Hàn Quốc và Đài Loan: Bối cảnh quốc tế

Thông tin chi tiết

Bài báo: South Korea and Taiwan: The International Context (Hàn Quốc và Đài Loan: Bối cảnh quốc tế)

Tác giả: Yu-han Chu, Fu Hu, Chung-in Moon

Chuyển ngữ: Tôn Thất Phương

Sách: Consolidating The Third Wave Democracies

Biên tập: Larry Diamond, Marc F. Plattner

Hướng dẫn trích nguồn: Yu-han Chu, Fu Hu, và Chung-in Moon. 1997. South Korea and Taiwan: The International Context (Hàn Quốc và Đài Loan: Bối cảnh quốc tế; bản dịch của Tôn Thất Phương). Trong Larry Diamond và Marc F. Plattner (biên tập), Consolidating The Third Wave Democracies, trang 267-294, The Johns Hopkins University Press. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.

 

Tải về tại đây:

 

HÀN QUỐC VÀ ĐÀI LOAN: BỐI CẢNH QUỐC TẾ

Tác giả: Yu-han Chu, Fu Hu, Chung-in Moon

Chuyển ngữ: Tôn Thất Phương

Yu-han Chu (Chu Vân Hán): Giáo sư Chính Trị Học tại Viện Khoa Học Xã Hội, Đại Học Quốc Lập Đài Loan, và Giám Đốc Chỉ Đạo của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Quốc Gia (Đài Bắc), đồng thời là điều phối viên (coordinator) của Khoa Chính Trị Học, Uỷ Ban Khoa Học Kỹ Thuật Quốc Gia, Đài Loan.

Fu Hu (Hồ Phật): Giáo sư Chính Trị Học, đồng thời là Chủ Nhiệm của Chương Trình Nghiên Cứu về Bầu Cử Quốc Gia tại Đại Học Quốc Lập Đài Loan.

Chung-in Moon: Giáo sư Chính Trị Học tại Đại Học Yonsei (Duyên Thế), Seoul (Hán Thành).

 

Càng ngày, các lý thuyết gia càng đồng ý với nhau rằng, để tìm hiểu quá trình dân chủ hoá thì cần phải phân tích những ảnh hưởng đến từ bên ngoài, vì nếu tách riêng những yếu tố “do bên ngoài” ra, hay xem đó chỉ là những nguyên nhân phụ thì hoá ra vấn đề lại đơn giản quá (1). Tuy nhiên, như Geoffrey Pridham đã có nêu ra, những tìm tòi dựa trên các phương pháp nghiên cứu hay vào những kết quả có được (2) lại cũng chỉ nhấn mạnh vào những yếu tố quốc nội (3). Gần đây lại có một số nghiên cứu khác có ý muốn đi xa hơn khuynh hướng trên (4), nhưng tầm ngắm của họ cũng chỉ tập trung vào những vùng như Nam Phi hay Nam và Đông Âu, không ai chú ý đến khu vực Đông Á (East Asia) (5). Cho nên để bổ túc cho thiếu sót này, chúng tôi cố gắng đưa ra tiểu luận này, với một số phân tích trên hai quốc gia mới công nghiệp hóa (NICs) là Hàn Quốc và Đài Loan.

Ta thấy rằng hầu hết những chuyển biến đi đến dân chủ gần đây ở những vùng phía Nam Âu Châu hay Đông Âu và cựu Liên Bang Xô Viết đều được khích lệ – bằng cách này hay cách khác – bởi những yếu tố có tính cách toàn cầu về mặt kinh tế, chính trị hay ý thức hệ, một điều mà trong hai đợt dân chủ hoá lần I và II đều đã không có được.

Việc tại sao những ảnh hưởng đến từ bên ngoài, dù là lan từ quốc gia này sang quốc gia khác hay đến từ đâu đó trên thế giới, đã ảnh hưởng đến sự phát sinh ra một “đợt sóng thứ ba” của việc dân chủ hóa một cách liên tục và lan rộng có nhiều lý do khác nhau (6).

Thứ nhất là –– Trên toàn thế giới, tư tưởng Tự Do Dân Chủ đã trở thành yếu tố chủ đạo về mặt chính danh hóa cho hầu hết những cộng động mang ý thức hệ. Juan Linz và Alfred Stepan cho rằng lý tưởng về tự do đã trở thành “tinh thần của thời đại” (Zeitgeist). Trừ ra một số vùng nào trong thế giới Hồi giáo đang sống với tư tưởng “nguyên thủy nhưng có cải cách”, đến khoảng cuối thập niên 1970s hầu như khắp trên thế giới không có thể chế đáng kể nào đi ngược lại khuynh hướng dân chủ cả (7). Trào lưu về dân chủ hoá này, chưa từng có trong lịch sử, đã gây áp lực lên những thể chế độc tài toàn trị và thúc giục khuynh hướng phải biến chuyển sang nền dân chủ.

Thứ hai là –– Sự thay đổi về chính sách của một vài thế lực mạnh về tinh thần trên thế giới đã tạo ra áp lực và những yếu tố làm cho việc dân chủ hoá được dễ dàng. Cho đến giữa thập niên 1960s, Giáo Hội La Mã vẫn hợp tác với những thế chế độc tài toàn trị và luôn luôn hợp thức hóa nó. Mãi cho đến khi có Công Đồng Vatican II (1962-1965) thì Giáo Hội mới bắt đầu chống lại những thể chế độc tài (8). Các nước dân chủ tân tiến cũng thế. Trước đây họ thường không rõ ràng trong việc nuôi dưỡng tinh thần dân chủ ở ngoài lãnh thổ của họ, và cũng thường xem sự ủng hộ các thể chế độc tài toàn trị hay việc gây khó dễ cho những thể chế được dân chúng chọn lựa là những chiến lược để bảo vệ lợi ích của chính mình (9). Tuy nhiên điều này đã thay đổi vào cuối thập niên 1970s, khi Tổng Thống Jimmy Carter quyết định chọn vấn đề nhân quyền làm cốt lõi cho chính sách ngoại giao của nước Mỹ, theo đó Washington bắt đầu hỗ trợ cũng như tăng mạnh áp lực để có được việc thực thi dân chủ. Cộng Đồng Âu Châu (EC) cũng thế. Từ cuối thập niên 1970s họ đã thay đổi chính sách về thu nhận thành viên của Cộng Đồng và trong hai thập niên sau (1970s-1980s) họ đã trở nên một thế lực kiên trì nhất và có ảnh hưởng mạnh nhất trong việc phát triển dân chủ ở vùng Nam Âu và Đông Âu (10). Cuối cùng hết phải kể luôn việc ông Mikhail Gorbachev cổ xướng cho Đổi Mới và bãi bỏ học thuyết Brezhnev. Điều này đã mở ra một cánh cửa cho việc dân chủ hoá trong một loạt các nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa.

Thứ ba là –– Sự phổ biến của thông tin trên toàn cầu đã và đang ảnh hưởng rất mạnh trên đợt thứ ba của việc dân chủ hoá. Kỹ thuật đã thu ngắn không gian, thời gian, cũng như đẩy lùi cả biên giới quốc gia. Ngày nay các nhà độc tài toàn trị không còn có thể kiểm soát thông tin và những việc truyền bá tư tưởng nữa, vì ở đâu trên thế giới cũng đều được bao trùm bởi những phương tiện như làn sóng ngắn radio, TV truyền qua vệ tinh, máy fax, và những hệ thống computers. Quan trọng hơn nữa, những kỹ thuật này làm cho “hiệu ứng tương liên” (demonstration effect) trở nên mạnh hơn và đồng thời thúc đẩy sự liên đới quốc tế. Nếu một quốc gia thành công trong việc dân chủ hoá, điều này sẽ lập tức gây ảnh hưởng trên một quốc gia khác, đặc biệt là đối với những quốc gia có “đồng văn hóa, và lãnh thổ gắn liền nhau” (11). Kết quả thấy được là trong suy nghĩ của những chính trị gia cũng như các nhà trí thức, và của bất cứ những ai có quan tâm, hình ảnh của một cuộc cách mạng toàn cầu nay đã trở thành một thực tế phải chấp nhận. Những thông tin và báo cáo trực tuyến về những sự kiện như có độc tài đàn áp, hay việc những thế lực dân chủ đang đấu tranh cho nhân quyền ở một góc xa xôi nào đó của thế giới, đều có thể đến tai của những nhà làm chính sách ở các nước phát triển và lay động lương tâm của cả cộng đồng thế giới; một điều mà trước đây vài chục năm chúng ta đã không thể nào có được.

Những chuỗi sự kiện này trên toàn cầu tuy dễ nhận thấy, nhưng phân tích cho được ảnh hưởng của chúng trên từng chặng của quá trình chuyển biến đến dân chủ thì lại khá khó khăn, về cả hai mặt lý thuyết và trải nghiệm. Cho đến nay thì đã có vài khảo cứu nổi tiếng về tiến trình dân chủ hóa cho ta biết được (một cách có hệ thống và hợp lý) tại sao (và bằng cách như thế nào) lại có những loại nhân tố (actors) từ bên ngoài khác nhau; và ở mỗi giai đoạn khác nhau, lại đem tới những loại ảnh hưởng khác nhau. Nhưng do tình hình quốc tế vốn thường vẫn phức tạp, việc phân tích cũng bị phức tạp theo. Thông thường, những ảnh hưởng được gây nên bởi những yếu tố từ bên ngoài chỉ là gián tiếp và phải đi qua trung gian của những cơ chế trong nước (domestic structures), cho nên “chúng chỉ có hiệu quả theo một cách khó cắt nghĩa và không dự tính trước được, qua trung gian của những nhân tố trong mỗi quốc gia” (12). Thành ra, dù quan trọng đến mấy đi nữa, những yếu tố tương quan (contextual factors) không bao giờ có thể quyết định được quá trình của những chuyển biến về dân chủ hóa. Bởi vì nếu trong cơ chế có cho thấy những mặt khả thi đi chăng nữa, phần lớn là người ta chỉ nhận ra được nó/chúng dưới một số điều kiện nào đó. Một chuyển biến về dân chủ hóa chỉ được tiến hành qua hành động của con người, cùng với sự tương hỗ chiến lược giữa các thế lực chính trị mà thôi. Để hiểu được những tương quan giữa những cơ chế (structures), pháp luật (institutions) và những chọn lựa kế hoạch gì để thay thế (contingent choices), chúng ta cần nhận định rõ về những yếu tố kích thích (triggering factors) và những nhân tố gây ra thay đổi (agents of change).

Yếu Tố kích thích và Nhân Tố gây thay đổi

Trước tiên –– Như Pridham đã đề cập, chúng ta cần chia yếu tố quốc tế ra theo từng phần của nó, đó là: Nhân tố bên ngoài, tổ chức, hay hình thức (conditions). Chúng ta cũng cần phân biệt: (1) Những biến chuyển của bối cảnh hay tình huống (2) Những nhân tố từ bên ngoài, và (3) Hình thức và chiều hướng của những ảnh hưởng từ bên ngoài (13).

Biến chuyển của bối cảnh thì gồm có những thực trạng về biến đổi trên khía cạnh địa-chiến-lược (geostrategy), những năng động và thay đổi của nền kinh tế thế giới, các thay đổi trong sự liên kết giữa các thế lực trên quốc tế, và những áp lực đòi hỏi sự thay đổi về chính sách đối ngoại của một quốc gia nào đó. Về nhân tố từ bên ngoài thì đó có thể là những tổ chức quốc tế, các chính phủ của những nước ngoài, các nhân tố phi-chính-phủ (NGOs) liên quốc gia, hay những cộng đồng dân tộc sống trong vùng nằm trên cả hai bên biên giới của hai nước khác nhau. Về hình thức của các ảnh hưởng thì gồm có những loại biến thiên từ có tính cách cố ý đến không cố ý (ví dụ như động lực của thị trường), hoặc từ có tính cách cưỡng bức (như xâm lăng, chiếm đóng) đến có tính cách thuyết phục, hay từ có tính cách bí mật đến công khai. Dĩ nhiên không phải bất cứ ảnh hưởng nào đến từ bên ngoài cũng thuận lợi cho việc chuyển biến dân chủ. Có khi nó còn cho kết quả ngược lại hay làm suy yếu việc dân chủ hóa.

Thứ hai –– Chúng ta phải thấy được cho rõ ràng sự tương quan rất năng động giữa những yếu tố từ bên ngoài và những quá trình tiếp thu ở quốc nội. Những tương quan này có nhiều dạng khác nhau, đó là những hình thức như hiệp ước hay cam kết quốc tế đang còn hiệu lực, những việc như tham gia vào các tổ chức quốc tế, liên minh về quốc phòng, tương quan giữa bên cho vay và bên mượn hoặc bên viện trợ và bên nhận, quan hệ về mậu dịch và tài chính, hay tương liên về văn hóa trong các lãnh vực di dân, giáo dục, tôn giáo; những việc khác như mở cửa cho các thông tin của nước ngoài đi vào, hoặc có những dị biệt trong vấn đề biên giới, vấn đề các nhóm cộng đồng dân tộc sống ở vùng giữa hai quốc gia. Tùy theo tính chất của những tương quan này mà mức độ cam kết – nghĩa là mức độ linh hoạt hoặc có dễ bị chi phối hay không – của những tổ chức hay nhân tố trong một quốc gia đối với những ảnh hưởng đến từ bên ngoài sẽ khác nhau. Nói cách khác, chính những tương quan này quyết định việc các nhân tố trong một nước đối xử với các nhân tố và ảnh hưởng đến từ bên ngoài như thế nào, cũng như sẽ thu nhận những “khuynh hướng của thế giới” vào trong chiến lược chính trị của mình ở mức độ nào.

