Liệu Trung Quốc có thể thay đổi

Thông tin chi tiết

Bài báo: Can China Change? (Liệu Trung Quốc có thể thay đổi?)

Tác giả: David S.G. Goodman

Chuyển ngữ: Huyền Trân

Sách: Consolidating The Third Wave Democracies

Biên tập: Larry Diamond, Marc F. Plattner, Yun-han Chu, Hung-mao Tien

Hướng dẫn trích nguồn: David S.G. Goodman. 1997. Can China Change? (Liệu Trung Quốc có thể thay đổi?; bản dịch của Huyền Trân). Trong Larry Diamond, Marc F. Plattner, Yun-han Chu, và Hung-mao Tien (biên tập), Consolidating The Third Wave Democracies, trang 250-256, The Johns Hopkins University Press. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.

 

Tải về tại đây:

 

LIỆU TRUNG QUỐC CÓ THỂ THAY ĐỔI?

Tác giả: David S.G. Goodman

Chuyển ngữ: Huyền Trân

David S.G. Goodman là Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Công nghệ Sydney (Australia). Các ấn bản gần nhất của ông có thể kể đến như China’s Provinces in Reform: Class, Community and Political Culture (1997) và China Rising: Nationalism and Interdependence (1997) (đồng tác giả với Gerald Segal).

 

Lý Quang Diệu, sau đó là Đặng Tiểu Bình và những người khác đã thúc đẩy ý tưởng cho rằng đối với sự phát triển của một quốc gia thì quá trình hiện đại hóa nền kinh tế dựa trên chủ nghĩa độc tài chính trị, giải pháp Châu Á, tốt hơn so với giải pháp dân chủ tự do (phương Tây).1 Quan điểm này được dựa trên tiền đề cho rằng có những khác biệt văn hóa giữa Trung Quốc (Châu Á nói chung) và phương Tây. Hơn nữa, người ta còn cho thấy có những sự giới hạn về mặt tư tưởng, tổ chức, và thể chế không chỉ ngăn cản quá trình dân chủ hóa mà còn làm cho dân chủ trở thành một hình thức chính trị không thích hợp đối với các quốc gia Châu Á. Sự va chạm giữa các giá trị này là một phần của “cuộc tranh cãi nảy lửa về Châu Á”, về “các giá trị Châu Á” cũng như chính định nghĩa về Châu Á, giữa các quốc gia Châu Á với nhau và giữa Châu Á với phần còn lại của thế giới.2

Andrew Nathan và Bùi Mẫn Hân, trong phần đóng góp của mình đối với tuyển tập này, đã trình bày rõ ràng và đầy thuyết phục về tính vô căn cứ trong những lập luận khẳng định sự không khả thi và không tương thích của các hình thức dân chủ đối với Trung Quốc. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa (CHDCND) có thể không trở thành một nền dân chủ tự do hoặc có thể không tự do hóa hơn nữa, nhưng bất kỳ giới hạn nào đối với tiến trình dân chủ hóa sẽ bắt nguồn từ những yếu tố khác hơn những gì mà Đặng Tiểu Bình đưa ra với thế giới. Cải cách và tăng trưởng kinh tế kể từ 1978 đã không thể xảy ra mà không có sự thay đổi chính trị mang tính gốc rễ. Mặc dù rõ ràng có những giới hạn về phạm vi và mức độ chuyển đổi chính trị ở Trung Quốc trong suốt thời kỳ cải cách, song Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã được chuẩn bị để trao đổi quyền lực nhằm phát triển kinh tế. Trong quá trình này, nền chính trị đã trở nên ngày càng thế tục hơn3 và hiện tại thảo luận về dân chủ đã xuất hiện ở Trung Quốc.4 Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc đã làm nảy sinh ra một xã hội phức tạp về mặt tổ chức, trái ngược với xã hội đơn giản thời Mao, trong đó Đảng Cộng sản Trung Quốc là một hệ thống thứ bậc văn hóa, kinh tế, chính trị xã hội độc nhất.5 Mặc dù sự tăng trưởng kinh tế chưa dẫn đến nhu cầu chia sẻ quyền lực chính trị từ các doanh nhân và các nhà quản lý mới, nhưng xã hội hiện tại có thể cung cấp những sự hỗ trợ cho các thiết chế dân chủ.6

