Trật tự chính trị và suy tàn chính trị

Thông tin chi tiết

Mục: Political Order and Political Decay (Trật tự chính trị và suy tàn chính trị)

Sách: Political Order and Political Decay

Tác giả: Francis Fukuyama

Chuyển ngữ: Mai Hoàng Chương

Hiệu đính: Minh Anh (Nhóm Tinh Thần Khai Minh)

Hướng dẫn trích nguồn: Francis Fukuyama. 2014. Political Order and Political Decay (Trật tự chính trị và suy tàn chính trị; bản dịch của Mai Hoàng Chương). Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy. Farrar, Straus and Giroux. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.

Tải về tại đây:

TRẬT TỰ CHÍNH TRỊ VÀ SUY TÀN CHÍNH TRỊ

                                                                        Tác giả: Francis Fukuyama

                                                                        Chuyển ngữ: Minh Hoàng Chương

                                                                        Hiệu đính: Minh Anh

           

Sự phát triển chính trị và tiến hóa sinh học; phát triển chính trị và mối tương quan của nó với các kích thước phát triển khác; tầm quan trọng của những tác động quốc tế; trở thành một nhà nước hiện đại; vai trò của bạo lực trong phát triển chính trị; nền dân chủ tự do có phải là một sự phổ quát mà phát triển mang lại?

 

Hai tập của cuốn sách này đã lần theo nguồn gốc, sự tiến hóa và suy tàn của các thiết chế chính trị theo thời gian.

Ở một số khía cạnh, sự phát triển của chính trị tương tự như quá trình tiến hóa sinh học. Cái sau dựa trên sự tương tác của hai nguyên tắc: biến dị/biến đổi và chọn lọc. Tương tự như vậy trong chính trị: cũng có sự biến đổi về bản chất của các thiết chế chính trị; như là kết quả của sự cạnh tranh và tương tác với môi trường vật chất, một vài thiết chế nào đó sống sót theo thời gian trong khi một số thiết chế khác tỏ ra không phù hợp. Cũng như một số loài sẽ bị đào thải khi không thích nghi với sự thay đổi môi trường sống, sự suy tàn chính trị cũng sẽ xảy ra khi các thể chế tỏ ra không thể thích ứng được.

Trong khi sự biến đổi trong quá trình tiến hóa sinh học là ngẫu nhiên, thì con người có thể thực hiện một số vai trò chủ động trong việc thiết kế các thiết chế của họ. Đúng là, như các tác giả như Friedrich A. Hayek đã lập luận, rằng con người không bao giờ đủ sự hiểu biết hay sự khôn ngoan để có thể dự đoán các kết quả của những nỗ lực thiết kế các thiết chế hay các chính sách kế hoạch hóa của họ với đầy đủ nhận thức về các kết quả.1 Nhưng sự thực hiện của con người không phải chỉ một lần: con người học hỏi từ những sai lầm của mình và có những hành động để sửa sai khi gặp lại chúng. Hiến pháp được thông qua bởi Cộng hòa Liên bang Đức năm 1949 khác đáng kể so với hiến pháp của Cộng hòa Weimar, chính vì Đức đã rút kinh nghiệm từ thất bại của chế độ dân chủ trong  những năm 1930.

Trong tiến hóa sinh học, có các tiến trình riêng và tiến trình chung. Đối với tiến trình tiến hóa riêng, sinh vật thích nghi với môi trường cụ thể và tạo ra tính đa dạng của các đặc điểm của chúng. Điều này dẫn đến sự hình thành loài; những chú chim sẻ nổi tiếng của Charles Darwin là kết quả của sự thích nghi của loài chim này với môi trường cụ thể (nơi chúng sống). Trong quá trình tiến hóa chung, các loài khác nhau tiến hóa những đặc điểm tương tự nhau vì chúng phải giải quyết vấn đề tương tự: vì vậy các giác quan như mắt sẽ tiến hóa một cách độc lập bất kể sự khác nhau giữa các loài.

Điều này cũng xảy ra tương tự với con người. Khoảng năm mươi ngàn năm trước, khi nhóm người hiện đại đầu tiên rời châu Phi tới Trung Đông, họ đã trở nên khác biệt một chút về mức độ di truyền tuy nhiên lại khác xa về văn hóa. Có một sự kiện thực trong câu chuyện về tháp Babel trong Kinh Thánh: khi con người di cư tới châu Âu, châu Á, Nam Á, châu Đại Dương và cuối cùng là châu Mỹ, ngôn ngữ và tập quán văn hóa của họ bắt đầu trở nên khác biệt khi họ thích ứng với đa dạng các môi trường sinh thái. Nhưng đồng thời có một quy trình tiến hóa về chính trị chung xảy ra: các dân tộc với văn hóa khác nhau phải giải quyết những vấn đề tương tự và do đó đi đến các giải pháp tương tự ngay cả khi họ bị hạn chế hay không tiếp xúc với những dân tộc khác.

Tôi sẽ mô tả một số sự chuyển dịch chủ yếu về các thiết chế chính trị đã diễn ra ở các xã hội khác nhau trên thế giới:

  • Từ các thị tộc tới các bộ lạc
  • Từ các bộ lạc tới các nhà nước
  • Từ nhà nước thân hữu tới các nhà nước hiện đại
  • Sự phát triển của hệ thống pháp luật độc lập
  • Sự xuất hiện các thiết chế chính thức chịu trách nhiệm giải trình

Những sự chuyển dịch chính trị này xảy ra một cách độc lập trong xã hội với những chuẩn mực văn hóa khác nhau. Sự phân chia theo dòng tộc – chế độ bộ lạc – hầu như xuất hiện trên toàn thế giới vào một thời điểm nhất định trong sự phát triển của loài người. Tất cả đều được dựa trên một nguyên tắc có nguồn gốc từ một tổ tiên chung, và tất cả đều được duy trì bởi niềm tin tôn giáo vào sức mạnh của tổ tiên đã mất và con cháu chưa sinh ra trên đời. Tuy có sự đa dạng trong cơ chế tổ chức mang tính thân tộc vốn là hệ quả của phương thức sống, nhưng cấu trúc cơ bản của các bộ lạc trên khắp các xã hội có vị trí địa lý tách biệt là giống nhau đáng kể.

Tương tự như vậy, các nhà nước bắt đầu xuất hiện ở gần cùng một thời điểm trong lịch sử ở vùng Lưỡng Hà, Trung Quốc, Ai Cập, và Mexico, với cơ cấu chính trị nhìn chung giống nhau. Các nhà nước này tạo thành những xã hội với quy mô lớn và giàu có hơn vốn có thể tạo ra sức mạnh quân sự đủ lớn để duy trì được quyền tự chủ của chúng, chống lại những đối thủ cạnh tranh có tổ chức hơn kém hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này, tất cả các nhà nước phải đối mặt với vấn đề khắc phục việc coi quan hệ huyết thống là nguyên tắc cơ bản trong các tổ chức chính trị và thay vào đó là những hình thức cai trị mang tính khách quan (phi cá nhân) hơn. Những xã hội khác nhau giải quyết vấn đề này theo những cách thức khác nhau, từ sự phát minh ra nhà nước với bộ máy quan liêu của người Trung Quốc tới thể chế chế độ nô lệ quân sự của người Arab- Ottoman, tới sự xói mòn của chính nguyên tắc huyết thống và được thay thế bằng hiệp ước phong kiến trong các vùng Kitô Giáo Tây Phương. Cuối cùng, hệ thống pháp lý độc lập đã phát triển ở Israel cổ đại, đạo Cơ-đốc phương Tây, Ấn Độ và thế giới Hồi giáo dưới hình thức giáo luật và được cai quản bởi một hệ thống đẳng cấp với các linh mục, những người chí ít cũng có những quyền hạn danh nghĩa đối với các nhà cai trị thế tục. Nội dung của những luật lệ này khác nhau đáng kể giữa các nền văn hóa cũng như trình độ và tính chất của thể chế. Tuy nhiên kết cấu cơ bản của luật với tư cách một tập các quy tắc cộng đồng nhằm hạn chế quyền lực của những người nắm giữ các phương tiện cưỡng chế là giống nhau ở các xã hội này. Những luật lệ quy định đời sống gia đình, quyền thừa kế, tài sản, và cung cấp cho việc giải quyết tranh chấp trong một lĩnh vực mà phần nào được bảo vệ khỏi nhà nước. Nền văn minh lớn duy nhất trên thế giới không phát triển nền pháp quyền theo nghĩa này là Trung Quốc, chủ yếu bởi vì Trung Quốc chưa bao giờ phát triển một tôn giáo siêu việt mà luật pháp có thể dựa vào.

Những sự chuyển dịch không đạt được phổ quát ở tất cả các xã hội loài người. Hiện vẫn còn một số ít các xã hội kiểu thị tộc sống ở những vùng hang hốc hẻo lánh như sa mạc Kalahari, Bắc cực, và một số lượng đáng kể các xã hội bộ lạc ở miền núi, sa mạc, và các khu vực rừng rậm. Một mức độ tổ chức chính trị chưa bao giờ được thay thế hoàn toàn bởi một mức độ khác: vì vậy ở Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông, sự tổ chức theo quan hệ huyết thống (bộ lạc) tiếp tục tồn tại lâu sau khi tạo ra nhà nước. Chỉ có ở Tây Âu thì sự tổ chức theo quan hệ huyết thống (bộ lạc) hầu như đã được loại bỏ ở mức độ xã hội trước khi có sự xuất hiện của nhà nước hiện đại. Trong các xã hội khác, quyền lực chính trị của nhà nước chỉ đơn giản phủ lên trên cơ sở cấu trúc huyết thống hiện có, và khi nó suy yếu, quyền lực của dòng dõi/huyết thống (bộ lạc) lại hồi sinh. Tại Trung Đông, bộ tộc vẫn là một lực lượng mạnh mẽ và cạnh tranh với nhà nước về thẩm quyền.