Thứ ba –– Dựa trên cơ sở thực chứng lấy từ những quá trình đã xảy ra, chúng tôi sẽ phân tích một số quốc gia bằng cách so sánh trên hai phương diện liên-khu-vực (inter-regional) và trong-khu-vực (intra-regional) để khám phá ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài trên quá trình chuyển biến của chế độ. Ở đây việc nghiên cứu của chúng tôi được chia ra làm hai bước: Bước thứ nhất là phân tích khuynh hướng chuyển biến về dân chủ của thế giới, bằng cách đặt ra vài giả thiết dựa trên việc so sánh liên-khu-vực (inter-regional) giữa Hàn Quốc và Đài Loan. Bước thứ hai là khảo sát một cách rất chi tiết về tính năng động trong việc chuyển biến chế độ ở mỗi nước. Để so sánh theo ý niệm liên-khu-vực, chúng tôi xem cả hai nước này như một khối chung với các nước khác trong khu vực, và chú trọng vào những điểm giống nhau ở những quốc gia này. Nhưng trong cả hai bước, chúng tôi sẽ tỉ mỉ hơn khi tìm hiểu sự khác biệt nhau trong khu vực cũng như lịch sử cá biệt của mỗi quốc gia.

Chúng tôi sẽ xem xét ảnh hưởng đến từ bên ngoài trong năm lãnh vực sau đây:

  1. Hiệu ứng tương liên (demonstration effects).
  2. Những khích lệ về kinh tế (economic incentives) đến từ bên ngoài, những sự ép buộc, và những điều kiện khác như động lực của thị trường (market forces) hay chính sách của những đối tác thương mại quan trọng.
  3. Khuynh hướng của thế giới đối với chủ nghĩa kinh tế tự do đã thâm nhập như thế nào vào một quốc gia dưới hình thức chuyển nhập ý tưởng, hay thông qua những tổ chức hợp tác đa phương, và những chính sách mậu dịch của Washington.
  4. Những nhân tố liên quốc gia, và
  5. Việc kế thừa một tình trạng đất nước bị chia cắt.

Hiệu ứng tương liên 

So với vùng Đông Âu, hiện tượng “lan truyền dân chủ” (14) ở khu vực Đông Á (East Asia) có ít sức ép hơn rõ rệt. Lý do nằm ở thời điểm tàn tạ của các thể chế độc tài, và vì Hàn Quốc lẫn Đài Loan đều ở khá xa vùng nói trên, nên hiệu ứng tương liên hay cộng hưởng trong giai đoạn chuyển biến về dân chủ hóa tương đối ít nếu so sánh với Đông Âu (15). Những diễn biến ở Nam Âu và châu Mỹ La Tinh cũng thế, khoảng cách về địa lý đã qua xa để có thể gây ảnh hưởng gì lên thể chế Quốc Dân Đảng (QDĐ) ở Đài Loan hay thể chế Chun Doo Hwan ở Hàn Quốc.

Cuối năm 1986, khi Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo) quyết định để cho đảng Dân Chủ Tiến Bộ (DCTB) được thành lập, và tuyên bố dự định bãi bỏ cả thiết quân luật lẫn các cấm đoán về chính trị – đó là lúc đánh đánh dấu sự chấm dứt của chế độ độc tài toàn trị ở Đài Loan (16) – thì ở Phi Luật Tân cũng đã có những dấu hiệu cho thấy rằng sự sụp đổ của thể chế Ferdinand Marcos có thể bắt đầu cho một chiều hướng tiến đến dân chủ hoá trong khu vực. Thật ra sự tan rã của thể chế Marcos vào tháng 2-1986 cũng đã làm dấy lên những đòi hỏi về “dân quyền” ở Seoul và tạo nền móng cho những đảng phái đối lập ở Hàn Quốc tổ chức được những phong trào quần chúng đòi hỏi cải cách toàn diện (17). Tuy nhiên những ảnh hưởng này lại không lan đi xa. Không có bằng chứng gì cho thấy sự khủng hoảng chính trị ở Seoul vào giữa năm 1987 có ảnh hưởng quan trọng gì đến những hoạt động của việc chuyển biến chế độ ở Đài Bắc (Taipei) hay ở những nơi khác trong khu vực.

Vào cuối năm 1987 và đầu 1988, việc cải cách chính trị dưới sự chủ động của Quốc Dân Đảng có thể tiến triển được chủ yếu là do những khủng hoảng nội bộ của họ mà thôi, mặc dù đảng Dân Chủ Tiến Bộ có tổ chức những cuộc biểu tình trên đường phố vào những tháng sau giữa năm 1987 (18). Cũng có thể bảo rằng những đợt sóng dân chủ bùng nổ ở khu vực các nước xã hội chủ nghĩa cũ, hay ở Nam Âu và các nơi khác ở Nam Mỹ trong giao đoạn 1989-1990 đã có phần đóng góp cho Hàn Quốc và Đài Loan hoàn thành việc chuyển biến dân chủ hóa. Nhưng thực ra tình hình nói chung ở hai quốc gia nay vẫn rất thuận lợi cho thể chế độc tài của họ. Nếu nhìn chung toàn thể của cả khu vực, vùng Đông Á đã rất ít chịu ảnh hưởng của trào lưu dân chủ hóa trên thế giới (19).

 

Những kích lực kinh tế của thế giới

Trong sự chuyển biến đến dân chủ hóa, ảnh hưởng của sự khuyến khích hay thúc ép từ bên ngoài về mặt kinh tế đối với Hàn Quốc lẫn Đài Loan cũng rất khác biệt. Trường hợp của vùng Nam Âu và Đông Âu thì Cộng Đồng Âu Châu (EC) đã có đặt điều kiện về dân chủ hóa trong các quan hệ qua lại, cũng như có hứa hẹn sẽ nhận làm thành viên. Nhưng ở Đông Á thì tuyệt nhiên không có những điều như thế này. Đã không có nhân tố nào, dù là qua liên hệ đa phương hay đơn phương, đã hành động như cách của EC vừa kể.

Hai đối tác thương mại quan trọng nhất của cả Đài Loan lẫn Hàn Quốc là Nhật Bản và Mỹ Quốc đã nghĩ đến lợi ích về mặt thương mại và địa-chiến-lược (geostrategic) nên để không dùng sức mạnh kinh tế của mình để thúc đẩy việc dân chủ hóa ở Hàn Quốc và Đài Loan. Cho nên mặc dù ở Đài Loan có Sự Kiện Cao Hùng (Kaohsiung, 1979) và Hàn Quốc có Sự Kiện Quang Châu (Kwangju, 1980) [là những việc đàn áp] đi nữa, cả hai nước đều đã không mất quyền “quốc gia được ưu tiên nhất” (MFN) về mậu dịch. Ngoài ra, trừ những vấn đề như luật lao động và luật công đoàn, trong các giao dịch song phương về thương mại với Washington, cả hai nước Hàn và Đài không hề vấp phải đòi hỏi về nhân quyền lần nào cả.

Đến đầu thập niên 1990s, việc mậu dịch giữa Hàn Quốc và Đài Loan với Washington đã giảm xuống khá đáng kể trong khi mậu dịch với những nước láng giềng “phi dân chủ” hay bán-độc-tài ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á lại tăng lên rõ rệt (20). Ngay cả ở những thời điểm cao nhất của quá trình thay đổi chế độ, cả Hàn Quốc lẫn Đài Loan hầu như không hề có loại trói buộc nào trong những quan hệ kinh tế, dù là liên vùng hay trên toàn cầu, đòi hỏi cả hai nước phải có dân chủ hay ít ra là sẽ tiến tới dân chủ hóa (21).

Thêm một khác biệt rất cơ bản nữa là – không giống như trường hợp của châu Mỹ La Tinh – sự bung nới ra về chính trị ở cả Đài Loan lẫn Hàn Quốc đều không phát sinh từ một cuộc khủng hoảng bên trong về kinh tế xã hội, hay do rối loạn kinh tế ở bên ngoài; lại cũng không phải vì dân chúng đòi hỏi phải có cải cách lớn về kinh tế hay xã hội (22). Ngược lại, nếu so sánh về mức độ kỹ nghệ hóa của hai khu vực, những chương trình phát triển do chính quyền bảo trợ ở cả Hàn Quốc lẫn Đài Loan lại rất được ủng hộ rộng rãi hơn hẳn ở những nước trong vùng châu Mỹ La Tinh. Nói cách khác, chiến lược kỹ nghệ hóa nhằm vào xuất cảng của các chế độ cũ [ở Đài Loan và Hàn Quốc] đã được tổ-chức-hóa cao độ và rất hiệu quả (23).

Có một điều chắc chắn là việc chuyển biến dân chủ hóa ở Hàn Quốc lẫn Đài Loan trong giai đoạn từ cuối thập niên 1980s đến đầu thập niên 1990s đã được thúc đẩy rất nhanh bởi những hiệu quả dồn dập của những khích lệ về mặt xã hội và chính trị, do việc kỹ nghệ hóa nhanh chóng và phát triển cao độ đem lại (24). Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, những thành tựu kinh tế này lại gây hạn chế cho quá trình dân chủ hóa (25). Trước hết là nó cản trở, làm cho những nhân tố trên thế giới không gây được những ảnh hưởng kinh tế, chẳng hạn như đặt điều kiện cho việc cấp viện trợ hay giúp đỡ về cải thiện kinh tế. Ngoài ra, những kích lực kinh tế của thế giới lại tạo ra những ảnh hưởng tuy có tế nhị nhưng lại làm nguội lạnh những ý hướng của các phe đối lập. Lý do của mọi sự nằm ở yếu tố an định. Trên khía cạnh chiến lược kỹ nghệ hóa nhắm vào xuất khẩu, cả Đài Loan lẫn Hàn Quốc đều rất thành công trong việc thu hút được nhiều vụ đặt hàng từ nước ngoài. Tuy nhiên nhu cầu của nước ngoài là một thứ gì rất nhạy cảm, nó luôn luôn đòi hỏi phải có sự ổn định tức thời về chính trị; chỉ cần có vài dấu hiệu bất ổn về chính trị hay động loạn xã hội là hàng loạt giao kèo có giá trị bạc tỷ đôla sẽ chạy sang nước khác. Cho nên mọi thành phần có lợi ích trong lãnh vực kinh doanh nhằm vào xuất cảng – dù thuộc phe đối nghịch hay phe thân chính quyền – tất cả đều thấy lợi ích của mình có gắn bó mật thiết với sự an định, cũng như sự khả tín (predictability) của chế độ. Nước công nghệ mới (NIC) nào đi nữa, dù là đã lên quỹ đạo hay chỉ mới ở giai đoạn đầu thôi cũng đều gặp phải những cạnh tranh rất khốc liệt, do đó điều tối cần thiết đối với họ là thế chế phải được ổn định và các chính sách phải có tính liên tục. Nhưng những điều kiện này lại gây cản trở cho các phe đối lập trong việc hoạch định chính sách. Những cuộc đấu tranh cho dân chủ thường đòi hỏi có động viên quần chúng ở quy mô lớn, nhưng những biến động chính trị nếu cứ kéo dài thì khó lôi kéo được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, trừ phi những đấu tranh đó thâu hái được những kết quả cụ thể một cách nhanh chóng.

Tuy là ngẫu nhiên, nhưng trào lưu hướng về chủ trương kinh tế tự do (economic liberalism) lại đã xảy ra cùng một lúc với đợt thứ ba của việc dân chủ hoá. Trào lưu này đã trực tiếp góp phần vào sự sụp đổ của nhiều thể chế xã hội chủ nghĩa trên thế giới, và dù không cố ý gây ảnh hưởng, nó cũng đã nuôi dưỡng cho sự chuyển biến dân chủ hóa ở Hàn Quốc và Đài Loan. Nói chung, xuyên qua nhiều liên hệ khác nhau, sự thịnh hành của khuynh hướng tiến về chủ nghĩa Tân Tự Do (Neoliberalism) đã đẩy đến sự chấm dứt của thế chế “nhà nước đang tiến lên tân tiến” (developmental state) (26) lẫn cả những liên minh hỗ trợ của nó vốn luôn luôn ủng hộ chế độ cũ, và đã làm cho phát sinh ra khâu [kinh tế] tư nhân với nhiều tính độc lập hơn với nhà nước cầm quyền (27).

Ở Hàn Quốc, việc ổn định nền kinh tế vĩ mô (macroeconomic stalilization) và những chương trình tái cấu trúc nền kỹ nghệ (industrial restructuring programs) được triển khai trong mấy năm đầu của thế chế Chun Doo Hwan (Toàn Đẩu Hoán) đều hướng theo chủ nghĩa Tân Tự Do (neoliberalism). Một phần của việc lựa chọn đi theo chính sách này là kết quả của đường lối quản lý kinh tế dựa trên nguyên tắc của trường phái tiền tệ (monetarist idea) của những kinh tế gia Hàn Quốc được đào tạo ở Mỹ và cũng nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cố vấn làm việc cho Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) (28).