Cùng lúc đó, không hề có mô thức hay quá trình dân chủ hóa chính xác nào được xác định trước. Ba khía cạnh của hệ thống chính trị của Trung Quốc có thể tỏ ra quan trọng trong việc dàn xếp quá trình chuyển đổi. Quan trọng nhất trong đó là kích thước và quy mô của Trung Quốc. Trung Quốc là một hệ thống lục địa hơn là một nhà nước dân tộc đồng nhất và đơn nhất, vì vậy sự thay đổi chính trị trên toàn bộ lãnh thổ là không thể. Bên cạnh đó, mặc dù có thể dễ dàng tin rằng thay đổi chính trị sẽ làm xuất hiện nhóm thống trị đoàn kết và đồng nhất hơn, nhưng vẫn còn đó sự chia rẽ tiềm tàng trong giai cấp thống trị. Thứ ba, mặc dù dân chủ, giống chủ nghĩa tư bản có thể là cơ sở soi sáng cho sự phát triển của Trung Quốc hiện thời, song mô hình dân chủ hóa tốt nhất cho Trung Quốc làm theo có thể là của Đông Á hơn là mô hình của Tây Âu và Bắc Mỹ.

Trung Hoa lục địa

Tầm quan trọng chính trị về kích thước và quy mô Trung Hoa thường bị đánh giá thấp. Thật sự có những khuynh hướng nhất định hỗ trợ cho quan niệm cho rằng thay đổi chính trị sẽ diễn ra đồng bộ khắp Trung Quốc, không chỉ là vị trí của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những cải cách sau năm 1978 – nổi bật là sự phi tập trung và việc giới thiệu các lực lượng thị trường – đã làm gia tăng tầm quan trọng của nền chính trị cấp tỉnh cũng như những biến đổi mang tính khu vực trong lòng Trung Quốc. Trung Quốc là một hệ thống lục địa với sự đa dạng đáng kể cả về mặt xã hội và kinh tế và dường như có sự đa dạng trong khuynh hướng thay đổi chính trị giữa các tỉnh trong nước. Mặc dù không có khả năng là Trung Quốc sẽ tan rã, vẫn có lý để tin rằng với quá trình hiện đại hóa, các tỉnh riêng lẻ sẽ phát triển nền chính trị với độ mở và dân chủ hóa khác nhau.

Trung Quốc rộng lớn xét về mặt diện tích đất liền và dân số. Trung Quốc vẫn còn kết nối lỏng lẻo, gặp các vấn đề đáng kể về kết nối nội bộ. Đây là một lý do mà các tỉnh ít giao thương với nhau so với việc giao thương với nền kinh tế toàn cầu, có lẽ Trung Quốc thiếu một thị trường thống nhất.7 Sự kết nối kinh tế yếu kém của Trung Quốc phù hợp với tính không đồng nhất của xã hội. Mặc dù 94% dân số của Trung Quốc là người Hán, đều cùng có chung ý niệm chi phối về dân tộc Trung Hoa, thế nhưng ngôn ngữ, hệ thống niềm tin, truyền thống, văn hóa chính trị của đa số dân chúng vẫn khác nhau rất nhiều.8 Thật vậy, tính thống nhất của Trung Quốc dưới điều kiện hỗn tạp như vậy có lẽ nổi bật hơn là sự thống nhất thường được tưởng tượng không đúng về Trung Quốc. Mặc cho lối nói hoa mỹ căn bản định nghĩa rằng mọi nhà nước độc lập như một nhà nước dân tộc, thật khó để xem Trung Quốc ngang bằng với mô hình nhà nước dân tộc lý tưởng của Châu Âu dựa trên tiêu chuẩn về một nhóm dân tộc đồng nhất.9