Thông qua chọn lọc tự nhiên, những cá nhân cạnh tranh với nhau và những cá nhân nào thích nghi tốt nhất với môi trường thì sống sót. Nhưng Charles Darwin đã mô tả một quá trình tiến hóa thứ hai, đó là sự chọn lọc bạn tình, hoạt động trái ngược quá trình ban đầu. Những con đực cạnh tranh để tiếp cận với những con cái và đôi khi phát triển những đặc điểm (như những cái gạc của hươu đực) như là dấu hiệu cho sự khỏe mạnh về khả năng sinh sản nói chung trong giống loài. Nhưng cũng những đặc điểm này không nhất thiết thích hợp cho các loài khác và có thể tạo thành một nguy cơ khi một loại động vật ăn thịt khác xuất hiện trong môi trường. Tiến hóa riêng biệt trong môi trường được cách ly thường được thúc đẩy bởi sự chọn lọc bạn tình hơn là chọn lọc tự nhiên, và khi mà “các cuộc đua vũ trang” cục bộ giữa những con đực cùng loài loại bỏ lẫn nhau.

Như nhà kinh tế học Robert Frank đã chỉ ra, có một bản sao về mặt chính trị đối với kiểu chọn lọc bạn tình. Không phải mọi thiết chế chính trị, xã hội phát sinh đều là sản phẩm của một cuộc đấu tranh khốc liệt cho sự sống còn của nhóm. Các thiết chế hiện tồn có thể hướng hành vi cạnh tranh vào các con đường khác. Vì thế những nhà quản lý quỹ giàu có không cạnh tranh thông qua sự phô trương năng lực thể chất hoặc chiến đấu với dao và gậy. Họ cạnh tranh trên cơ sở độ lớn của tiền bạc hay các bộ sưu tập nghệ thuật của mình. Như Frank chỉ ra, rất nhiều trong số các cuộc cạnh tranh này là về tương quan địa vị và có đặc điểm được thua. Nghĩa là, sự tiêu thụ có giá trị chỉ bởi vì sự dễ thấy, điều dẫn các loài phô bày sự khoa trương. Vì vậy, các tiểu vương của nước Ý thời Phục hưng đã cạnh tranh để trở thành người bảo trợ cho nghệ thuật. Tuy sự đầu tư này có giá trị to lớn cho các thế hệ sau nhưng lại không giúp được gì nhiều trong cuộc đấu tranh quân sự của họ chống lại những kẻ thù bên ngoài lớn và được tổ chức tốt hơn  như các vua Tây Ban Nha và Pháp.

Các chiều kích của sự  phát triển

Tập này bao gồm giai đoạn được đánh dấu bởi sự khởi đầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp ở châu Âu và Mỹ, mức độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững mà nó tạo ra. Ngược lại, các xã hội nông nghiệp ở châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, và Trung Đông – được mô tả trong tập đầu tiên, tồn tại trong thế giới kinh tế của thuyết Malthus, vốn coi sự cướp bọc là một phương thức hoạt động duy lý về mặt kinh tế. Sự thay đổi công nghệ sản xuất đã diễn ra, nhưng quá chậm đến nỗi sự gia tăng sản lượng bình quân đầu người nhanh chóng bị mất đi bởi sự gia tăng dân số. Với rất ít cơ hội cho đầu tư sản xuất, hoạt động chính trị xoay quanh việc một nhóm tổ chức chính nó nhằm chiếm đoạt thặng dư nông nghiệp của một nhóm khác. Hệ thống này đã tạo ra những công trình văn hóa to lớn và lối sống xa hoa cho giới thượng lưu nhưng bắt đại đa số người dân sống khốn khổ. Lợi ích chính mà nó mang lại cho tầng lớp không phải tinh hoa là an ninh và hòa bình chính trị.

Đây không phải là một lợi ích tầm thường. Trong thời đại mà dân số có thể giảm một nửa hoặc ba phần tư vì nạn đói, bệnh tật và sự tàn sát gây ra bởi chiến tranh, xâm lược thì sự bảo đảm của giới cầm quyền về hòa bình là một lợi ích công quan trọng. Hệ thống này có thể ổn định qua nhiều thế kỷ vì sự khác biệt trong khả năng tổ chức giữa tầng lớp tinh hoa và các tầng lớp khác tự được củng cố. Tuy các cuộc khởi nghĩa nông dân vẫn diễn ra thường xuyên ở các quốc gia nông nghiệp từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kì tới Pháp và Đức nhưng rồi chúng luôn bị chặn lại và thường bị đàn áp dã man bởi các tầng lớp địa chủ. Các hệ tư tưởng cai trị của các hệ thống này đều hợp thức hóa sự phân tầng con người thành các nhóm có địa vị hoặc đặc quyền khác nhau và tích cực ngăn chặn sự chuyển động của xã hội.

Nền kinh tế tăng trưởng thấp và theo kiểu kẻ được – người mất này thực sự mô tả tình hình của nhiều nước kém phát triển ngày nay. Trong khi về mặt lý thuyết thì các nước như Sierra Leone hay Afghanistan có thể trở thành cường quốc công nghiệp như Hàn Quốc thông qua sự đầu tư thích hợp, song sự thiếu hụt những thiết chế mạnh của các quốc gia này đã làm mất đi khả năng lựa chọn tất cả các mục đích thực tiễn này. Thay vì bắt đầu một công việc kinh doanh, một số doanh nhân trẻ lại dường như muốn làm giàu cho bản thân bằng cách gia nhập các tổ chức chính trị, tổ chức lực lượng dân quân, hoặc mưu đồ chiếm lấy một phần tài nguyên giàu có của đất nước.

Như chúng ta đã thấy, sự cân bằng kiểu xã hội nông nghiệp này đã thay đổi nhanh chóng với sự ra đời của công nghiệp hóa vào thế kỷ XIX. Sự tăng trưởng kinh tế cao liên tục được thúc đẩy bởi công nghệ đã tái tạo lại các xã hội một cách căn bản. Những người nông dân vốn thụ động về chính trị trong nhiều thế kỉ trước đã chuyển đến các thành phố hay các trung tâm sản xuất nơi mà họ bị biến đổi thành tầng lớp lao động công nghiệp. Cư dân của thành thị có được mức độ giáo dục cao hơn và họ nổi lên như một tầng lớp trung lưu mới. Như Adam Smith giải thích, cải thiện về giao thông và công nghệ thông tin liên lạc đường thủy làm mở rộng quy mô thị trường một cách đáng kể trong các thế kỷ XVII và XVIII. Điều này tạo điều kiện cho một sự thay đổi lớn trong phân công lao động, vốn là động lực chính cho sự thay đổi xã hội ở Anh, Bỉ, Đức và Pháp, một quá trình mà chỉ bắt đầu diễn ra ở khu vực Đông Nam Á vào cuối thế kỷ XX và vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc đầu thế kỉ XXI.

Mô hình phát triển được mô tả trong chương 2 chỉ ra rằng ba thiết chế chính trị chính – nhà nước, nền pháp quyền và trách nhiệm giải trình – chịu áp lực khi sự huy động xã hội nhanh chóng thúc đẩy cho các yêu cầu tham dự chính trị. Đây là điểm mấu chốt mà tại đó các thiết chế chính trị của trật tự xã hội nông nghiệp, hoặc là thích ứng với các yêu cầu tham dự hoặc chúng sẽ tan rã. (xem hình 29). Những nhóm xã hội cũ như các địa chủ lớn, hoặc các thành phần của nhà nước liên minh với họ (ví dụ như quân đội) đã cố gắng ngăn chặn yêu cầu tham dự. Khả năng của những nhóm xã hội mới áp đặt con đường của họ lên hệ thống chính trị phụ thuộc vào mức độ tổ chức của họ. Ở châu Âu và Mỹ, điều này diễn ra trong hai giai đoạn, thông qua sự phát triển của tổ chức công đoàn và sau đó hình thành các đảng chính trị mới đại diện cho lợi ích của họ. Nếu các đảng phái đó được kết nạp vào trong một hệ thống chính trị mở rộng, thì hệ thống sẽ vẫn ổn định; nhưng nếu những yêu cầu này bị đàn áp thì giai đoạn tiếp sẽ là bất ổn chính trị lớn.

Kết quả của những cuộc đấu tranh này phụ thuộc vào bối cảnh rất phức tạp và không bao giờ được quyết định hoàn toàn bởi một mình các yếu tố cấu trúc. Tại Anh, tầng lớp quy tộc địa chủ cũ hoặc bị pha trộn một cách khó thấy thông qua hôn nhân với giai cấp tư sản mới hoặc tìm ra những cách thức mới để duy trì địa vị chính trị của họ ngay cả khi địa vị kinh tế của họ đã bị xói mòn. Ở Phổ, Argentina, và các nước Mỹ Latinh khác, họ tự liên minh với nhà nước và sử dụng quyền lực độc tài để đàn áp những tác nhân mới này. Ở Trung Quốc hiện đại, nhà nước đã tìm cách để ngăn chặn quá trình này bằng cách ngăn chặn sự hình thành của các công đoàn độc lập vốn sẽ thúc đẩy cho sự hành động tập thể của công nhân, và bằng cách duy trì một mức độ gia tăng việc làm cao để giữ công nhân hài lòng.

Ở Ý, Hy Lạp, Mỹ ở thế kỉ XIX, và các nước đang phát triển hiện đại như Ấn Độ, Brazil và Mexico, các vấn đề giai cấp có thể bị phân tán phần nào do các đảng chính trị truyền thống tuyển dụng các nhân tố xã hội mới vào bộ máy chính trị kiểu bảo trợ. Những bộ máy chính trị này rất hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về việc tham gia chính trị và do đó nó góp phần vào sự ổn định tổng thể của hệ thống. Mặt khác, chủ nghĩa bảo trợ khuyến khích tham nhũng công khai ở một số tầng lớp chính trị và ngăn chặn sự xuất hiện nhu cầu cho những chính sách có tầm nhìn mà cuối cùng sẽ phục vụ tốt hơn cho lợi ích của các nhóm xã hội mới được đưa vào trong hệ thống.

