Giai cấp trung lưu và tương lai của nền dân chủ

Thông tin chi tiết

Mục: The Middle Class And Democracy’s Future (Giai cấp trung lưu và tương lai của nền dân chủ)

Sách: Political Order and Political Decay

Tác giả: Francis Fukuyama

Chuyển ngữ: Nguyễn Vân Anh

Hiệu đính: Minh Anh (Nhóm Tinh Thần Khai Minh)

Hướng dẫn trích nguồn: The Middle Class And Democracy’s Future (Giai cấp trung lưu và tương lai của nền dân chủ; bản dịch của Nguyễn Vân Anh). Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy. Farrar, Straus and Giroux.

Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.

Tải về tại đây:

           

GIAI CẤP TRUNG LƯU VÀ TƯƠNG LAI CỦA NỀN DÂN CHỦ

                                                                        Tác giả: Francis Fukuyama

                                                                        Chuyển ngữ: Nguyễn Vân Anh

                                                                        Hiệu đính: Minh Anh

           

Giai cấp lao động trở thành giai cấp trung lưu trong các nước đã phát triển như thế nào và điều này bác bỏ các dự đoán của Marx ra sao; kỹ nghệ, toàn cầu hóa, tương lai của các xã hội trung lưu; một số đánh giá về vai trò bạo lực trong việc mang lại nền dân chủ hiện đại.

 

Theo Marx, chủ nghĩa tư bản hiện đại sẽ tiến đến một cuộc khủng hoảng cuối cùng mà ông gọi là “khủng hoảng thừa”. Việc nhà tư bản sử dụng công nghệ nhằm khai thác giá trị thặng dư từ lao động của giai cấp vô sản, dẫn đến sự tập trung lớn hơn của cải và sự nghèo đói tương ứng của công nhân. Các nhà tư bản điều hành hệ thống này, dù sự giàu có của họ, không thể tiêu thụ mọi thứ mà nó sản xuất ra, trong khi giai cấp vô sản – những người làm ra sản phẩm, quá nghèo để có thể mua được sản phẩm. Bất bình đẳng càng tăng, sẽ dẫn đến sụt giảm nhu cầu và hệ thống sẽ tự sụp đổ. Con đường duy nhất thoát khỏi khủng hoảng này, theo Marx, là cuộc cách mạng giành quyền lực chính trị cho giai cấp vô sản và phân phối lại thành quả của hệ thống tư bản.1

Viễn cảnh Marx đưa ra có vẻ khá hợp lý ở giữa thế kỷ XIX khi các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa. Điều kiện làm việc ở các nhà máy rất tồi tệ, với lượng lớn người lao động bần cùng. Quy định giờ làm, an toàn lao động, lao động trẻ em và các quy định khác chưa có, hoặc có trên danh nghĩa. Nói cách khác, điều kiện châu Âu lúc bấy giờ, rất giống với điều kiện ở các tỉnh ở Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh và các nước đang phát triển những năm đầu thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, có một số sự phát triển bất ngờ đã xảy ra trên con đường đi đến cách mạng vô sản. Đầu tiên là thu nhập người lao động bắt đầu tăng lên. Thành tựu ban đầu này là do của sự tăng trưởng kinh tế sâu rộng dẫn đến nhu cầu huy động những người lao động mới từ dân số nông nghiệp tăng lên, tuy nhiên quá trình huy động này đạt đến giới hạn tự nhiên (do số lượng có hạn) do đó giá lao động bắt đầu tăng. Điều này đang diễn ra tại Trung Quốc ngày nay, khi chi phí lao động tăng lên nhanh chóng trong những thập niên đầu thế kỷ XXI.

Thứ hai, ở nhiều quốc gia, bắt đầu từ Hoa Kỳ, đã đưa hệ thống giáo dục phổ cập vào thực tiễn, cũng như tăng đầu tư giáo dục đại học. Đây không đơn giản là vấn đề của lòng quảng đại quần chúng, mà vì các ngành công nghiệp mới cần kỹ sư, kế toán, luật sư, nhân viên văn phòng, nhân viên theo giờ có kỹ năng đọc viết cơ bản. Chi phí nhân công cao hơn dễ dàng được chấp nhận nếu chi phí này tương ứng với năng suất cao hơn, điều mà một lần nữa dẫn đến những kỹ nghệ tốt hơn cũng như sự gia tăng vốn con người.

Thứ ba, sự mở rộng phổ thông đầu phiếu được mô tả trong chương trước dẫn đến sự gia tăng quyền lực chính trị của tầng lớp lao động. Điều này xảy ra thông qua các cuộc đấu tranh nhằm hợp pháp hóa và mở rộng tổ chức công đoàn, và sự nổi lên của các đảng chính trị gắn với chúng như Đảng Lao động Anh, Đảng Dân chủ Xã hội Đức. Bản chất các đảng bảo thủ cũng bắt đầu thay đổi: thay vì đại diện cho các chủ đất giàu có, họ chuyển cơ sở hỗ trợ của mình sang giới tinh hoa của tầng lớp trung lưu mới. Sức mạnh chính trị mới của giai cấp lao động này được dùng để tiến hành các hoạt động pháp lý nhằm điều chỉnh điều kiện việc làm, mở rộng chính sách phúc lợi xã hội như trợ cấp và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Thứ tư, vào những thập niên giữa thế kỷ XX, giai cấp công nhân ngừng phát triển cả về số lượng lẫn tỷ lệ trong cơ cấu lực lượng lao động. Thực tế, quy mô tương đối của giai cấp vô sản của Marx giảm xuống nhanh chóng, khi công nhân thấy điều kiện sống của họ tăng lên đáng kể, cho phép họ gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Giờ đây, họ sở hữu tài sản và thụ hưởng nền giáo dục tốt hơn, vì thế nhiều khả năng họ sẽ bỏ phiếu cho các đảng chính trị nào bảo vệ được đặc quyền của họ thay vì các đảng muốn lật đổ hiện trạng.