Trung Quốc có 30 đơn vị cấp tỉnh bao gồm tỉnh, thành phố tự trị và vùng tự trị,10 mỗi nơi là một hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội theo quyền của mình. Hầu hết các tỉnh đều là hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội có quyền lợi riêng. Và hầu hết các tỉnh đều có diện tích bằng một quốc gia Tây Âu, xét về mặt dân số, diện tích đất đai và tính phức tạp xã hội mặc dù không phải tỉnh nào cũng có diện tích đất đai lớn như Tây Tạng hoặc dân số đông như Tứ Xuyên với số dân 120 triệu người. Sẽ là sai lầm khi xem các tỉnh này đơn giản là thành phần tạo nên một nhà nước dân tộc thống nhất, hay thậm chí là đơn vị của “chính quyền địa phương”. Bởi vì sự đa dạng về điều kiện của các tỉnh của Trung Quốc và cấu trúc của nhà nước Trung Quốc đã làm cho công cuộc cải cách không thể dẫn tới quá trình dân chủ hóa hay cách mạng “từ bên dưới” giống như những gì Đông Âu đã trải qua vào cuối những năm 80.

Đầu tiên, tính đa dạng về điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa khắp lãnh thổ Trung Quốc đã dẫn tới sự đa dạng trong tác động của cải cách đến thái độ xã hội và định chế chính trị. Hơn nữa, sự phản ứng với sự thay đổi của các nhà lãnh đạo tỉnh cũng khác nhau. Sự thay đổi mang tính cấu trúc trong việc sở hữu và quản lý sản xuất công nghiệp là một ví dụ đặc biệt hữu ích về tính đa dạng ở các tỉnh, đáng chú ý là bởi vì tầm quan trọng cốt lõi của người lãnh đạo cấp tỉnh về sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Ở cấp độ quốc gia, thành phần sản xuất nhà nước đã giảm đáng kể, nhóm ngành sở hữu nước ngoài, tư nhân và hợp tác tăng lên tương ứng. Thế nhưng những xu hướng này không phải phổ biến. Vào năm 1994, nền kinh tế của Hắc Long Giang vẫn do nhóm doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo kể từ khi CHDCND Trung Hoa ra đời, mặc cho 18 năm cải cách. Trong khi đó, Giang Tô có một khu vực tập thể lớn, và hầu như không có tư nhân và chỉ có số ít nước ngoài, trong khi đó ở Quảng Đông nền kinh tế chủ đạo là đầu tư nước ngoài và kinh tế tập thể. Quảng Tây có nền kinh tế tư nhân ở cấp tỉnh lớn nhất nước, xét theo tỉ lệ với sản lượng công nghiệp tỉnh.11

Thứ hai là, quá trình dân chủ hóa từ bên dưới tại Bắc Kinh có thể thành công trong việc tóm lấy quyền lực nhà nước quốc gia tại đây, nhưng điều này sẽ không đảm bảo những thay đổi tương tự bên ngoài thủ đô hay không đảm bảo rằng mệnh lệnh của chính phủ mới sẽ được tuân theo ở nơi nào khác. Một số tỉnh sẽ có thể đứng sau Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) trong khi số khác có thể thích những lựa chọn khác thay thế cho CCP. Khả năng chia rẽ trong nền chính trị Trung Quốc luôn cao và điều này sẽ khó khăn để truyền bá cách mạng từ bên dưới ở tỉnh này đến tỉnh khác. Một thứ có thể dự đoán là sự sụp đổ của chính quyền trung ương và sẽ không có trả đũa. Tuy nhiên sẽ vô lý khi giả định rằng sự sụp đổ của chính quyền trung ương sẽ tất yếu dẫn đến sự xuất hiện đột ngột của các tổ chức cấp quốc gia khác với một mức độ đáng kể về tính chính danh và sự ủng hộ.