Trình tự được minh họa trong hình 29 thể hiện con đường cổ điển đi đến hiện đại được thực hiện bởi một số quốc gia ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Á. Tuy nhiên, đó không phải là con đường duy nhất hướng tới sự hiện đại hóa. Đôi khi sự huy động xã hội xảy ra với sự vắng mặt của tăng trưởng kinh tế bền vững, một hiện tượng được gọi là “hiện đại hóa mà không phát triển” (xem Hình 30). Theo viễn cảnh này, sự thay đổi trong xã hội xảy ra không phải do sự thúc đẩy của lao động công nghiệp mới mà do sự thúc đẩy của đói nghèo ở nông thôn. Những người nông dân đổ về thành phố vì nơi đây họ có nhiều sự lựa chọn và cơ hội hơn, mặt khác, họ không phải chịu sự hà khắc của một sự phân chia lao động đang mở rộng như thấy trong viễn cảnh công nghiệp hóa cổ điển. Thay vì Gemeinschaft  sẽ chuyển đổi thành Gesellschaft, thì Gemeinschaft đơn giản cấy nó vào trong các thành phố – các nhóm họ hàng và làng mạc nông thôn dịch chuyển nguyên vẹn vào các khu ổ chuột đô thị nhưng vẫn giữ lại nhiều phần của sự tổ chức xã hội nông thôn và các giá trị dưới điều kiện kinh tế ở rìa của họ. Đây là kiểu hiện đại hóa diễn ra ở Hy Lạp và miền nam nước Ý; nó cũng đã diễn ra ở vô số các nước đang phát triển từ tiểu lục địa Ấn Độ đến châu Mỹ Latin đến Trung Đông và châu Phi cận Sahara, nơi các thành phố lớn đã nổi lên trong sự vắn mặt của một nền kinh tế công nghiệp sôi động.

Tăng trưởng kinh tế
Những tư tưởng/Tính hợp pháp
Nhà nước
Nền pháp quyền
Dân chủ

 

Sự huy động xã hội

Hình 29: Các kích thước của phát triển

Hiện đại hóa mà không phát triển là hiện tượng phổ biến trong nhiều nước đang phát triển bên ngoài khu vực Đông Á. Có những hậu quả chính trị quan trọng khi so sánh với con đường cổ điển đi đến hiện đại hóa thông qua công nghiệp hóa. Nó có thể làm mất ổn định các hệ thống chính trị truyền thống hiện tồn, các hệ thống mà đã không cung cấp các con đường cho sự tham dự chính trị – một viễn cảnh suy tàn chính trị kinh điển mà Huntington mô tả. Nhưng nó cũng có thể dẫn đến một hệ thống bảo trợ ổn định và các liên minh chóp bu được xây dựng xung quanh việc phân phối lợi tức. Vì sự phân công lao động ít mở rộng hơn khi không có một ngành công nghiệp tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ, các dạng nhóm xã hội khác hơn sẽ xuất hiện khi so với châu Âu thế kỉ XIX. Không có cả một nhóm lớn đang xuất hiện gồm các cá nhân trung lưu, các chuyên gia với trình độ giáo dục cao hơn lẫn một giai cấp vô sản công nghiệp mạnh. Thay vào đó, các xã hội như vậy có một nhóm lớn, vô tổ chức, gồm những người thành thị nghèo và vô gia cư, những người kiếm sống ở những ngành không chính thức. Nhiều trong số những người này có thể tính con buôn cao khi được tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Ngành công nghiệp tài chính vi mô đương đại và các khuynh hướng về nhà ở được xây dựng xung quanh việc cung cấp cho người nghèo các công cụ như vậy. Tuy nhiên không có con đường rõ ràng đi từ những hoạt động nghề nghiệp không chính thức đến sự công nghiệp hóa tạo ra việc làm, và tăng trưởng thực sự. Chủ nghĩa bảo trợ phát triển dưới những điều kiện này, bởi vì những lợi ích nhỏ được cung cấp bởi các chính trị gia, và khả năng tạo ra lợi tức trong khu vực công, thường là con đường hiệu quả cho sự đảm bảo về kinh tế hơn là so với khu vực tư nhân. Nền chính trị sau đó xoay quanh cuộc tranh giành kiểu được mất đối với việc phân phối lợi tức nhiều hơn là tập trung vào các chính sách có hệ thống. Kiểu chủ nghĩa bảo trợ này đặt ra một trở ngại lớn trong việc cải cách khu vực công và nâng cấp năng lực nhà nước, như được chỉ ra trong đường nét đứt ở hình 30.

Tăng trưởng kinh tế
Những tư tưởng/Tính hợp pháp
Nhà nước
Luật pháp
Dân chủ

 

Huy động xã hội

Hình 30: Hiện đại hóa mà không phát triển

Những tư tưởng về tính hợp pháp là một kích thước độc lập của sự phát triển và có ảnh hưởng lớn đến cách thức mà các thiết chế chính trị tiến hóa. Tác động chính của chúng là lên bản chất của sự huy động xã hội. Chính trị bản sắc – dựa trên chủ nghĩa dân tộc, sắc tộc, hay tôn giáo – có giai cấp trung thành thường trực hoặc hoạt động như một sự thay thế cho giai cấp, là điểm quy tụ cho sự huy động xã hội. Điều này xảy ra ở Châu Âu vào thế kỉ XIX, khi công nhân dễ dàng được huy động bởi sự kêu gọi đến chủ nghĩa dân tộc hơn là đến địa vị của họ như là những người công nhân. Tương tự ở Trung Đông hiện đại, nơi mà tôn giáo là một công cụ huy động đầy quyền lực. Điều này đã làm chuyển hướng nghị trình chính trị từ các vấn đề về chính sách kinh tế sang các vấn đề như việc thành lập bộ luật Sharia và đấu tranh cho địa vị của phụ nữ. Ở Kenya và Nigeria, chính trị đã rơi vào cuộc xung đột chủng tộc hơn là tranh giành lợi tức. Như trường hợp của Indonesia và Tanzania cho thấy, đây không phải là một kết quả tự nhiên hoặc không thể tránh khỏi: vì các nhà lãnh đạo chính trị ở các nước này đã đưa ra các quan niệm thay khác về bản sắc dân tộc để làm giảm bớt sự nổi bật của vấn đề sắc tộc.

Những điều tốt đẹp không nhất thiết luôn đi cùng nhau

Ba yếu tố của trật tự chính trị cấu thành nền dân chủ tự do hiện đại – nhà nước, pháp quyền và trách nhiệm giải trình – bổ sung cho nhau theo nhiều hướng. Để có được tính hiệu quả và khách quan, nhà nước cần phải hoạt động thông qua luật pháp. Các chế độ chuyên chế thành công nhất là những chế độ sử dụng pháp trị hơn là pháp quyền, chẳng hạn như Đế chế Trung Quốc có thể cai trị lãnh thổ rộng lớn và đông dân thông qua bộ máy quan liêu, và Rechtsstaat của Phổ đã thiết lập các quyền tư hữu rõ ràng và đặt cơ sở cho sự phát triển kinh tế của Đức. Trách nhiệm giải trình, cho dù ở dạng chính thức thông qua các cuộc bầu cử dân chủ hay không chính thức thông qua một chính phủ mà phục vụ cho các nhu cầu căn bản của người dân của nó, cũng là nhân tố quan trọng đối với sự vận hành tốt của một nhà nước. Các nhà nước nắm giữ và sử dụng quyền lực, nhưng chúng sẽ hiệu quả và ổn định hơn nhiều nếu chúng thực hành thẩm quyền một cách hợp pháp và đạt được sự tuân thủ tự nguyện của người dân. Khi chính phủ ngừng việc giải trình, họ sẽ gây ra những sự không tuân thủ tiêu cực, rồi biểu tình, bạo lực, và lớn hơn nữa là cuộc cách mạng. Khi các nền dân chủ tự do hoạt động tốt, nhà nước, pháp luật và trách nhiệm giải trình, tất cả sẽ củng cố lẫn nhau (xem Hình 31).

Luật pháp
Dân chủ

 

Nhà nước

Tuy nhiên, có một sự xung đột thường xuyên giữa ba nhân tố của trật tự chính trị. Chúng ta đã thấy nhiều ví dụ về sự xung đột giữa tính bắt buộc của việc xây dựng nhà nước với dân chủ. Các nhà nước hiện đại hiệu quả được xây dựng xung quanh sự tinh thông kĩ trị, năng lực và sự tự trị. Đây là lý do tại sao chúng có thể được thành lập trong điều kiện độc tài, từ nước Phổ và Nhật Bản thời Minh trị đến Singapore và Trung Quốc ngày nay. Mặt khác, dân chủ đòi hỏi phải có sự kiểm soát chính trị đối với nhà nước, điều này một lần nữa phản ánh những mong muốn của người dân và một mức độ tham gia cao. Việc kiểm soát này là cần thiết và chính đáng cho các mục đích chính trị mà nhà nước theo đuổi. Nhưng việc kiểm soát chính trị có thể mang hình thức mâu thuẫn và /hoặc ủy nhiệm quá chi tiết và thường tìm cách sử dụng chính nhà nước như là một nguồn của lợi tức và việc làm. Chủ nghĩa bảo trợ xuất hiện trong các nền dân chủ non trẻ bởi vì nhà nước và các nguồn lực của nó trở thành các ngân hàng heo đất có ích cho các chính trị gia dân chủ đang tìm cách huy động sự ủng hộ. Nhà nước Mỹ non trẻ bị chiếm giữ và kiểm soát bởi các chính trị gia dân chủ và đã được tài thân hữu hóa

thông qua các nhóm lợi ích ảnh hưởng lên Quốc hội. Quá trình tương tự này đã diễn ra trong vô số các nền dân chủ đang phát triển trên thế giới.

Pháp quyền
Nhà nước
Dân chủ
Ý tưởng/Tính hợp pháp
Phát triển kinh tế
Huy động xã hội

Hình 31. Những bổ sung và xung đột giữa các kích thước chính trị của sự phát triển.

Ngoài ra còn có một sự xung đột giữa một nhà nước – chất lượng cao và pháp quyền. Các nhà nước hiệu quả vận hành thông qua pháp luật, nhưng chính pháp luật có thể trở thành một trở ngại cho việc thực hiện mức độ tự do quản trị thích hợp. Sự xung đột này được nhận thức rõ ở Trung Quốc cổ đại và đã được phản ánh trong các cuộc tranh luận giữa các nhà Pháp trị và Các nhà Nho giáo. Cũng giống như trong các cuộc tranh luận hiện đại về sự xung đột giữa các luật lệ và sự tự do trong luật hành chính. Các luật lệ cần phải rõ ràng và khách quan, nhưng mỗi hệ thống pháp luật điều chỉnh việc áp dụng các luật lệ cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Các công tố viên có được một sự tự do đối với việc khi nào và làm thế nào để buộc tội các bị cáo; thẩm phán được tự do trong việc tuyên án. Những bộ máy quan liêu tốt nhất có quyền tự chủ để đưa ra quyết định, chấp nhận rủi ro, và để đổi mới. Cơ quan quan liêu tồi tệ nhất thực hiện một cách máy móc những luật lệ chi tiết được viết ra bởi người khác. Các công dân bình thường mong áp đặt muốn một cách ngớ ngẩn lên những quan chức, những người không thể chỉ sử dụng cảm quan thông thường và cứ nhất quyết theo sau những quy định cụ thể. Các nhà hoạch định chính sách đôi khi cần phải chấp nhận rủi ro và thử những điều mà đã không được thực hiện trước đó. Tôn trọng quá mức với luật lệ thường làm cho điều này trở nên không thể và củng cố xu hướng giữ nguyên trạng của sự cai trị.