Tuy nhiên, một loạt biện pháp cái tổ nhằm ổn định lại nền kinh tế và tăng cường sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế, cũng như nhằm tranh thủ sự ủng hộ của “số đông thầm lặng”; lại gặp phải sự chống đối của các nông gia, thợ thuyền lẫn giới doanh thương (business sector). Điều này làm cho mối quan hệ vốn rất đồng thuận trước đây giữa nhà nước và giới doanh thương trở nên căng thẳng và mâu thuẫn ra (29). Kết quả là những cải tổ không được mấy ưa chuộng này đã làm cho đảng Dân Chủ Chính Nghĩa của chính quyền bị mất phiếu nhiều trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 1985, dẫn đầu cho sự chấm dứt của thể chế Đệ Ngũ Cộng Hòa (1980-1986) (30).

Vào nửa sau của thập niên 1980s, do áp lực ngày càng cao ở trong nước đòi hỏi phải điều chỉnh lại cán cân mậu dịch, Văn Phòng Đại Diện Mậu Dịch của Mỹ đã dựa vào Luật Mậu Dịch 1986 để yêu cầu Hàn Quốc và Đài Loan phải có thay đổi đáng kể trong việc tự do hóa về cả hai phương diện mậu dịch và tài chính (31). Trong cả hai phương diện này, những đòi hỏi về cải tổ kinh tế đã tước mất rất nhiều quyền chỉ đạo của nhà nước và đề cao vai trò của khâu kinh tế tư nhân, đồng thời thiết lập ra “giá trị cho thuê” (economic rents). Kết quả là vị thế chính trị của chế độ cũ bị yếu đi, rồi mức độ kiểm soát của giới thân chính quyền trong những hoạt động chung với khâu kinh tế tư nhân cũng bị giảm xuống.

Có nhiều nhân tố xuyên quốc gia khác nhau đã đóng vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy về dân chủ hóa ở Hàn Quốc và Đài Loan. Trừ các phong trào sinh viên ra, những thế lực dân chủ ở Hàn Quốc đều đã có những quan hệ xuyên quốc gia với những tổ chức phi chính phủ (NGOs) trên thế giới, trong đó đáng kể nhất là những tổ chức thuộc hệ Thiên Chúa Giáo (church-related groups). Hội Thánh Tin Lành đã giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất cho những nhà bất đồng chính kiến ở Đài Loan trong khi các tổ chức nhân quyền xuyên quốc gia như Asia Watch và Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đã theo dõi rất sát những đàn áp chính trị và vi phạm nhân quyền trong những năm mà các thể chế độc tài còn cầm quyền ở Hàn Quốc và Đài Loan; và họ đã công bố cho toàn thế giới biết rõ về tinh thần muốn dân chủ hóa trong hai quốc gia này. Những tổ chức phi chính phủ khác, đặc biệt là Quỹ Châu Á (Asia Foundation) đã góp sức nuôi dưỡng cho xã hội dân sự tự trợ ngay từ những bước trứng nước của nó. Ngoài ra, những thế lực dân chủ ở Hàn Quốc lẫn Đài Loan đều đã nhận được nhiều hỗ trợ rất quan trọng từ những cộng đồng người Hoa và người Hàn ở ngoài nước, đặc biệt là từ Mỹ quốc. Họ vừa thiết lập những liên quan mật thiết với các lãnh tụ của những phong trào đối lập chính trị và ủng hộ những người nầy về tinh thần cũng như vật chất. Mặt khác, họ đã tích cực vận động với Quốc Hội cũng như bên Hành Pháp của Mỹ để Washington gây áp lực trên hai quốc gia nói trên về vấn đề nhân quyền.

 

Việc Kế Thừa một tình trạng Đất Nước bị Chia Cắt

Đặc tính chủ yếu của Hàn Quốc và Đài Loan không phải nằm ở điểm cùng nằm ở Đông Á hay mới tiến lên về kinh tế, nhưng chính là điểm cả hai đều là quốc gia bị chia cắt. Để hiểu được thực tế này có ảnh hưởng gì lên những chuyển biến về dân chủ hóa, chúng tôi xin nhắc lại rằng “điều kiện tiên quyết cho tất cả mỗi giai đoạn của việc dân chủ hóa là sự thống nhất quốc gia và vấn đề các biên giới đã được chấp nhận” (32).

Trường trường hợp của Hàn Quốc và Đài Loan, khi khảo sát việc đất nước bị chia cắt cần chú ý đến một vài liên hệ về mặt cơ chế. Thứ nhất là –– sự chia đôi bán đảo Triều Tiên và việc eo biển Đài Loan đã trở thành biên giới là những sản phẩm chính trị của Chiến Tranh Lạnh ở vùng Đông Bắc Á (33). Trong thời Chiến Tranh Lạnh, do phải trực diện với những nguy cơ đến từ phía Cộng Sản, cả Đài Loan lẫn Hàn Quốc đều phải dựa vào những bảo đảm an ninh của nước Mỹ để sống còn. Những căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc giữ được sự ổn định trong quan hệ giữa Nam-Bắc Triều Tiên, trong khi Hiệp Ước Phòng Thủ Chung giữa Đài Loan và Mỹ (và ở một mức độ thấp hơn là một hiệp ước được ký kết sau đó: Luật Quan Hệ Đài Loan – Taiwan Relations Act) nhằm để bảo đảm an ninh ở vùng eo biển biên giới vừa kể. Sự ổn định của cả hai thể chế ở Đài Loan và Hàn Quốc rất tùy thuộc vào việc làm thế nào để kiềm chế được tham vọng muốn thống nhất của Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, cho nên cả hai thể chế đều luôn luôn phụ thuộc vào những thay đổi chiến lược của những cường quốc trong vùng cũng như những đổi thay về cơ cấu trên phạm vi thế giới. Kết quả là Washington được ưu thế ngoại giao rất mạnh đối với bất cứ thế chế nào ở cả hai quốc gia này, dù là độc tài hay dân chủ.

Thứ nhì là –– với thực trạng của một nước bị chia cắt, sự chuyển biến dân chủ hóa của thể chế luôn luôn có nguy cơ sẽ bị phía bên kia can thiệp vào. Nếu không có sự rõ rằng về ý nghĩa và mục tiêu của sự chuyển biến dân chủ, đặc biệt là những đặc điểm thấy rõ được về tương lai của việc thống nhất hay về khả năng gây xáo trộn nội tình của thế chế đối nghịch, thì vẫn có thể là phía bên kia sẽ phản ứng hay có hành động chống lại.

Thứ ba là –– trong trường hợp chung cho cả hai nước, việc bị chia cắt cũng làm cho tính hợp pháp (legitimacy) của thể chế lại càng quan trọng hơn trên bình diện quốc tế. Vì ai cũng biết tính cách tạm thời phần đất mình đang kiểm soát, cả Hàn Quốc lẫn Đài Loan đều không được chính thức hợp pháp hóa trước cộng đồng quốc tế về mặt toàn vẹn chủ quyền trên toàn lãnh thổ. Trong hầu như tất cả những năm tháng kể từ sau Thế Chiến Thứ II, cả Hàn Quốc lẫn Đài Loan đều đã luôn luôn phải cạnh tranh khốc liệt với phía bên kia để có được sự thừa nhận về ngoại giao; và trong nhiều trường hợp, để có được quyền đại diện trong các tổ chức quốc tế. Để được như vậy phải cần nhiều cố gắng để kết hợp chặt chẽ hai phương diện quan trọng là có được các chính sách ngoại giao hữu hiệu đi song song với việc củng cố thể chế: Nếu bị cô lập về ngoại giao, thể chế sẽ mất đi tính hợp pháp (legitimacy); nếu được quốc tế công nhận, thể chế sẽ được củng cố. Điều này cũng có nghĩa là trong quá trình chuyển biến thể chế, các thế lực chính trị trong nước phải luôn luôn biết kết hợp yếu tố quốc tế vào những chiến lược quốc nội của mình.

Thực trạng của đất nước bị chia cắt cũng sinh ra nhiều thứ phức tạp khó khăn cho việc củng cố nền dân chủ ở Hàn Quốc và Đài Loan. Trước hết là sự không rõ ràng chắc chắn về tính cách của quốc gia. Nếu trong nước mọi người cứ tranh cãi liên miên về tư cách quốc gia của mình và tư cách của nhà nước trên phần đất của lãnh thổ thì không có bất cứ gì sẽ được củng cố một cách dân chủ cả (34). Điều này đã được chứng minh rõ rệt qua thực tiễn đầy hỗn loạn với nhiều cuộc thảm sát trên quy mô lớn ở nước Yugoslavia ngày trước.

Kể đến là sự đồng thuận về ý niệm “quốc gia”. Cũng không dễ gì để quy định ý niệm này trong Hiến Pháp. Chỉ có một cách duy nhất để khắc phục điều này là cố gắng thể chế hoá việc đất nước đang bị chia cắt, bằng cách cùng với thể chế phía bên kia công nhận lẫn nhau, và có được những hiệp ước chung với nhau. Những điều này, nếu được thực hiện càng nhiều thì ảnh hưởng của nó trên việc củng cố dân chủ sẽ càng mạnh.

Ngoài ra, quốc gia nào ở trong tình trạng bị chia cắt cũng đều có một guồng máy an ninh và quân đội với những quyền lực rất mạnh trên tất cả mọi sinh hoạt dân sự. Vì luôn luôn có đe dọa vũ lực từ phía Cộng Sản và ý thức được rằng phía bên kia sẵn sàng giúp sức cho những cuộc nổi loạn bên trong, việc duy trì một guồng máy an ninh quân đội được xem như một điều cần thiết hợp lý và đương nhiên là guồng máy này có quyền được can thiệp vào những hoạt động dân sự. Việc quân sự hoá xã hội đã làm cho nền cai trị độc tài ở Hàn Quốc và Đài Loan trở nên vô cùng vững chắc. Trong cả hai nước này, quân đội đã được phép can thiệp vào mọi vấn đề của xã hội dưới danh nghĩa an ninh quốc gia qua chủ trương “Sự Chuyên Nghiệp Mới” (new professionalism) (35). Dĩ nhiên những nền dân chủ mới sẽ không thực hiện được rộng rãi nếu không hạn chế bớt những đặc quyền nằm trên cả Hiến Pháp của guồng máy an ninh quân đội và không chỉnh đốn lại những quan hệ giữa quân đội và công dân. Cho nên – như kinh nghiệm nới rộng dân chủ ở châu Mỹ La Tinh đã cho thấy một cách rõ rệt – việc phi chính trị hoá guồng máy an ninh quân đội cũng là một thách thức lớn cần vượt qua để thực hiện dân chủ ở Đài Loan và Hàn Quốc.

Trên mặt thay đổi thể chế, cần phải xem xét ảnh hưởng của hai điều sau đây: Tình trạng của việc kế thừa một thực tế đất nước bị chia cắt, và sự cân nhắc chọn lựa những điều phải làm trên phương diện địa-chiến-lược. Việc này đòi hỏi phải dựa trên thực chứng để nghiêm túc khảo sát từng trường hợp của Hàn Quốc và Đài Loan. Trong những phần dưới đây, chúng tôi sẽ khảo sát kỹ hơn về những mối tương giao phức tạp giữa những thế lực trong nước và ở nước ngoài trong tiến trình chuyển biến chế độ ở Đài Loan và Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng, mặc dù trên mặt hệ thống quốc tế cả hai nước đều giống như nhau, nhưng thực trạng bị chia cắt lại có những ảnh hưởng khác nhau ở mỗi quốc gia. Trên phương diện chuyển biến đến dân chủ hóa, những liên hệ với Trung Quốc Đại Lục lại đã gây nhiều cản trở cho Đài Loan nhiều hơn trường hợp của Hàn Quốc khi đối diện với Bắc Triều Tiên. Cũng tương tự như thế, khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, những điều không rõ rệt về mặt chiến lược đã gây ra nhiều ảnh hưởng rất khác nhau trong tiến trình chuyển biến thể chế ở mỗi nước.

 

Chuyển Biến về Dân Chủ Hóa ở Hàn Quốc

Những sinh hoạt chính trị quốc nội ở Hàn Quốc có tương quan mật thiết với những thay đổi trên quốc tế. Sau khi được độc lập vào năm 1945, Hàn Quốc đã chuyển mình khốc liệt, nhưng chiều hướng của nó thì lại đi ngược với hướng dân chủ. Tàn dư của chế độ thực dân Nhật, đất nước bị chia cắt, rồi cuộc chiến tranh lớn sau đó, tất cả đã làm cho Hàn Quốc không tạo dựng được những cơ sở để mở mang về chính trị sau Thế Chiến II. Thêm vào đó, những căng thẳng thường trực đối với Bắc Triều Tiên cũng như sự nghèo đói khắp nơi, cộng thêm với tình trạng chậm tiến, đã góp sức cho nền cai trị độc tài nẩy nở. Về mặt khác, Hàn Quốc lại có được những thừa nhận ngoại giao và sự xác định tính chính danh của mình trên quốc tế, và có giao lưu với bên ngoài nên ý tưởng và hình tượng (images) của bên ngoài vào được trong nước. Hàn Quốc cũng có được nối kết với những thế lực xã hội xuyên quốc gia; cho nên tất cả những điều này đã ảnh hưởng lên tính chất và đường hướng phát triển về chính trị. Do đó cuộc chuyển biến về dân chủ trong năm 1987 cũng không phải là một việc gì xa lạ đối với giòng chảy lịch sử nầy ở Hàn Quốc.

