Mục: National Building (Xây dựng dân tộc)
Sách: Political Order and Political Decay
Tác giả: Francis Fukuyama
Chuyển ngữ: Trần Dung
Hiệu đính: Minh Anh (Nhóm Tinh Thần Khai Minh)
Hướng dẫn trích nguồn: Francis Fukuyama. 2014. National Building (Xây dựng dân tộc; bản dịch của Trần Dung). Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy. Farrar, Straus and Giroux.
Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.
Tải về tại đây:
XÂY DỰNG DÂN TỘC
Tác giả: Francis Fukuyama
Chuyển ngữ: Trần Dung
Hiệu đính: Minh Anh
Bản sắc dân tộc quan trọng như thế nào trong việc xây dựng nhà nước; chủ nghĩa dân tộc được nhìn nhận như một kiểu chính trị bản sắc; tại sao bản sắc là một hiện tượng hiện đại gắn liền với sự thay đổi về kỹ nghệ và kinh tế; bốn con đường hình thành bản sắc dân tộc.
Cũng quan trọng đối với sự thành công của việc xây dựng nhà nước là quá trình xây dựng một dân tộc đi song song với nó, một quá trình thường đi kèm với bạo lực và cưỡng bức diễn ra ở mọi quốc gia, vốn đã được thảo luận ở Tập I.
Xây dựng nhà nước đề cập đến việc tạo lập các thiết chế hữu hình – quân đội, cảnh sát, bộ máy quan liêu, các bộ và vân vân. Nó được thực hiện bằng cách thuê, đào tạo viên chức, trao cho họ các chức vụ, cung cấp cho họ ngân sách, và thông qua các bộ luật và các chỉ thị. Ngược lại, xây dựng một dân tộc là tạo một cảm quan về bản sắc dân tộc để các cá nhân trung thành, một bản sắc mà sẽ thay thế lòng trung thành của họ với bộ tộc, làng mạc, khu vực hay các nhóm sắc tộc. Xây dựng dân tộc khác với xây dựng nhà nước ở chỗ đòi hỏi hình thành những thứ vô hình như truyền thống dân tộc, các biểu tượng, hồi ức lịch sử được chia sẻ, và những điểm quy chiếu chung về văn hóa. Bản sắc dân tộc có thể được nhà nước tạo ra thông qua các chính sách về ngôn ngữ, tôn giáo và giáo dục. Nhưng chúng thường được kiến lập từ dưới lên bởi những nhà thơ, triết gia, lãnh đạo tôn giáo, tiểu thuyết gia, nhạc sĩ và các cá nhân khác không có quan hệ trực tiếp gì với quyền lực chính trị.
Xây dựng dân tộc có vai trò tối quan trọng để xây dựng thành công nhà nước. Nó vươn tới ý nghĩa cốt lõi của nhà nước: như một tổ chức sử dụng bạo lực hợp pháp, một cách định kỳ nhà nước kêu gọi công dân của mình mạo hiểm cuộc sống của họ nhân danh nó. Các công dân sẽ không bao giờ tự nguyện làm điều đó nếu họ cảm thấy nhà nước không xứng đáng để hy sinh. Nhưng tác động của bản sắc dân tộc đối với quyền lực nhà nước không chỉ giới hạn tới sức mạnh cưỡng chế của nó. Phần đông những gì được coi là tham nhũng không đơn giản là vấn đề của lòng tham mà đúng hơn là hệ quả của việc các nhà lập pháp hay công chức cảm thấy có nghĩa vụ đối với gia đình, bộ tộc, vùng miền hoặc nhóm sắc tộc hơn là đối với cộng đồng dân tộc và do đó dịch chuyển tiền bạc theo hướng đó. Họ không hẳn là những kẻ xấu xa, nhưng do phạm vi trách nhiệm đạo đức của họ nhỏ hơn phạm vi của chính thể mà họ phục vụ. Về phần mình, các công dân có thể cân nhắc một cách duy lý lòng trung thành của họ dựa trên việc liệu nhà nước có củng cố mục đích khế ước xã hội của nó hay không. Sự ổn định chính trị được củng cố rất nhiều nếu họ cảm thấy nhà nước là hợp pháp và trải qua các cảm xúc gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Đảng cộng sản Trung Quốc hiện thời có được tính chính danh một phần là do kỳ tích kinh tế của nó. Song bên cạnh đó có thêm một sự ủng hộ đắc lực từ việc nó được coi là hiện thân cho chủ nghĩa dân tộc Trung hoa.