Thứ năm, một tầng lớp mới gồm những người nghèo và thiệt thòi trong xã hội nằm bên dưới cả tầng lớp lao động công nghiệp xuất hiện, thường là những người mới nhập cư, dân tộc thiểu số hay bị kỳ thị, và những người kém may mắn khác. Nhóm người này làm việc trong các ngành dịch vụ với lương thấp hoặc thất nghiệp và phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ. Những người công nhân làm việc trong các ngành công nghiệp sản xuất được đại diện bởi các tổ chức công đoàn đã trở thành một dạng quý tộc trong lực lượng lao động. Đa số công nhân không có sự đại diện như vậy, ở các nước mà các lợi ích như trợ cấp liên quan chặt chẽ với các công việc dài hạn, họ chuyển qua các ngành không chính thức. Các cá nhân như thế có rất ít các quyền pháp lý và thường không sở hữu đất đai hoặc nhà cửa mà họ cư ngụ. Khắp Châu Mĩ Latin và nhiều khu vực đang phát triển khác trên thế giới, bộ phận không chính thức có lẽ chiếm 60 % – 70% toàn lực lượng lao động. Không giống như giai cấp công nhân công nghiệp, nhóm “nghèo đói mới” này rất khó để tổ chức các hành động chính trị; thay vì sống trong các khu tập trung lớn quanh các nhà máy, họ sống rải rác trên khắp đất nước.

Cuối cùng, phe Cánh tả trên khắp thế giới đã không còn tập trung vào các vấn đề kinh tế và giai cấp, và trở nên tan rã do sự phát triển của chính trị bản sắc. Như tôi đã lưu ý, sự đoàn kết của giai cấp công nhân bị suy yếu như thế nào bởi chủ nghĩa dân tộc vào thế chiến I. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ XX, sự nổi lên của những hình thái bản sắc mới trên thế giới trong các nước phát triển, xoay quanh các vấn đề như nâng cao vị thế của người da đen, nữ quyền, bảo vệ môi trường, nhập cư, quyền của người bản địa, và quyền của người đồng tính, đã tạo ra một nền tảng hoàn toàn mới vượt lên trên vấn đề giai cấp. Giới lãnh đạo của nhiều trong các phong trào này đến từ giới tinh hoa kinh tế, và ưu tiên văn hóa của họ thường đối lập với mong muốn của cử tri thuộc giai cấp công nhân, vốn đã từng là lực lượng chính trị tiến bộ.

Sự dịch chuyển từ nền chính trị giai cấp sang nền chính trị bản sắc khiến những người theo chủ nghĩa Marx cũ khó nắm bắt kịp, những người đã nhiều năm xem giai cấp công nhân công nghiệp cũ đứng đầu trong những người nghèo đói. Họ đã cố gắng giải thích sự chuyển hướng này bằng thuật ngữ mà Ernest Gellner gọi “Thuyết địa chỉ sai lầm”: “Cũng như những người Hồi giáo cực đoan Shi’ite cho rằng Thiên thần Gabriel đã tạo ra một sai lầm, khi chuyển một thông điệp đến cho Mohamed mà đáng lý phải chuyển đến Ali, vì thế, những người theo chủ nghĩa Marx về cơ bản muốn nghĩ rằng tinh thần của lịch sử hoặc ý thức con người đã tạo ra một lỗi lầm đáng sợ. Thông điệp thức tỉnh này thật ra dành cho giai cấp, nhưng lại gửi một cách sai lầm cho dân tộc”. Gellner đi đến cho rằng ở khu vực Trung Đông đương thời, lá thư tương tự đang được gửi đến cho tôn giáo thay vì là dân tộc. Nhưng động lực xã hội cơ bản là giống nhau.2

Bốn sự phát triển đầu tiên trong sáu sự phát triển này, mà Marx đã không dự đoán được, tất cả tập trung vào một hiện tượng duy nhất, đó là sự chuyển đổi giai cấp công nhân thành một giai cấp trung lưu rộng lớn hơn. Tại thời điểm kết thúc nửa đầu tiên, hỗn độn, của thế kỷ XX, các nền dân chủ phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ cuối cùng đã thấy họ đứng ở một vị trí hạnh phúc. Nền chính trị của họ không còn phân cực mạnh mẽ giữa một bên là giới đầu sỏ siêu giàu, một bên là giai cấp công nhân hoặc nông dân (đa số), những người tham gia vào cuộc đấu tranh kẻ thắng – người thua trong việc phân phối các nguồn lực. Giới đầu sỏ cũ ở các quốc gia phát triển hoặc tiến hóa trở thành giới tinh hoa tư bản doanh nghiệp hoặc bị loại bỏ bởi cách mạng và chiến tranh. Các giai cấp công nhân thông qua quá trình công đoán hóa và đấu tranh chính trị đã giành được đặc quyền lớn hơn cho bản thân và trở thành giai cấp trung lưu. Chủ nghĩa phát xít khiến cánh hữu cực đoan mất uy tín, và sự xuất hiện của chiến tranh lạnh và mối đe dọa từ nước Nga của Stalin khiến cánh Tả cộng sản mất uy tín. Chính trị cánh tả lúc này về cơ bản đồng ý với khuân khổ của nền dân chủ tự do. Cử tri trung bình – một khái niệm yêu thích của các nhà khoa học chính trị – đã không còn là những người nghèo đói đòi hỏi những sự thay đổi mang tính hệ thống đối với trật tự xã hội, mà giờ là những cá nhân trung lưu với các quyền lợi gắn liền với hệ thống hiện hành.

Các khu vực khác không quá may mắn lắm. Mỹ Latin có một di sản bất bình đẳng cao và ở nhiều nước, những chủ đất đầu sỏ cũ vẫn chưa bị loại bỏ thông qua các cuộc đấu tranh chính trị như ở Châu Âu. Lợi ích từ tăng trưởng kinh tế được chia sẻ bởi các giai cấp lao động có tổ chức, nhưng không phải bởi đa số người lao động trong các ngành không chính thức, và kết quả là một nền chính trị phân cực xuất hiện, gợi nhớ hình ảnh lục địa châu Âu thế kỷ XIX. Sự tồn tại của các nhóm cực đoan và phản hệ thống – như các Đảng cộng sản do Cuba lãnh đạo, Tupamaros ở Uruguay, Sandinista ở Nicaragua, FMLN tại El Salvador, và gần đây nhất là phong trào Bolivarian của Hugo Chavez ở Venezuela – là một dấu hiệu của cuộc xung đột giai cấp nền tảng này.

Từ thời Aristotle, các nhà tư tưởng đã tin rằng nền dân chủ ổn định phải dựa vào tầng lớp trung lưu lớn; các xã hội với sự phân cực giàu có và nghèo đói dễ rơi vào kiểu cai trị đầu sỏ hoặc cách mạng dân túy. Marx tin rằng, tầng lớp trung lưu mãi là một thiểu số nhỏ và đặc lợi trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, vào nửa cuối thế kỷ XX, tầng lớp trung lưu chiếm phần lớn dân số trong hầu hết xã hội phát triển, do đó, sự thuyết phục của chủ nghĩa Mác cũng mất đi.