Ngoài ra còn có một sự xung đột lâu dài giữa pháp quyền và trách nhiệm giải trình dân chủ. Để pháp quyền tồn tại, nó phải ràng buộc lên mọi công dân, bao gồm cả đa số dân chủ. Trong nhiều nền dân chủ, đa số chấp nhận việc vi phạm quyền của cá nhân và người thiểu số, và thấy các quy tắc pháp lý là sự cản trở đối với các mục tiêu của họ. Mặt khác, tính hợp pháp tối thượng của luật tự phát sinh từ mức độ mà nó phản ánh các chuẩn mực về công lý của cộng đồng. Hơn nữa, pháp luật được quản lý bởi con người – những người vận hành nhánh tư pháp của chính quyền. Những cá nhân này có niềm tin và quan điểm riêng của họ mà không tương ứng với các ước muốn của cộng đồng. Chủ thuyết tư pháp tích cực có thể được coi là một mối nguy hiểm cũng nhiều như nền tư pháp yếu hay nền tự pháp phục vụ chính trị.

Cuối cùng, dân chủ có thể xung đột với chính nó: nỗ lực để gia tăng mức tham gia dân chủ và minh bạch thực sự có thể làm giảm sự đại diện dân chủ của toàn bộ hệ thống. Đa số các cá nhân sống trong nền dân chủ không thể đưa ra các chính sách công phức tạp do thiếu kiến thức hoặc năng lực, và khi họ được yêu cầu để làm như vậy nhiều lần quá trình này thường được túm lấy bởi các nhóm lợi ích được tổ chức tốt, mà có thể thao túng tiến trình để phục vụ các mục đích hạn hẹp của họ. Minh bạch quá mức có thể làm suy yếu sự cân nhắc.

Các xung đột tồn tại giữa các bộ phận khác nhau của trật tự chính trị có nghĩa là tất cả những điều tốt đẹp không nhất thiết đi cùng nhau. Một nền dân chủ tự do tốt là một nền dân chủ trong đó ba yếu tố trên cân bằng với nhau. Nhưng nhà nước, pháp luật và trách nhiệm cũng có thể cản trở nhau phát triển. Đây là lý do tại sao trình tự trong đó các thiết chế khác nhau được giới thiệu trở nên quan trọng.

Chiều kích quốc tế

Tôi đã miêu tả sáu kích thước của phát triển tương tác qua lại trong bối cảnh của một xã hội đơn nhất trong một hệ thống khép kín. Nhưng sự thật của vấn đề là mỗi một kích thước trong số này bị ảnh hưởng nặng nề bởi những gì diễn ra ở cấp độ quốc tế. Điều này thể hiện rõ ràng nhất liên quan đến các ý tưởng về tính hợp pháp. Trước cách mạng công nghiệp – các ý tưởng có thể chuyển từ một xã hội này qua một xã hội khác – thực vậy, từ một nền văn minh này qua một nền văn minh khác – và trong thực tế thường là những tác nhân chính của sự thay đổi xã hội. Hồi giáo là một hệ tư tưởng đã biến các bộ lạc nhỏ bé và lạc hậu trên bán đảo Ả Rập thành một quyền lực thế giới lớn, và lan truyền đến tận khu vực Đông Nam Á. Nho giáo Trung Quốc du nhập tới nước láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, nơi mà nó tạo ra sự hình thành các thiết chế kiểu Trung Quốc ngay khi không có cuộc xâm lược và chiếm đóng. Phật giáo đã vượt qua biến giới Ấn Độ vào Đông Nam Á và Đông Á, nơi mà nó đã thường trở thành một quốc giáo, không giống như ở quê hương của nó. Sự khếch tán ý thức hệ đương nhiên trở nên mạnh mẽ hơn với sự phát triển của công nghệ truyền thông hiện đại. Sách và báo có vai trò quyết định với sự gia tăng và lan rộng của chủ nghĩa dân tộc như một nguyên tắc tổ chức. Chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa phát xít, Hồi giáo và dân chủ tất cả đều vượt qua các biên giới trong thế kỷ XX do công nghệ điện tử từ đài phát thanh và truyền hình đến Internet và truyền thông xã hội. Thật khó có thể hình dung quá trình chuyển đổi dân chủ xảy ra ở vùng tiểu Sahara châu Phi trong những năm đầu thập niên 1990 sẽ như thế nào khi vắng mặt những hình ảnh quyền lực về sự sụp đổ của Bức tường Berlin vang vọng trên toàn thế giới. Tương tự như vậy, tính toán thời gian cho cuộc biểu tình chống lại các chế độ độc tài trong suốt mùa xuân Ả Rập đã được thúc đẩy bởi các đài truyền hình như Al Jazeera và bằng Twitter và Facebook cũng như bởi nhiều các tác nhân trong nước. Vào những năm đầu thế kỷ XXI, dân chủ thật sự trở thành toàn cầu.

Thật không may, nhiều trong số các cơ chế cho sự chuyền tải các thiết chế qua các biên giới lại kém nhã nhặn hơn: thông qua những cuộc chinh phục, chiếm đóng, và thường là bắt làm nô lệ hoặc loại bỏ những người dân bản địa. Nhưng ngay cả các cường quốc thực dân tài bạo nhất cũng thấy rằng họ không thể tái tạo các thiết chế của chính họ ở những nơi khác theo ý muốn: địa lý, khí hậu, dân số bản địa, và các thiết chế bản địa tất cả tương tác để tạo ra những hình thức mới, tách khỏi những hình thức của các nước ban đầu.

Các trường hợp thành công nhất của sự chuyển các thiết chế là những trường hợp trong đó các cường quốc thực dân đưa đến các lãnh thổ thưa dân với người dân của chính họ. Tại Bắc Mỹ, Australia, Argentina, Chile, và các phần của Nam Phi, các cường quốc thực dân đối đầu với các dân tộc săn bắn, hái lượm, những dân tộc không được tổ chức thành các xã hội cấp nhà nước, trừ một số ngoại lệ. Sự chinh phục thường kéo dài, cay đắng, đẫm máu nên cuối cùng các thiết chế bản địa còn lại tương đối ít. Tại Peru và Mexico, Tây Ban Nha gặp phải các xã hội cấp Nhà nước đông dân cư. Nhưng các thiết chế nhà nước của người Inca và Aztec thì không lâu đời và không phức tạp, và dưới áp lực của cuộc chinh phục và bệnh đã làm tan rã nhanh chóng hơn các xã hội bộ lạc ở miền Bắc và miền Nam châu Mỹ. Các cuộc chinh phục của Tây Ban Nha biến các nơi này trở thành thuộc địa của người định cư, mặc dù số lượng người dân Creole (người định cư sinh ra ở thuộc địa) của họ là tương đối nhỏ hơn đối với các dân tộc bản địa mà họ cai trị và kết hôn. Do đó, các thiết chế được cấy vào Mỹ Latinh tương tự như các thiết chế của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở thời điểm định cư, bất chấp xu hướng trọng thương ở Peru và Mexico, hoặc tự do ở Argentina.

Tuy nhiên, chế độ của người định cư chưa bao giờ chỉ đơn giản là sao chép các thể chế đất nước của họ, vì những người di cư phải đối mặt với các điều kiện địa phương thường khác đáng kể với những điều kiện mà họ bỏ lại đằng sau. Sự tiến hóa riêng tạo ra sự thay đổi rất lớn về kết quả. Như khí hậu và địa lý đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các xã hội nô lệ xuất hiện ở các khu vực khác nhau của châu Mỹ Latin, Caribbean, và miền Nam nước Mỹ. Chúng được tăng cường bởi các truyền thống đẳng cấp và chính quyền độc tài nhập khẩu từ châu Âu, và ở miền Nam nước Mỹ điều ngược lại với xu hướng gia tăng sự bình đẳng xã hội vốn là đặc trưng cho các phần còn lại của đất nước.

Trong những phần khác của thế giới mà người châu Âu định cư không đáng kể, tính chất của các thiết chế tồn tại từ trước là rất quan trọng trong việc định hình trật tự chính trị ra đời sau đó. Hạ Saharan Châu Phi và Đông Á ở khía cạnh này đứng ở các cực đối diện của phổ (thể chế chính trị). Phần lớn Hạ Saharan Châu Phi đã không có các thiết chế – cấp nhà nước mạnh tại thời điểm thực dân hóa, và các xã hội cấp nhà nước từng tồn tại thì không có sự phát triển cao về phạm vi nhà nước hay sức mạnh. Những căn bệnh và thiếu cơ hội kinh tế hấp dẫn ngăn người châu Âu định cư quy mô lớn ở châu Phi (ngoại trừ Nam Phi), và các cường quốc thực dân do đó thấy không đáng để đầu tư mạnh vào việc tái tạo các thiết chế riêng của họ ở đó. Do đó, giai đoạn ngắn của chủ nghĩa thực dân châu Âu ở châu Phi đã thành công trong việc phá hoại các thiết chế truyền thống của khu vực trong khi không cấy những thiết chế hiện đại hơn thay thế.