Nếu một ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc là một thành tố cần thiết trong việc xây dựng nhà nước, thì nó cũng chính lý do đó mà nó là một mối đe dọa. Bản sắc dân tộc thường được xây dựng quanh những nguyên tắc về sắc tộc, chủng tộc, tín ngưỡng, hay ngôn ngữ, những nguyên tắc này nhất thiết sẽ gồm những người nhất định và loại trừ những người khác. Bản sắc dân tộc thường được định hình trong thế đối lập có chủ tâm với các nhóm khác và vì vậy phục vụ duy trì sự xung đột đồng thời củng cố sự gắn kết nội tại của xã hội. Sự gắn kết dân tộc biểu hiện khi có xâm lăng. Loài người hợp tác để cạnh tranh và cạnh tranh để hợp tác.1
BẢN SẮC DÂN TỘC VÀ HIỆN ĐẠI HÓA
Chủ nghĩa dân tộc là một dạng cụ thể của nền chính trị bản sắc thể hiện rõ ràng lần đầu trong cuộc Cách mạng Pháp. Nó dựa trên quan điểm cho rằng ranh giới chính trị của nhà nước phải tương thích với ranh giới văn hóa, vốn được định nghĩa chủ yếu thông qua một ngôn ngữ và một nền văn hóa chung.2
Điểm then chốt đối với ý tưởng về bản sắc là quan điểm cho rằng có một sự tách biệt giữa cái tôi chân thực nội tại của mỗi người và những quy phạm hoặc thực tiễn xã hội được cộng đồng thừa nhận. Và rằng cái tôi nội tại có thể dựa trên quốc gia, sắc tộc, chủng tộc, văn hóa, tín ngưỡng, giới tính, định hướng giới tính hoặc bất cứ đặc tính nào gắn kết con người lại với nhau. Triết gia Charles Taylor – người tiếp bước Hegel – chỉ ra rằng tranh đấu cho bản sắc là cố hữu mang tính chính trị vì nó liên quan đến nhu cầu được công nhận. Theo các nhà kinh tế học, một mình các điều kiện vật chất không thể làm con người hài lòng. Họ cũng đòi hỏi rằng các tôi chân thực của họ phải được thừa nhận công khai – thừa nhận phẩm giá và địa vị bình đẳng – bởi người khác. Thế nên vì sao đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc thì những biểu tượng của việc thừa nhận – như một lá cờ, một vị trí trong Liên Hiệp Quốc hoặc địa vị pháp lý như thành viên một cộng đồng các quốc gia là cực kỳ hệ trọng. Sự huy động xã hội, một trong sáu kích thức của sự phát triển, là hệ quả từ sự xuất hiện những bản sắc mới khi con người trở nên ý thức về những giá trị và trải nghiệm chúng.3
Hai lý thuyết gia lớn về chủ nghĩa dân tộc, Benedict Anderson và Ernest Gellner, liên hệ sự xuất hiện chủ nghĩa dân tộc với hiện đại hóa, mặc dù họ có vài điểm khác nhau quan trọng. Bản sắc không thật sự phát sinh vấn đề trong các xã hội tiền hiện đại. Trong một nền kinh tế săn bắn – hái lượm hoặc nông nghiệp, có một sự phân biệt các bản sắc xã hội – giữa săn bắn và hái lượm, đàn ông và phụ nữ, nông dân, tu sĩ, chiến binh và quan lại – nhưng có quá ít sự huy động xã hội và sự phân chia lao động quá giới hạn đến nỗi con người không đối diện với nhiều lựa chọn trong các đoàn thể của họ. Thật vậy khi nhìn về một Ấn Độ tiền hiện đại ta thấy toàn bộ sự phân chia lao động được thống nhất trong hệ thống đẳng cấp, vốn giữ xã hội cho xã hội rất ít bị huy động và cố cứng nó hơn nữa thông qua sự trừng phạt tôn giáo. Trong các xã hội nông nghiệp, những chọn lựa quan trọng của một đời người – là sông ở đâu, làm gì để sống, theo tôn giáo nào, kết hôn với ai – tất cả đều đã được quyết định bởi bộ tộc, làng xã, hay đẳng cấp. Do vậy, mỗi cá nhân không dành nhiều thời gian cho những câu hỏi cho bản thân đại khái như “Thật ra tôi là ai?”
Anderson cho rằng tất cả bắt đầu thay đổi từ sự phát minh ra chiếc máy in và sự lớn mạnh của thị trường sách khi chủ nghĩa tư bản thương nghiệp xuất hiện vào thế kỷ 16 ở Châu Âu. Máy in đã làm giảm chi phí của thông tin ‘viết tay’ và làm cho việc xuất bản các cuốn sách ở ngôn ngữ phổ thông dễ dàng. Martin Luther –viết bằng tiếng Đức thay vì tiếng La-tinh – sớm trở thành tác giả có tác phẩm bán chạy nhất vào thế kỷ 16 và đóng một vai trò then chốt trong việc định hình ý thức về nền văn hóa Đức ngữ nói chung. Hơn nữa, Luther nói với các độc giả của ông rằng sự cứu rỗi của họ không dựa vào sự tuân thủ các nghi lễ Công giáo La-mã mà thay vào đó dựa vào một hành động nội tại của đức tin. Qua sự lựa chọn cá nhân, các cá nhân có thể liên kết với một cộng đồng mới.
Sự xuất hiện của các ấn phẩm ngôn ngữ mẹ đẻ đã hình thành trước tiên điều mà Anderson gọi là một “cộng đồng tưởng tượng” của các diễn giả và độc giả Đức. Tương tự, tiểu thuyết gia người Philippine, José Rizai cũng dùng cách này tạo nên nhận thức chung về bản sắc Philippine vào thế kỷ 19 cho người dân sống khắp nơi trên 7 ngàn hòn đảo của quốc đảo này. Sự phát triển của báo chí từ nhu cầu của độc giả trung lưu mới nổi tạo ra ảnh hưởng mạnh trong công cuộc xây dựng ý thức dân tộc vào thế kỷ 19. Đọc sách khiến những người chưa từng bước ra khỏi ngôi làng nhỏ bé của mình có thể đột nhiên nhận biết sự kết nối với người khác từ những xóm làng biệt lập nào đó. Trước khi Internet và các phương tiện vận chuyển hiện đại ra đời, truyền thông in ấn cho phép con người cảm thấy như đi du lịch.4
Ernet Gellner cũng chỉ rõ rằng chủ nghĩa dân tộc nổi lên vào thời điểm có sự chuyển đổi xã hội sâu sắc, nhưng ông xác định thời điểm chuyển đổi này từ sự chuyển dịch từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp vào thế kỷ 19. Xã hội nông nghiệp không có sự đồng nhất văn hóa: những khác biệt lớn trong ngôn ngữ và nghi thức tạo khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội. Vì vậy, giới quý tộc Nga nói tiếng Pháp, các quan tòa Estonia và Latvia nói tiếng Đức; ngôn ngữ toàn án trong đế quốc Áo – Hung là tiếng La-tinh cho đến năm 1842. Nông dân chủ yếu sử dụng tiếng Nga, Estonia, Latvia. Các rào cản ngôn ngữ này, ban đầu là kết quả của chinh phạt và nền chính trị quân chủ, được duy trì có chủ đích bởi vì các xã hội được phân tầng như vậy được thiết lập nhằm ngăn chặn sự huy động xã hội giữa các giai cấp.
