hiểu này, giai cấp trung lưu Trung Quốc không phải là ngoại lệ.
Nhưng Trung Quốc đang thay đổi. Trong tương lai, giai cấp trung lưu Trung Quốc rồi sẽ ra sao? Dù Lipset cảnh báo rằng các nhà khoa học xã hội chẳng giỏi giang gì khi dự báo tương lai, song chúng ta có thể đánh bạo đưa ra vài dự đoán.27 Chừng nào kinh tế Trung Quốc conf tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hiện tại (được cho là 7%, nhưng có lẽ 5% thì chính xác hơn) và hệ thống chính trị vẫn ổn định, thì giai cấp trung lưu sẽ vẫn tiếp tục mở rộng. Viễn cảnh này mang những ngụ ý phức tạp cho nền dân chủ. Các nhà xã hội học Trung Quốc hy vọng rằng sự gia tăng thịnh vượng sẽ làm giảm bớt xung đột xã hội, và rằng một giai cấp trung lưu ủng hộ sự ổn định sẽ tiếp tục ủng hộ chế độ. Trái lại, nếu các giá trị của giai cấp trung lưu tiếp tục trở nên tự do hơn, thì giai cấp này sẽ ngày càng cảm thấy họ bị loại ra khỏi hệ thống chính trị, ngay cả khi họ tiếp tục chấp nhận cái chế độ vốn đang duy trì việc phân phối thịnh vượng.
Trong trường hợp hiếm hoi, khi một phe trong chế độ cố gắng tạo ra sự chuyển dịch dân chủ từ trên xuống dưới, chúng ta cần kỳ vọng rằng giai cấp trung lưu sẽ hoan nghênh nỗ lực ấy, chừng nào nó diễn ra mà không phá vỡ sự bình yên xã hội và ổn định kinh tế. Chế độ có thể bị chia rẽ như đã xảy ra hồi năm 1989, khi mà giai cấp trung lưu một lần nữa được đánh thức về mặt chính trị và hành động bởi sự bất mãn vốn bị chôn vùi.29 Nhưng ngay cả trong viễn cảnh này, chúng ta cũng không thể kỳ vọng giai cấp trung lưu trở thành một lực lượng quyết định cho sự dân chủ hóa, trừ khi nó phần nào vượt qua được sự biệt lập về mặt văn hóa và xã hội của nó với các giai cấp khác, hay cho đến khi cuối cùng nó trở thành giai cấp lớn nhất của Trung Quốc trong cấu trúc xã hội dạng kim cương.
Tuy nhiên, nếu tăng trưởng kinh tế đình trệ, hay nếu chế độ bất ngờ rẽ hướng và tiến hành một cuộc tấn công vào lợi ích của giai cấp trung lưu, thì sự thịnh vượng của giai cấp trung lưu sẽ bị đe dọa. Đời sống thành thị trở nên tồi tệ, và ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm tốt. Chúng ta phải tự nhắc nhở mình rằng, Lipset không hề nói rằng giai cấp trung lưu sẽ luôn và chỉ ủng hộ dân chủ. Lipset từng trình bày trong một bài báo nổi tiếng khác (“‘Chủ nghĩa phát xít’ – cánh tả, cánh hữu, và trung tâm”), rằng khi giai cấp trung lưu không còn an toàn về kinh tế và về địa vị, họ hầu như ủng hộ cho các kiểu chủ nghĩa cực đoan.29 Ở Trung Quốc, chủ nghĩa cực đoan này có thể bắt nguồn từ kiểu bài ngoại của chủ nghĩa quốc gia mà chính quyền đang thúc đẩy, như là một cách để củng cố tính hợp pháp của nó. Để thể hiện sự tức giận của mình, giai cấp trung lưu có thể thách thức chính quyền là kẻ dối lừa và yếu kém, và điều này có thể đẩy chế độ trở nên độc tài hơn.
Cả hai viễn cảnh đều chứa đầy rủi ro, và kiểu suy nghĩ này đã giữ giai cấp trung lưu khựng lại như hiện nay. Điều mà những người thuộc giai cấp trung lưu sợ hãi chính là sự khủng hoảng kinh tế hay khủng hoảng quân sự, hay một cuộc đấu đá quyền lực nội bộ có thể gây nên sự đổ vỡ trật tự. Chính nỗi sợ về một cuộc khủng hoảng như vậy đã chỉ rõ tại sao một giai cấp trung lưu vốn ngày càng chấp nhận các giá trị tự do lại vẫn ủng hộ một chế độ độc đoán.
CHÚ THÍCH
- Seymour Martin Lipset, “Steady Work: An Academic Memoir”, Annual Review of Sociology 22 (1996): trang 7.