Ngược lại, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có truyền thống về nhà nước mà trong một số trường hợp lâu hơn và sâu sắc hơn so với truyền thống này của người châu Âu. Điều này cho phép họ thành công hơn nhiều trong việc chống lại cuộc chinh phục và thuộc địa hóa. Những nỗ lực để thôn tính hay sát nhập lãnh thổ của họ trong thế kỷ XIX đều thất bại hoặc bị đảo ngược, cụ thể từ sự trở về của Hồng Kông với Trung Quốc vào năm 1997. Trong khi tất cả các chế độ Đông Á truyền thống sụp đổ sau khi đối đầu với phương Tây, cuối cùng họ đã tái xây dựng các thiết chế nhà nước mới mạnh dựa trên sự pha trộn của truyền thống chính trị bản địa với thực tiễn hiện đại. Các nhà nước ra đời  đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các ý tưởng của phương Tây: Trung Quốc được cai trị bởi một chế độ tuyên bố dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin, và Nhật Bản và Hàn Quốc là các nền dân chủ tự do kiểu phương Tây. Đông Á học hỏi rất nhiều từ thực tế của phương Tây: mô hình cai trị của của Trung Quốc, hệ thống pháp luật và các thiết chế cấp địa phương của nó tất cả đều được định hình chủ yếu bởi các thực tiễn phương Tây và quốc tế. Nhưng các nhà nước lớn của Đông Á được xây dựng quanh lõi với bộ máy quan liêu mà có nguồn gốc chủ yếu từ kinh nghiệm lịch sử của chính họ hơn là bất cứ điều gì được nhập khẩu từ phương Tây.

Bạo lực và phát triển chính trị

Một trong những khía cạnh bi kịch của hoàn cảnh con người là bạo lực đã được tích hợp vào tiến trình phát triển chính trị theo một số cách, đặc biệt là liên quan đến việc tạo ra nhà nước hiện đại. Con người cạnh tranh để hợp tác, và hợp tác để cạnh tranh; hợp tác và cạnh tranh không thay thế nhau nhưng là hai mặt của một đồng tiền. Và cạnh tranh thường xuyên mang hình thức bạo lực.

Thật không may, chúng ta không có các ghi chép lịch sử về quá trình chuyển đổi từ thị tộc đến bộ lạc, hay từ bộ lạc đến nhà nước nguyên thủy, và chỉ có thể suy đoán về các yếu tố thúc đẩy chúng. Dĩ nhiên, việc chuyển sang các xã hội có quy mô lớn hơn phụ thuộc vào những thay đổi công nghệ và thặng dư kinh tế mà chúng cho phép, và được hỗ trợ bởi yếu tố môi trường. Nhưng chính bản thân các khuyến khích kinh tế dường là không đủ để mang lại những chuyển đổi này. Cũng như người nông dân hiện nay ở các nước đang phát triển thường xuyên từ chối áp dụng công nghệ nâng cao năng suất, vì vậy xã hội hình thành sớm này đã thường bị cứng nhắc trong phương pháp sản xuất, điều tương tự như vậy cũng xảy ra với các xã hội ban sơ khai vốn thường bị cố kết cứng trong các phương thức sản xuất và tổ chức xã hội, làm ngăn chặn sự thay đổi.

Các ghi chép khảo cổ học cho thấy lực lượng năng động gây ra sự chuyển đổi lớn từ thị tộc đến bộ lạc đến nhà nước và đến nhà nước hiện đại là sự cạnh tranh quân sự. Vì mối đe dọa của bạo lực, đã tạo ra nhu cầu mạnh mẽ cho các hình thức tổ chức chính trị mới để đảm bảo sự sinh tồn của cộng đồng. Giả thuyết của Tilly cho rằng:  “Nhà nước tạo ra chiến tranh và chiến tranh tạo ra nhà nước ” hàm ý áp dụng cho việc hình thành nhà nước ở Châu Âu cận đại. Nhưng cạnh tranh quân sự cũng thúc đẩy cho sự hình thành của nhà nước hiện đại ở Trung Quốc cổ đại. Ghi chép lịch sử bắt đầu xuất hiện ở triều đại Chu của Trung Quốc, bạo lực như là nguồn gốc cho việc xây dựng nhà nước và hiện đại hóa nhà nước. Như chúng ta đã thấy, cạnh tranh quân sự đóng vai trò quan trọng trong việc buộc Pháp, Phổ và Nhật Bản để xây dựng bộ máy quan liêu hiện đại trong điều kiện chuyên chế. Sự thất bại quân sự trong chiến tranh Crimean đóng một vai trò trong việc thúc đẩy thông qua cải cách Northcote-Trevelyan ở Anh; nhiều sự mở rộng lớn của nhà nước Hoa Kỳ đã được thực hiện vì lý do an ninh quốc gia trong hai cuộc chiến tranh thế giới, chiến tranh lạnh, và cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố. Ngược lại, việc ít xảy ra chiến tranh giữa các quốc gia ở Mỹ latin có thể giải thích trong phần nào sự yếu kém tương đối của nhà nước ở đó.

Vai trò của bạo lực trong việc tạo ra trật tự chính trị có vẻ mâu thuẫn, vì trật tự chính trị phải tồn tại trước để khắc phục vấn đề bạo lực. Nhưng không trật tự chính trị nào loại bỏ vĩnh viễn khỏi bạo lực; chúng chỉ đơn giản là đẩy sự tổ chức của bạo lực đến mức độ cao hơn. Trong thế giới hiện đại, các nhà nước mạnh có thể cung cấp hòa bình và an ninh cơ bản cho các cá nhân trong xã hội bao gồm nhiều hơn một tỷ người. Nhưng các nhà nước có khả năng tiến hành bạo lực có tính phá hoại cao giữa chúng, và chúng không bao giờ hoàn toàn có đủ khả năng duy trì trật tự trong nước.

Cạnh tranh bên ngoài không phải là cách duy nhất mà bạo lực hoặc đe dọa bạo lực thúc đẩy việc xây dựng thể chế chính trị. Bạo lực thường xuyên là cần thiết để vượt qua sự cững nhắc về thể chế và sự suy tàn chính trị. Sự suy tàn xảy ra khi các tác nhân chính trị đương nhiệm núp mình trong một hệ thống chính trị và ngăn chặn mọi khả năng thay đổi thể chế. Thông thường những tác nhân quá mạnh đến nỗi chúng chỉ có thể bị loại bỏ thông qua ác phương tiện bạo lực. Điều này đúng về những cán bộ dễ bị mua chuộc trong chế độ cũ ở Pháp, như người với tư cách là một giai cấp đã bị loại bỏ bằng bạo lực trong cuộc cách mạng. Những giới đầu sỏ địa chủ quyền lực khác – Junkers Phổ và các tầng lớp địa chủ ở Nga và Trung Quốc – chỉ đánh mất địa vị của nó qua các cuộc chiến tranh và cách mạng. Các tầng lớp địa chủ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã buộc phải bán tài sản của họ của họ khi đối đầu với sức mạnh quân sự của Mỹ. Ở thời điểm khác, những người không thuộc giới tinh hóa cũng trở thành trở ngại cho sự thay đổi hiện đại hóa. Barrington Moore ghi nhận rằng việc thương mại hóa nông nghiệp ở Anh theo phong trào rào đất của quốc hội, cần thiết để tạo ra một hệ thống sở hữu đất tư bản hiện đại, đòi hỏi một cuộc cách mạng chậm chạp mà theo đó nông dân đã bị cưỡng bức đuổi ra khỏi các vùng đất gia đình của họ đã sinh sống nhiều các thế hệ.

Một khía cạnh cuối cùng trong đó bạo lực hoặc đe dọa bạo lực đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển chính trị là việc hình thành bản sắc dân tộc, thứ có vai trò phụ thêm vào việc xây dựng thành công nhà nước và trật tự chính trị nói chung. Ý tưởng cho rằng ranh giới lãnh thổ phải tương ứng với các đơn vị văn hóa đòi hỏi vẽ lại biên giới hoặc di chuyển dân bằng sức mạnh, không điều nào trong hai điều này có thể hoàn thiện mà không cần đến bạo lực đáng kể. Ngay cả khi bản sắc dân tộc đã được thiết kế khôn ngoan để trở nên toàn diện và phi sắc tộc, như ở Tanzania và Indonesia, ngôn ngữ chung và những câu chuyện về tính dân tộc được áp đặt thông qua các phương pháp chính trị độc tài. Ở Châu Âu, các quốc gia đã trở thành các nền dân chủ tự do thành công ở nửa sau của thế kỷ XX tất cả là sản phẩm của việc xây dựng dân tộc bằng bạo lực trong các thế kỉ trước.

May mắn thay, chiến tranh quân sự không phải là con đường duy nhất làm nên một nhà nước hiện đại. Mặc dù nước Anh và Hoa Kỳ xây dựng bộ máy quan liêu nhà nước để đáp ứng với nhu cầu an ninh quốc gia, cả hai đều đã tiến hành cải cách bộ máy nhà nước của họ trong thời bình thông qua việc xây dựng các liên minh cải cách. Những liên minh này chủ yếu bao gồm các nhóm xã hội mới mà không có phần trong các hệ thống chính trị bảo trợ cũ. Tại Anh đó là tầng lớp trung lưu muốn phá vỡ các đặc quyền do tầng lớp quý tộc cũ kiểm soát. Khi tầng lớp tinh hoa tương đối nhỏ của nước này quyết định rằng hệ thống cũ là không hiệu quả và đã không đáp ứng được nhu cầu của đế chế, thì dĩ nhiên nó đã chuyển đổi tương đối nhanh chóng. Hệ thống Westminster của nước này tập trung quyền lực theo cách mà những cải cách có thể được hoàn thành trong vòng chưa đầy hai thập kỷ. Tại Hoa Kỳ, liên minh cải cách phức tạp hơn. Các tầng lớp trung lưu và chuyên môn mới tự chia rẽ về vấn đề bảo trợ, một số nhóm lợi ích kinh doanh đã tìm thấy một cách để hoạt động trong hệ thống cũ. Ngược lại, một số nhóm lợi ích nông nghiệp cũ bị bỏ lại phía sau bởi công nghiệp hóa cũng gia nhập liên minh cải cách từ sự thù địch với các lợi ích đó. Văn hóa đóng một vai trò quan trọng nhưng khó để định lượng vai trò đó. Chủ nghĩa đạo đức của giới tinh hoa Tin lành khó chịu với sự tham nhũng được thúc đẩy bởi bộ máy đảng phái ở đô thị với các khách hàng của nó là người nhập cư, cũng tham gia vào việc ủng hộ cải cách.