Như Gellner giải thích, những điều kiện cần cho một xã hội công nghiệp rất khác:
Một xã hội sống với sự tăng trưởng thì phải trả một cái giá nhất định. Cái giá đó là sự đổi mới không ngừng. Sự đổi mới ngược lại thúc đẩy quá trình biến chuyển nghề nghiệp không ngừng, chắc chắn là giữa các thế hệ, và thường trong một thế hệ. Khả năng chuyển đổi các công việc khác nhau kéo theo sự giao tiếp và hợp tác với nhiều kiểu người có địa vị xã hội khác biệt đòi hỏi các thành viên trong một xã hội như vậy có khả năng giao tiếp bằng cách nói hay viết trong từng ngữ cảnh khác nhau.
Khái quát về một xã hội hiện đại là có học, linh động, bình đẳng, và với một nền văn hóa được chia sẻ, đồng nhất, được đào tạo kỹ lưỡng ở nhà trường. Điều này tương phản rõ rệt với xã hội truyền thống, trong đó biết chữ là thiểu số và tài năng đặc biệt, và hệ thống đẳng cấp ổn định chứ không phải sự vận động xã hội là chuẩn mực, và văn hóa thì đa dạng và phân mảnh.5
Sự phân chia lao động ngày càng mở rộng do quá trình công nghiệp hóa mang lại đã chuẩn bị cơ sở cho chủ nghĩa dân tộc hiện đại, nơi mà văn hóa dựa trên nền tảng ngôn ngữ trở thành nguồn trung tâm của sự cố kết xã hội.6
Quá trình hiện đại hóa kinh tế đã thúc đẩy sự thống nhất ngôn ngữ được minh họa như điển hình ở Pháp. Những năm 60 của thế kỷ 19, một phần tư dân số nước Pháp không nói tiếng Pháp, một phần tư chỉ nói như một ngôn ngữ thứ 2. Chỉ tại Paris và tầng lớp tinh hoa mới sử dụng tiếng Pháp, còn ở nông thôn người nông dân nói tiếng Breton, Picard, Flemish, Provençal và một số thổ ngữ địa phương khác. Hoặc như ở các cao nguyên Papua New Guinea, các cộng đồng sống ở các thung lũng kế cận không hiểu nhau do sử dụng thổ ngữ riêng biệt. Trở lại nước Pháp, với sự khuếch trương của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa trong thế kỷ 19, nhu cầu sử dụng tiếng Pháp tăng đáng kể. Như lời của Eugen Weber: “Mở trang báo thổ ngữ Breton… để thấy ngày càng nhiều bậc phụ huynh và con cái họ đang trở nên cam kết với sự hòa nhập, với sự Pháp hóa, vốn thúc đẩy cho sự huy động, tiến bộ, khuyến khích kinh tế – xã hội…Phát triển công nghiệp thúc đẩy sự thống nhất ngôn ngữ của lực lượng lao động đa ngôn ngữ di cư từ các vùng về các đô thị.” Sự thống nhất cuối cùng của ngôn ngữ ở Pháp chỉ hoàn tất cho đến Chiến tranh thế giới I, khi sự phục vụ trong các công sự hoàn tất quá trình mà các nhu cầu kinh tế đã thúc đẩy.7
Sự huy động xã hội vốn được thúc đẩy bởi sự phân chia lao động ngày càng lớn ngay lập tức đặt ra câu hỏi về bản sắc. Thời điểm này tôi là một nông dân sống trong làng nhỏ vùng Saxony, thời điểm khác đang làm trong một nhà máy Siemens ở thành phố Berlin. Đầu thế kỷ 21, những cuộc di cư tương tự diễn ra khắp nước Trung Hoa khi nông dân rời làng mạc tiến về các khu công nghiệp ở Thẩm Quyến, Thượng Hải tìm kiếm công ăn việc làm. Thế giới quan của người nông dân chuyển đổi từ mối quan hệ làng xã cố định, thân thiết, bó gọn trở nên rộng lớn, vô danh và đa dạng ở các đô thị hiện đại. Sự thay đổi này – sự chuyển dịch từ Gemeinshaft thành Gesellschaft được trình bày tỉ mỉ lần đầu tiên bởi Ferdiand Tönnies – không chỉ gồm sự thay đổi bản sắc về phương diện nghề nghiệp mà còn đặt ra câu hỏi về chính bản sắc. Giờ đây tôi không còn sống trong sự bao bọc của gia đình, bè bạn ở cố hương mà tôi có một mức độ tự do lựa chọn lớn hơn rất nhiều đối chính cuộc đời tôi. “Tôi là ai?” bỗng nhiên trở thành một câu hỏi thực tế và cấp bách. Sự thay đổi đó được trải nghiệm như một cuộc khủng hoảng hoặc một chấn động và sản sinh ra điều kiện mà Émile Durkheim gọi là bất ổn xã hội (anomie) hay thiếu quy chuẩn (normlessness). Durkheim đã thấy điều này qua tỉ lệ tự tử hơn trong những xã hội đang hiện đại hóa cũng như qua tình trạng gia tăng tội phạm và đổ vỡ gia đình vốn thường gắn liền với sự thay đổi xã hội nhanh chóng.8
Nhưng vấn đề với lý thuyết của Gellner khi liên hệ chủ nghĩa dân tộc với công nghiệp hóa và với một nền văn hóa trên nền tảng ngôn ngữ là không giải thích được sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc trong các xã hội phi công nghiệp. Sự phát triển kinh tế dẫn tới thay đổi xã hội ở nhiều quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ theo trình tự sau: thương mại phát triển rộng rãi → công nghiệp hóa → đô thị hóa → các hình thức mới của sự huy động xã hội. Tuy vậy trình tự này không nhất thiết luôn phải diễn ra. Ở Hy Lạp và Bắc Ý giai đoạn công nghiệp hóa hoặc được bỏ qua hoặc rút ngắn tác động của nó. Cả hai xã hội đã đô thị hóa nhưng không hình thành các lĩnh vực công nghiệp lớn – một hiện tượng mà tôi gọi là “hiện đại hóa nhưng không phát triển”. Mô hình này phổ biến ở nhiều nước không phải Tây phương, nơi mà chủ nghĩa thực dân đã thúc đẩy sự đô thị hóa và tạo nên một tầng lớp ưu tú hiện đại, song không tạo ra sự biến đổi toàn bộ xã hội thông qua lao động công nghiệp quy mô lớn.