- Political Man: The Social Bases of Politics, bản cập nhật. (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1981), trang 31.
- Để tìm hiểu bài phê bình về cuộc thảo luận này và sự áp dụng đối với Trung Quốc, xem Jie Chen và Chunlong Lu, “Democratization and the Middle Class in China: The Middle Class’s Attitudes Toward Democracy,” Political Research Quarterly 64 (tháng 9 năm 2011): trang 705–719.
- Để tìm hiểu bài phê bình uyên bác về vấn đề này, được viết bằng tiếng Anh, xem Bruce Dickson, The Dictator’s Dilemma: The Chinese Communist Party’s Strategy for Survival (Oxford University Press, 2016). Đối với bài phê bình viết bằng tiếng Trung Quốc, xem Cheng Li, “Chinese Scholarship on the Middle Class: From Social Stratification to Political Potential,” trong Li (biên tập), China’s Emerging Middle Class: Beyond Economic Transformation (Washington, D.C.: Brookings Institution Press, 2010), trang 55–83.
- Tianjian Shi, “China: Democratic Values Supporting an Authoritarian System,” trong sách Yun-han Chu và những người khác biên tập, How East Asians View Democracy (New York: Columbia University Press, 2008), trang 229; Dickson, phụ lục sách Dictator’s Dilemma; Jie Chen, A Middle Class Without Democracy: Economic Growth and the Prospects for Democratization in China (New York: Oxford University Press, 2013).
- Dựa trên định nghĩa về giai cấp trung lưu châu Á với giả định rằng họ tiêu dùng từ 2 đến 20 đôla mỗi ngày theo mức ngang giá sức mua năm 2005, thì lúc đó Trung Quốc có đến hơn 800 triệu người thuộc giai cấp trung lưu. Số liệu này do Asian Development Bank cung cấp trong Key Indicators for Asia and the Pacific 2010 (tháng 8 năm 2010), trang 5, adb.org/publications/key-indicators-asia-and-pacific-2010.
- Lu Xueyi biên tập, Dangdai Zhongguo shehui jieceng yanjiu baogao [Bản báo cáo nghiên cứu về các tầng lớp xã hội ở Trung Quốc đương thời] (Beijing: Shehui kexue wenxian chubanshe, 2002), trang 252.
- Xem “Lu Xueyi Exclusive Interview: Middle Class Grew by One Percentage Point per Year,” Xinhua, 17 tháng 8 năm 2009, http://news.xinhuanet.com/politics/2009-08/17/content_11894452.htm (tiếng Trung Quốc).
- Chen và Lu, “Democratization and the Middle Class in China,” trang 713–714. Nghiên cứu được thực hiện ở Beijing, Chengdu, và Xi’an.
- Luigi Tomba, The Government Next Door: Neighborhood Politics in Urban China (Ithaca: Cornell University Press, 2014), trang 104.
- Jean-Louis Rocca, A Sociology of Modern China, bản dịch. Gregory Elliott (New York: Oxford University Press, 2015), trang 16.
- Về thu nhập, xem: http://knoema.com/pjeqzh/gdp-per-capita-by-country-1980-2014?country=China; về sự đô thị hóa, xem: World Bank and the Development Research Center of the State Council, People’s Republic of China, Urban China: Toward Efficient, Inclusive, and Sustainable Urbanization (Washington, D.C.: World Bank, 2014), trang 3; về số sinh viên, xem: Jing Lin và Xiaoyan Sun, “Higher Education Expansion and China’s Middle Class,” trong Li, biên tập, China’s Emerging Middle Class, trang 222.
- Lipset, “Steady Work”, trang 9.
- Jessica C. Teets, Civil Society Under Authoritarianism: The China Model (New York: Cambridge University Press, 2014).
- Benjamin L. Read, Roots of the State: Neighborhood Organization and Social Networks in Beijing and Taipei (Stanford: Stanford University Press, 2012), trang 107.
- Haifeng Huang, “International Knowledge and Domestic Evaluations in a Changing Society: The Case of China,” American Political Science Review 109 (tháng 8 năm 2015): trang 613–634.
- Giai cấp trung lưu được xác định theo cách này chiếm một phần trong mẫu, nhỏ hơn 20% so với giai cấp trung lưu được xác định theo cách của các nhà xã hội học được nhắc đến trong bài luận này. Không có cách trực tiếp nào để so sánh cả hai nhóm, song chúng ta đã hoàn toàn cẩn thận khi coi giai cấp trung lưu được xác định theo cách của ABS là mang tính thành thị hơn và khấm khá hơn cái giai cấp trung lưu được xác định trong nhóm lớn.