Sự xuất hiện của các xã hội trung lưu làm tăng tính hợp pháp của dân chủ tự do với tư cách là một hệ thống chính trị. Trong chương 28, tôi trình bày các phê phán đối với nền dân chủ tự do từ các giả như Mosca, Pareto, và Marx, những người cho rằng nền dân chủ tự do kì cùng là một trò gian lận, che giấu sự cai trị liên tục bởi giới tinh hoa. Nhưng các giá trị của nền dân chủ hình thức và sự mở rộng phổ thông đầu phiếu trở nên rõ ràng vào thế kỷ XX. Đa số ủng hộ dân chủ ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã sử dụng hòm phiếu để chọn lựa những chính sách có lợi cho chính họ, điều chỉnh các doanh nghiệp lớn và cũng như các chính sách phúc lợi xã hội.

 

GIAI CẤP TRUNG LƯU GỒM NHỮNG AI?

Trước khi tiến hành phân tích sâu về những hệ quả chính trị liên quan đến việc nổi lên của giai cấp trung lưu, chúng ta cần định nghĩa giai cấp trung lưu là gì. Các nhà kinh tế và xã hội học có định nghĩa khác về giai cấp này. Các nhà kinh tế học có xu hướng định nghĩa giai cấp trung lưu dựa vào thu nhập. Một cách thường thấy là chọn những người có thu nhập gấp 0,5 đến 1,5 lần thu nhập trung bình. Điều này làm cho định nghĩa về giai cấp trung lưu phụ thuộc vào sự giàu có trung bình của một xã hội và vì vậy, không thể so sánh giữa các quốc gia; vì giai cấp trung lưu ở Brazil có mức chi tiêu thấp hơn ở Hoa Kì. Để tránh vấn đề này, một vài nhà kinh tế học chọn một mức độ tuyệt đối về chi tiêu, từ mức thấp 5 USD/1 ngày hay 1,800 USD/ mỗi năm tính theo sức mua tương đương, hoặc mức thu nhập từ 6000 USD – 31000 USD thu nhập hàng năm. Điều này giải quyết được một vấn đề nhưng lại tạo ra các vấn đề khác, vì nhận thức của mỗi cá nhân về giai cấp thường tương đối, chứ không tuyệt đối. Như Adam Smith viết trong “Của cải của các quốc gia”, một người bần cùng ở nước Anh vào thế kỷ XVIII có thể sống như một ông vua ở Châu Phi.

Các nhà xã hội học, trong truyền thống bắt đầu với Marx, thường không nhìn vào lượng thu nhập, nhưng thay vào đó là cách thức người đó kiếm được thu nhập – địa vị nghề nghiệp, trình độ học vấn và tài sản. Vì mục đích của việc hiểu các tác động chính trị của giai cấp trung lưu đang lên, hướng tiếp cận xã hội học có ưu thế hơn. Cách đo lường đơn giản về thu nhập hoặc chi tiêu, dù tương đối hoặc tuyệt đối, có thể tiết lộ vài điều về thói quen tiêu dùng của người đó nhưng tương đối ít liên quan về xu hướng chính trị của anh ta. Lý thuyết của Huntington về tác động gây mất ổn định của khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế có liên quan chặt chẽ với địa vị xã hội và nghề nghiệp hơn so với bất cứ mức độ tuyệt đối về thu nhập nào. Một người nghèo có địa vị xã hội và học thức thấp sẽ bận tâm đến việc mưa sinh qua ngày hơn là các hoạt động chính trị. Ngược lại, một người trung lưu có học vấn đại học không thể tìm được việc làm thích hợp và “rơi” vào giai cấp xã hội mà người đó cho rằng nằm dưới sự xứng đáng của anh ta – sẽ tạo ra  những thách thức chính trị lớn hơn.

Vì thế, đứng từ góc độ chính trị, dấu hiệu điển hình của giai cấp trung lưu gồm nghề nghiệp, trình độ học vấn và sở hữu tài sản (nhà hay căn hộ, hoặc tài sản có giá trị) vốn có thể bị đe dọa bởi chính phủ. Định nghĩa ban đầu của Marx về giai cấp tư sản đề cập đến việc sở hữu tư liệu sản xuất. Một trong những đặc điểm của thế giới hiện đại là hình thức sở hữu này trở nên được dân chủ hóa thông qua sở hữu cổ phần và tiền lương. Kể cả nếu một người không sở hữu lượng vốn lớn, làm việc bằng khả năng quản lý hoặc chuyên môn thường hưởng một địa vị xã hội và triển vọng rất khác với một người công nhân kỹ lương thấp.

Một tầng lớp trung lưu mạnh với một số tài sản và giáo dục có nhiều khả năng tin tưởng vào sự cần thiết của quyền sở hữu và trách nhiệm dân chủ. Họ muốn bảo vệ giá trị tài sản của mình khỏi chính phủ cướp bóp hoặc không đủ năng lực, và có thể dành thời gian để tham gia vào chính trị (hoặc yêu cầu quyền được tham gia) bởi vì thu nhập cao hơn đảm bảo mức tốt hơn cho sự sống còn của gia đình. Nhiều nghiên cứu xuyên quốc gia đã chỉ ra rằng tầng lớp trung lưu có những giá trị chính trị khác so với người nghèo: họ coi trọng dân chủ hơn, muốn tự do cá nhân nhiều hơn, bao dung các lối sống khác hơn, vv. Nhà khoa học chính trị Ronald Inglehart, người đã tiến hành dự án Khảo sát các giá trị thế giới (WVS) vốn tìm cách đo sự thay đổi giá trị trên toàn cầu, cho rằng hiện đại hóa kinh tế và địa vị của giai cấp trung lưu đã tạo ra điều mà ông gọi là các giá trị “hậu vật chất”, trong đó dân chủ, bình đẳng và bản sắc ngày càng nổi bật hơn những vấn đề xưa cũ về phân phối kinh tế. William Easterly đã liên kết điều mà ông gọi là “đồng thuận của tầng lớp trung lưu” với tăng trưởng kinh tế cao hơn, giáo dục nhiều hơn, sức khỏe tốt hơn, ổn định hơn và các lợi ích tích cực khác. Về mặt kinh tế, giai cấp trung lưu được lý thuyết hóa là có giá trị “tư sản” như kỷ luật cao, làm việc chăm chỉ, tầm nhìn dài hạn vốn khuyến khích tiết kiệm và đầu tư.3

Tuy nhiên, từ thảo luận trước đây về Châu Âu thế kỉ XIX, rõ ràng rằng giai cấp trung chưa chắc đã là những người ủng hộ dân chủ. Xu hướng này đặc biệt đúng khi mà tầng lớp trung lưu vẫn chỉ chiếm thiểu số.  Trong hoàn cảnh này, việc mở cửa cho sự tham gia chính trị phổ quát có lẽ dẫn đến nhu cầu lớn về tái phân phối và có khả năng gây ra sự bất ổn. Trong trường hợp này, tầng lớp trung lưu có thể dựa vào những nhà cai trị độc tài, người hứa hẹn cuộc sống ổn định và bảo vệ các quyền tư hữu của họ.