Có vài lý thuyết gia cho rằng sự chuyển biến về dân chủ hóa ở Hàn Quốc có tương quan với việc chỉnh đốn trong cơ cấu. Những phát triển của đất nước đã làm cho xã hội dân sự được mạnh ra để rồi có thể tác động được lên chính trị, ví dụ như khi Tổng Thống Chun Doo Hwan (Toàn Đẩu Hoán) mới đưa ra cải cách nhưng vẫn thấy còn có lắm điểm quá bảo thủ trong đó, ông ta đã không được nhóm chính trị nào ủng hộ cả (36). Có lý thuyết gia khác thì chủ trương rằng yếu tố làm cho dân chủ được mở rộng nằm trong phương diện văn hóa. Việc cận đại hóa và những thay đổi của xã hội trong 30 năm trời đã thay đổi nền văn hóa chính trị của Hàn Quốc, làm cho những ý tưởng coi trọng sự cần thiết của nền thống trị độc tài phải nhường chỗ cho những giá trị văn hóa (37). Có thể bảo rằng chính giới chủ lưu và thân chính quyền đã nhìn ra được vấn đề một cách thông thoáng và bao quát hơn (38). Chính vì có áp lực từ các phe đối lập và sự thay đổi về tư duy mà Tổng Thống Chun Doo Hwan mới lựa chọn được những chính sách dân chủ hơn trong năm 1987. Ngoài ra, cũng không nên quên hay đánh giá thấp vai trò của những thế lực bên ngoài trên việc nới rộng về dân chủ ở Hàn Quốc.

Sự đe dọa về vũ lực của Bắc Triều Tiên, và tâm lý lo âu về an ninh quốc gia là hai điều đã thường được dùng để biện minh cho việc quân đội được can thiệp vào những hoạt động chính trị của dân chúng, cũng như cho việc cần thiết phải có một thế chế độc tài. Tuy nhiên khi bước qua nửa sau của thập niên 1980s, vấn đề an ninh quốc gia không thể còn được dùng làm con ngáo ộp để đe dọa quần chúng nữa. Từ năm 1986, hai yếu tố an ninh về mặt toàn cầu và toàn vùng (regional) đã được củng cố. Hai chính sách “Cải Tổ” và “Đổi Mới” của Gorbachev đã khiến cho Liên Xô và Mỹ thôi hết cạnh tranh bá quyền. Phần Trung Quốc cũng thế, với chính sách mở cửa kinh tế và cải cách cơ chế, những áp lực của Bắc Kinh đã trở nên bớt nặng nề cho toàn bán đảo Triều Tiên. Quan trọng hơn nữa là những đe dọa về quân sự của Bắc Triều Tiên cũng đã yếu xuống. Sự ngang sức về mặt chiến lược của Hàn Quốc đối với Bắc Triều Tiên, cũng như việc được Washington cam kết hợp tác lâu dài về quân sự, cộng thêm với thực trạng cô lập về ngoại giao lẫn sự đình trệ trong kinh tế của Bắc Triều Tiên; đã tạo nên một tình trạng an toàn cho Hàn Quốc để có thể phát triển dân chủ. Giới cầm quyền và quân đội đã không còn có thể viện lý do an ninh quốc gia để coi thường hay bỏ qua những đòi hỏi cải cách về dân chủ.

Còn một điểm quan trọng nữa là áp lực của Mỹ quốc. Trước đây thì Washington lúc nào cũng không rõ ràng đối với tình trạng chính trị bên trong của Hàn Quốc, và vẫn thường ủng hộ những thể chế độc tài, mặc dù trên những tuyên bố thì rất hào hùng về những ý tưởng dân chủ. Điều này có thể thấy được qua cuộc đảo chính năm 1961 và việc tướng Chun Doo Hwan lên nắm quyền năm 1980. Những việc như Washington tự hạn chế để không can thiệp vào nội chính của Hàn Quốc, cũng như thường đưa ra những lý do muốn thấy Hàn Quốc có an định thay vì bất ổn; là hai điều đã cản trở nước Mỹ trong chuyện níu tay các chế độ độc tài hay khuyến khích để có những thay đổi theo khuynh hướng dân chủ.

Tuy nhiên khuynh hướng này đã khác đi vào năm 1987: Washington đã bắt đầu có những bước thận trọng tiến đến việc thúc đẩy dân chủ hóa. Ngày 6 tháng 2 năm 1987, ông Gaston Sigur, Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách vùng Châu Á – Thái Bình Dương, đã lưu ý Seoul rằng quan hệ Mỹ-Hàn chỉ được cải thiện nếu chính phủ Chun Doo Hwan có thể thiết lập được “một thế chế chính trị pháp trị và cởi mở hơn”. Ông này còn nhấn mạnh về sự quan trọng của việc “dân sự hóa” chính quyền và yêu cầu quân đội chỉ nên thuần túy lo việc quốc phòng thôi (40).

Vào tháng 5, Ngoại Trưởng George Schultz đến Seoul và xác định rõ là Washington ủng hộ những thay đổi tiến đến dân chủ, cũng như muốn Tổng Thống Chun Doo Hwan tìm cách giải quyết những bế tắc chính trị chung quanh vấn đề tu chính Hiến Pháp bằng những biện pháp hòa bình. Mặc dù như thế, tình hình chính trị ở Seoul lại diễn tiến tồi tệ hơn. Ngày 18 tháng 6 (1987), trong lúc cuộc nổi dậy ở Quang Châu (Kwangju) đang ở cao điểm, Tổng Thống Reagan đã gửi thư cho Tổng Thống Chun yêu cầu chớ dùng vũ lực để đối phó với các nhóm chống đối, đồng thời cần phải thương lượng với các đảng đối lập, cũng như cố tìm những biện pháp để thiết lập nên dân chủ toàn diện (41). Reagan lại phái ông Sigur trở lại Seoul vào ngày 23 tháng 6 để quan sát tình hình và tìm phương cách để giải quyết cuộc khủng hoảng (42).

Áp lực từ phía Quốc Hội Mỹ lại mạnh hơn nhiều. Cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện đều đã thông qua một điều lệ (H.R. 141/S.R. 241) kêu gọi các bên liên hệ ở Hàn Quốc tái thương lượng lại với nhau về việc tu chính Hiến Pháp để bảo đảm dân chủ. Những áp lực này, từ cả hai phía Hành Pháp và Lập Pháp của Mỹ, tuy tự nó không đòi hỏi phải thấy được những kết quả của việc dân chủ hóa, nhưng nhờ vậy mà chính quyền Chun Doo Hwan đã phải nhượng bộ.

Có hai lý do để Washington tỏ ra cương quyết trong việc đòi dân chủ hóa. Thứ nhất, việc ủng hộ dân chủ là cách hữu hiệu nhất để giải quyết khuynh hướng chống Mỹ đang lan rộng vì một chuỗi nguyên nhân: Cuộc nổi dậy ở Kwangju, việc Washington vốn vẫn ủng hộ chính quyền Chun Doo Hwan, và sự chênh lệch trong cán cân mậu dịch giữa hai nước. Thứ hai, chính sách đối ngoại của Washington đang có sự thay đổi lớn. Sự sụp đổ của thể chế Marcos ở Phi Luật Tân là một bài học quý giá cho thấy rằng việc ủng hộ những thể chế độc tài và tham nhũng trên danh nghĩa duy trì hiện trạng không có ích cho quyền lợi của nước Mỹ. Tuy Hàn Quốc thì khác với Phi, nhưng Washington đã có một chính sách chung như thế cho cả hai nước.

Trong khi áp lực từ phía Washington đã làm cho chính quyền Chun Doo Hwan có nghiêng về chiều hướng mở rộng dân chủ, việc khai trương Thế Vận Hội 1988 ở Seoul cũng làm cho những người chủ trương cứng rắn phải hòa hoãn bớt. Chính quyền Chun Doo Hwan vẫn xem Thế Vận Hội Seoul 1988 là thành tích to lớn nhất về ngoại giao, cho nên nếu để xáo trộn cứ kéo dài trong suốt năm 1987 thì thật quá bất tiện. Nếu đàn áp những phong trào dân chủ bằng biện pháp mạnh thì sẽ gây ấn tượng rất xấu về nhà cầm quyền trong mắt quốc tế cũng như quốc nội, và kết quả có thể dẫn đến việc tẩy chay luôn Thế Vận Hội. Cho nên lựa chọn hợp lý nhất là thỏa hiệp để làm dịu tình hình, vì để có được những điều chính quyền mong muốn trong ngắn hạn mà phải đổi lấy bằng sự thất bại của Thế Vận Hội thì chắc chắn là chính quyền của ông rồi cũng sẽ không tồn tại được bao lâu.

Trong khi những yếu tố đến từ bên ngoài như những thay đổi thuận lợi cho Hàn Quốc về tình trạng an ninh quốc phòng, hay những áp lực về dân chủ hóa từ Washington, cũng như việc tổ chức Thế Vận Hội, đã làm cho các phong trào dân chủ thoát được những đàn áp vũ lực; việc thu nhận được những ý tưởng và hình tượng (images) từ bên ngoài cũng đã – trước hết là tạo nên, và sau đó là thúc đẩy – những áp lực từ hạ tầng, bằng cách thay đổi dạng thức của việc xã hội hóa những ý thức và kiến thức về chính trị (political socialization). Quả thực Hàn Quốc cũng đã bước vào đợt sóng thứ ba của sự đổi thay tiến đến dân chủ. Chiều hướng chung đáng chú ý nhất ở đây là có một ý nghĩ “không thấy có sự hoà hợp trong nhận thức” (cognitive dissonance) đang lớn dần theo thực tế trái ngược giữa thành tựu lớn về kinh tế và sự không bình thường của nền chính trị. Không thể chối cãi được là vào giữa thập niên 1980s, Hàn Quốc đã nổi lên như một nước dẫn đầu của nhóm các quốc gia có thu nhập cao. Tuy nhiên trong xã hội thì sự chọn lựa giữa điều có được kinh tế phát triển cao hay có nền dân chủ rộng rãi thì chưa được ngã ngũ, vì Hàn Quốc là một quốc gia tân tiến về kinh tế nhưng chậm tiến về chính trị. Điều thấy rõ được là vì muốn làm cho mình khác với Bắc Triều Tiên bằng cách vượt trội lên hơn họ – không những về mặt kinh tế thôi mà về luôn cả phương diện chính trị – dân chúng ở Hàn Quốc, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, đã trở nên những lực lượng ủng hộ cho việc dân chủ hóa.

Cảm nhận nói trên còn được thấy rõ hơn khi trên thế giới có xảy ra nhiều sự kiện đang chú ý. Ở Argentina, Brasil và Chile đã có những nới rộng về chính trị, và điều này đã thúc giục dân chúng Hàn, đặc biệt là giới trí thức, tự so sánh hoàn cảnh của mình với người dân bên châu Mỹ La Tinh. Việc nhìn người mà nghĩ đến ta còn được thấy rõ hơn trong trường hợp của Manila. Khi các đài truyền hình đưa lên hình ảnh của “sức mạnh quần chúng” và sự sụp đổ của thế chế Marcos, những điều này đã gây nên một ấn tượng mạnh mẽ tức khắc và tồn tại lâu bền trong lòng dân chúng ở Hàn Quốc. Các thông điệp của những hình ảnh này rất rõ ràng: Chiêu bài hy sinh tự do cho sự phát triển về kinh tế không còn có lý do để đứng vững được nữa, và những thay đổi hướng về dân chủ không còn là một viễn ảnh gì quá xa vời. Vì thế mà sức mạnh của quần chúng đã nổ bùng lên ở Hàn Quốc.

Dù sao thì nhận thức và ấn tượng, tuy có thể làm lay động lòng quần chúng nhưng vẫn không đủ lửa để dấy lên được những phong trào dân chủ. Để có thể tham gia vào con đường hoạt động cho dân chủ, quần chúng phải được trang bị bằng những ý tưởng thích nghi, và phải được tổ chức. Và đến vào khoảng giữa thập niên 1980s, những đoàn thể vận động cho dân chủ ở Hàn Quốc đã được trang bị kỹ với những ý thức hệ mới và được hướng dẫn đầy đủ qua những trao đổi và luận đàm rất đa dạng, kể cả tìm hiểu những lý thuyết như chủ nghĩa Mác nguyên thủy hay chủ nghĩa Mác cách tân (Neo-Marxism: chủ nghĩa xã hội), hoặc lý thuyết về tùy thuộc (dependency theory: lý thuyết về trao đổi bất bình đẳng giữa các nước giàu và nghèo).

Sau khi được trang bị với những lý thuyết ngoại nhập nầy, các đoàn thể quần chúng bắt đầu làm mạnh tổ chức của mình bằng cách – tuy lỏng lẻo nhưng lan rộng và xa – thiết lập những liên minh theo chiều ngang với những thế lực thợ thuyền, sinh viên, các nhà bất đồng chính kiến, và các đoàn thể tôn giáo. Họ không còn là những con người ngây thơ chỉ đi rao giảng về tự do dân chủ như trước đây nữa. Bây giờ họ đã có những ý thức rõ ràng, mục tiêu cụ thể và những kế hoạch rất chu đáo. Những ý tưởng, suy nghĩ, sau khi đã được bàn thảo và trao đổi với nhau, đã tạo nên những gia tốc mới cho những thay đổi hướng về dân chủ cho quần chúng. Cuối cùng hết, bên cạnh họ còn có những mạng lưới xuyên quốc gia của các tổ chức phi chính phủ và các công dân Hàn sống ở hải ngoại. Hai thế lực này cũng đóng một vài trò rất đáng kể trong việc đẩy mạnh sự mở rộng dân chủ ở Hàn Quốc (43).