Chủ nghĩa dân tộc ở các vùng thuộc địa có các nguồn gốc khác hơn so với ở Tây Âu. Dù các quốc gia này không công nghiệp hóa theo mô hình Tây phương, song họ vẫn có một tầng lớp tinh hoa mới, những người phải đương đầu với văn hóa hoàn toàn khác từ các nhà cai trị thực dân của họ. Tầng lớp này cảm thấy thôi thúc to lớn để thích ứng với văn hóa và tập tục của chính quyền thực dân và nhiều người đã thực sự bị hút vào bộ máy thống trị. Nhưng điều này đã tạo ra sự khủng hoảng về bản sắc khi họ tự tách bản thân khỏi gia đình và đồng bào bằng ngôn ngữ và sự Tây hóa. Đây là cuộc khủng hoảng trong đầu của vị luật sư trẻ được đào tạo tại Anh quốc – Mohandas Karamachand Gandhi khi ông đang thực tập ở Nam Phi và nó dẫn lối để ông dấn thân vào cuộc đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ. Chính cuộc khủng hoảng này đã thúc ép 3 nhà văn da đen từ các thuộc địa của Pháp – Aimé Césaire, Léon Damas và Léopold Senghor hình thành khái niệm “Ý thức và kiêu hãnh là người da đen” – ““Négritude””. Họ tìm cách đánh giá lại ý nghĩa của từ “da đen” (nègre), mà người Pháp trắng lúc đó sử dụng với nghĩa miệt thị và phân biệt chủng tộc, thành cái gì đó như niềm tự hào.
Những ý tưởng về một bản sắc dân tộc chung và nhu cầu thừa nhận phẩm giá của các bản sắc bản địa là một trong nhiều giá trị được mang từ Châu Âu đến các thuộc địa. Như Liah Greenfeld giải thích: “khi phạm vi ảnh hưởng của những những xã hội Tây phương cốt lõi (vốn định nghĩa chính họ như các dân tộc) mở rộng, những xã hội lệ thuộc/tìm cách gia nhập vào hệ thống siêu xã hội trong đó phương Tây là trung tâm trong thực tế đã không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành các dân tộc độc lập”.9 Tuy nhiên, điều này có nghĩa là chủ nghĩa dân tộc mang một hình thức rất khác trong các thuộc địa. Ở Tây Âu, các phong trào dân tộc chủ nghĩa nổi bật là phong trào của người Đức, vốn tìm cách thống nhất toàn bộ người nói tiếng Đức dưới một nhà nước có chủ quyền. Ở Ấn, Kenya, Miến Điện, chủ nghĩa dân tộc không dựa trên nền tảng ngôn ngữ bởi những nơi này gồm nhiều nhóm sắc tộc liên kết tạo nên mà không có nhóm nào vượt trội có thể thống nhất toàn bộ các dân tộc xung quanh vào nền văn hóa của nó. Vì vậy ở Kenya cuộc nổi dậy Mau Mau do Jomo Kenyatta khởi xướng, vốn bị chi phối bởi người Kikuyus, chỉ chiếm hơn 20% dân số của đất nước. Họ không thể hy vọng thống trị mãi đất nước hoặc áp đặt ngôn ngữ hay phong tục lên toàn xã hội. Quả thực ở nhiều quốc gia ngôn ngữ của thực dân vẫn là ngôn ngữ chính, bởi vì, thứ nhất nó được xem là sự lựa chọn trung lập hơn tất cả các thứ tiếng của các sắc dân khác, và thứ hai, nó có thể giúp kết nối thuộc địa cũ với nền kinh tế toàn cầu rộng lớn tốt hơn so với bất cứ tiếng nói bản địa nào.