Xét trên một mức độ nào đó, khi nhận ra sự khác biệt của tỉnh, chúng tôi cố gắng tránh quá khái quát hóa về tác động cải cách đối với thay đổi chính trị và xã hội khắp Trung Quốc. Có những khía cạnh mang tính địa phương đối với cải cách và thay đổi chính trị. Cũng như cải cách đã dẫn tới sự rút lui của chính phủ ra khỏi quản lý kinh tế cũng như CCP rút khỏi các định hướng xã hội, vì vậy cũng đã dẫn đến sự phi tập trung đáng kể ở cấp tỉnh. Mặc dù tính thống nhất của nhà nước Trung Hoa có thể không bị nghi ngờ, song quá trình cải cách không còn ngờ vực gì nữa đã làm gia tăng tầm quan trọng tương đối của nền chính trị và quản lý cấp tỉnh.12 Một phần thiết yếu của quá trình này là giả thuyết cho rằng mỗi tỉnh sẽ được xây dựng dựa trên lợi thế so sánh của nó, cả về mặt quốc tế lẫn trong lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy mà trong khi CHDCND Trung Hoa rõ ràng là một thể chế nhà nước dân tộc xét về mặt chủ quyền và gắn liền với ý tưởng về nhà nước đơn nhất, điều này có thể không là công cụ so sánh thích hợp để hiểu về sự phát triển của Trung Quốc. Thích hợp hơn có thể là ý niệm về hệ thống đại lục với quy mô và tính đa dạng mà trong đó mỗi tỉnh thành được xem là một hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội mặc dù không hoàn toàn tự chủ tuyệt đối.

Mâu thuẫn trong giới chóp bu

Thật dễ tin rằng nhóm cai trị thống nhất hơn sẽ xuất hiện ở Trung Quốc sau cái chết của Đặng Tiểu Bình và sự qua đi của “thế hệ cách mạng”, bao gồm những người đã tham gia phong trào cộng sản trước năm 1949 và sau đó đấu tranh để đưa CCP lên nắm quyền lực. Hiệu quả đồng bộ của quá trình hiện đại hóa đã được thiết lập khá tốt. Thế nhưng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc kể từ năm 1978 đã là quá trình hiện đại hóa giai đoạn hai, tái cấu trúc lại một xã hội đã đang hiện đại hóa và tái khởi động quá trình công nghiệp hóa. Tổn thương kinh tế của những thay đổi này đã khiến trải nghiệm gần đây của Trung Quốc không chính xác giống như những quá trình đồng thời đang diễn ra ở nơi nào khác của Châu Á.

Nền tảng của một nhà nước đang hiện đại hóa đã được thiết lập ở CHDCND Trung Hoa vào nửa đầu những năm 1950 khi các cấu trúc chính trị được tạo nên cùng với một nhóm các nhà quản trị và chính trị gia mới. Mặc dù sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thật ngoạn mục từ năm 1978, với tổng sản lượng quốc gia (GNP) tăng trung bình 10% hằng năm, song trước đó tăng trưởng của nó không phải không đáng kể. Từ năm 1952 đến 1978, thu nhập trên đầu người tăng trung bình 6% hằng năm, mặc cho những năm gặp phải vấn đề kinh tế nghiêm trọng, nổi bật nhất là chiến dịch Đại Nhảy Vọt trong suốt những năm đầu 1960.13 Quá trình hiện đại hóa đã tạo nên hệ thống giáo dục và hình thức quản lý khác, cũng như tầng lớp trung lưu thành thị mới bao gồm các công nhân cổ trắng gắn liền với các cấu trúc mới.14