- Câu hỏi của ABS là “Bạn cảm thấy hài lòng như thế nào đối với cái cách mà nền dân chủ vận hành trong quốc gia của bạn?”; câu hỏi được thiết kế cho nghiên cứu xuyên quốc gia, và chúng tôi tin rằng nhìn chung họ hài lòng đối với hệ thống chính trị, bởi tất cả các chính quyền châu Á đều tuyên bố rằng họ là quốc gia dân chủ. Để so sánh, xem Jonas Linde và Joakim Ekman, “Satisfaction with Democracy: A Note on a Frequently Used Indicator in Comparative Politics,” European Journal of Political Research 42 (tháng 5 năm 2003): trang 391–408.
- Theo tỷ lệ phần trăm, có nhiều hơn hoặc bằng 4 trong số 7 vị trí tự do trong khảo sát của ABS về “Liberal Democratic Values.” Về tính phổ biến của mẫu, với các phân vùng hiện đại hơn về dân số và gắn với các giá trị tự do hơn, dựa trên World Values Survey và so sánh giữa các quốc gia trong và ngoài châu Á, xem Christian Welzel, “The Asian Values Thesis Revisited: Evidence from the World Values Surveys,” Japanese Journal of Political Science 12 (tháng 4 năm 2011): trang 1–31.
- Để tìm hiểu thêm về thái độ của giới trẻ ở châu Á và Trung Quốc, xem Yun-han Chu và Bridget Welsh, “Millennials and East Asia’s Democratic Future,” Journal of Democracy 26 (tháng 4 năm 2015): trang 151–164, và Min-hua Huang, Yun-han Chu, và Cao Yongrong, “China: The Impact of Modernization and Liberalization on Democratic Attitudes,” trong David Denemark, Robert Mattes, và Richard G. Niemi, biên tập, Growing Up Democratic: Generational Change in Post-Authoritarian Societies (Boulder, Colo.: Lynne Rienner, sắp xuất bản).
- Zhang Wei, Chongtu yu bianshu: Zhongguo shehui zhongjian jieceng zhengzhi fenxi [Xung đột và bất ổn: phân tích chính trị về tầng lớp trung lưu trong xã hội Trung Quốc] (Beijing: Shehui kexue wenxian chubanshe, 2005), trang 406–407.
- Xem youtube.com/watch?v=q61X3zfBE8g.
- Phân tích này đã gây tiếng vang lớn, xem Eva Bellin, “The Dog That Didn’t Bark: The Political Complacence of the Emerging Middle Class (with Illustrations from the Middle East),” trong Julian Go, biên tập, Political Power and Social Theory, quyển 21 (Bingley, U.K.: Emerald, 2010), trang 125–141; Kellee S. Tsai, “Capitalists Without a Class: Political Diversity Among Private Entrepreneurs in China,” Comparative Political Studies 38 (tháng 11 năm 2005): trang 1130–1158; Teresa Wright, Accepting Authoritarianism: State-Society Relations in China’s Reform Era (Stanford: Stanford University Press, 2010).
- Tianjian Shi, The Cultural Logic of Politics in Mainland China and Taiwan (New York: Cambridge University Press, 2015), trang 195. Những dữ liệu này được lấy từ khảo sát năm 2003 của ABS Trung Quốc.
- Shi, Cultural Logic. Tuy nhiên Shi đồng ý với Lipset rằng văn hóa và các giá trị đều được dần định hình bởi cấu trúc xã hội và các thiết chế xã hội.
- Seymour Martin Lipset cùng với Earl Raab, The Politics of Unreason: Right-Wing Extremism in America, 1790–1977 (Chicago: University of Chicago Press, 1970); Lipset, American Exceptionalism: A Double-Edged Sword (New York: W.W. Norton, 1996), Lipset cùng với Gary Marks, It Didn’t Happen Here: Why Socialism Failed in the United States (New York: W.W. Norton, 2000).
- Seymour Martin Lipset, “Predicting the Future: The Limits of Social Science,” trong Consensus and Conflict: Essays in Political Sociology (New Brunswick, N.J.: Transaction, 1985), trang 329–360, bản gốc từ Lipset, biên tập, The Third Century: America as a Post-Industrial Society (Stanford: Hoover Institution Press, 1979), trang 1–35.
- Andrew J. Nathan, “Foreseeing the Unforeseeable,” Journal of Democracy 24 (tháng 1 năm 2013): trang 20–25.
- Trong Lipset, Political Man, chương 5.
Nguồn: Andrew J. Nathan, “The Puzzle of the Chinese Middle Class” [Vấn đề nan giải về giai cấp trung lưu ở Trung Quốc, bản dịch của Minh Anh & Vi Yên nhóm Tinh Thần Khai Minh], Journal of Democracy 27 (tháng 4 năm 2016), trang 5-19.