BỐN CON ĐƯỜNG HÌNH THÀNH BẢN SẮC DÂN TỘC
Hầu hết các học giả nghiên cứu hiện tượng bản sắc dân tộc khẳng định rằng nó được ‘xây dựng về mặt xã hội’. Họ tranh luận quan điểm của nhiều nhà dân tộc chủ nghĩa cho rằng dân tộc là các nhóm được hình thành trên cơ sở sinh học đã có từ thời xa xưa. Ernest Gellner lập luận rằng chủ nghĩa dân tộc là một hiện tượng hiện đại, vốn để đáp ứng các nhu cầu của xã hội công nghiệp, đô thị hóa. Một số khác còn đi xa hơn cho rằng bản sắc dân tộc không phải đến từ mối liên kết của nó với những lực lượng xã hội rộng lớn như công nghiệp hóa mà là một sản phẩm của sự sáng tạo của các nghệ sĩ và các nhà thơ. Trường phái khác chịu ảnh hưởng kinh tế học lập luận rằng các bản sắc về cơ bản là cơ chế được các tổ chức chính trị sử dụng để thúc đẩy các lợi ích kinh tế nền tảng.10
Hoàn toàn chính xác khi cho rằng chủ nghĩa dân tộc là một sản phẩm của sự hiện đại hóa và các bản sắc dân tộc được kiến tạo về mặt xã hội. Nhưng quan niệm kiến tạo về mặt xã hội này sinh ra một số vấn đề quan trọng: Ai là người tạo dựng nên các bản sắc dân tộc mới? Tiến trình đó là từ trên xuống hay từ dưới lên? Khi được tạo nên, một số bản sắc dân tộc tồn tại lâu bền trong khi số khác nhanh chóng bị quên lãng. Chẳng hạn, Liên bang Xô Viết dành 70 năm để tạo ra một con “người Xô Viết mới” – người mang tính toàn cầu không thuộc chủng tộc, tôn giáo nào. Tuy vậy, khi Liên bang Xô viết tan rã thành các nước cộng hòa vào năm 1991, các bản sắc dân tộc xưa cũ trước đây tưởng chừng “vĩnh viễn yên nghỉ” nay trở lại khẳng định vị thế của chúng. Ngày nay không còn con người Xô Viết gì nữa ở những nơi như Crimea, chỉ có người Nga, người Ukraina, người Tatar. Tương tự, Liên minh Châu Âu đang gắng sức xây dựng ý thức hậu quốc gia cho các công dân Châu Âu từ thập niên 50, một dự án gặp phải những hạn chế rõ rệt theo sau cuộc khủng hoảng đồng euro từ năm 2009. Vậy đâu là giới hạn và triển vọng của việc kiến tạo dân tộc/quốc gia?
Khác xa với tiến trình vô tận của việc xây dựng xã hội, bản sắc dân tộc được hình thành thông qua bốn quá trình cơ bản, mà có thể diễn ra riêng biệt hoặc kết hợp. Một số về cơ bản là kiểu từ trên xuống và có tính chính trị, cần đến quyền lực chính quyền để củng cố. Một số khác theo kiểu từ dưới lên, là kết quả do các hoạt động tự phát của quần chúng. Phải có một số sự liên kết giữa 2 quá trình (từ trên xuống – từ dưới lên), bằng không bản sắc sẽ không thể bén rễ.
Trước tiên, là việc xác định ranh giới chính trị để phù hợp với dân số; thứ 2 là sự chuyển dịch hoặc từ bỏ một phần dân số để phù hợp với ranh giới hiện hành; thứ 3, đồng hóa văn hóa đối với các nhóm thiểu số vào trong nền văn hóa chi phối; thứ 4 là cải biến khái niệm bản sắc dân tộc để phù hợp với những điều khả thi về mặt chính trị, trên cơ sở điều kiện tự nhiên, xã hội. Hầu hết các công cuộc xây dựng bản sắc dân tộc thành công do tương tác của cả 4 cách tiếp cận này. Tuy vậy xin lưu ý là 3 quá trình đầu thường liên quan đến bạo lực và cưỡng chế.
1. Thay đổi biên giới để phù hợp với những bản sắc dân tộc được chọn. Các nền vương trị trên thế giới từ đế quốc La-Mã và Maurya đến đế chế Ottoman và đế quốc Áo – Hung được xây dựng mà không lưu tâm đến bản sắc văn hóa. Kể từ cuộc Cách mạng Pháp trở đi khi nguyên tắc dân tộc xuất hiện, các đơn vị chính trị rộng lớn đó bắt đầu tan vỡ thành những thực thể đồng nhất hơn về mặt dân tộc ngôn ngữ. Vì vậy Thổ Nhĩ Kỳ đã rút gọn tới lõi gồm người nói tiếng Thổ của nó ở Tiểu á, và đế quốc Áo – Hung tan rã thành vô số các tiểu quốc ở vùng Balkans. Trường hợp gần đây nhất là sự giải thể của Liên bang Xô-Viết – một quốc gia được xây dựng trên những nguyên tắc về ý thức hệ mang tính phổ quát nhưng sự sụp đổ vào năm 1991 khiến Liên Xô phân rã thành nhiều quốc gia nhỏ trên nền tảng thống nhất về dân tộc-ngôn ngữ. Trong các trường hợp khác, biên giới quốc gia mở rộng để thêm vào các tiểu quốc như sự thống nhất của người Đức và Italia .
2. Chuyển dời hoặc loại bỏ thành phần dân cư để tạo những đơn vị chính trị đồng nhất hơn. Trong các cuộc chiến vùng Balkan sau khi Liên bang Nam Tư sụp đổ, điều này được biết đến với tên gọi là “thanh lọc sắc tộc”. “Thanh lọc sắc tộc” theo một nghĩa nào đó là biện pháp đi kèm tự nhiên với sự chuyển dịch nguyên tắc cai trị của vương triều sang nguyên tắc về tính thống nhất quốc gia.
