Slideshow “Alexis de Tocquville – Nền Dân trị Mỹ”

Tải Slideshow “Alexis de Tocquville – Nền Dân trị Mỹ” tại đây:

 

Alexis De Tocqueville (1805 – 1859) sinh ra trong một gia đình quý tộc người Pháp, tuy nhiên ở Mỹ từ lâu ông đã trở thành một huyền thoại, một thần tượng, vì được xem là đã hiểu nước Mỹ hơn cả người Mỹ. Tác phẩm “Nền dân trị Mỹ” của ông (Bao gồm hai tập: Tập 1 được viết vào năm 1835, tập 2 viết vào năm 1840) – bên cạnh bản Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ – được tôn thờ gần như là một thứ “Tôn giáo chính trị”. Ở châu Âu, tuy tên tuổi và tác phẩm của ông ít phổ biến hơn so với ở Mỹ, ông vẫn thường được khen là “Montesquieu của thế kỷ XIX”, và trong mọi cuộc thảo luận về nền chính trị học hiện đại, ông vẫn được xem trọng bên cạnh các tên tuổi lớn của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX như: John Stuart, Karl Max, Auguste Comte, Max Weber…

Với những nghiên cứu sâu sắc về nền dân trị, Tocqueville đã phát hiện ra rằng: nền dân trị là hình thức xã hội duy nhất khả hữu của thời hiện đại. Nếu các nhà tư tưởng thế kỷ XVIII còn xem nền dân trị là một hình thức cai trị bên cạnh các hình thức khác hoặc như một hoài niệm về nền dân trị cổ đại, thì Tocqueville hiểu nền dân trị trước hết là một hiện tượng xã hội phổ biến. Đặc điểm khu biệt của xã hội dân chủ là sự bình đẳng của những điều kiện – được hiểu như là một tiến trình bảo đảm cương vị công dân và sự bình đẳng về cơ hội cho mọi người. Một cách logic, chủ quyền của nhân dân và sự bình đẳng về các quyền chính trị là thuộc về “loại hình lý tưởng” của một thể chế chính trị dân chủ. Với cách tiếp cận ấy, nhất là với sự phân biệt giữa lĩnh vực xã hội và lĩnh vực chính trị, Tocqueville có căn cứ để nhận diện và xác định thuộc tính “dân chủ” cho cộng đồng nào đảm bảo được quyền tham gia công khai, không hạn chế của mọi công dân vào các vị trí kinh tế xã hội và chính trị. Như thế, dân trị là “khái niệm giới hạn” để phân biệt với các hình thức cai trị khác trong lịch sử.

Tuy nhiên, Tocqueville thuộc về những người không tin rằng bản thân nền dân trị có thể giải quyết được hết mọi vấn đề. Ở đây, ông thấy cả mặt sáng lẫn mặt tối, thấy thách thức, nguy cơ lẫn cơ hội. Theo ông, nền dân trị hứa hẹn được những gì cho tương lai là tùy thuộc vào yếu tố quyết định: tinh thần trách nhiệm của các công dân đối với cộng đồng. Từ đó, ông đặt ra hàng loạt vấn đề đang còn nóng bỏng tính thời sự:

– Nên mạnh dạn thực hiện nền dân trị đến đâu?

– Làm sao hợp nhất sự tham gia của toàn dân với thể chế chính trị đại diện?

– Xã hội hiện đại đứng trước nguy cơ nào khi sự thờ ơ, tính phi chính trị và xu hướng quay trở về với cuộc sống riêng tư (ông gọi là “chủ nghĩa cá nhân”) ngày càng gia tăng trong nhân dân?

– Làm sao cân đối được mối quan hệ giữa nhà nước và kinh tế, giữa cá nhân và xã hội: hay nói cách khác, giữa tự do và bình đẳng?

Những câu hỏi này cũng đang là mối bận tâm của nhiều nhà lý luận chính trị hiện nay trên thế giới.

 

Bản xem trước:

slide2
slide3
slide4