Tóm lại, với những bối cảnh như vậy, ta thấy rõ được sự chuyển biến dân chủ ở Hàn Quốc không phải chỉ là những sự kiện đơn độc do những động năng trong nước tạo nên, mà thực ra nó còn bị ảnh hưởng bởi nhiều biến chuyển ở ngoài nước. Nếu những yếu tố đã nói, như tình trạng khả quan về an ninh quốc phòng, áp lực của chính phủ Mỹ, hay việc tổ chức Thế Vận Hội ở Seoul, đã hạn chế được các toan tính của giới cầm quyền độc tài; thì những dữ kiện như việc toàn cầu hóa (globalization) của xã hội Hàn Quốc và tình cảm “không thấy hòa hợp trong nhận thức” được nảy sinh theo đó, cộng với sự có thể được trao đổi về ý tưởng, suy nghĩ, cũng như sự thiết lập được những mạng lưới dân chủ xuyên quốc gia; đã cùng nhau đóng góp vai trò thiết yếu cho việc nuôi dưỡng sự chuyển biến hướng về dân chủ.

 

Sự Củng Cố nền Dân Chủ, Các Tổ Chức Quốc Tế

Sự mở rộng dân chủ trong năm 1987 ở Hàn Quốc đã tạo nên những thay đổi lớn trên nhiều phương diện: Pháp luật, quan hệ giữa nhà nước và xã hội, mối liên kết giữa các thế lực chính trị; trong đó việc xếp đặt lại cơ cấu là rộng rãi nhất. Tu chính án cho Hiến Pháp được Quốc Hội thông qua vào tháng 10-1987, đã được tổ chức lần đầu vào tháng 12 trong cùng năm, theo đó việc bầu cử gián tiếp bị bãi bỏ nhường chỗ cho bầu cử trực tiếp. Trong cuộc tranh cử với ba thế lực khác, Tổng Thống Roh Tea Woo (Lư Thái Ngu) thắng nhưng chỉ với 26% số phiếu. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 3-1988, đảng Dân Chủ Chính Nghĩa (đang cầm quyền) đã không nắm được đa số trong Quốc Hội.

Quyền được tự do tranh cử một cách công bằng cũng đã được cơ chế hóa trên bình diện quốc gia lẫn địa phương. Tuyên ngôn 29-06-1987 cũng bảo đảm quyền tự trị của các chính phủ ở địa phương. Mỗi tỉnh lỵ cũng như thành phố đều được thành lập những ủy ban và hội đồng quản trị của riêng mình. Cũng đã bắt đầu tổ chức những cuộc bầu cử trên toàn quốc (nationwide). Quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận được bảo đảm sau khi một công cụ để kiểm soát truyền thông – Luật Cơ Bản Về Thông Tín (Basic Press Law) – được bãi bỏ. Chính trị phạm được thả ra, và những luật lệ nào không dân chủ đều được tu sửa hay phế bỏ (44).

Những cải cách này cũng làm cho xã hội công dân bước vào thời trăm hoa đua nở, một điều mà trước đây chưa từng có (45). Song song với việc bừng nở của những nhóm lợi ích và những tổ chức công đoàn ở các địa phương; những thế lực trong lãnh vực dân sự – sau khi cân nhắc tình hình của các tổ chức xã hội hiện đang hoạt động và có nhiều liên hệ với giới cầm quyền – cũng tìm cách củng cố lại những tổ chức kín ngày xưa của họ. Các giới giáo chức, nông gia, trí thức, thợ thuyền và ký giả đều có lập ra nhóm lợi ích của mình, và con số của họ cũng đông đến ngang ngửa với những tổ chức do chính quyền bảo trợ. Ngay đến cả các nghệ sĩ hay những người buôn bán dạo trên đường phố cũng lập nhóm. Những đoàn thể liên quan đến lợi ích công cộng trên nhiều phương diện khác nhau với mục đích bảo vệ môi trường hay tranh đấu cho quyền bình đẳng trong các hoạt động kinh tế cũng bắt đầu lên tiếng rất mạnh mẽ (46). Trong tiến trình chuyển biến dân chủ, xã hội công dân không những mở rộng mà còn phân cực thành hai trận tuyến bảo thủ và cấp tiến. Ngoài ra, do tình trạng được dân chủ, xã hội công dân cũng đã trở nên đáng ngại, hay có lúc hăng hái đến quá mức. Hồi tưởng lại để so sánh với những lượt mở rộng về chính trị trong những năm 1960 và 1980, có thể nói xã hội Hàn Quốc ở lúc này đã trở thành như loạn pháp (47).

Tuy nhiên, việc xã hội công dân được mở rộng, và việc những hoạt động chính trị được linh hoạt hóa, hay tính dân chủ được bảo đảm theo cơ chế, lại gây khó khăn trên mặt điều hành của cơ năng chính quyền (48). Bây giờ nhà nước không còn có thể đưa ra danh nghĩa “vì lợi ích chung” để thôn tính hay đe dọa xã hội công dân được nữa. Sự đa nguyên về chính trị cũng làm cho huyền thoại “nhà nước của phát triển” hết mỵ lực. Ngoài ra, khi tích cực hoạt động chính trị, xã hội công dân cũng có thể ghé mắt vào nhiều lãnh vực của hành pháp, ví dụ như quyền độc lập của nhà nước, kỷ luật trong quản lý (executive dominance), sự thống nhất trong hành chánh (bureaucracy unity), và đặc quyền được cách ly với những kiểm soát bên ngoài (insulation) của những cơ chế quyết định chính sách (decision-making machinery). Bây giờ lại có xuất hiện một quy tắc mới cho mọi hoạt động hay thương lượng chính trị, đó là chỉ biết đến mình. Hầu như tất cả mọi thành phần của xã hội, dẫn đầu là thành phần lao động, sau đó là các thành phần khác như nông gia, đông y sĩ, dược sĩ, sinh viên, vv… tất cả đều đua nhau tìm lợi ích cho riêng mình. Việc bãi bỏ sự tập trung quyền lực để nhường chỗ cho sự tự trị của địa phương cũng bắt đầu làm cho những hợp tác giữa trung ương và địa phương trở thành khập khiễng (49).

Giống như trường hợp của những nước khác, việc chuyển biến đến dân chủ ở Hàn Quốc cũng là một quá trình đầy bấp bênh với nhiều điểm khó mà giải thích cho rõ. Nhìn về ngắn hạn, nó đã gây ra những xáo trộn bất trị có nguy cơ mang đến những cuộc khủng hoảng trầm trọng. Để đối phó, giới cầm quyền đã thành lập ra một liên minh rất rộng rãi giữa các thế lực bảo thủ. Tổng Thống Roh đã mời hai cựu đối thủ là Kim Young Sam (Kim Vịnh Tam) và Kim Jong Pil (Kim Chung Bí) vào hoạt động chung với mình, và qua đó liên kết ba chính đảng – đảng Dân Chủ Chính Nghĩa của ông ta, đảng Dân Chủ Thống Nhất, và đảng Tân Dân Chủ Cộng Hòa – lại với nhau thành một đảng duy nhất lấy tên là đảng Dân Chủ Tự Do. Động cơ của việc này là nhằm chiếm được đa số trong Quốc Hội, và như thế ông đã biến thể chế chính trị của Hàn Quốc đang có 4 đảng trở thành chỉ có 2 chính đảng. Bên phía đối lập bây giờ chỉ còn lại một đảng duy nhất, đó là đảng Hoà Bình Và Dân Chủ của Kim Dea Jung (Kim Đại Trung) (50); cho đến khi có tổng tuyển cử vào năm 1992 mới có thêm một chính đảng khác vào cuộc. Đó là đảng Thống Nhất Quốc Gia (Unified National) do Chung Ju Jung (Đặng Chu Vĩnh), giám đốc của nhóm công nghệ Hyundai, thành lập. Kết quả là Kim Young Sam đã thắng cử, và đảng cầm quyền đã nắm được đa số trong Quốc Hội. Tuy thế, dù đảng cầm quyền đã thắng được hai lần liên tiếp, thực tế là việc chuyển biến đến dân chủ đã làm cho đảng này bị phân liệt; và để không bị suy yếu đi, nó phải liên kết với các thế lực khác trong một trạng thái bất ổn, bấp bênh.

Nói chung, tiến trình dân chủ hóa có tạo ra một số ảnh hưởng không lạc quan mấy. Tuy nhiên với sự thành lập của chính phủ Kim Young Sam, và sự cố gắng liên tục của ông này trong các cải tổ chính trị, đã cho thấy những khuynh hướng hoài nghi trước đó là không đúng (51). Kim đã củng cố những luật lệ về dân chủ một cách rất hiệu quả. Chương trình chống tham nhũng của ông, như việc ban hành những điều luật bắt buộc phải dùng “tên thật” khi mở trương mục ở ngân hàng hoặc khi đăng ký quyền sở hữu bất động sản, đã làm cho mọi sự trở nên dễ kiểm soát và rõ ràng hơn, qua đó đã khôi phục được sự tín nhiệm của quần chúng vào chính phủ. Kim cũng đã thực hiện nhiều cải tổ về luật pháp, chẳng hạn như đã cho tu chỉnh luật về điều hành bầu cử và về chi thu tài chính trong những vận động chính trị, cũng như đã thiết lập những luật lệ qui định việc chọn lựa những người đứng đầu chính phủ ở các tỉnh đều phải kinh qua các cuộc bầu cử. Kim cũng ra lệnh thanh trừng một phe phái rất mạnh trong quân đội là nhóm Hanaboi, và do đó đã trừ khử được khả năng quân đội có thể can thiệp vào những hoạt động chính trị của dân sự (52).

Tuy vậy, những cải cách của Kim đã không đủ để bảo đảm cho sự vững chãi của nền dân chủ, do một số chướng ngại phát sinh ra từ trong nước. Vì có phản ứng của phái thủ cựu cho nên các chương trình cái tổ của ông không tiến được nhanh. Ngay trong đảng của Kim cũng bị nhiều phân liệt, trong khi đó chủ nghĩa cá nhân hay tính địa phương trong chính trị cũng xuất hiện trở lại. Bên cạnh đó, trong nội bộ đảng Dân Chủ Tự Do lại có tranh chấp quyền lực, và Kim Jong Pil đã tách rời ra để thành lập một đảng riêng, khiến cho bây giờ có đến hai đảng đối lập thay vì một. Tính địa phương lại xuất hiện trong những kỳ bầu cử ở địa phương: Bây giờ hình thức của chính trị trở thành việc dựa vào uy tín và thế lực của cá nhân, cụ thể là xoay quanh cá nhân ba ông Kim (Kim Young Sam, Kim Dae Jung, Kim Jong Pil); và điều này làm cho mọi người phân vân về tương lai của nền móng dân chủ. Dù sao thì sự củng cố nền dân chủ vẫn luôn luôn phải là một tiến trình khúc khuỷu, cho nên nếu có ít nhiều điểm đi thụt lùi chăng nữa cũng không hẳn là những bước đi đến dân chủ đã không thành công.

Có một điểm đáng chú ý: Điều thử thách quan trọng nhất trên con đường dân chủ hóa của Hàn Quốc không phải do bên trong mà đến từ bên ngoài. Hai sự đe dọa trầm trọng nhất là mối quan hệ giữa Nam-Bắc Triều Tiên và hình thức của việc thống nhất quốc gia (53). Nếu bán đảo Triều Tiên bị thống nhất theo kiểu Việt Nam thì đúng là không thể nào thực thi được dân chủ, mặc dù khả năng như thế này thì rất khó xảy ra. Ngay như việc thống nhất theo kiểu nước Đức, nghĩa là giá như thể chế Bắc Triều Tiên sụp đổ và Hàn Quốc tiếp thu luôn miền Bắc, thì khi đó việc củng cố nền dân chủ cũng có thể khó thực hiện, vì sẽ có rất nhiều vấn đề khó khăn và không biết được là phải giải quyết ra sao về mặt chính trị, kinh tế và xã hội.

Điểm thứ ba là việc duy trì hiện trạng như bây giờ thì cũng chưa hẳn an toàn: Thực tế luôn luôn bị khẩn trương về quân sự với miền Bắc mãi sẽ khiến cho quân đội của miền Nam có ưu thế cao trong xã hội, và do đó trở thành một yếu tố đe dọa sự vững bền của mọi cơ cấu dân chủ. Vì thế, cách thức mà quan hệ Bắc-Nam được vận hành như thế nào luôn luôn có ảnh hưởng rất trực tiếp đến những triển vọng dân chủ ở Hàn Quốc.

Tóm lại, mặc dù có nhiều thử thách từ cả bên trong lẫn bên ngoài, việc củng cố nền dân chủ hầu như là một phần không thể đảo ngược trong lịch sử phát triển của Hàn Quốc. Cho nên vấn đề không còn là chuyện có hay không có (dân chủ), mà là Hàn Quốc sẽ nhận định như thế nào về một nền dân chủ. Điều nầy phụ thuộc lớn vào những suy nghĩ mới về luật pháp, và việc phải biết học hỏi. Dĩ nhiên cũng có những điều nọ việc kia không thuận lợi sẽ phát sinh, nhưng tất cả cũng sẽ chỉ tạm thời thôi chứ không phải vĩnh viễn.