Những trường hợp này cho thấy rằng sự phát triển kinh tế tự thân có thể là điểm khởi đầu cho sự chuyển đổi từ một nhà nước thân hữu hoặc bảo trợ sang một nhà nước hiện đại. Nhưng một mình tăng trưởng không đảm bảo rằng nhà nước hiện đại sẽ xuất hiện. Các trường hợp của Hy Lạp và Ý cho thấy làm thế nào mà chủ nghĩa bảo trợ có thể tồn tại đến hiện nay, mặc dù thu nhập bình quân đầu người cao. Các nhóm xã hội được huy động mới như giới chuyên môn trung lưu có thể có hoặc có thể không ủng hộ cải cách của nhà nước; họ có thể bị cuốn vào mạng lưới của chính trị bảo trợ dễ dàng. Điều này đặc biệt đúng khi tăng trưởng kinh tế không dựa trên thị trường là trung tâm, và khi một nhà nước không được cải cách dẫn dắt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

Do đó, có một số cách để đi đến một nhà nước hiện đại. Bạo lực là rất quan trọng trong việc khuyến khích sự đổi mới chính trị, nhưng nó không còn là một điều kiện cần thiết cho cải cách trong các trường hợp sau này. Những xã hội sau này có thể tự học hỏi từ kinh nghiệm trước đó và áp dụng các mô hình khác cho xã hội của mình.

Phổ quát hóa về chính trị

Trong hai tập của cuốn sách này, tôi đã nhấn mạnh sự tiến hóa chung so với sự tiến hóa riêng trong phát triển chính trị. Đó là, các xã hội trở nên khác nhau về hình thức tổ chức chính trị của họ khi họ thích nghi với môi trường cụ thể mà họ chiếm đóng. Nhưng như đã nói, họ cũng tạo ra các giải pháp tương tự đáng kể cho các vấn đề về tổ chức vượt lên trên sự khác biệt về môi trường.

Tôi đã lập luận rằng một trật tự chính trị hoạt động tốt phải bao gồm ba bộ phận – nhà nước, luật pháp, và chịu trách nhiệm giải trình – và chúng có một sự cân bằng nào đó. Ẩn ý trong luận điểm này là một ưu tiên về mặt quy phạm. Theo quan điểm của tôi, các nền dân chủ tự do mà kết hợp nhà nước hiệu quả và mạnh mẽ với các thiết chế ràng buộc dựa trên luật pháp và trách nhiệm giải trình dân chủ thì công bằng hơn và phục vụ công dân của họ tốt hơn so với những các chế độ trong đó nhà nước có địa vị chủ đạo. Điều này là do kiểu hoạt động chính trị mà nền chính trị dân chủ theo đuổi phục vụ một mục đích quan trọng trong đời sống con người theo đúng nghĩa của nó, độc lập với chất lượng của chính phủ mà hệ thống như vậy tạo ra. Tôi đồng ý với nhận định của Aristotle trong tác phẩm Chính trị luận rằng con người về bản chất là có tính chính trị và có thể đạt được mức độ cao nhất của sự phát triển của mình chỉ khi họ tham gia vào một đời sống chung. Có một lập luận tương tự được đưa ra về những giá trị nội tại của hệ thống kinh tế thị trường. Amartya Sen lưu ý rằng kinh tế thị trường không chỉ đơn giản là hiệu quả hơn ; ngay cả nếu một nền kinh tế kế hoạch tăng trưởng với tốc độ tương tự, điều quan trọng là một công dân “về vơ bản vẫn thích viễn cảnh được tự do lựa chọn hơn là phục tùng mệnh lệnh”. Việc thực hành sự tham gia chính trị và kinh tế là một mục đích quan trọng trong cuộc đời con người, bất kể những tác động mà nó tạo ra.

Nền pháp quyền vốn trao quyền cho công dân cũng có một giá trị nội tại độc lập với việc liệu các quyền này có hữu ích trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay không. Các quyền cá nhân – tự do ngôn luật, lập hội, phê phán, và tham gia vào chính trị – cấu thành sự công nhận của nhà nước về các phẩm giá của người công dân. Một nhà nước độc tài, dạng tử tế, đối xử với các công dân của nó như thể họ là những đứa trẻ thiếu hiểu biết hoặc chưa trưởng thành, những người cần sự giám sát của người lớn vì sự tốt lành của chính họ; còn dạng tồi tệ, thì đối xử với người dân như nguồn lực để khai thác. Một nền pháp quyền bảo vệ các quyền cá nhân cùng với việc thừa nhận rằng các công dân là những người trưởng thành có khả năng đưa ra các lựa chọn đạo đức độc lập. Đây là lý do tại sao rất nhiều bạo chúa, từ Tần Thủy Hoàng, người thống nhất Trung Quốc cổ đại, đến Mubarak và Qaddafi trong Mùa Xuân Ả Rập, cuối cùng đã phải đối mặt với cuộc nổi dậy với sự oán giận của nhân dân.

Một câu hỏi lớn hơn đưa ra bởi nghiên cứu này là liệu một chế độ mà cân bằng giữa nhà nước, pháp luật và trách nhiệm giải trình – tức là, nền dân chủ tự do – tự nó có tạo thành một dạng chính trị phổ quát, hay nó chỉ đơn giản phản ánh sở thích văn hóa của người dân- những người sống trong các nền dân chủ tự do phương Tây.

Dạng chế độ này rõ ràng không đại diện cho toàn thể nhân loại, vì nó hình thành chỉ có một vài thế kỷ trước đây, đó chỉ là một thời gian nhỏ trong lịch sử của trật tự chính trị nhân loại. Trong phạm vi nào đó thì nền dân chủ tự do tạo thành một dạng cai trị được áp dụng phổ biến hơn, song chúng ta sẽ phải khẳng định rằng nó chỉ là một dạng trong sự tiến hóa chính trị nói chung, cũng như các thiết chế cấp độ thị tộc – bộ tộc – và nhà nước đi đến trở thành hình thức tổ chức chính trị chi phối đối với các nền văn hóa và các khu vực tại những thời điểm lịch sử khác nhau. Nghĩa là, dạng chế độ này sẽ trở nên thiết yếu khi đi cùng với các kích thước khác của sự phát triển – tăng trưởng kinh tế, sự huy động xã hội, và những thay đổi trong tư tưởng. Các xã hội thị tộc và bộ lạc không có nhà nước hoặc pháp luật được thi hành bởi bên thứ ba, mặc dù chúng chắc chắn có một hình thức chịu trách nhiệm mạnh. Các xã hội cấp nhà nước quản lý nền kinh tế nông nghiệp có thể tồn tại trong nhiều thế kỉ, đôi khi có luật pháp nhưng không bao giờ đi cùng với giải trình trách nhiệm dân chủ. Nhu cầu cho một chế độ kết hợp cân bằng cả ba yếu tố này trở nên cần thiết chỉ khi có sự tăng trưởng kinh tế cao và các quốc gia đang hiện đại hóa đồng thời nền kinh tế của họ và các kích thước xã hội khác.

Thật sự khó khăn để điều hành các xã hội có quy mô lớn với dân số có tính huy động cao mà vắng các quy định pháp lý và cơ chế chịu trách nhiệm chính thức. Các thị trường lớn đòi hỏi các quy định pháp lý nhất quán, dễ dự đoán, và được củng cố tốt để chống đỡ cho sự tăng tưởng và hiệu quả kinh tế. Các dân số có tính huy động cao và luôn thay đổi tạo ra các yêu cầu liên tục cho các nhà cầm quyền; báo chí và bầu cử tự do có thể được xem như một kênh thông tin quan trọng mà chính phủ có thể theo kịp thời đại của quá trình thiên biến vạn hóa này. Hơn nữa, theo Tocqueville quan sát, ý tưởng về sự bình đẳng của con người đang gia tăng không thể chống lại xuyên suốt nhiều thế kỉ qua, ngay cả nếu nó không được tôn trọng bởi nhiều chế độ trong thực tế. Mọi người tin rằng họ có quyền và sẽ tận dụng bất cứ cơ hội nào để khẳng định chúng. Với những điều kiện này, nhu cầu để cân bằng quyền lực nhà nước với pháp quyền và trách nhiệm giải trình dân chủ trở thành không chỉ là một điểm tham khảo có tính quy phạm mà điều kiện cần cho sự ổn định về chính trị nếu một xã hội hy vọng sẽ trở nên hiện đại ở những khía cạnh khác. Huntington tin rằng các đảng độc tài có thể đáp ứng các yêu cầu của người dân cho sự tham dự, nhưng ngẫm lại chúng ta thấy điều này là không đúng.

Nhưng trong khi một chế độ với sự cân bằng giữa nhà nước, pháp luật và trách nhiệm giải trình trong thực tế là một điều kiện chung của một nền chính trị hiện đại thành công, chúng ta cần phải thừa nhận rằng có khác biệt đáng kể trong các hình thức thiết chế cụ thể mà luật và trách nhiệm giải trình có thể mang; các hình thức thiết chế của một số nước cụ thể như Hoa Kỳ không tạo thành mô hình phổ quát. Các xã hội khác nhau có thể sử dụng các thiết chế này khác nhau.

Đặc biệt, chúng ta cần chú ý đến các mục đích thực chất mà luật pháp và trách nhiệm giải trình phục vụ, hơn là các hình thức thủ tục nghiêm ngặt của nó. Mục đích của luật pháp là hệ thống hóa và làm minh bạch các quy tắc của cộng đồng về công lý và thực thi chúng công bằng. Bộ máy thủ tục cồng kềnh vốn là điểm nổi bật ở lĩnh vực pháp luật trong thế giới đương đại là một phương tiện cho mục đích về một sự công bằng, chứ không phải vì tự thân nó. Tuy nhiên thủ tục thường được ưu tiên và cản trở các mục đích thực sự của công lý. Có vô số các xã hội pháp quyền có hệ thống pháp lý quá chậm chạp và tốn kém, theo cách có lợi cho những người đứng ở vị trí có thể tận dụng những lợi thế về sự hiểu biết các thủ tục.

Tương tự như vậy, các thủ tục dân chủ liên quan đến các cuộc bầu cử tự do và công bằng không đảm bảo được mục đích thực sự của trách nhiệm giải trình. Thủ tục bầu cử có thể bị gian lận, từ sự gian lận trắng trợn và bỏ phiếu gian lận đến nhiều nỗ lực tinh vi hơn nhằm vạch lại các khu vực bầu cử để thuận lợi cho một đảng, hoặc để loại trừ tư cách cử tri của những người khác. Ngay cả khi dưới tiến trình bầu cử tốt nhất, các chính trị gia có thể tuyển chọn những người ủng hộ thông qua các phương pháp bảo trợ và sử dụng các dấu hiệu như sắc tộc và tôn giáo cho mục đích riêng của họ. Trong trường hợp khác, các nhóm lợi ích mạnh mẽ có thể tận dụng lợi thế của các thủ tục hiện hành để bảo vệ quyền lợi hẹp và ngăn chặn các mục tiêu công rộng lớn hơn. Lợi ích công cộng trong những trường hợp này thường xuyên phải đối mặt với một vấn đề hành động tập thể và không nhận được sự đại diện đầy đủ.