Các đế chế nông nghiệp rộng lớn đa ngôn ngữ, sắc tộc tương thích về cả sự cai trị khách quan lẫn pháp quyền. Thật vậy, chúng phụ thuộc vào các thiết chế có tính phổ quát để vận hành, vì chúng lớn mạnh dựa trên mối tương tác đa dạng về sắc tộc và ngôn ngữ. Vào thời đỉnh cao của đế chế La-mã vào thế kỉ 2 sau công nguyên, du khách đi từ nước Anh đến Bắc Phi, Syrie hoặc vùng Tiểu Á có thể tìm thấy những mô hình hành chánh, luật pháp và đường xá tương tự. Fin de siècle Vienna là một trong những thành phố tự do và mang tính quốc tế nhất thế giới, phản ánh sự da dạng của đế chế mà nó là thủ đô.
Khi đế chế đa chủng tộc bị tan vỡ thành các quốc gia được tổ chức theo nguyên tắc dân tộc chủ nghĩa, thì các thiểu số sắc tộc khác nhau bị mắc kẹt trong đó. Họ có thể được trợ giúp nếu các nhà nước dân tộc mới áp dụng một nền pháp quyền tự do, nhưng sức mạnh của sự tự khẳng định dân tộc chủ nghĩa khiến cho điều này hiếm khi xảy ra. Hậu quả là những chuyển dịch to lớn về dân số khi các nhóm thiểu số bị đẩy ra khỏi các nhà nước dân tộc mới hình thành hoặc đổi chác với các thiểu số khác ở quốc gia láng giềng. Vì vậy dân cư tạp cư của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ở Tiểu Á và những người Aegean ở phía đông đã sống hòa thuận bên nhau trong suốt thời kỳ đế chế Byzantine, song đã tách biệt với nhau trong chiến tranh Hy Lạp – Thổ (1919 – 1922). Trong chừng mực nào đó, đệ nhị thế chiến bị làm cho nổ ra bởi nhóm dân chẳng hạn như người Đức vùng Sudeten, Tiệp Khắc và người Đức vùng Baltic ở Ba Lan. Kết thúc chiến tranh đã chứng kiến những đợt di dân khổng lồ (cũng như vẽ lại đáng kể các đường biên giới) giữa Đức, Ba Lan, Ukraine, Tiệp Khắc và các quốc gia khác. Vì vậy thanh lọc sắc tộc vùng Balkans không phải là phát kiến trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Như một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, sự ổn định của Tây Âu hiện đại được xây dựng do thanh lọc sắc tộc diễn ra trong những giai đoan lịch sử trước đó, mà người Châu Âu hiện đại đã lãng quên.
3. Đồng hóa văn hóa. Các sắc dân thứ yếu có thể chấp nhận ngôn ngữ và phong tục của nhóm chiếm ưu thế hoặc một số trường hợp đã kết hôn với họ đến mực làm nhạt nhòa bản sắc riêng biệt và cuối cùng biến mất. Đồng hóa có thể diễn ra tự nguyện, khi các nhóm thiểu số nhận thấy lợi ích chính họ trong việc quyết định thích nghi với nền văn hóa chi phối. Sự giảm bớt số lượng ngôn ngữ vùng miền ở Pháp và việc áp dụng tiếng Pháp của người Paris như một tiêu chuẩn quốc gia là một trường hợp điển hình. Tương tự, hầu hết các nhóm di dân đến Mỹ học tiếng Anh và học theo các tập quán Mỹ bởi đó là cách để thăng tiến xã hội
Có lẽ câu chuyện về đồng hóa vĩ đại nhất thuộc về đất nước Trung Hoa. Điều khác thường ở quốc gia mênh mông này là người Hán chiếm hơn 90% dân số. Trung Hoa đã không từng quá đồng nhất; tuy nhiên thành phần sắc tộc như hiện nay là kết quả của hơn 2 thiên niên kỷ đồng hóa quyết liệt không ngơi nghỉ. Nền văn minh Hán khởi nguồn ở thung lũng phía bắc sông Hoàng Hà từ 4000 năm trước. Nhà nước của người Hán đầu tiên được thành lập từ các cuộc chinh phục của nhà Tần (nay là phía Bắc Trung Trung Quốc) vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Nhà nước này lần lần mở mang bờ cõi về phía đông nam, tây nam, phía nam và đông bắc qua nhiều thế kỷ. Trong quá trình chiếm đoạt đó, người Hán đã xâm nhập vào các thành phần dân cư đa sắc tộc bản địa, đặc biệt là người du mục Thổ – Mông ở miền bắc và miền tây. Sự đa dạng văn hóa độc đáo ban đầu này được lưu giữ dưới nhiều hình thức truyền khẩu khác nhau vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Nhưng ngôn ngữ chính thống đã được thống nhất từ triều đại nhà Tần và dùng làm nền tảng cho nền văn hóa tinh hoa chung trên toàn đế chế. Trung Quốc từng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các sắc dân phi Hán nhưng hầu hết các sắc dân bên ngoài cuối cùng rồi cũng chấp nhận chuẩn mực văn hóa Trung Hoa và các cuộc hôn nhân với người Hán quá phổ biến đến nỗi những người còn lại ở Trung quốc không còn có thể được phân biệt như là các nhóm thiểu số nữa. Các trường hợp ngoại lệ là tộc người Ngô Duy Nhĩ sống về phía tây tỉnh Tân Cương, người Mông Cổ ở nội Mông và người Tây Tạng. Cuộc đồng hóa không ngơi nghỉ vẫn tiếp tục như một chính sách của chính phủ Trung quốc, với việc đưa người Hán lên định cư ở mỗi vùng đó.