 

Đài Loan trên những bước tiến tới Dân Chủ

Đã có những khó khăn về sự xác định tính hợp pháp (legitimacy) trong việc chuyển đổi thể chế ở Đài Loan. Nhưng nói thế thì chưa đủ, vì còn nhiều vấn đề trong đó cần được nhận rõ: Tính hợp pháp của nhà nước trên những phương diện gì: về chủ trương về chủ quyền của quốc gia, phạm vi quyền hạn của nhà nước, hay về ranh giới của quyền công dân lan rộng đến đâu? Trong thời sau Thế Chiến II, đặc tính nổi bật nhất của Đài Loan là sự không rõ ràng trên mặt chính thể, đối với cả quốc tế lẫn quốc nội. Ngay từ khi phải rời đại lục để lánh qua Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc đã luôn luôn phải cạnh tranh với Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa về chủ quyền trên cả nước, lại phải đối diện với những tấn công quân sự (tuy không thành công) cũng như những đe dọa xâm chiếm bằng vũ lực từ phía đại lục. Trên mặt quốc tế, cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc đều cố gắng dành độc quyền đại diện cho toàn cả lãnh thổ Trung Quốc. Trong khoảng thời gian kéo dài từ sau Chiến Tranh Triều Tiên, chủ quyền của Đài Loan không bao giờ ổn định mà luôn luôn phải dựa vào sức mạnh của nước Mỹ và những biện pháp an ninh quốc tế của thời hậu chiến.

Trên mặt quốc nội, tính hợp pháp của chính thể Quốc Dân Đảng cũng như lý do để cho lớp người quyền thế từ lục địa di cư sang Đài Loan được ngồi bền lâu trên quyền lực đã được xây đắp trên những nguyên tắc sau đây: Chỉ có một nước Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, và chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (THDQ) là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn cõi Trung Quốc. Nguyên tắc “chỉ có một quốc gia” này là trụ cột vững chắc để hợp pháp hóa tư cách của nhà nước THDQ và để định nghĩa lịch sử cũng như gốc tích của người dân Đài Loan, bao gồm cả việc phân biệt về mặt chủng tộc giữa những người đi cư từ đại lục sang với người nguyên gốc ở Đài Loan – kể cả những người Min-Nan (Nhân Nam) và Hakka (Hẹ)(54). Tuy nhiên cách tổ chức như thế này hóa ra lại gây rắc rối cho thể chế. Thứ nhất, những phân biệt trên mặt quốc tịch mà nhà nước đặt ra đã gây phản cảm khắp nơi: Phản ứng mạnh nhất là từ những người có nguyên gốc ở Đài Loan, đặc biệt là thân thích của những nạn nhân trong Sự Kiện 28-02-1947 (cuộc nổi dậy đầu tiên của dân bản xứ chống lại sự thống trị của Quốc Dân Đảng), rồi đến những Hoa kiều ở hải ngoại, và các tín đồ đạo Tin Lành (những người của các thế hệ lớp về sau này, đa số là dân bản xứ đã mang ảnh hưởng của lối suy nghĩ Tây phương) (55). Thứ nhì, tính chính danh của tổ chức nhà nước THDQ và sự an toàn về chính trị của thế chế Quốc Dân Đảng luôn luôn phải phụ thuộc vào sự xoay chuyển về chính sách đối với Trung Quốc đại lục của Washington. Thứ ba, trong tiến trình chuyển đổi chế độ, các cuộc đấu tranh cho dân chủ và những kết quả của nó – sự tái phân chia về quyền lực giữa nhóm dân bản xứ và những người từ đại lục di cư sang – đã không tránh khỏi gây ra nhiều tranh cãi trong nước về thế nào là tư cách chính trị của Đài Loan trên quốc tế, cũng như về vị thế của Đài Loan trong quan hệ đối với đại lục.

Sự Kiện Chung-Li (Trung Lịch) trong năm 1977 cho thấy thế chế đã bắt đầu suy yếu (56). Sự kiện này là động cơ cho sự liên kết rộng rãi giữa những nhóm chống đối trên khắp đảo Đài Loan khi họ nhận ra được những nhược điểm của một thế chế yếu ớt. Đúng là người ta có thể nghĩ rằng sự trỗi dậy của những phong trào chống đối trong khoảng từ cuối thập niên 1970s đến đầu thập niên 1980s là do tác động của một chuỗi những thúc đẩy chính trị phức tạp có tính cách ngắn hạn hay dài hạn (57), nhưng thực ra những sức kích thích chủ yếu lại đến từ bên ngoài. Khi THDQ hết được công nhận về ngoại giao, thể chế bỗng nhiên yếu đi một cách rõ rệt (58). Việc Washington và Bắc Kinh xích lại gần nhau trong đầu thập niên 1970s đã thực sự tạo nên một chuỗi khó khăn cho Đài Loan. Những việc như phải nhường ghế ở Liên Hiệp Quốc cho Bắc Kinh, rồi mất luôn tư cách thành viên trong nhiều tổ chức quan trọng trên thế giới, mất luôn sự công nhận ngoại giao của các nước vốn là đồng minh vững mạnh lúc trước; đã làm cho tư cách đại diện cho chủ quyền trên toàn cõi Trung Quốc của THDQ lung lay khốc liệt. Tuy dưới mắt của cộng đồng quốc tế, nguyên tắc “chỉ có một nước Trung Quốc” không bị cơn giông bão chính trị (vừa kể) làm nhạt màu đi (59), nhưng những thất bại này lại làm nảy sinh những nghi vấn về khả năng của chính phủ Quốc Dân Đảng trong việc duy trì hiện trạng ở Đài Loan, cũng như về tính chính danh của họ trong lãnh vực pháp lý khi có những giao dịch đối ngoại trên phương diện quốc gia.

Việc Đài Loan mất đi những công nhận về ngoại giao, rồi việc Bắc Kinh sau đó đã đưa ra một số đề án hòa hoãn bắt đầu từ cuối thập nên 1970s, khiến cho Quốc Hội Đài Loạn bị kẹp vào giữa hai mặt trận. Một bên là, do Bắc Kinh đã bớt áp lực trên vùng eo biển Đài Loan, tâm lý bị bao vây của quần chúng Đài Loan trở nên dịu xuống, khiến cho ý nghĩa của sự duy trì thiết quân luật (martial law) trở nên bớt hợp lý đi. Mặt bên kia là, những thay đổi quá nhanh trong tình hình ở bên ngoài đã khơi dậy những ý thức chính trị của vài tầng lớp trong giới trung lưu. Tất cả những yếu tố này là những miếng đất mầu mỡ cho những sự chống đối chính trị có cơ sở để sinh sôi nẩy nở.

Mặc dù không thu lượm được kết quả gì trong Sự Kiện Kaohsiung (Cao Hùng) năm 1979 (lần đầu tiên Quốc Dân Đảng đàn áp các đối lập chính trị, gây nên những cuộc biểu tình trên quy mô lớn ở Kaohsiung), vào đầu thập niên 1980s, các lãnh tụ của nhóm tangwai (đảng ngoại = ngoài đảng) đã cương quyết lập ra một tổ chức tương tự như một chính đảng mới (60). Để tình hình không trầm trọng thêm lên, Tổng Thống Tưởng Kinh Quốc đã làm một chuỗi cải cách. Trong những năm cuối đời mình, ông Tưởng đã tự tay thực hiện một số cải tổ như ngăn chặn sự phản kháng của những chính trị gia quá bảo thủ, rồi rút một số người của phái diều hâu ra khỏi những chức vụ quan trọng về chiến lược, đẩy mạnh tiến trình tự do hóa, và chỉ định ông Lee Teng Hui (Lý Đăng Huy), một người chủ trương cải cách xuất thân từ gốc Đài Loan bản xứ, lên kế vị. Đi song song với quyết định phải tự do hóa của Tổng Thống Tưởng, Quốc Dân Đảng cũng chuyển hướng về đường lối của mình đối với Bắc Kinh, và điều này đã gây nên những áp lực từ bên ngoài lên trên tiến trình của việc chuyển đổi thể chế trong tương lai (61).

Thể chế cai trị độc đảng ở Đài Loan tan rã khá nhanh theo cái chết của Tổng Thống Tưởng trong tháng 1, 1988. Lee Teng Hui thúc đẩy cuộc cải cách mạnh mẽ hơn những gì ông Tưởng đã dự kiến bằng cách củng cố lại thể chế Quốc Dân Đảng trên một nền tảng chính trị mới. Trong tiến trình chuyển biến này, nhiều lãnh tụ của tangwai và của đảng Dân Chủ Tiến Bộ (DCTB) đã kết hợp mục tiêu dân chủ hóa với hai điểm mới: quy định lại bản sắc dân tộc của Đài Loan, và sửa đổi nguyên tắc “một Trung Quốc” xưa nay thành ra “Đài Loan tự trị” (62). Vì tình hình chính trị trong những năm cuối thập niên 1980s ngày càng trở nên xấu đi, những nhóm cấp khích trong đảng DCTB đã mạnh đã mạnh mẽ thúc đẩy toàn đảng mạnh dạn tiến đến chủ trương Đài Loan phải độc lập.

Đi theo những diễn biến dẫn đến một trật tự mới của thế giới, sự ủng hộ Đài Loan phải độc lập của quần chúng cũng mạnh lên. Nguyên tắc “một Trung Quốc”, vốn bị đông cứng trước đây, nay có được sinh khí trở lại nhờ vào sự tan rã của Liên Xô cũng như việc quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên xấu đi sau vụ đổ máu ở Thiên An Môn. Sau khi khối Đông Âu tan rã, một chuỗi những xung đột về mâu thuẫn quốc gia hay chủng tộc đã xuất hiện khiến nhiều quốc gia bỗng phải trực diện với những vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và bền vững về chính trị. Nói chung, cộng đồng thế giới hầu như đã chấp nhận việc có thể đòi hỏi về quyền tự quyết hay tự trị, hoặc quyền muốn ly khai. Thực tế này đã đem lại hy vọng cho những người chủ trương việc Đài Loan phải độc lập(63). Vào thời điểm cuối của mùa bầu cử Quốc Hội năm 1991, trong đại hội của đảng DCTB có nhiều người hăng hái đã đề nghị rằng cần phải ghi rõ điểm Đài Loan độc lập vào cương lĩnh của đảng. Qua năm 1992, đảng DCTB đã tự loại bỏ đề nghị trước đó của mình về việc cải tổ Hiến Pháp – một dự án có tính mập mờ trong vấn đề chủ quyền – để thay vào đó bằng một dự án mới cho Hiến Pháp với tiêu điểm “Đài Loan Cộng Hoà”.

Sự khác biệt trên chủ trương về cải tổ dân chủ và về tư cách của quốc gia không những chia rẽ Quốc Dân Đảng (QDĐ) với phe đối lập, mà còn gây phân liệt giữa những người có ảnh hưởng lớn trong QDĐ với nhau. Tổng Thống Lee đã gây sốc cho những thành viên trong Ban Chấp Hành Trung Ương đảng bằng cách mạnh dạn thực hiện những bước rất mới về ngoại giao của mình. Trước hết, ông cử một phái đoàn cao cấp sang Bắc Kinh để dự hội nghị thường niên 1989 của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu. Kế đó, Lee ra lệnh cho Bộ Ngoại Giao gửi yêu cầu đến các nước đồng minh thân cận của Đài Loan ở vùng biển Caribbean (ở Trung Mỹ) công nhận có hai thể chế Trung Quốc. Trên nét nhìn của một số lãnh tụ QDĐ, mục tiêu thứ nhất của yêu cầu này là nhằm công nhận Bắc Kinh trên thực tế, mục tiêu thứ hai là dứt khoát đoạn tuyệt với nguyên tắc “một Trung Quốc” mà Đài Loan vẫn theo đuổi xưa nay. Sau cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1990, những phe đồng minh với Tổng Thống Lee được gọi là “phái chủ lưu”; những phe đối lập đứng chung với Thủ Tướng Hau Pei Tsun (Hách Bạch Thôn) thì được gọi là “phái không chủ lưu” (64). Phái “không chủ lưu” nầy luôn luôn nghi ngờ Tổng Thống Lee về lòng ái quốc đối với “Trung Hoa” [người dịch: Ông Lee là người Đài Loan bản xứ] và vẫn chống lại những cố gắng của ông Lee nhằm thay đổi Hiến Pháp để Đài Loan có thể độc lập. Ngược lại, phải chủ lưu thì chỉ trích phái kia quá bảo thủ, và vì muốn bảo vệ đặc quyền đặc lợi nên luôn luôn tìm cách thân cận với Bắc Kinh hơn là coi trọng 21 triệu dân Đài Loan (65). Sự khác biệt này đã dẫn tới sự đụng độ rất khó hòa giải giữa hai bên trong chủ trương về chủ quyền của nhà nước Đài Loan và bản sắc của quốc gia. Kết quả là cả nước đã thành như một đấu trường: các phe phái đều cố gắng đoạt quyền kiểm soát bộ máy nhà nước và áp đặt chủ trương của mình lên cách suy nghĩ cũng như sự chọn lựa tương lai theo hướng nào: Đài-Loan-Hóa, hay cứ coi mình là thành phần của “một Trung Quốc”. Đáng để ý là sự đụng độ này rất khác về tính chất với những xung đột đang làm tan nát cả toàn xã hội ở Liên Xô hay Yugoslavia do phân liệt vì khác biệt chủng tộc hoặc vì muốn ly khai. Tuy nhiên ở Đài Loan, xung đột trên chính sách về tương lai chỉ nằm trên lý thuyết chứ không phải trên thực tế. Mặt khác, mọi người cùng đều nhớ rằng họ đang sống với một nguy cơ thường trực. Đó là: thứ nhất, có thể sẽ có hai phe chính trị không hề muốn hợp tác với nhau; và thứ hai, quyết định về vị thế của Đài Loan như thế nào có thể mang đến sự can thiệp mạnh mẽ từ bên ngoài.