Điều này đúng với Thái Lan và Trung Quốc hiện nay. Hệ thống chính trị Thái Lan đi từ chế độ độc tài quân sự tới một nền dân chủ mở vừa phải ở giai đoạn 1992 – 1997, dọn đường cho sự nổi lên của nhà chính trị dân túy Thaksin Shinawatra. Thaksin, một trong những doanh nhân giàu nhất đất nước, đã tổ chức một đảng chính trị quần chúng dựa trên các chương trình của chính phủ để cung cấp cứu trợ nợ và chăm sóc sức khỏe cho nông dân Thái. Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu, những người đã ủng hộ mạnh mẽ việc phát triển dân chủ trong những năm đầu thập niên 1990, đã quay lưng lại với Thaksin và ủng hộ một cuộc đảo chính quân sự buộc ông từ bỏ quyền lực vào năm 2006. Ông bị buộc tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực, và đã lưu vong kể từ đó. Thái Lan sau đó phân cực rõ nét giữa một bên Áo đỏ ủng hộ ông Thaksin và tầng lớp trung lưu Áo vàng, và chứng kiến một chính quyền dân cử bị đảo chính vào năm 2014.4

Một trường hợp tương tự là Trung Quốc. Quy mô giai cấp trung lưu Trung Quốc năm 2014 phụ thuộc hiển nhiên vào định nghĩa, nhưng ước tính có lẽ khoảng 300-400 triệu người trong khoảng 1,3 tỉ dân. Tầng lớp trung lưu mới này thường chống lại ‘chính quyền độc tài’ – họ là những người trên Sina Weibo (Twitter của Trung Quốc) và có khả năng chỉ trích hay công khai những sai trái của chính phủ. Dữ liệu điều tra từ các nguồn như AsiaBarometer cho thấy có sự ủng hộ rộng rãi về dân chủ ở Trung Quốc, nhưng khi được hỏi về nội dung cụ thể của dân chủ, nhiều người trả lời gắn dân chủ hoặc với tự do cá nhân lớn hơn hoặc với một chính phủ đáp ứng nhu cầu của họ. Nhiều người tin rằng chính phủ Trung Quốc hiện nay đã đáp ứng những thứ đó cho họ, và vì thế, và không phản đối hệ thống. Tầng lớp trung lưu Trung Quốc ít thể hiện sự ủng hộ cho sự chuyển đổi ngắn hạn sang nền dân chủ đa đảng với phổ thông đầu phiếu.

Các trường hợp ở Thái Lan và Trung Quốc, cũng như những trường hợp ở châu Âu thế kỷ XIX, cho thấy quy mô của tầng lớp trung lưu so với phần còn lại của xã hội là một biến số quan trọng để xác định nó sẽ ứng xử như thế nào về mặt chính trị. Khi tầng lớp trung lưu chỉ chiếm 20-30% dân số, tầng lớp này có thể sát cánh cùng các lực lượng chống dân chủ vì họ sợ những ý định của tầng lớp dân nghèo đông đảo bên dưới họ và các chính sách dân túy mà những người nghèo theo đuổi. Nhưng khi giai cấp trung lưu trở thành lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, mối nguy kia sẽ giảm. Thật vậy, tầng lớp trung lưu tại thời điểm này có thể bỏ phiếu cho các chính sách phúc lợi nhà nước và hưởng lợi từ nền dân chủ. Điều này có thể giúp giải thích tại sao nền dân chủ trở nên ổn định ở mức thu nhập cao hơn, vì quy mô của tầng lớp trung lưu so với người nghèo tăng lên khi đất nước giàu có hơn. Các xã hội trung lưu là nền tảng chắc chắn cho nền dân chủ.

Vào những thập niên đầu sau chiến tranh thế giới II, các xã hội như thế xuất hiện ở châu Âu, và dần dần đã lan sang các khu vực khác của thế giới. Làn sóng dân chủ hóa thứ ba không phải được “gây ra” bởi sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu, vì nhiều quá trình chuyển đổi dân chủ xảy ra ở các nước – như những nước ở tiểu vùng Sahara châu Phi –  không có một tầng lớp trung lưu đáng kể tại thời điểm đó. Sự lây lan, sự bắt trước, và sự thất bại của các chế độ độc tài hiện hành là những nhân tố quan trọng kích hoạt quá trình chuyển đổi dân chủ. Nhưng khả năng để củng cố một nền dân chủ tự do sẽ lớn hơn ở các nước có tầng lớp trung lưu lớn, tương phản với những nước trong đó mà tầng lớp trung lưu tương đối nhỏ và bị kẹp giữa lớp giới tinh hoa và đa số người dân nghèo khổ. Tây Ban Nha, đất nước mở đầu làn sóng thứ ba, vốn đã biến đổi từ một xã hội nông nghiệp lạc hậu vào thời điểm nội chiến trong những năm 1930 đã trở thành một xã hội hiện đại hơn rất nhiều vào những năm 1970. Do được vây quanh bởi các nền dân chủ thành công trong Liên minh châu Âu, Tây Ban Nha đã dễ dàng hoàn tất quá trình chuyển đổi mà nó không thể trong thế hệ trước đó.

Có thể thấy những triển vọng về nền dân chủ toàn cầu vẫn rất tốt, mặc dù xuất hiện những suy thoái trong những năm đầu thế kỷ XXI.5 Một báo cáo của Viện Liên minh châu Âu dự đoán rằng số người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ tăng từ 1,8 tỷ (2009) lên 3,2 tỉ người (2020), và 4,9 tỷ (2030) – trên tổng dân số toàn cầu dự tính là 8,3 tỷ người.6 Phần lớn sự gia tăng này được dự báo là ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng điều đó sẽ không loại trừ sự tham gia vào xu hướng này ở các vùng khác trên thế giới.