Chúng ta không nên đánh giá thấp vai trò của sức mạnh, thường mang tính ép buộc, trong việc mang lại sự đồng hóa văn hóa. Việc chọn lựa một ngôn ngữ quốc gia là một hành động chính trị ở những ai nói nó. Rất ít nhóm thiểu số tình nguyện từ bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ, đặc biệt nếu họ tập trung trong một khu vực riêng biệt, nơi mà họ sống cùng các thế hệ. Công cụ chính của việc đồng hóa văn hóa là hệ thống giáo dục công cộng và thứ đến là chọn lựa ngôn ngữ ở các cơ quan hành chính công. Kiểm soát hệ thống trường học vì vậy là một vấn đề hết sức gây tranh cãi và nó cũng là mục tiêu trọng tâm của những người kiến tạo quốc gia.
4. Điều chỉnh các bản sắc để phù hợp với điều kiện chính trị thực tế. Tất cả những dự án xây dựng quốc gia sau rốt phải đối mặt các trở lực thực tế trong việc đạt được sự tương thích giữa ý tưởng và thực tế. Vấn đề bản sắc không thể tách rời khỏi vấn đề lãnh thổ. Các ý tưởng có thể được điều chỉnh theo nhiều cách: những yêu sách về lãnh thổ có thể phải hạ xuống, bản sắc có thể được thay đổi từ sắc tộc hoặc tín ngưỡng sang ý thức hệ hoặc một khái niệm linh hoạt hơn về một nền văn hóa chung, hay các khái niệm hoàn toàn mới về bản sắc có thể được giới thiệu để thay thế các khái niệm hiện tại. Thay đổi định nghĩa về bản sắc dân tộc để phù hợp hơn với thực tế là hướng đi ít cưỡng bức nhất và nhiều triển vọng nhất để đoàn kết dân tộc.
CHỨNG QUÊN LÃNG LỊCH SỬ
Các dự án xây dựng dân tộc là cực kì gây tranh cãi vì thế giới chưa bao giờ bao gồm “các dân tộc” đồng nhất, cố kết sẵn sàng để chuyển thành các đơn vị chính trị. Như là kết quả của công cuộc chinh phục, di trú và trao đổi mậu dịch, tất cả xã hội đã và vẫn là sự pha trộn phức tạp của các bộ lạc, tộc người, tôn giáo và bản sắc vùng miền. Bất kỳ ý tưởng dân tộc nào chắc chắn cũng hàm ý sự hoán cải hoặc loại trừ các cá nhân được cho là nằm ngoài biên giới của nó, vì vậy nếu họ không muốn thực hiện điều này hòa bình, thì họ sẽ bị cưỡng chế. Sự cưỡng chế này có thể được thực hiện từ trên xuống bởi chính quyền, nhưng nó cũng có thể mang hình thức bạo lực cộng đồng, khi một cộng đồng giết hoặc đuổi những các cộng đồng láng giếng của nó. Vì vậy 25 quốc gia định hình nên Châu Âu vào giữa thế kỷ 20 là những gì còn lại từ 500 đơn vị chính trị từng tồn tại ở đó vào cuối thời Trung cổ.
Trong tất cả trường hợp tranh luận cho đến nay – Đức, Hy-lạp, Italia, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ – các hệ quả đương đại, bao gồm tăng trưởng kinh tế cao và nền dân chủ tự do, đều phụ thuộc vào tình trạng bạo lực và cưỡng bức của lịch sử trước đó. Tôi cũng đã trình bày về điều này với các trường hợp Đức và Hy-lạp, cả hai có các cộng đồng lớn thuần chủng bị phân tán xen kẽ với các nhóm thiểu số ở phía đông của họ. Sự hình thành các nhà nước Đức và Hy-lạp đương đại bắt đầu bằng bạo lực; ở Đức, thủ tướng Bismarck gây chiến với Đan Mạch, Áo và Pháp; trong khi người Hy-lạp nổi dậy chống chính quyền của đế chế Ottoman. Bạo lực vẫn diễn ra ở thế kỷ tiếp theo khi các nhóm dân bị chuyển dịch và các đường biên giới vẫn liên tục được vẽ lại.
Ernest Renan, một trong những tác giả đầu tiên mô tả hiện tượng chủ nghĩa dân tộc hiện đại, nói về chứng lãng quên lịch sử đi cùng tiến trình kiến tạo dân tộc. Theo ông “Việc lãng quên, thậm chí nói sai lệch lịch sử, là cần thiết cho việc kiến tạo dân tộc, đó là lý do tại sao sự tiến triển trong nghiên cứu lịch sử đề ra một mối đe dọa cho tính dân tộc. Nghiên cứu lịch sử lôi ra ánh sáng những sự kiện bạo lực vốn là nguồn gốc của tất cả những sự thiết lập về mặt chính trị, mà nhiều trong số đó mang lại các hệ quả có lợi”. Ông cho rằng sự lãng quên đầu tiên là về những cuộc chinh phục của người man rợ với Châu Âu, trong đó những chiến binh độc thân, sau khi đánh bại những tàn dư của đế chế La-mã, đã cưới phụ nữ địa phương và theo phong tục của họ. Chứng lãng quên lịch sử tiếp tục qua nhiều thế kỷ khi chúng ta quên sự tồn tại của các thực thể độc lập và đầy kiêu hãnh như vương quốc như Burgundy, Đại công quốc Parma hoặc công quốc Schleswig – tất cả hiện giờ chỉ tồn tại như các khu vực phụ thuộc vào các nhà nước lãnh thổ rộng lớn hơn.11
Liên hiệp vương quốc Anh và Hoa Kỳ đôi khi được xem là hình mẫu của sự phát triển chính trị hòa bình, đã thành công trong việc ngăn chặn những cuộc bạo động vốn diễn ra ở các xã hội khác khi thiết lập bản sắc quốc gia thông qua quá trình cải cách dần dần, từng bước một. Nhưng điều này chỉ đúng trong chừng mực nào đó; chứng lãng quên lịch sử của Renan tồn tại ở cả hai trường hợp này. Những cư dân Celtic nói tiếng Gaelic ở Liên hiệp Anh nhiều lần bị xâm lược từ bên kia eo biển, đầu tiên là đế quốc La-mã, và sau đó là những đợt sóng xâm lăng liên tiếp của người Angles, người Saxons, dân Đan Mạch và cuối cùng là vương triều Norman nói tiếng Pháp. Sự chuyển đổi Anh quốc thành liên hiệp vương quốc Anh đi cùng với những cố gắng bạo lực để sáp nhập xứ Wales, Tô Cách Lan, Ái Nhĩ Lan và giới hạn của sự chịu đựng đã dẫn đến cuộc nổi loạn vào lễ Phục sinh năm 1916 ở Ái Nhĩ Lan và lập nên nước Cộng hòa Ái Nhĩ Lan. Không cần phải nói, từ lâu Bắc Ái Nhĩ Lan không hạnh phúc cho lắm trong ngôi nhà của người Anh và hiện tại người Tô Cách Lan đã lên kế hoạch trưng cầu ý dân về nền độc lập.