Nhưng trái lại, chính hai nguy cơ vừa kể lại đã làm cho sự thoả hiệp giữa phe cầm quyền và phe đối lập – cũng như giữa những lãnh tụ của QDĐ với nhau – thêm khó khăn ra. Trước hết là, hai phe đối nghịch rất quyết liệt với nhau về vấn đề cải tổ Hiến Pháp. Hiến Pháp của Trung Hoa Dân Quốc thực ra đã được ban hành từ thời xa xưa, lúc chính phủ Tưởng Giới Thạch còn kiểm soát hầu như toàn cả lãnh thổ của Trung Quốc; cho nên nguyên tắc “một Trung Quốc” chỉ là điểm cốt lõi của lúc đó. Phái chủ lưu, do quan ngại rằng nếu bỏ hẳn Hiến Pháp đang có thì sẽ làm nảy sinh những khó khăn về cả hai mặt quốc tế lẫn quốc nội, cho nên chỉ muốn giữ Hiến Pháp cũ với những tu chính mạnh mẽ trên những điểm quan trọng. Phái “không chủ lưu” thì chỉ muốn thay đổi càng ít càng tốt. Nhưng ý của đảng Dân Chủ Tiến Bộ (DCTB) là, nếu thay thế Hiến Pháp hiện đang có bằng một Hiến Pháp mới, thì có thể thực hiện được ý muốn của đại đa số dân chúng Đài Loan. Năm 1992, QDĐ chiếm được đa số ở Quốc Hội và đã quyết định sửa lại Hiến Pháp theo chiều hướng Đài Loan độc lập.

Thứ nhì là, chủ yếu của sự khác biệt nhau trên suy nghĩ về bản thể quốc gia (national identity) là vấn đề sẽ chọn lựa Hiến Pháp mới như thế nào. Sau nhiều năm bàn cãi và thảo luận nội bộ, đảng DCTB đã thay đổi chủ trương, họ đổi từ Nghị-Viện-Chế sang “Bán-Tổng-Thống-Chế” (semi-presidentialism), và sau đó chuyển sang Tổng-Thống-Chế. Một nhóm theo chủ nghĩa lý tưởng nằm trong đảng DCTB – nhóm “Trào Lưu Mới” (Tân Trào Lưu) – cuối cùng cũng từ bỏ việc xưa nay vẫn kiên trì với Nghị-Viện-Chế, vì các phe phái khác trong đảng đã thuyết phục được họ rằng chỉ có một thể chế Tổng Thống rất mạnh mới có thể thực hiện được mục tiêu độc lập. Nhiều nhân vật thế lực trong đảng DCTB cũng nghĩ rằng chỉ có một vị Tổng Thống được bầu qua một cuộc phổ thông đầu phiếu mới có thể gây được ấn tượng mạnh mẽ trên quốc tế về chủ quyền (sovereign status) của Đài Loan và nuôi dưỡng được bản sắc dân tộc (66). Một lý luận khác nữa được đưa ra là chỉ có một chế độ Tổng Thống thật mạnh mới tránh được những can thiệp của Quốc Hội, cũng như có ít nguy cơ bị Bắc Kinh và những người cộng tác với họ thâm nhập vào.

Phái chủ lưu ủng hộ lối bầu cử Tổng Thống trực tiếp qua phổ thông đầu phiếu, trong khi phái “không chủ lưu” lại muốn có bầu cử gián tiếp theo cách như bầu cử Tổng Thống Mỹ (electoral-college system), và dĩ nhiên là chống lại hình thức bầu cử trực tiếp. Họ lý luận rằng bầu Tổng Thống theo phổ thông đầu phiếu chỉ là cái cớ để tăng thêm quyền lực của Tổng Thống, và dùng đó làm phương tiện để tiến hành việc Đài Loan tự trị. Xung đột về hình thức bầu cử này cứ leo thang mãi đến nỗi lúc lúc đang có đại hội đảng năm 1992, hai phái trong đảng DCTB suýt làm đảng bị chia thành hai. Tuy nhiên, trở ngại cho mục tiêu bầu cử trực tiếp đã được tháo gỡ sau khi Thủ Tướng Hau Pei Tsun bị mất chức, và đây là yếu tố quan trọng làm cho phái “không chủ lưu” bị thành thiểu số từ sau tháng 1-1993.

Hành trình tiến đến dân chủ của Đài Loan đã kinh qua những bước lớn lao trên 4 phương diện: Sự thay đổi Hiến Pháp cũ (đã có từ năm 1947) cũng như bãi bỏ được chế độ bầu cử có lợi cho những người từ lục địa di cư sang lúc trước; sự thành lập được một hệ thống đảng phái chính trị có cạnh tranh; sự thay đổi luân phiên giữa những thành phần có thế lực; và sự vận động được phong trào quần chúng. Đáng chú ý là cuộc hành trình này đã được hoàn thành mà không gây ra sự sụp đổ trầm trọng nào cho quyền lực quốc gia, và cũng không gây nên những khủng hoảng chính trị nào to lớn đến độ không thể hàn gắn được.

1) Sự thay đổi Hiến Pháp và bãi bỏ chế độ một số nghị viện “được ngồi lại” lâu dài.

Việc thực thi nền dân chủ đại nghị chế (representative democracy), tuy có gặp nhiều trắc trở, nhưng hầu hết những chướng ngại đều đã được quét sạch sau khi Hiến Chương Lâm Thời 5-1991 bị bãi bỏ, song song với 3 lần tu chính Hiến Pháp dưới sự thúc đẩy của QDĐ. Việc bầu cử Viện-Lập-Pháp trong tháng 12-1992 là bước đầu tiên trong một loạt bầu cử để thực hiện những đổi thay mới. Thể chế chính trị trở nên cởi mở rộng rãi, và không hạn chế ai. Ngay cả những người cầm đầu của các phong trào vận động cho Đài Loan độc lập ở hải ngoại cũng được tự do trở về sau hàng chục năm lưu vong và đã được tham gia ứng cử.

2) Việc thành lập thể chế chính đảng có cạnh tranh.

Bây giờ Quốc Dân Đảng đã có 2 thế lực cạnh tranh thực sự: đảng Dân Chủ Tiến Bộ (DCTB) và Tân Đảng. Các đảng đối lập đều được giới cầm quyền chấp nhận và được luật pháp bảo đảm.

3) Việc “Đài-Loan-Hóa” những cơ cấu quyền lực.

Mặc dù việc này không đồng nghĩa với sự dân chủ hóa, nhưng lại làm dấy lên những hy vọng của quần chúng về sự cải thiện dân chủ. Với việc chỉ định một người bản xứ, ông Lien Chan (Liên Chiến) lên làm Thủ Tướng sau cuộc bầu cử tháng 2-1992, sự chuyển đổi quyền lực ở cấp cao – từ tay những nhân vật quyền thế di cư từ đại lục sang qua những lớp người địa phương có khả năng – được xem như đã hoàn thành mỹ mãn.

4) Việc tự do hóa xã hội công dân.

Sự xuất hiện trên quy mô lớn của những phong trào xã hội trong thập niên 1980s đã làm cho quyền kiểm soát của nhà nước độc tài bị suy yếu đến tận gốc rễ. Bây giờ các tổ chức của những nhà chuyên môn, cũng như những đoàn thể sinh viên, trí thức, tôn giáo, cũng như các nhóm về lợi ích xã hội công cộng; tất cả đều có thể công khai hoạt động và hầu như là không hề gặp phải bất cứ trở ngại nào.

 

Những Việc chưa Hoàn Thành

Mặc dù những thay đổi lớn ở trên đã được thực hiện, nên dân chủ mới của Đài Loan còn phải vượt qua nhiều thử thách khó khăn để được xem là “đã được củng cố”.

Trước hết, các việc chuyển biến đã được tiến hành nhanh chóng và trôi chảy. Điều này có nghĩa là việc thay đổi Hiến Pháp đã được thực hiện “cho bằng được” mà không cần dành nhiều thì giờ để bàn thảo và tranh thủ sự thoả hiệp hay nhượng bộ giữa các người có chủ trương trái nghịch nhau. Thực tế là cả ba chính đảng đều có quan điểm rất khác nhau về tính chất và sự hợp lý của Hiến Pháp, và không ai biết rõ là quyền hạn của Hiến Pháp sẽ đứng vững được hay không nếu có một sự đổi thay về quyền lực.

Thứ hai, những cải cách của Quốc Dân Đảng vẫn để lại nhiều tàn dư của sự độc tài. Mặc dù đã có những đổi mới về cơ cấu, một số điều khoản của “Hiến Chương Lâm Thời” – lẽ ra đã bị bãi bỏ – nhưng trên thực tế lại được hồi phục, kể cả quyền thi hành khẩn cấp của Tổng Thống cũng như việc Cục An Ninh Quốc Gia trong phủ Tổng Thống tiếp tục được giữ lại. Bên cạnh đó, tuy cơ cấu của đảng vốn thường quá tập trung ở thượng tầng, nhưng những nhân vật cấp cao của QDĐ không tích cực cải tổ đã đành, lại cũng không muốn cải thiện những điều kiện quá thiên vị cho nhiều đảng viên QDĐ đang làm việc cho nhà nước hay trong lãnh vực dân sự. Nếu những điểm này không được cải thiện, một nên lập pháp dân chủ sẽ không thể hoạt động được hữu hiệu.

Ngoài ra lại còn vấn đề phải làm sao bảo đảm cho quyền công dân không bị quân đội lấn áp. Quân đội và công an vẫn thường nhân danh đặc quyền của Tổng Thống để tránh né những kiểm soát của Viện Lập Pháp, và QDĐ cũng không cho thấy được là họ có dự định từ bỏ quyền nắm giữ công an và quân đội. Họ cũng không muốn từ bỏ quyền kiểm soát hoạt động của ba hệ thống truyền hình của Đài Loan, lại càng không muốn bớt đi những đặc quyền trong việc làm chủ các ngành xí nghiệp độc chiếm hay trong những mối làm ăn kinh doanh béo bở. Thành ra triển vọng của việc củng cố dân chủ ở Đài Loan không những bị trở ngại vì những trì trệ vừa kể, mà còn gặp phải những khó khăn khác như những việc liên quan đến tiền bạc (mua quan bán chức, tham nhũng, lo lót, vv…) và nền chính trị Mafia cũng như những hậu quả rắc rối của tất cả các điều kể trên gây ra cho nền dân chủ mới trong việc thực hiện luật pháp (68).

Tuy nhiên, trên tất cả mọi sự, điều bất an cao nhất vẫn là vấn đề bản sắc quốc gia (national identity). Giống như vẫn thấy được trong những xung đột về chủng tộc, điểm này xoay quanh “những khái niệm độc quyền của sự chính danh (legitimacy) và những biểu tượng của giá trị” – là những vấn đề “sinh ra những nhu cầu có tính cạnh tranh trên chiều hướng không thể chia chác được, và do đó chỉ có thể thắng hay bại, bên này còn thì bên kia mất, mà thôi” (69). Thêm vào đó, từ phía bên kia eo biển, Bắc Kinh cũng muốn áp đặt chủ trương “một quốc gia, hai thể chế” lên trên toàn cả hai vùng. Cho nên nền dân chủ mới của của Đài Loan phải mang quá nhiều gánh nặng: Thứ nhất là phải dựa trên những phương cách dân chủ để giải quyết điều kiện “thắng bại, sống chết” trong vấn đề chính danh của quốc gia (legitimacy). Thứ hai là nhu cầu trên hai việc: phải ngăn chận Bắc Kinh xâm nhập chính trị vào trong lãnh thổ, cũng như phải đề phòng sự nảy sinh “những kẻ cộng tác với Bắc Kinh”. Nhu cầu này có thể gây trở ngại cho nên dân chủ trên nhiều phương diện như, thực thi quyền lợi của nhóm thiểu số, bảo đảm có được chính trị đa phương, và bảo đảm quyền được đối xử công bằng trước pháp luật.

Để giải quyết những vấn đề này, Tổng Thống Lee đã cố gắng làm mạnh nền dân chủ yếu ớt của Đài Loan bằng cách xây dựng tính chính danh của nhà nước (legitimacy) trên một nền tảng mới qua việc thực hiện ba điểm chiến lược. Trên mặt quốc tế –– chủ động phát triển các hoạt động ngoại giao: Tranh thủ để có nhiều quốc gia công nhận tình trạng có hai thực thể quốc gia, đăng ký gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO), viếng thăm ngoại giao nhiều nước khác trên tư cách không chính thức, và đăng ký làm thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trên mặt tiếp xúc với Bắc Kinh thì –– với tư cách một chính phủ, đề nghị Bắc Kinh chấp nhận hình thức “một quốc gia đang phân chia” (như trường hợp của nước Đức trước khi họ thống nhất năm 1990) (70). Trên mặt quốc nội –– tìm cách hạ bớt nhiệt tình của đảng Dân Chủ Tiến Bộ đang vận động cho “Đài Loan độc lập” bằng cách kêu gọi “một ý thức về có chung số phận giữa 21 triệu người Đài Loan” (71), và đề nghị hai đảng ngồi lại thảo luận với nhau để tiến đến một thoả thuận về các chính sách ngoại giao cũng như phương cách đối với Bắc Kinh.