Một mình tăng trưởng kinh tế không đủ tạo ra sự ổn định cho nền dân chủ nếu nó không được san sẻ rộng rãi. Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của xã hội Trung Quốc ngày nay là sự gia tăng nhanh chóng sự bất bình đẳng thu nhập kể từ giữa những năm 1990, và đến năm 2012 đã đạt đến mức của các nước Mỹ Latinh.7 Bản thân Mỹ Latinh đã đạt mức thu nhập trung bình trước Đông Á, nhưng liên tục bị cản trở bởi mức độ bất bình đẳng cao và các chính sách dân túy do sự bất bình đẳng này tạo ra. Tuy nhiên, một trong những sự phát triển hứa hẹn nhất của khu vực là sự sụt giảm bất bình đẳng thu nhập đáng kể  trong những thập niên 2000, theo như tài liệu đưa ra của nhà kinh tế Luis Felipe López-Calva và Nora Lustig.8 Có những thành tựu quan trọng đối với tầng lớp Trung lưu ở Mỹ Latin. Vào năm 2002, 44% dân số khu vực được xếp vào dạng nghèo đói ; song đã giảm xuống còn 32 % theo Ủy ban Kinh tế của Liên Hiệp Quốc cho Mỹ latin.9 Người ta không hoàn toàn hiểu rõ nguyên nhân khiến sự bất bình đẳng giảm đi, nhưng một phần nào đó là do các chính sách xã hội như chương trình giao tiền có điều kiện, vốn phân phối có chủ đích cho người nghèo.

GIAI CẤP TRUNG LƯU VÀ CHỦ NGHĨA BẢO TRỢ

Khi có một giai cấp trung lưu lớn có thể tạo ra những ảnh hưởng quan trọng đối với thực tiễn của chủ nghĩa bảo trợ và các hình thức tham nhũng chính trị đi cùng với nó. Tôi đã lập luận trước đó rằng chủ nghĩa bảo trợ là hình thức sơ khai của dân chủ : trong các xã hội với đa số người nghèo và các cử tri có nền học vấn thấp, thì hình thức dễ dàng nhất để huy động cử tri thường là các chính sách mang lại các lợi ích cá nhân như việc làm trong cơ quan nhà nước, của bố thí, hay các ân huệ chính trị. Điều này gợi ý rằng chủ nghĩa bảo trợ sẽ yếu đi khi các cử tri trở nên giàu có hơn. Không chỉ các chính trị gia sẽ tốn kém hơn để mua chuộc cử tri, mà cử tri con thấy rằng lợi ích của họ gắn liền với các chính sách công hơn là các lợi ích cá nhân đến từ bảo trợ.

Cải cách dịch vụ dân sự, nơi đâu mà nó xảy ra, thường đi cùng với sự ủng hộ của một tầng lớp trung lưu đang lên. Chúng ta đã thấy ở Chương 8 các cải cách Northcote-Trevelyan ở Anh mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu mới ở Anh như thế nào, những người đã tách chính họ khỏi các mạng lưới bảo trợ của giới quy tộc cũ. Một tầng lớp trung lưu được tạo ra do sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hầu như chắc chắn ủng hộ chính sách nhân tài. Tương tự, ở Mỹ phong trào cải cách dịch vụ dân sự trong Thời Kỳ Tiến bộ được thúc đẩy bởi các nhóm trung lưu vốn đứng ngoài các hệ thống bảo trợ hiện hành. Những người có học, thường là các doanh nhân Tin lành, các luật gia, và giới hàn lâm thường coi thường các chính trị gia, những người đang huy động các cử tri nhập cư ở các thành phố đang phát triển của đất nước. Ngoài ra, các thương nhân và các nhà công nghiệp cần một nền công vụ tốt cung cấp các dịch vụ ngày càng phức tạp. Các phong trào chống tham nhũng hiện nay ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Brazil tất cả thành viên chủ yếu đến từ giới trung lưu.

Tuy nhiên, không phải lúc nào tầng lớp trung lưu trong nền dân chủ cũng ủng hộ chính quyền trong sạch và chấm dứt nền chính trị bảo trợ. Các tác nhân xã hội mới hoàn toàn có thể được tuyển mộ vào trong hệ thống bảo trợ hiện hành và thu lợi từ hệ thống đó. Ở Mỹ, ngành đường sắt – ví dụ điển hình về sự hiện đại hóa kỹ nghệ trong thế kỷ 19 – nhanh chóng học cách mua các chính trị gia và thao túng hệ thống bảo trợ để mang lại lợi ích cho mình. Nhiều cơ quan lập pháp trong bang phía tây được cho là nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm lợi ích đường sắt. Thực vậy, chính khả năng của ngành đường sắt trong chò trơi chính trị này là lý do khiến các nhóm nông nghiệp như các nông dân ở vùng trung tây sẵn sàng gia nhập liên minh Tiến bộ để thúc đẩy sự cải cách dịch vụ dân sự.

Do đó, khi kinh tế phát triển, có một cuộc đua giữa các nhóm lợi ích khác nhau để tuyển mộ tầng lớp trung lưu mới xuất hiện vào phe của họ. Các chính trị gia bảo trợ kiểu cũ thường thích mở rộng sự bố thí của họ đến những người ủng hộ thuộc tầng lớp trung lưu. Trong một nền dân chủ, sự sẵn lòng ủng hộ phía cải cách trong cuộc chiến này sẽ phụ thuộc vào số lượng, cảm nhận của tầng lớp trung lưu về an ninh kinh tế, và địa vị xã hội của họ. Nếu họ cảm thấy bị loại bỏ, và không được thừa nhận bởi những người trên họ, như ở Anh, hoặc bởi những người bên dưới họ, như ở Mỹ, nhiều khả năng sẽ hướng sự phẫn nộ tới việc thúc đẩy cải cách hoặc lật đổ hệ thống bảo trợ hiện hành.

TƯƠNG LAI CỦA NỀN DÂN CHỦ

Sự tồn tại của một tầng lớp trung lưu lớn không phải là điều kiện cần và đủ để mang lại nền dân chủ tự do. Nhưng lại rất hữu ích trong việc duy trì nó. Upitoa Cộng sản của Marx đã không thể hiện thực hóa ở các nước phát triển bởi vì giai cấp vô sản toàn cầu đã biến thành một giai cấp trung lưu toàn cầu. Ở các nước đang phát triển, giai cấp trung lưu mới đã củng cố dân chủ ở Indonesia, Turkey, và Brazil, và hứa hẹn lật đổ chế độ độc tài ở Trung Quốc. Nhưng điều gì sẽ xảy ra với nền dân chủ tự do nếu giai cấp trung lưu trở lên nhỏ lại?