Quá trình cải tổ kinh tế của Trung Quốc kể từ năm 1978 được mô tả chính xác như là quá trình tái cấu trúc hậu công nghiệp hơn là quá trình hiện đại hóa ở giai đoạn đầu. Những cải cách kinh tế đã tạo ra các nhóm xã hội mới, bao gồm nhóm“nghèo mới” và “giàu mới”. Nhóm “giàu mới” bao gồm các doanh nhân và nhà quản lý, những người thường xuyên dễ nhận ra với lối sống giàu có hơn là các hoạt động quản lý và kinh tế của họ. Nhóm “nghèo mới” bao gồm những công nhân dạng hợp đồng, thuộc giai cấp lao động và giai cấp nông dân không được tái cấu trúc. Tuy nhiên, nhóm“nghèo mới” cũng bao gồm những người từ tầng lớp trung lưu thành thị xuất hiện từ quá trình chuyển đổi xã hội trong những năm đầu của nhà nước CHDCND Trung Hoa nhưng là những người không thể hoặc không sẵn sàng thích ứng với các cuộc cải cách và chứng kiến chất lượng cuộc sống đi xuống. Tất cả giáo viên cũng thuộc trong số tầng lớp trung lưu nghèo mới này và phải thường nhận thêm việc để kiếm sống.15

Cho đến nay, các nhóm xã hội mới được tạo nên trong suốt thời kỳ cải cách nhìn chung không tìm được tiếng nói hay kênh thông tin chính trị mới, có thể vì vai trò trung tâm liên tục của nhà nước trong sự phát triển kinh tế. Đặc biệt là tầng lớp mới giàu của Trung Quốc, tinh thần doanh nhân của họ thường không độc lập với nhà nước. Trái lại, đặc điểm chính của thời kỳ cải cách là sự thay thế chính phủ trung ương (thông qua các lĩnh vực nhà nước) vốn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế bằng chính phủ địa phương (nơi chủ yếu với lĩnh vực hợp tác xã).16 Cũng giống như thế, hiện tại vẫn có những mâu thuẫn chính trị và xã hội tiềm tàng giữa hai nhóm hiện đại hóa đang cạnh tranh nhau, nhóm lãnh đạo cấp trung cũng như nhóm chóp bu, có nghĩa là giữa những người thụ hưởng lợi ích của nhà nước đang hiện đại hóa trong những năm 1950 và những người mới trở nên giàu có và quyền lực gần đây.

Hướng về châu Á

Những sự kiện vào tháng tư cho đến tháng sáu năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn đã đánh dấu một bước chuyển đáng kể trong sự phát triển chính trị ở Trung Quốc, vượt khỏi sự quan ngại tức thời về tự do biểu đạt và sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình. Kết quả của cuộc thảm sát tại Bắc Kinh trong nửa sau của năm 1989 cho đến 1990, khiến CHDCND Trung Hoa đã bị các chính phủ phương Tây cô lập. ĐCS Trung Quốc và chính phủ CHDCND Trung Hoa đã phản ứng lại với những áp lực trên bằng cách cải thiện và mở rộng mối quan hệ của họ với vùng Đông và Đông Nam Á. Những thay đổi này có thể cuối cùng đã diễn ra trong bất kỳ trường hợp nào như quá trình tái cấu trúc của các nền kinh tế phát triển ở Đông và Đông Nam Á như Đài Loan, Hàn Quốc và Hong Kong, còn Singapore đã tăng hoạt động kinh tế tại Trung Quốc. Tuy nhiên có thể có chút ngờ vực về việc liệu những xu thế này có được thúc đẩy nhanh chóng nhờ vào sự thay đổi chính sách của Trung Quốc.

Trong một thời kỳ rất ngắn, nền ngoại giao Trung Quốc đã đột ngột chuyển hướng về Châu Á. Trung Quốc đã thực hiện những biện pháp tức thời nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với tất cả các quốc gia láng giềng mà trước năm 1989 hầu như không hề tồn tại, nổi bật có thể kể đến là Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Singapore. Quan hệ ngoại giao với Đài Loan thậm chí đã được cải thiện đáng kể. Thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và các quốc gia này cũng như sự di chuyển của người dân tăng lên đáng kể.  Kết quả là mức hội nhập kinh tế trong khu vực tăng lên trong đó nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài và thế hệ sau này hiện sống ở các quốc gia khác tại vùng Đông và Đông Nam Á giữ vai trò là phương tiện liên lạc.17 Trong quá trình đó, Trung Quốc đã tăng độ mở đối với ý tưởng và ảnh hưởng từ những quốc gia này.