Quan sát của Renan về chứng quên lịch sử gợi nhớ lại các tư tưởng tương tự của Niccolò Machiavelli. Viết về thời kỳ đầu của La-mã trong Nghị luận về 10 quyển sách đầu của Livy (hay còn gọi là Bàn về chủ nghĩa cộng hòa), Machiavelli lưu ý rằng sự tạo lập thành phố vĩ đại dựa trên nền tảng của cuộc huynh đệ tương tàn của hai anh em song sinh Remus và Romulus. Ông đưa ra một nhận định rằng tất cả các sự nghiệp đều khởi đầu từ tội ác.12 Điều tương tự đúng với việc xây dựng nền dân chủ Hoa Kỳ. Bắc Mỹ không phải là một miền đất “định cư mới” như đôi khi được khẳng định. Đó là nơi cư ngụ rải rác của các bộ lạc bản địa rồi họ bị tiêu diệt, xua đuổi, chuyển ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn vào những khu bảo tồn để dọn đường cho các thể chế dân chủ của dân định cư. Bản sắc dân tộc Mỹ hình thành trên nguyên tắc bình đẳng, quyền cá nhân và dân chủ nhưng không thể có được bản sắc đó trừ khi trả giá bằng các cư dân bản địa của đất nước. Điều này không khiến giảm bớt tính dân chủ, nhưng nó cũng không có nghĩa là tội ác trước đó không phải là tội ác. Ngoài ra, vấn đề liệu bản sắc của Mỹ nên dành sự ưu tiên cho liên minh chính trị dựa trên xác quyết về sự bình đẳng trong Tuyên ngôn độc lập hoặc hay cho sự bảo vệ các quyền của các bang trong Hiến pháp, đã không được giải quyết hòa bình qua tiến trình dân chủ. Do đó trong khi người Đức và người Hy-lạp có thể có nhiều ký ức sống động về bạo lực hơn trong lịch sử gần đây của họ, thì người Anh và người Mỹ không nên quên những bản sắc dân tộc đương thời của họ được thụ hưởng là từ các cuộc đấu tranh đẫm máu trong quá khứ xa xưa.
Chú thích
- On the idea of social cooperation arising out of competitive pressures, see Fukuyama, Origins of Political Order, chap. 2.
- This is the definition given in Ernest Gellner, Nations and Nationalism, 2nd ed. (Malden, MA: Blackwell, 2006), p. 1.
- See Charles Taylor, ed., Multiculturalism: Examining the Politics of Recognition (Princeton: Princeton University Press, 1994).
- Benedict Anderson, Imagined Communities: Reflections on the Origins and Spread of Nationalism , rev. ed. (New York: V erso, 1991), pp. 37–46. Similar points are made in Elizabeth L. Eisenstein, The Printing Revolution in Early Modern Europe, 2nd ed. (New York: Cambridge University Press, 2005).
- Ernest Gellner, “Nationalism and the Two Forms of Cohesion in Complex Societies,” in Culture, Identity, and Politics (New York: Cambridge University Press, 1987), pp. 15–16.
- See Gellner, Nations and Nationalism, pp. 38–42.
- Eugen Weber, Peasants into Frenchmen: The Modernization of Rural France, 1870–1914 (Stanford, CA: Stanford University Press, 1976), pp. 67, 84, 86.
- See Émile Durkheim, Suicide (Glencoe, IL: Free Press, 1951).
- Liah Greenfeld, Nationalism: Five Roads to Modernity (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1992), p. 14.
- The general point about the current constructivist consensus is made by Keith Darden, Resisting Occupation: Mass Schooling and the Creation of Durable National Loyalties (New York: Cambridge University Press, 2013). For different types of constructivist arguments, see Rogers Brubaker, Nationalism Reframed: Nationhood and the National Question in the New Europe (New York: Cambridge University Press, 1996), and Ethnicity without Groups (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2004); David D. Laitin, Nations, States, and Violence (New York: Oxford University Press, 2007).
- Ernest Renan, Qu’est-ce qu’une nation? What Is a Nation? (Toronto: Tapir Press, 1996), p. 19.
- On this point, see Mansfield, Machiavelli’s Virtue, pp. 64–66, 262.
Nguồn: Francis Fukuyama. 2014. National Building (Xây dựng dân tộc; bản dịch của Trần Dung). Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy. Farrar, Straus and Giroux. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.