Thật không may có rất nhiều bằng chứng cho thấy quá trình này đang bắt đầu diễn ra ở các nước phát triển, nơi mà bất bình đẳng thu nhập đã gia tăng rất lớn từ những năm 1980. Đặc biệt là ở Mỹ, nơi mà 1% các gia đình giàu có nhất chiếm 9% GDP vào năm 1970 và tăng lên đến 23,5% vào năm 2007. Thực tế rằng quá nhiều tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này chỉ có lợi cho một số ít người đã dẫn đến suy giảm thu nhập của giai cấp trung lưu từ những năm 1970.10

Ở Mỹ và nhiều nước khác, sự suy giảm này bị che mờ bởi nhiều yếu tố khác. Cùng giai đoạn này thì có một số lượng lớn phụ nữ đi làm, dẫn đến làm gia tăng thu nhập gia đình, song thực thế thì lương của lao động nam giảm đi. Ngoài ra, các chính trị gia trên toàn thế giới xem tín dụng giá rẻ, hoặc trợ cấp là công cụ cho sự tái phân phối thu nhập, dẫn tới sự bùng nổ nhà ở do nhà nước bảo trợ. Khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009 là hệ quả của quá trình này.11

Có một số nguyên nhân của sự gia tăng bất bình đẳng này, và chỉ một số trong đó nằm dưới sự kiểm soát thông qua các chính sách công. Một nguyên nhân thường được trích dẫn nhất là toàn cầu hóa – thực tế rằng chi phí vận tải và truyền thông thấp hơn đã làm gia tăng thêm hàng trăm triệu lao động kỹ năng thấp vào thị trường lao động toàn cầu – dẫn đến giảm lương đối với các công việc có kỹ năng tương tự ở các nước phát triển.

Khi chi phí lao động ở Trung Quốc và các nước đang phát triển khác tăng lên, một lượng sản xuất nhất định sẽ bắt đầu được đưa trở lại Mỹ và các nước phát triển khác. Nhưng điều này xảy ra một phần bởi vì chi phí lao động, vốn là tỷ lệ với tổng chi phí sản xuất, ngày càng giảm bớt do sự gia tăng tự động hóa. Điều này đồng nghĩa rằng sự khôi phục sản suất ở các nước phát triển không có khả năng mang lại một số lượng lớn công việc của giai cấp trung lưu vốn đã bị mất đi trong quá trình phi công nghiệp.

Điều này được thúc đẩy hơn nữa bởi tiến bộ công nghệ, vốn là cơ sở cho toàn cầu hóa. Trong nhiều thập kỉ qua, công nghệ liên tục thay thế con người, điều mà trong thế kỉ 19 đã mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho giới tinh hoa mà còn cho quảng đại người dân trong các nước đang trải qua quá trình công nghiệp hóa. Những đổi mới công nghệ lớn trong giai đoạn này tạo ra một số lượng lớn công việc kỹ năng thấp trong các ngành công nghiệp như than, sắt thép, hóa học, sản xuất, và xây dựng. Những người thủ cựu, vốn phản đối thay đổi kỹ nghệ, chứng tỏ đã sai, khi mà các công việc mới, lương cao mở ra thay thế cho các công việc mà họ bị mất. Phát minh hệ thống sản xuất của Henry Ford trong ngành công nghiệp ô tô đã giảm bớt kỹ năng lao động, với việc gia tính tự động, phân chia các công đoạn phức tạp thành các bước đơn giản lặp đi lặp lại mà một người có giáo dục trung bình có thể làm được. Đây là một trật tự kinh tế đã thúc đẩy sự đi lên của giai cấp trung lưu và nền chính trị dân chủ vốn dựa trên nó.

Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây về thông tin và truyền thông đã tạo ra một ảnh hưởng rất khác. Tự động hóa làm mất đi một số lượng lớn các công việc kỹ năng thấp, và với việc máy móc ngày càng thông minh hơn đã lấy đi các công việc được thực hiện trước kia bởi các công nhân thuộc tầng lớp trung lưu.12 Các công việc kỹ năng thấp bị phá hủy trong quá trình này được thay thế bởi các công việc mới, thu nhập cao hơn, giống như trước đó. Tuy nhiên, các yêu cầu kỹ năng, và số lượng các cộng việc như vậy rất khác với thời đại của Ford.

Luôn có sự bất bình đẳng như là kết quả của sự khác biệt về tài năng và tính cách. Nhưng thế giới kỹ nghệ ngày nay đã phóng đại những khác biệt này. Trong xã hội nông nghiệp thế kỉ 19, những người với kỹ năng toán học tốt không có nhiều cơ hội để tận dụng tài năng của họ. Ngày nay, học có thể trở thành chuyên gia tài chính, kỹ sư phần mềm, và chiếm một tỷ lệ lớn hơn bao giờ hết trong sự giàu có quốc gia.

Ngoài ra, kỹ thuật hiện đại đã tạo ra xã hội mà mà Robert  Frank và Philip Cook gọi là ‘kẻ thắng lấy tất’, trong đó thu nhập ngày càng tập trung vào một số ít thành viên chóp bu trong mọi lĩnh vực, dù là CEO, bác sĩ, nhà khoa học, nhạc sĩ, vận động viên. Trong thời mà thị trường cho các kỹ năng như vậy bị giới hạn do chi phí truyền thông và vận tải cao, thì có vô số cơ hội mở ra cho những người ở cấp độ thấp hơn, bởi vì đa số khách hàng không thể tiếp cận với những thứ tốt nhất trong những thứ tốt nhất. Nhưng ngày nay, bất cứ ai có thể xem buổi trình diễn bởi Metropolitan Opera hoặc Royal Ballet trên các màn hình chất lượng cao, điều mà sẽ thích hơn trong các rạp hát địa phương.