Thật khó để đánh giá thấp sự tác động của việc nhập khẩu văn hóa đột ngột này đối với Trung Quốc. Nghịch lý là cùng lúc những cởi mở đang diễn ra, ĐCS Trung Quốc đang nhấn mạnh đến sự ảnh hưởng mang tính lật đổ của những ý tưởng ngoại bang đối với giới trẻ và xã hội Trung Quốc, vốn được xem như chịu trách nhiệm chính cho những sự kiện năm 1989.18 Sự tương tác văn hóa với các quốc gia láng giềng rõ ràng đã làm tăng độ mở và thế tục hóa của Trung Quốc. Trong khi đó, không có yếu tố nào trong số này trực tiếp thách thức quyền lực lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc, nhưng đã làm cho sự phân tán quyền lực rộng thêm trong lòng xã hội Trung Quốc. Bị ảnh hưởng rõ ràng nhiều nhất đó là văn hóa của thế hệ trẻ – nhạc pop, thời trang và mối quan tâm đến thể thao, ngôi sao điện ảnh ngày càng tăng lên, thiếu quan tâm đến chính trị và vấn đề quốc gia.19

Vì thế liên quan đến sự thay đổi chính trị, Trung Quốc sẽ sẵn sàng noi theo hình mẫu trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, thay vì Tây Âu và Bắc Mỹ, vì khả năng tiếp cận về mặt chính trị và địa lý của nó. Những giá trị chính trị và xã hội ở những quốc gia Đông Á và Đông Nam Á đã phản ánh những trải nghiệm của Châu Á vì vậy nền chính trị, chính phủ và nền dân chủ thường độc đoán hơn và ít xung đột hơn các bản sao phương Tây, đôi khi cũng đồng thuận hơn và thường chi tiết hơn đối với các lễ nghi chính thức và không chính thức của họ. Cụ thể hơn, cấu trúc của công bằng xã hội và hệ thống phúc lợi xã hội ở Châu Á thì ít rõ ràng hơn nhiều so với Châu Âu, và truyền thông đại chúng thường đóng vai trò truyền tải thông tin của chính phủ hơn là tác nhân phê bình và chỉ trích độc lập.

 