Ba điều kiện để chấm dứt luật đang cấm đoán về mậu dịch trực tiếp cũng như giao thông bằng đường hàng không hay đường thủy với đại lục, được vạch ra trong những “Hướng Dẫn Về Thống Nhất Quốc Gia” (quy định trong tháng 12-1991 ở Đài Bắc) của Tổng Thống Lee đã được sự ủng hộ ngầm của nhiều yếu nhân trong đảng DCTB (72). Lý do là những người nầy lo ngại nếu chú trọng đầu tư tài chính quá nhiều vào đại lục và phụ thuộc nhiều quá vào mậu dịch với Bắc Kinh thì Đài Loan sẽ bị Bắc Kinh chi phối dễ dàng về kinh tế, và do đó sẽ gặp khó khăn trong chính sách tiến tới độc lập.

Quyết định đăng ký vào Liên Hiệp Quốc vào đầu năm 1993 của Tổng Thống Lee đã giúp cho QDĐ có thể liên minh được với đảng Dân Chủ Tiến Bộ, vì đây là lần đầu tiên hai đảng cùng nhất trí với nhau được về một vấn đề ngoại giao. Lập trường của đảng DCTB là đưa Đài Loan vào Liên Hiệp Quốc để có thể đẩy mạnh mục tiêu độc lập của Đài Loan và được bảo đảm hơn về mặt an ninh quốc phòng, cũng như có thể nhờ đó mà những thế lực khác nhau ở Đài Loan có thể hợp tác chung trên cơ sở cùng chia xẻ lòng cam kết và trung thành với Đài Loan. Ngoài ra, việc này còn giúp cho Đài Loan có nhiều cơ hội để bày tỏ cùng cộng đồng thế giới về nhiệt tình muốn độc lập.

Tuy nhiên Bắc Kinh thì thấy vấn đề hoàn toàn ngược lại. Bắc Kinh chọn lập trường rất cứng rắn trong vấn đề Đài Loan, một phần do họ đang có nhiều rắc rối trong việc chuyển tiếp quyền lực sau cái chết của Mao Trạch Đông, phần khác do luôn luôn nghi ngờ Tây phương muốn chia rẽ Trung Quốc. Việc QDĐ cố gắng thu hẹp những khác biệt với đảng DCTB được Bắc Kinh xem như một âm mưu “lặng lẽ tiến tới độc lập”. Mối nghi ngờ này lại càng lên cao khi Đài Loan muốn vào Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh cho rằng đây là bước đầu của Đài Loan muốn chính thức vận động rộng rãi cho độc lập, và họ vạch ra ba chiến lược để đối phó: “Ngăn chận Đài Loan về ngoại giao, sẵn sàng đối phó quân sự với Đài Loan, và làm cho Đài Loan tê liệt về mặt kinh tế” (73). Bắc Kinh phản ứng mãnh liệt khi Đài Loan bắt đầu tiếp cận ngoại giao với một số nước ở Phi châu và Trung Mỹ, đồng thời cũng gây áp lực lên quan hệ thương mại giữa Đài Loan với đại lục, và họ đã thành công phần nào trong khía cạnh này là giới doanh nghiệp ở Đài Loan đã trở nên dè dặt trong việc ủng hộ Đài Loan độc lập.

Bắc Kinh cũng tăng ngân sách quốc phòng để khuếch trương năng lực quân sự của mình, như đẩy mạnh khả năng tấn công chính xác, lập ra lực lượng hải quân đánh bộ, và xây nhiều chiến hạm có tầm hoạt động xa. Sau khi thất bại trong việc ngăn trở Tổng Thống Lee viếng thăm Washington trong tháng 6-1995, Bắc Kinh bỏ ra một tuần liên tiếp để bắn thử hỏa tiễn gần bờ biển phía bắc của Đài Loan. Cuối tháng 8-1995, trong đêm mà QDĐ họp để chỉ định đảng trưởng, Bắc Kinh lại bắn thử một loạt hỏa tiễn khác rất gần một hòn đảo của Đài Loan. Hai loạt bắn này, nhất là tính đe dọa của nó, đã khiến cho thị trường chứng khoán của Đài Loan sụt 30% và đồng tiền Đài Loan mất đi 9% giá trị, gây ra sự tháo chạy về mặt tài hóa (capital flight). Những sự kiện này đã giúp cho các chính trị gia trong phe đối lập có cơ sở để tấn công những chính sách đối ngoại và phương cách đối với Bắc Kinh của chính phủ, cũng như chỉ trích khả năng lãnh đạo của Tổng Thống Lee.

Mục tiêu rõ rệt của Bắc Kinh là làm sao phá tan khả năng Tổng Thống Lee được tái cử, và làm cho Đài Loan phải khuất phục. Những uy hiếp vũ lực của họ đã được kéo dài liên tiếp cho đến ngay ngày bầu cử Tổng Thống 23-3-1996. Tuy nhiên mọi sự đã không diễn ra như Bắc Kinh nghĩ, các đe dọa quân sự đã không làm giảm khí thế của cuộc vận động bầu cử. Trên thực tế, những đe dọa này lại có lợi cho việc tái đắc cử của Tổng Thống Lee vì nó đã khiến cho những chính trị gia cực kỳ bảo thủ của đảng DCTB đâm ra ủng hộ ông Lee, khi họ nhận định ra rằng nếu toàn cõi Đài Loan không đồng một tiếng nói chung với nhau thì sẽ có nguy cơ tan rã dưới bàn tay của Bắc Kinh (74). Việc uy hiếp quân sự của Bắc Kinh cũng mang lại một kết quả khác là Washington đã gửi ngay hai hàng không mẫu hạm chiến đấu đến tuần hành trong hải phận quốc tế sát bên eo biển Đài Loan. Dù sao đi nữa, những phản ứng của Bắc Kinh đã là những yếu tố lớn ảnh hưởng đến sự tranh luận về chiến lược ngoại giao cũng như chính sách đối với Bắc Kinh trong suốt kỳ vận động bầu cử Tổng Thống, và cũng làm cho trong Đài Loan nảy sinh ra những đòi hỏi phải thay đổi sách lược của Đài Loan sau khi đã xong việc bầu Tổng Thống.

Tất cả những sự kiện ở trên cho thấy rằng, một khi Bắc Kinh vẫn còn muốn tiếp tục thò tay vào nội chính của Đài Loan và còn gieo những đe dọa – có vẻ là bằng vũ lực – lên bất cứ chính phủ nào ở Đài Loan được bầu lên theo thể thức dân chủ và muốn tiến tới những mục tiêu dân chủ; thì nền dân chủ mới ở Đài Loan vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn trên mặt củng cố (75). Trong trường hợp này thì có thể trông cậy thêm vào vai trò của những người không sinh sống ở Đài Loan, dù họ có thể là dân Đài Loan hay không. Nhưng dù đóng góp vào trong bất cứ lãnh vực nào của việc thực hiện dân chủ, và có liên hệ với những ai ở quốc nội; những người này đang tham gia trực tiếp, và rất có quyền uy, trong việc chia sẻ những ấp ủ của họ và trong những vận động để tranh thủ sự ủng hộ cho những mục tiêu lý tưởng của họ. Việc Bắc Kinh có thể đạt được điều họ muốn như thế nào – nghĩa là muốn thấy Đài Loan sẽ “Hồng-Kông Hoá” – tuỳ thuộc vào những điều kiện như: Các thế lực bên trong Đài Loan chọn lựa những chiến lược gì, biến chuyển trong việc kế thừa quyền lực ở Bắc Kinh sẽ xảy ra như thế nào, và thái độ của thế giới đối với việc bảo vệ quyền tự trị của các nước hay cộng đồng nhỏ trong hành trình mở rộng dân chủ. Hiện nay thì chiều hướng biến chuyển trong chính sách đối với các vấn đề xung đột chủng tộc hay tranh chấp lãnh thổ của cộng đồng thế giới (đặc biệt là của Tây phương) trong thời kỳ sau Chiến Tranh Lạnh không có vẻ gì là tích cực lắm cho việc bảo vệ Đài Loan.

 

Triển Vọng cho sự Củng Cố Dân Chủ

Thực trạng chính trị thế giới và những yếu tố từ bên ngoài đã có những ảnh hưởng không giống nhau trên sự chuyển biến và củng cố nền dân chủ ở Đài Loan và Hàn Quốc. Khi các thế chế ở Đông Âu sụp đổ, do khá xa cách về địa lý cũng như thời điểm của các sự kiện cũng không hợp thời, nên ảnh hưởng của những điều này không gây được hiệu ứng tương liên trên xã hội Hàn Quốc và Đài Loan. Hàn Quốc và Đài Loan chịu những ảnh hưởng tốt lẫn không tốt từ những quan hệ của họ đối với bên ngoài theo vị thế kinh tế của mình trên thế giới. Tuy cả hai đều phải phụ thuộc vào Washington để có an ninh quốc phòng và thị trường để kinh doanh, việc Washington cứ theo đuổi chính sách “an định hơn bất ổn” đã làm cho nước Mỹ chùn tay trong việc thúc đẩy mau chấm dứt chế độ độc tài cũng như việc cổ vũ những thay đổi về dân chủ trong cả hai nước.

Điểm phải kế thừa một tình trạng đất nước bị chia cắt, tuy không hẳn là ngăn cản được sự củng cố nền dân chủ, nhưng cũng tạo ra lắm phức tạp cho tiến trình dân chủ hóa của cả hai nước. Thực tế đất nước phân chia này cũng khiến cho vai trò của phía Cộng Sản quan trọng ra, vì mục đích của họ là khi cần thiết thì có thể dùng vũ lực để thống nhất lãnh thổ, và đây là mối đe dọa trầm trọng nhất cho nền dân chủ mới. Ngoài ra, điều đất nước chia đôi cũng sinh ra nhiều khó khăn trên con đường tiến tới dân chủ trong khía cạnh xác định tính chính danh của nhà nước. Nếu không được giải quyết bằng những thoả thuận về an ninh quốc phòng và những hiệp ước chung, vấn đề không rõ ràng về tính chính danh của nhà nước chắc chắn sẽ gây ra chướng ngại lớn cho triển vọng củng cố nền dân chủ. Ở Đài Loan, những khó khăn trong việc xác định bản sắc dân tộc (national identity) quả thực đang gây trở ngại nhiều cho sự nhất trí về tính cách của Hiến Pháp, mà điều này lại là điểm tối quan trọng cho sự củng cố nền dân chủ.

Ảnh hưởng của thực trạng đất nước bị chia đôi trên Hàn Quốc và Đài Loan rất khác nhau. So với Hàn Quốc, việc dân chủ hoá ở Đài Loan cần những yếu tố quyết liệt hơn trong việc từ bỏ đường lối cũ của nhà nước về mọi chính sách, đặc biệt trên khía cạnh đối ngoại. Tình thế chính trị mới của Đài Loan cần một sự đoạn tuyệt với hiện trạng, trong khi ở Hàn Quốc điểm mấu chốt là hợp pháp hóa tình trạng chia cắt. Cả sức mạnh kinh tế cũng như tình trạng “ưu việt hơn” của Hàn Quốc về ý thức hệ đã đẩy được Bắc Triều Tiên vào ‘thế thủ’ trong lãnh vực thực hiện thống nhất. Trường hợp của Đài Loan thì ngược lại. So với lục địa, Đài Loan quá nhỏ bé và yếu ớt. Cho nên dù lục địa có cố ý hay không đi nữa, ảnh hưởng của họ trên sự chuyển tiếp của thể chế ở Đài Loan vẫn rất nặng nề về cả ba mặt “giải tỏa nền độc tài, chuyển biến đến dân chủ, và củng cố nền dân chủ”. Với việc làm thay đổi thực trạng chính trị của thế giới, Bắc Kinh đã làm vỡ thể chế Quốc Dân Đảng, và điều này đã thay đổi luôn cả nội dung của việc chuyển biến thể chế ở Đài Loan. Tuy nhiên, khi nền dân chủ được vững mạnh ra, những khát vọng muốn được trở thành một quốc gia độc lập của Đài Loan sẽ đẩy mọi sự đi trên một chiều hướng có thể làm cho Bắc Kinh không thấy thoải mái lắm.

Sự phối hợp chung của tất cả những nỗ lực để tiến tới một nền dân chủ tiên tiến, hầu có thể làm cho bán đảo Triều Tiên lẫn phần đất bao gồm cả Đài Loan và Lục Địa được ổn định, là điều kiện tối cần thiết cho việc giữ gìn dân chủ ở Hàn Quốc và Đài Loan. Trong trường hợp Hàn Quốc, quan hệ giữa hai vùng Nam Bắc không phải là thử thách cam go gì cho nước Mỹ, Nhật Bản và Cộng Đồng Âu Châu về cả ba mặt an ninh quân sự, lợi ích kinh tế và chủ trương chính trị. Tuy nhiên, quan hệ giữa Đài Loan và đại lục thì khác. Đây là vấn đề cân não cho các nước dân chủ tiên tiến, vì trong những vấn đề an ninh quân sự, lợi ích kinh tế và chủ trương chính trị của các nước này không được nhất trí với nhau.

 

Nguồn: Yu-han Chu, Fu Hu, và Chung-in Moon. 1997. South Korea and Taiwan: The International Context (Hàn Quốc và Đài Loan: Bối cảnh quốc tế; bản dịch của Tôn Thất Phương). Trong Larry Diamond và Marc F. Plattner (biên tập), Consolidating The Third Wave Democracies, trang 267-294, The Johns Hopkins University Press. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.