Sự sùng bái các thủ tục trên cả nội dung là một nguồn quan trọng trong sự suy tàn chính trị ở các nền dân chủ tự do hiện đại. Sự suy tàn chính trị có thể xảy ra trong bất kì chế độ chính trị nào đơn giản bởi vì chính bản chất của các thể chế. Các thể chế là những quy tắc mà vẫn tồn tại vượt qua đời sống của các cá nhân đã tạo ra chúng. Chúng tồn tại một phần vì chúng hữu ích và một phần vì chúng được cho là có giá trị nội tại. Khuynh hướng của con người đưa vào các quy định ý nghĩa cảm xúc là điều làm cho các quy định này ổn định trong khoảng thời gian dài, nhưng sự cứng nhắc của chúng trở nên tai hại khi hoàn cảnh thay đổi. Các vấn đề thường gay gắt hơn khi thay đổi xảy ra sau một thời gian dài hòa bình và ổn định. Hơn thế nữa, có một khuynh hướng tự nhiên trở lại dạng xã hội mặc định, một thứ dựa trên sự thiên vị cho gia đình và liên quan đến các trao đổi lợi ích qua lại giữa bạn bè, đặc biệt là trong giới tinh hoa có đặc quyền tiếp cận với hệ thống chính trị. Kết quả là cả luật pháp và thủ tục giải trình trách nhiệm được sử dụng để chống lại các mục đích thực chất mà ban đầu chúng được tạo ra để phục vụ.

Mô hình tương lai

Có một số chính phủ trong những năm đầu của thế kỉ 21 tự thấy mình là những giải pháp khác thay thế cho nền dân chủ tự do. Chúng bao gồm Iran và các chế độ quân chủ ở Vịnh Ba Tư , Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Iran bị chia rẽ nghiêm trọng, với một tầng lớp trung lưu lớn đấu tranh rất nhiều cho các đòi hỏi về tính hợp pháp của chế độ. Các chế độ quân chủ vùng Vịnh là các trường hợp ngoại lệ, sự tồn tại lâu với hình thức hiện tại của chúng là nhờ vào các nguồn năng lượng khổng lồ. Tương tự như vậy, nước Nga của Putin nổi lên như một nhà nước trục lợi, một cường quốc khu vực chủ yếu là bởi vì nó nằm trên nguồn dự trữ khí đốt và dầu mỏ; bên ngoài thế giới nói tiếng Nga, đó không phải là một hệ thống chính trị đáng để người khác sao chép.

Trong số các lựa chọn thay thế phi dân chủ, Trung Quốc đặt ra những thách thức quan trọng nhất đối với ý tưởng rằng cho rằng nền dân chủ tự do là một mô hình phát triển phổ quát. Trung Quốc, như đã được nhắc đến nhiều lần trong những tập này, xây dựng trên một truyền thống hai ngàn năm về một nhà nước tập trung mạnh và là một trong số ít xã hội có xã hội cấp nhà nước chưa bao giờ phát triển một truyền thống pháp quyền bản địa. Truyền thống phong phú và phức tạp của Trung Quốc với nền đạo đức Nho giáo thay cho các quy tắc thủ tục chính thức như một ràng buộc trên người cai trị. Truyền thống đã được truyền qua các quốc gia khác trong khu vực Đông Á và là một trong những nguồn quan trọng cho sự thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan thời hậu Thế chiến II. Đôi khi các chính phủ độc đoán có thể thường có nhiều khả năng hơn các chính phủ dân chủ trong việc đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ. Một trong những lợi thế của Trung Quốc hậu Mao là nó đã có được sự lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản có sự tự trị cao.

Vấn đề trọng tâm mà Trung Quốc ngày nay đối mặt là liệu, chỉ 35 năm kể từ khi tiến hành các cải cách của Đặng Tiểu Bình, chế độ Trung Quốc bây giờ có đang trải qua sự sụp đổ chính trị và mất đi sự tự trị vốn là nguồn gốc của thành công ban đầu của nó hay không. Các chính sách cần làm của Trung Quốc trong thập kỷ tới sẽ rất khác so với những gì đã qua ở thế hệ trước. Trung Quốc hiện giờ là nước có thu nhập trung bình đang phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao. Mô hình định hướng xuất khẩu cũ đã đi hết tiến trình của nó và cần thiết phải dựa nhiều hơn rất nhiều vào nhu cầu trong nước. Trung quốc không còn có thể khai khác sự tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng và huy động lượng lao động khổng lồ vào nền kinh tế công nghiệp. Trong việc tìm kiếm sự tăng trưởng cao, Trung Quốc đã tạo ra các nguy cơ môi trường không lồ mà đã trở nên rõ ràng như bầu không khí không thể thở được, “các ngôi làng ung thư” nằm rải rác khắp cả nước, một hệ thống an toàn thực phẩm thất bại, và những vấn đề khó khăn khác. Không rõ ràng là liệu hệ thống giáo dục Trung Quốc có khả năng cung cấp các kỹ năng cấn thiết để duy trì các cải tiến rộng rãi trong sản xuất. Một câu hỏi sâu hơn là liệu sự đổi mới thực sự có thể được duy trì khi thiếu vắng của sự tự do cá nhân. Với sự phức tạp của nền kinh tế Trung Quốc, yêu cầu cung cấp thông tin cho quản lý nó cũng gia tăng. Như trong các triều đại Trung Quốc, khả năng của hệ thống mệnh lệnh – kiểm soát ban hành từ trên xuống có theo kịp những gì đang thực sự xảy ra trong xã hội là một câu hỏi.6

Quan trọng nhất, Trung Quốc đang trải qua một sự dịch chuyển to của dân số của nó, lớn hơn về quy mô và tốc độ rất nhiều so với sự thay đổi xảy ra trong thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20 ở châu Âu. Sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số có học thức và các công dân thành thị giàu có có nhu cầu và nguyện vọng khác so với dân nông thôn vốn đã tạo nên thành phần chủ yếu của xã hội Trung Quốc trong quá khứ.

Với những thách thức này, câu hỏi trọng tâm là liệu chế độ của Trung Quốc có đủ sự tựu trị để chuyển tiến trình hướng đến một hệ thống tự do hơn. Hệ thống sẽ khuyến khích sự cạnh tranh kinh tế lớn hơn và cho phép dòng thông tin tự do trong toàn xã hội. Tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đã tạo ra các nhóm lợi ích mới mạnh mẽ và ảnh hưởng đến các việc đưa ra quyết định của đảng, ngay cả trong trường hợp với sự vắng mặt của các nhà lập pháp và vận động hành lang. Các doanh nghiệp nhà nước to lớn hơn và giàu có hơn bao giờ hết. Giới lãnh đạo đảng tự chính nó đã rơi vào tham nhũng mà khiến cho việc thực hiện cải cách nguy hại cho nhiều người trong số họ. Đảng tiếp tục coi chủ nghĩa Mác- Lenin là một hệ tư tưởng, mặc dù thực tế rằng hầu hết người Trung Quốc không còn tin vào chủ nghĩa này nhiều năm trước đây.

Giai cấp trung lưu mới của Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào trong những năm tới sẽ là một thử nghiệm quan trọng nhất đối với tính phổ quát của mô hình dân chủ tự do. Nếu nó tiếp tục tăng trưởng về kích thước tuyệt đối và tương đối, nhưng vẫn hài lòng để sống dưới sự giám hộ nhân đạo của một đảng độc tài, thì ai đó sẽ phải nói rằng Trung Quốc có khác biệt văn hóa so với các xã hội khác trên thế giới trong sự ủng hộ của nó chính phủ độc tài. Tuy nhiên, nếu nó tạo ra các nhu cầu cho việc tham dự mà không thể được cung cấp với hệ thống chính trị hiện tại, thì nó chỉ đơn giản là đang hành xử theo một cách tương tự như các tầng lớp trung lưu trong phần còn lại của thế giới. Thử nghiệm thực sự về tính chính danh của hệ thống Trung Quốc sẽ đến không phải khi nền kinh tế đang mở rộng và việc làm phong phú mà khi tăng trưởng chậm lại và hệ thống phải đối mặt với cuộc khủng hoảng, và điều đó là không tránh khỏi.

Có lẽ thách thức phát triển lớn hơn không chỉ nằm ở sự tồn tại của một hình thức khác và hấp dẫn hơn về tổ chức chính trị, mà còn ở thực tế là nhiều nước mong muốn trở thành các nền dân chủ tự do giàu có, nhưng sẽ không bao giờ có thể đạt được điều đó. Một số nhà quan sát cho rằng các nước nghèo có thể bị “mắc kẹt ” trong nghèo đói bởi vì các kích thước đan quyện vào nhau của sự phát triển chính trị và kinh tế.7 Tăng trưởng kinh tế đòi hỏi một số mức độ thiết chế chính trị tối thiểu; mặt khác, các thiết chế là rất khó để tạo ra trong điều kiện nghèo đói cùng cực và chia rẽ chính trị. Làm thế nào để thoát ra khỏi cái bẫy này? Trong suốt hai tập của cuốn sách này, chúng ta đã thấy vai trò của các yếu tố rủi ro và ngẫu nhiên – cách lãnh đạo ngẫu nhiên, trình tự ngoài ý muốn về sự ra đời của các thiết chế, hoặc các hậu quả ngoài ý muốn của các hoạt động được thực hiện cho các mục đích khác như chiến tranh – khiến một số nước phát triển theo những cách bất ngờ. Liệu có đúng trong trường hợp các xã hội thoát khỏi bẫy này trong lịch sử chỉ đơn giản là may mắn, và những xã hội khác không có được những may mắn tương tự vậy thì sẽ không thể phát triển?