 CHÚ THÍCH

  1. For Deng Xiaoping’s view. see “Excerpts from Talks Given in Wuchang, Shenzhen, Zhuhai and Shanghai,” 18 lanuary-2 1 February 1992, sec. 4, in Selected Works of Deng Xiaoping (1 982-1992) (Beijing: Foreign Languages Press, 1994), 3:366.
  2. Perhaps most spectacular has been the rhetorical conflict between Malaysia and Australia on both these counts . For a recent example, see “Fresh Air from Down Under” (editorial), New Sunday Times (Malaysia), 31 March 1996, 8. More generally, see Richard Robison , ed ., The Contest for Asia (London: Routledge, 1997).
  3. There is a large and growing literature on this topic, including Robert Benewick and Paul Wingrove, China in the 1990s (London: Macmillan, 1995); Lowell Dittmer, China Under Re form (B oulder, Colo.: Wesrview, 1994) ; Harry Harding, China ‘s Second Revolution (Sydney: Allen and Unwin, 19 89); and D.l. Solinger, China ‘s Transition from 256 Can China Change? Socialism: Statist Legacies and Market Ref orms, 1980-1990 (New York: M.E. Sharpe, 1993).
  4. He Baogang, Three Models of Democracy (London : Routledge, 1996).
  5. Gordon White, Riding the Tiger: The Politics of Economic Reform in Post-Mao China (London: Macmillan, 1993); and David S.G. Goodman and Beverley Hooper, eds ., China ‘s Quiet Revolution (Melbourne: Longman, 1994).
  6. David S.G. Goodman, “China: The State and Capitalist Revolution,” Pacific Review 5 (December 1992): 350.
  7. Anjali Kumar, “Economic Reform and the Internal Division of Labour in China: Production, Trade and Marketing,” in David S.G. Goodman and Gerald Segal, eds., China Deconstructs: Politics, Trade and Regionalism (London : Routledge, 1994), 99.
  8. See, for example, Leo J. Moser, The Chinese Mosaic: The Peoples and Provinces of China (Boulder, Colo.: Westview, 1985).
  9. For an interesting discussion of this and related points in other contexts, see P.W. Riggs, “Ethnonationalism, Industrialism, and the Modern State,” Third World Quarterly 15 (December 1994) : 583. .
  10. The number is 31 if Taiwan is included. There are three municipalities (Shanghai, Tlanjin, and Beijing), five autonomous regions (Guangxi Zhuang, Tibet, Xinjiang Uighur, Inner Mongolia, and Ningxia Hui), and 22 or 23 provinces (if Taiwan is included).
  11. Zhongguo tongji nianjian 1995 (Statistical yearbook of China 1995) (Beijing: Zhongguo Tongji, 1995), 379, Table 12-6.
  12. Opinions differ on this impact of the reform era. Those who fear for the cohere.nce of the Chinese state include W.J.F. Jenner (see The Tyranny of History [London: Allen Lane, 1992]) and Maria Hsia Chang (see “China’s Future: Regionalism, Federalism, or Disintegration,” Studies in Comparative Communism 25 [September 1993] : 21 1). Countervailing views may be found in Goodman aqd Segal, China Deconstructs.
  13. Quanguo ge sheng, zizhiqu, zhixiashi lishi tongji ziliao huibian (Collection of statistical historical materials on each province, autonomous region, and municipality in China) (Beijing: Zhongguo Tongji, 1990), 6.
  14. On the political sociology of these developments, see Gordon White, “The Politics of Class and Class Origin” (Contemporary China Paper No. 9, Australian National University, Canberra, 1976).
  15. David S.G. Goodman, “The People’ s Republic of China: The PartY-State, Capitalist Revolution and New Entrepreneurs,” in R. Robison and David S.G. Goodman, eds ., The New Rich in Asia: Mobile Phones, McDonalds and Middle-Class Revolution (London : Routledge, 1996), 225-42.
  16. Kevin Lee, Chinese Firms and the State in Transition: Property Rights and Agency Problems in the Re form Era (New York: M.E. Sharpe, 1991); Victor Nee, “Organizational Dynamics of Market Transition: Hybrid Forms, Property Rights, and Mixed Economy in China,” in Administrative Science Quarterly 37 (March 1992) : 1-27.
  17. East Asia Analytical Unit, Department of Foreign Affairs and Trade, Common­ wealth Government of Australia, Overseas Chinese Business Networks in Asia (Canberra: Australian Government Publishing Services, 1995); Sterling Seagrave, Lords of the Rim: The Invisible Empire of the Overseas Chinese (London: Bantam, 1995).
  18. Chen Xitong, “Report on Putting Down Anti-Government Riot,” China Daily, 7 July 19 89.
  19. Geremie Barme and Linda Jaivin, New Ghosts, Old Demons (New York: Random House, 1992); Jianying Zha, China Pop: How Soap Operas, Tabloids and Best-Sellers Are Transf orming a Culture (New York: New Press, 1995).

 

Nguồn: David S.G. Goodman. 1997. Can China Change? (Liệu Trung Quốc có thể thay đổi?; bản dịch của Huyền Trân). Trong Larry Diamond, Marc F. Plattner, Yun-han Chu, và Hung-mao Tien (biên tập), Consolidating The Third Wave Democracies, trang 250-256, The Johns Hopkins University Press. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.