LUẬN ĐIỂM MALTHUS SỐNG LẠI

Essay on the Principle of  Population của Thomas Malthus có một số phận kém may mắn khi xuất bản vào năm 1798, thời điểm Cách mạng Công nghiệp, và thay đổi công nghệ diễn ra. Dự đoán của ông cho rằng sự phát triển dân số sẽ vượt quá sự gia tăng sản lượng chứng tỏ là sai lầm trong hai thế kỉ sau đó, khi các xã hội thành công trong việc làm giàu ở một mức độ chưa từng đó. Kinh tế học Malthus bị chế giễu, cùng với những người bảo thủ, bị coi là lạc hậu và dốt nát về bản chất của kỹ nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, Malthus không nói rõ giai đoạn nào mà gia tăng dân số vượt quá sản lượng. Các nước phát triển có năng suất lao động cao mới chỉ diễn ra trong khoảng 200 năm trong 50 nghìn năm lịch sử con người. Chúng ta tin rằng các cuộc cách mạng mới tương tự cách mạng về động cơ hơi nước sẽ tiếp tục xuất hiện trong tương lai. Nhưng các quy luật vật lý không đảm bảo các kết quả như vậy. Hoàn toàn có thể là 150 năm đầu tiên Cách mạng Công nghiệp phù hợp với điều mà Tyler Cowen gọi là ‘hoa trái ở thấp’ (mọi người được lợi), và trong khi tiến bộ tiếp tục, mực độ cải thiện thịnh vượng của con người có thể sẽ giảm. Thực vậy, một số luật vật lý cho thấy rằng có một số giới hạn cứng về khả năng của trái đất trong việc duy trì dân số ngày càng tăng với tiêu chuẩn sống cao hơn.

Hơn nữa, ngay cả nếu đổi mới công nghệ tiếp tục xảy ra ở tốc độ cao, không có gì có thể đảm bảo rằng nó sẽ cung cấp một số lượng lớn công việc cho giai cấp trung lưu theo cách như đầu thế kỉ 20. Các công việc và phần thưởng sẽ dành cho những người tạo ra máy móc và những người tìm ra cách sử dụng chúng, những người mà hầu như luôn được giáo dục tốt hơn những người bị mất việc.

Thực vậy, nhiều đổi mới công nghệ dễ thấy thực sự làm so tình hình năng suất tồi tệ hơn bởi vì chúng thuộc lĩnh vực y sinh. Nhiều nhà kinh tế và các chính trị gia thừa nhận rằng các kỹ nghệ mới, mà gia tăng tuổi thọ con người, là một thứ tốt lành không đáng mong muốn. Đúng là với tuổi thọ lớn hơn mà công dân ở các nước phát triển đang có là có lợi về kinh tế ở một mức độ nào đó. Nhưng nhiều công nghệ y sinh đã thành công trong việc kéo dài tuổi thọ quá mức dẫn đến dẫn đến làm giảm chất lượng cuộc sống và làm gia tăng mạnh sự phụ thuộc vào dịch vụ chăm sóc. Trong tất cả các nước phát triển, chi phí chăm sóc cuối đời tăng lên nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, và dần trở thành yếu tố lớn nhất trong chi tiêu của chính phủ.

Không có cách nào có thể dự đoán bản chất của sự thay đổi công nghệ trong tương lai – cả về tỷ lệ nói chung lẫn ảnh hưởng của nó đối với nghề nghiệp của gia cấp trung lưu hay các hệ quả xã hội khác. Tuy nhiên, nếu thay đổi công nghệ không thể tạo ra các lợi ích kinh tế được chia sẻ hơn, hay nếu tỷ lệ chung thấp hơn, thì các xã hội hiện đại có nguy cơ rơi trở lại vào thế giới của Malthus, vốn có những ảnh hưởng lớn đến sức mạnh của nền dân chủ. Trong một thế giới mà tăng trưởng được chia sẻ, sự bất bình đẳng không thể tránh được vốn đi cùng với chủ nghĩa tư bản được chấp nhận về mặt chính trị vì kỳ cùng thì mọi người vẫn được lợi từ đó. Trong thế giới Malthus, cá nhân ở trong quan hệ được – thua, một người được thì đồng nghĩa với người kia thua. Trong hoàn cảnh đó, cướp bóc trở thành chiến lược hữu hình cho sự làm giàu cũng giống như đầu tư vào các hoạt động kinh tế – đây là hoàn cảnh mà xã hội con người trải qua trong hầu hết lịch sử trước khi xảy ra Cách mạng Công nghiệp.

ĐIỀU CHỈNH

Trong tác phẩm The Great Transformation, Karl Polanyi cho rằng có một sự ‘chuyển dịch kép’ trong đó nền kinh tế tư bản tiếp tục tạo ra sự thay đổi phá hủy và các xã hội nỗ lực để điều chỉnh theo sự thay đổi đó. Các chính phủ thường xuyên tham dự vào quá trình điều chỉnh vì thị trường và cá nhân không thể đối phó với các hệ quả của thay đổi công nghệ. Do đó, các chính sách công phải được tính đến vì số phận của các xã hội trung lưu.

Trong các quốc gia phát triển, có đa dạng phản ứng với thách thức của toàn cầu hóa và thay đổi kỹ nghệ. Ở cuối của phổ phản ứng là Mỹ và Anh, nơi mà chính phủ của nó cung cấp sự điều chỉnh tối thiểu cho các cộng đồng đối mặt với sự phi công nghiệp hóa ngoài sự hỗ trợ thất nghiệp tạm thời. Thực vậy, cả chính quyền và chuyên gia và báo giới đều tích cực điều chỉnh theo sự chuyển đối sang thế giới hậu công nghiệp, với các chính sách công hỗ trợ việc bãi bỏ các quy định và tư nhân hóa trong nước cũng như thúc đẩy tự do thương mại và mở rộng đầu tư ở nước ngoài. Đặc biệt là ở Mỹ, các chính trị gia can thiệp làm suy yếu quyền lực của liên đoàn thương mại và gia tăng sự linh hoạt của thị trường lao động. Các cá nhân được tư vấn để thích ứng với những thay đổi mang tính phá hủy này và họ sẽ phải tìm kiếm các cơ hội tốt hơn như những người công nhân tri thức thực hiện các công việc sáng tạo và thú vị trong nền kinh tế mới.

Pháp và Ý đứng ở đầu kia của phổ phản ứng, tìm cách bảo vệ công việc của giai cấp trung lưu thông qua áp đặt vô số các quy tắc lên các công ty trong việc sa thải lao động. Với việc không thừa nhận sự cần thiết của việc điều chỉnh các quy tắc việc làm và điều kiện lao động, họ ngăn chặn sự mất việc trong ngắn hạn trong khi giảm bớt sự cạnh tranh với các quốc gia khác về dài hạn. Giống như Mỹ, họ có các quan hệ lao động – quản lý có sự đối kháng tương đối cao, nhưng trong khi người chủ thường trở thành giới chóp bu trong thế giới Anglo – Saxon, thì ở Châu âu Latin người lao động đã bảo vệ đặc lợi của mình tốt hơn nhiều.