Quan điểm này là rất bi quan. Đúng là may mắn và ngẫu nhiên đã đóng một vai trò trong việc thúc đẩy các thay đổi chính trị và kinh tế trong lịch sử. Nhưng may mắn và ngẫu nhiên có thể quan trọng cho việc xây dựng các thiết chế mới ở các xã hội ban đầu hơn là cho các xã hội sau này. Ngày nay, có một lượng lớn các kinh nghiệm tích lũy về các thiết chế và một cộng đồng quốc tế ngày càng lớn mạnh chia sẻ thông tin, kiến thức và nguồn lực. Hơn nữa, có nhiều con đường đi đến sự phát triển. Nếu tiến trình không thể hiện thực hóa theo một kích thước này, thì nó có thể xảy ra với các kích thước khác theo thời gian, và sau đó chuỗi kết nối của các quan hệ nhân quả sẽ bắt đầu kích hoạt. Tất cả điều này được gợi ý trong khuôn khổ chung để hiểu sự phát triển được trình bày ở đây với các kích thước kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng của nó.

Sự hiện diện của sự suy tàn chính trị trong các nền dân chủ hiện đại có hàm ý rằng mô hình tổng thể về một chế độ với sự bằng giữa nhà nước, pháp luật và trách nhiệm giải trình là phần nào đó có thiếu sót nghiêm trọng? Đây chắc chắn không phải là kết luận của tôi: tất cả các xã hội, độc tài hay dân chủ, chịu sự suy tàn theo thời gian. Vấn đề thực sự là khả năng thích ứng và cuối cùng tự sửa  chữa của chúng. Tôi không tin rằng có một “cuộc khủng hoảng hệ thống về sự cai trị” trong các nền dân chủ ổn định. Các hệ thống chính trị dân chủ đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng như vậy trong quá khứ, đặc biệt là trong những năm 1930 khi chúng rơi vào suy thoái kinh tế và đã được thử thách bởi sự cạnh tranh của chủ nghĩa phát xít và cộng sản, hay một lần nữa trong năm 1960 và 1970, khi chúng chịu sự bất ổn do các cuộc biểu tình, trì trệ kinh tế, và lạm phát cao. Thật sự rất khó để đánh giá triển vọng dài hạn của một hệ thống chính trị bởi hiệu quả của nó trong thập kỷ đã qua; các vấn đề mà dường như không thể vượt qua trong một khoảng thời gian nào đó mất đi trong khoảng thoài gian khác. Các hệ thống chính trị dân chủ thường chậm hơn khi đối phó với các vấn đề ngày càng tăng so với hệ thống độc tài, nhưng khi chúng thực hiện, chúng thường kiên quyết hơn vì quyết định hành động dựa trên nền tảng rộng lớn hơn.

Nếu có một vấn đề duy nhất mà các nền dân chủ hiện đại phải đối mặt, dù là nền dân chủ triển vọng hay nền dân chủ được thiết lập tốt, thì nằm ở sự thất bại để cung cấp những gì người dân muốn: an ninh cá nhân, tăng trưởng kinh tế được chia sẻ, và chất lượng các dịch vụ công cơ bản như giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng cần thiết để mang lại cơ hội cá nhân. Những người ủng hộ dân chủ, với các lý do dễ hiểu, tập trung vào việc giới hạn quyền lực của các nhà nước độc tài hay bóc lột. Nhưng họ đã không dành nhiều thời gian để suy nghĩ về làm thế nào để quản lý hiệu quả – họ, theo cụm từ của Woodrow Wilson, quan tâm đến việc “kiểm soát hơn là gia tăng hiệu quả của chính phủ”.

Đây là lý do thất bại của cuộc Cách mạng Cam năm 2004 tại Ukraine, trong đó lật đổ Viktor Yanukovich. Nếu một chính quyền dân chủ hiệu quả nắm quyền mà xóa sạch tham nhũng và cải thiện độ tin cậy của các thiết chế nhà nước, thì nó sẽ củng cố tính hợp pháp của mình không chỉ ở phần phía Tây mà còn ở phần phía đông nói tiếng Nga của Ukraine, rất lâu trước khi Vladimir Putin đủ mạnh để làm suy yếu các hoạt động của nó. Thay vào đó, Liên minh Cam đã lãng phí năng lượng của mình vào việc đấu đá nội bộ và các giao dịch mờ ám, mở đường cho sự quay trở lại của Yanukovich vào năm 2010 và cuộc khủng hoảng theo sau sự ra đi của ông ta năm 2014.

Ấn Độ đã tụt lại với khoảng cách tương tự về năng lực cai trị khi so sánh với Trung Quốc độc tài. Khá ấn tượng rằng Ấn Độ vẫn ổn định như là một nền dân chủ bầu cử kể từ khi thành lập vào năm 1947. Nhưng nền dân chủ Ấn Độ, giống như việc làm xúc xích, trông không quá hấp dẫn khi xem xét kĩ. Hệ thống này đầy rẫy tham nhũng và sự bảo trợ; 34 % những người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2014 ở Ấn Độ có cáo trạng hình sự treo chờ xét xử, trong đó có các tội nghiêm trọng như giết người, bắt cóc và tấn công tình dục. Một nền pháp quyền tồn tại, nhưng quá chậm và không hiệu quả đến nỗi mà nhiều nguyên đơn đã chết trước khi các trường hợp của họ được xét xử. So sánh với Trung Quốc, Ấn Độ hoàn toàn nghiệp dư ở khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng, các dịch vụ hiện đại như nước sạch, điện, hoặc giáo dục cơ bản cho người dân. Chính lý do này, Narendra Modi, một người Hindu theo chủ nghĩa quốc gia có một quá khứ bất hảo, đã được bầu làm Thủ tướng vào năm 2014 bởi một đa số ấn tượng với hy vọng rằng ông sẽ phần nào xóa bỏ các lề thói xáo rỗng của chính trị Ấn Độ và thực sự làm một điều gì đó.

Thật không may, sự bất lực để quản trị hiệu quả lan rộng đến chính Hoa Kỳ. Hiến pháp Madison của đất nước được thiết kế có chủ ý ngăn chặn sự chuyên chế bằng cơ chế kiểm soát và cân bằng nhiều lớp ở mọi cấp chính quyền, đã trở thành một nền dân chủ phủ quyết. Khi kết hợp với sự phân cực chính trị, nó đã chứng minh không thể hoạt động một cách có hiệu quả. Hoa Kỳ phải đối mặt với một vấn đề tài chính dài hạn rất nghiêm trọng mà chỉ có thể giải quyết thông qua sự thỏa hiệp chính trị thích hợp. Nhưng Quốc hội đã không thông qua ngân sách trong vài năm, và vào mùa thu năm 2013 toàn bộ chính phủ ngưng hoạt động bởi vì nó không thể đồng ý về việc chi trả cho các khoản nợ trong quá khứ. Trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn còn là một nguồn đổi mới phi thường, thì chính phủ Mỹ lại khó là một nguồn cảm hứng trên thế giới ở thời điểm hiện tại.

Do đó, không ai sống trong một nền dân chủ tự do tự mãn về sự tồn tại tất yếu của nó. Không có một cơ chế lịch sử tự động nào làm cho sự tiến bộ chắc chắn xảy ra, hoặc ngăn ngừa suy tàn và sự sụp đổ. Các nền dân chủ tồn tại và sống sót chỉ vì mọi người muốn và sẵn sàng chiến đấu cho chúng; khả năng lãnh đạo, khả năng tổ chức, và đôi khi may mắn là cần thiết cho sự sống còn. Như chúng ta đã thấy, có một sự đánh đổi giữa mức độ tham gia của người dân và hiệu quả của chính phủ; làm thế nào kiểm soát sự cân bằng đó là một điều mà không thể xác định dễ dàng về mặt lý thuyết. Vì vậy, trong khi sự tiến hóa chung có thể tạo ra sự xuất hiện của một số hình thức thể chế nào đó theo thời gian, thì sự tiến hóa riêng hàm ý rằng không có hệ thống chính trị cụ thể nào sẽ cân bằng với môi trường của nó mãi mãi.

Nhưng nếu việc cung cấp sự quản trị dân chủ chất lượng cao đôi khi thiếu sót, thì các nhu cầu về nó rất lớn và ngày càng gia tăng. Các nhóm xã hội mới đã được huy động trên toàn thế giới. Chúng ta tiếp tục thấy các bằng chứng về điều này trong các cuộc biểu tình đại chúng đang tiếp tục nổ ra bất ngờ ở nhiều nơi từ Tunis đến Kiev đến Istanbul đến São Paulo, những nơi mà người dân muốn các chính phủ công nhận phẩm giá của họ như những con người và thực hiện như đã hứa. Tương tự dễ thấy khi hàng triệu người nghèo liều lĩnh di chuyển từ những nơi như Guatemala City hay Karachi đến Los Angeles hay London mỗi năm. Những sự kiện đơn lẻ này cho thấy một hướng rõ ràng đối với tiến trình phát triển chính trị, và các chính phủ có trách nhiệm thừa nhận sự bình đẳng về phẩm giá của các công dân của mình có một sự hấp dẫn phổ quát.

 

Chú thích

  1. For Friedrich Hayek’ s arguments against rationalist planning and in favor of spontaneous order , see Law, Legislation and Liberty (Chicago: University of Chicago Press, 1976), and The Constitution of Liberty (Chicago: University of Chicago Press, 2011).
  2. See Robert H. Frank, The Darwin Economy: Liberty , Competition, and the Common Good (Princeton: Princeton University Press, 2011).
  3. On the limitations of the contemporary microfinance movement, see David Roodman, Due Diligence: An Impertinent Inquiry into Micr ofinance (W ashington, D.C.: Center for Global Development, 2012). On extending property rights to the poor , see Hernando de Soto, The Mystery of Capital: Why Capitalism T riumphs in the W est and Fails Everywhere Else (London: Bantam Press, 2000).
  4. Amartya Sen, Development as Freedom (New York: Knopf, 1999), p. 27.
  5. For a much longer discussion of the role of recognition and dignity in politics, see Fukuyama, The End of History and the Last Man, pp. 162–208.
  6. On China’ s challenges in moving from middle- to high-income status, see the W orld Bank, China 2030: Building a Modern, Harmonious, and Creative Society (Washington, D.C.: World Bank, 2013).
  7. See, for example, Gary Cox, Douglass North, and Barry W eingast, “The Violence T rap: A PoliticalEconomic Approach to the Problems of Development” (unpublished paper, September 2013).

 

Nguồn: Francis Fukuyama. 2014. Political Order and Political Decay (Trật tự chính trị và suy tàn chính trị; bản dịch của Mai Hoàng Chương). Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy. Farrar, Straus and Giroux. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.