Các nước vượt qua cuộc khủng hoảng 2008-2009 thành công nhất là Đức và các nước Scandinava vốn đi con đường trung gian giữa cách tiếp cận laissez-faire của Anh và Mỹ, và hệ thống quy định cứng nhắc của Pháp và Đức. Hệ thống quản lý – lao động nghiệp đoàn của họ đã tạo ra đủ niềm tin đến nỗi liên đoàn sẵn sàng cho phép các công ty linh hoạt hơn trong việc sa thải lao động, đổi lại cho các lợi ích cao hơn và việc tái đào tạo nghề nghiệp.

Tương lai của dân chủ trong các nước phát triển sẽ phụ thuộc vào khả năng của nó để giải quyết vấn đề về một tầng lớp trung lưu ngày càng giảm bớt. Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính có một sự gia tăng các nhóm dân túy mới từ Đảng Tea ở Mỹ cho tới các đảng chống EU, chống nhập cư ở Châu Âu. Điều thống nhất tất cả họ là niềm tin cho rằng giới tinh hoa ở các nước của họ đã phản bộ họ. Và ở một góc độ nào đó, điều này là chính xác: giới tinh hoa, vốn tạo ra môi trường văn hóa và tư tưởng trong các nước phát triển, là tác nhân cho sự tụt giảm của tầng lớp trung lưu. Có một khoảng trống trong những cách tiếp cận mới với vấn đề, vốn không đơn giản là quay trở lại với giải pháp nhà nước phúc lợi trong quá khứ.

Cách tiếp cận đúng với vấn đề tụt giảm của giai cấp trung lưu không nhất thiết là hệ thống hiện tại của Đức hay bất cứ tập hợp các biện pháp cụ thể nào. Giải pháp lâu dài duy nhất sẽ là một hệ thống giáo dục mà thành công trong việc nâng đa số công dân tới một mức độ giáo dục và kỹ năng cao hơn. Khả năng giúp các công dân điều chỉnh một cách linh hoạt đối với các điều kiện đang thay đổi của công việc đòi hỏi nhà nước và các thiết chế tư nhân có sự linh hoạt tương tự. Tuy nhiên một trong những đặc điểm của nền dân chủ hiện đại là chúng tích lũy nhiều sự cứng nhắc theo thời gian khiến cho sự thích nghi của thiết chế ngày càng khó. Trong thực tế, tất cả các hệ thống chính trị – quá khứ hay hiện tại – có thể suy tàn. Thực tế là một hệ thống từng thành công trong quá khứ và là nền dân chủ tự do ổn định không có nghĩa rằng nó sẽ vẫn còn như vậy vĩnh viễn.

Và vấn đề suy tàn chính trị này sẽ là chủ đề tiếp theo trong phần cuối cùng của cuốn sách.

 

Chú thích

  1. This chapter expands on Francis Fukuyama, “The Future of History,” Foreign Affairs 91, no. 1 (2012): 53–61.
  2. Gellner, Nations and Nationalism, p. 124. Gellner also makes this argument in Culture, Identity, and Politics. See also Fukuyama, “Identity, Immigration, and Liberal Democracy.”
  3. See The Global Middle Class (Washington, D.C.: Pew Research Global Attitudes Project, 2009); Ronald Inglehart, Modernization and Postmodernization: Cultural, Economic, and Political Change in 43 Societies (Princeton: Princeton University Press, 1997); and Inglehart and Christian Welzel, Modernization, Cultural Change, and Democracy: The Human Development Sequence (New York: Cambridge University Press, 2005); William Easterly, The Middle Class Consensus and Economic Development (Washington, D.C.: World Bank Policy Research Paper No. 2346, 2000); Luis F. López-Calva et al., Is There Such a Thing as Middle-Class Values? Class Differences, Values, and Political Orientations in Latin America (Washington, D.C.: Center for Global Development Working Paper No. 286, 2012).
  4. See Thitinan Pongsudhirak, “Thailand’s Uneasy Passage,” Journal of Democracy 23, no. 2 (2012): 47–61.
  5. Dominic Wilson and Raluca Dragusanu, The Expanding Middle: The Exploding World Middle Class and Falling Global Inequality (New York: Goldman Sachs Global Economics Paper No. 170, 2008), p. 4.
  6. European Union Institute for Security Studies, Global Trends 2030 -Citizens in an Interconnected and Polycentric World (Paris: EUISS, 2012), p. 28.
  7. China’s Gini index was 42.5 in 2005 (World Bank).
  8. López-Calva and Lustig, Declining Inequality in Latin America.
  9. This figure quoted in Francesca Castellani and Gwenn Parent, Being “Middle Class” in Latin America (Paris: OECD Development Centre Working Paper No. 305, 2011), p. 9.
  10. Thomas Piketty and Emmanuel Saez, “Income Inequality in the United States, 1913–1998,” Quarterly Journal of Economics 118, no. 1 (2003): 1–39; see also Jacob S. Hacker and Paul Pierson, “Winner-Take-All Politics: Public Policy, Political Organization, and the Precipitous Rise of Top Incomes in the United States,” Politics and Society 38, no. 2 (2010): 152–204; Hacker and Pierson, Winner-Take-All Politics: How Washington Made the Rich Richer—and Turned Its Back on the Middle Class (New York: Simon & Schuster, 2010).
  11. See Raghuram G. Rajan, Fault Lines: How Hidden Fractures Still Threaten the World Economy (Princeton: Princeton University Press, 2010).
  12. See Erik Brynjolfsson and Andrew McAfee, The Second Machine Age: Work, Progress, and Prosperity in a Time of Brilliant Technologies (New York: Norton, 2014).
  13. Robert H. Frank and Philip J. Cook, The Winner-Take-All Society (New York: Free Press, 1995).
  14. See Fukuyama, Origins of Political Order, pp. 460–68.
  15. I discuss the social and political consequences of life extension in Our Posthuman Future: Consequences of the Biotechnology Revolution (New York: Farrar, Straus and Giroux, 2002), pp. 57–71.
  16. Karl Polanyi, The Great Transformation (New York: Rinehart, 1944).

Nguồn: The Middle Class And Democracy’s Future (Giai cấp trung lưu và tương lai của nền dân chủ; bản dịch của Nguyễn Vân Anh). Political Order and Political Decay: From the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy. Farrar, Straus and Giroux. Sản phẩm do nhóm Tinh Thần Khai Minh chủ trương chuyển ngữ.